Chiếc nhẫn tình cờ - Chương 05
Chiếc nhẫn tình cờ
Ngày đăng 21-12-2015
Tổng cộng 13 hồi
Đánh giá 9.4/10 với 13182 lượt xem
Các hoạt động trong buổi sáng hôm đó là quá nhiều, cho nên đến chiều, tôi thấy mệt. Holmes, đi nghe hòa nhạc một mình còn tôi nằm dài trên chiếc đi-văng, cố chợp mắt lấy một vài tiếng, nhưng không sao ngủ được. Trí óc tôi bị kích thích quá mạnh vì những sự Việc đã diễn ra và chứa đầy những giả thiết, những điều tưởng tượng kỳ quái nhất.
Càng nghĩ, tôi càng thấy giả thiết của Holmes cho rằng nạn nhân đã bị đầu độc là kỳ quái. Nhưng nếu nạn nhân không phải chết vì thuốc độc thì vì cái gì, bởi lẽ trên cơ thể không có một thương tích nào cả. Và máu trên sàn là máu của ai? Chừng nào những câu hỏi ấy chưa được giải đáp, tôi cảm thấy giấc ngủ khó mà đến được.
Holmes vắng nhà khá lâu. Anh không thể nào ở nơi hòa nhạc tất cả ngần ấy thời gian. Bữa ăn tối dọn ra xong, anh mới về.
-Thật là kỳ thú -Holmes vừa nói vừa ngồi vào bàn ăn -Darwin cho rằng khả năng tạo ra âm nhạc và thưởng thức âm nhạc đã tồn tại ở con người từ lâu, trước khi con người biết nói. Có thể vì lẽ ấy mà ngày nay chúng ta chịu ảnh hưởng êm ái của âm nhạc. Trong tâm hồn chúng ta còn lưu lại những ký ức mơ hồ về những thời kỳ mông muội ấy.
-Đó là một tư tưởng rất vĩ đại -Tôi nhận xét.
-Tư tưởng của chúng ra phải vĩ đại ngang tầm với tự nhiên khi ta muốn tìm hiểu tự nhiên. Nhưng sao thế?
-Vụ án mạng là anh bồn chồn à?
-Đúng thế.
-Tôi hiểu tâm trạng anh. Trong vụ này có một khía cạnh bí ẩn nó kích thích trí tưởng tượng. Khi mà trí tưởng tượng không bị kích thích thì ta không thấy khủng khiếp. Anh đã đọc báo buổi chiều chưa?
-Chưa.
-Bài tường thuật không kể Lại chi tiết khi người ta nhất xác nạn nhân lên thì có một chiếc nhẫn rơi ra. Không nói đến chiếc nhẫn càng hay.
-Vì sao?
-Anh hãy đọc lời nhắn tin này. Sáng nay tôi đã gửi đăng trên các báo, ở mục “Của rơi”: “Đã nhặt được một chiếc nhẫn cưới trên đường Brixton, đoạn từ quán rượu “CON HƯƠU TRẮNG” đến góc phố Holland Grove. Ai đánh rơi, mời đến gặp bác sỹ Watson ở số nhà 221B, phố Baker nhận về, từ tám giờ đến chín giờ tối nay.
-Tôi xin lỗi đã mượn tên anh. Nếu dùng tên tôi thì thế nào một trong hai tên ngốc kia cũng nhận ra và lại dính vào đây.
-Không sao cả. Nhưng nhỡ có ai đến, tôi lại không có chiếc nhẫn nào.
-Ồ, có chứ, nhẫn đây! Holmes đưa cho tôi một chiếc nhẫn. Chiếc nhẫn này được đấy chứ, giống chiếc kia như in.
-Ai sẽ đến xin lại của rơi này?
-Còn ai vào đây! Kẻ mặc chiếc áo khoác ngoài màu nâu, có bộ mặt đỏ đi giày mũi vuông. Nếu hắn không đích thân đến thì hắn sẽ phái một tên đồng lõa.
-Liệu hắn có cho là quá nguy hiểm không?
-Không đâu! Con người ấy dám liều mọi chuyện hơn là để mất chiếc nhẫn. Theo tôi, hắn đã đánh rơi chiếc nhẫn khi cúi xuống trên xác nạn nhân. Lúc ra khỏi nhà, hắn thấy mất chiếc nhẫn nên vội vã quay lại, nhưng lúc ấy cảnh sát đã tới vì hắn vô ý để ngọn nến vẫn cháy. Lúc bấy giờ hắn đã phải giả vờ say để đánh tan mọi nghi ngờ do sự Có mặt của hắn. Hắn cho rằng mình đã đánh rơi chiếc nhẫn sau khi ra khỏi nhà. Trong trường hợp đó, hắn sẽ làm gì? Hắn sẽ hối hả tìm đọc các mục đăng “CỦA RƠI”. Hắn sẽ mừng lắm. Việc gì hắn phải sợ bị bẫy. Hắn sẽ đến cho mà xem. Trong vòng một giờ nữa.
-Rồi sao nữa?
-Ồ, khi ấy, anh có thể để mặc tôi với hắn. Anh có súng đấy không?
-Tôi còn giữ khẩu súng ngắn với mấy viên đạn.
-Anh nên lau chùi và nạp đạn vào. Ta sẽ gặp một con người rất liều mạng.
Tôi về phòng riêng và làm theo lời khuyên của Holmes. Khi trở lại với khẩu súng, tôi thấy bàn ăn đã được dọn sạch và Holmes đang bận với môn giải trí ưa thích của mình: gảy dây đàn vĩ cầm. Thấy tôi vào, anh nói:
-Câu chuyện thêm nhiều chi tiết đậm đà. Tôi vừa mới nhận được điện trả lời từ Mỹ. Cách nhìn nhận vấn đề của tôi đã được xác nhận là đúng.
-Cụ thể là...? Tôi sốt sắng hỏi.
-Cất súng đi. Khi nhân vật của chúng ta xuất hiện, anh hãy nói chuyện với hắn một cách bình thường và để mặc tôi xử sự. Đừng làm hắn hoảng lên bằng những lời quá gay gắt.
-Bây giờ đã 8 giờ rồi.
-Được, hắn sẽ tới trong vài phút nữa. Anh hé mở cánh cửa một chút. Thế được rồi. Bây giờ anh tra chìa khóa vào ổ khóa trong đi. Cám ơn! A! Nhân vật của chúng ta đến kia rồi.
Trong lúc anh nói, tôi nghe tiếng chuông giật mạnh. Holmes nhẹ nhàng đứng dậy, kê lại ghế của mình gần cửa. Có tiếng chân người hầu vang lên trong phòng tiền sảnh, tiếng chìa khóa vặn trong ổ khóa và tiếng cửa mở.
Một giọng thanh thanh nhưng khá rắn rỏi:
-Đây có phải là nhà bác sỹ Watson không?
Chúng tôi không nghe thấy câu trả lời của người hầu, nhưng cánh cửa khép lại và có người bước lên cầu thang. Bước chân ngập ngừng, dè dặt. Holmes lắng tai nghe, có vẻ hơi ngạc nhiên. Có ai đó bước chậm chạp ngoài hành lang rỗi gõ cửa khe khẽ.
-Mời vào! Tôi hét to.
Sau lời mời của tôi, một bà cụ rất già, da nhăn nheo, bước vào. Bà cụ hình như bị chói mắt vì ánh sáng trong phòng. Bà cúi đầu xuống chào rồi cứ đứng nhìn chúng tôi với con mắt hấp háy đầy ghèn, bàn tay run rẩy lục tìm cái gì trong túi. Tôi liếc nhanh nhìn Holmes. Nét mặt anh biểu lộ một vẻ thất vọng. Bà lão rút trong túi ra một tờ báo:
-Thưa các ông quý hóa, tôi đọc được mẩu tin này trên báo nên mới đến- Bà lão lại cúi chào một lần nữa- Đó là chiếc nhẫn của con gái tôi, tên nó là Sally, nó lấy chồng cách đây một năm và chồng nó hiện đang làm việc trên tàu thủy. Chồng nó sẽ nói sao khi về thấy vợ không còn chiếc nhẫn cưới nữa. Thằng đó vốn là một đứa không thuần tính, nhất là khi rượu vào. Thưa hai ông, con gái tôi tối qua nó đi xem xiếc với...
-Đây có phải là chiếc nhẫn của cô ấy không? Tôi hỏi và đưa chiếc nhẫn ra.
-Xin tạ ơn chúa! Tối nay, con Sally sẽ mừng lắm đấy. Đúng là chiếc nhẫn của nó.
-Nhà cụ ở đâu? Tôi hỏi và cầm lấy bút chì.
-Số 13 phố Duncan khu Houndsditch. Xa đây lắm và đi mệt lắm.
Giọng Holmes đanh lại:
-Không có rạp xiếc nào từ Brixton đến khu Houndsditch cả.
Bà cụ quay sang Holmes, nhìn chằm chằm:
-Ông này hỏi nhà tôi. Còn nhà Sally thì ở số 3 khu Mayfield đường Peckham.
-Tên cụ là gì?
-Tên tôi là Sawyer, chồng nó là Dennis, Tom Dennis, một đứa nhanh nhẹn và khá ngoan khi ở biển, ai nấy đều quý hóa. Nhưng khi nó lên bờ thì ôi dào, rượu chè, trai gái
-Cụ Sawyer -Tôi ngắt lời bà cụ khi thấy Holmes ra hiệu. Chiếc nhẫn này đúng là của con gái cụ, tôi rất vui lòng trả lại cho chủ của nó.
Lầm bầm mãi những lời cảm ơn và chúc tụng, bà cụ cất chiếc nhẫn vào trong túi rồi lại lê chân bước xuống thang gác.
Holmes lao vội về buồng anh khi bà cụ vừa ra khỏi phòng. Vài giây sau, anh trở lại, người trùm trong chiếc áo măng-tô lớn và một cái khăn quàng kín cổ kín mũi.
-Tôi đi theo bà lão đấy. Anh chờ tôi ở nhà nhé.
Cổng nhà vừa khép lại sau lưng người khách già thì Holmes đã xuống hết cầu thang. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy bà già đang bước chầm chậm qua đường và bạn tôi ở cách đó không xa
Lúc Holmes đi, kim đồng hồ chỉ 9 giờ tối. Tôi ngồi hút thuốc và đọc sách. Chuông đồng hồ điểm 10 giờ, tôi nghe tiếng chân những người hầu gái đi ngủ. Mười một giờ, đến lượt tiếng chân rắn rỏi hơn của bà chủ nhà lên giường. Gần nửa đêm thì có tiếng mở khóa cửa. Holmes vừa mới thò đầu vào buồng, tôi đã thấy ngay là hỏng việc. Nét mặt Holmes có vẻ vừa buồn cười vừa bực bội, hai tâm trạng đó hình như vật lộn với nhau cho đến khi vẻ buồn cười thắng thế thì anh bật cười thành tiếng, buông mình xuống chiếc ghế bành, tự giễu mình:
-Giá mà Scotland Yard biết chuyện này, họ sẽ được một trận cười chế nhạo.
-Có chuyện gì vậy?
-Khi đi được một đoạn đường thì mụ già bắt đầu đi khập khiễng, lộ rõ là đau chân. Được một quãng nữa, mụ đứng lại, gọi một chiếc xe ngựa ngang qua. Tôi vội mon men đến gần, nhưng lo như vậy là thừa, vì mụ nói to đến nỗi đứng ở bên kia đường cũng nghe rõ. Mụ hét lên: “Cho tôi đến nhà số 14 phố Duncan, khu Houndsditch”. Tôi nghĩ bụng mụ này xem ra có vẻ ngay thật đấy. Khi đã thấy rõ ràng ràng mụ ngồi vào trong chiếc xe rồi, tôi mới thu mình nhảy lên ngồi nấp trong nhíp xe: đây là một trò mà nhà thám tử nào cũng sở trường. Thế rồi xe chạy, chạy mãi, không dừng lại một giây nào cho đến khi tới phố Duncan. Sắp đến nhà, tôi từ chổ ngồi nhảy xuống, đi vẩn vơ ngoài phố, người đánh xe nhảy xuống. Sán lại gần, tôi thấy hắn đang tức tối xem xét khoang xe trống không và tuôn ra một tràng câu chửi. Đến hỏi nhà số 13 tôi được biết chủ nhà là một người làm bánh ngọt tên là Keswick và ông chưa nghe đến tên Sawyer lẫn Dennis bao giờ.
Tôi kinh ngạc:
-Mụ già đã chuồn khỏi xe trong khi xe đang chạy mà anh và người đánh xe đều không biết?
-Để cho bị lừa như vậy chính chúng ta mới là bà già. Đó chắc là một gã trai trẻ, nhanh nhẹn, đóng kịch giỏi, cải trang khéo. Có lẽ hắn biết hắn bị theo dõi nên đã dùng cái mẹo ấy để lừa tôi. Điều đó chứng tỏ rằng nhân vật mà chúng ta tìm kiếm có những người bạn tài ba. Thôi bây giờ, anh có vẻ mệt đấy, bác sỹ ạ. Anh nên đi ngủ đi.
Tôi để Holmes ngồi một mình bên lò sưởi, và rất khuya tôi còn nghe thấy những âm thanh nỉ non khe khẽ trên cây đàn của anh. Tôi biết anh đang suy ngẫm về bài toán kỳ quặc mà anh muốn giải đáp.