Chiếc măng tô trắng kẻ ô vuông - Chương 20

Chiếc măng tô trắng kẻ ô vuông - Chương 20

Chiếc măng tô trắng kẻ ô vuông
Chương 20

Ngày đăng
Tổng cộng 21 hồi
Đánh giá 9.2/10 với 21072 lượt xem

Sáng hôm sau, mình cùng ăn sáng với An-ca và Ca-rôn tại căn phòng Tê-rê-da nhưng tâm trạng chẳng phấn chấn mấy. Thấy thế, cả hai đều cố tìm cách làm cho mình vui lên. Mình rất chịu ơn họ về những cử chỉ đầy thiện ý đó, vì niềm hy vọng mà họ đã nhen lên trong lòng mình đã giúp mình trở nên tự tin hơn. Không thế thì có lẽ cuộc trò chuyện sắp tới đây giữa riêng mình với Tê-rê-da không có Ca-rôn tham dự (vì cậu ta đang phải ở lại để canh phòng cho An-ca) chắc sẽ thất bại thảm hại.
Lúc mười một giờ rưỡi, mình chia tay họ và sân bay. Cho xe vào bãi đỗ xong xuôi, mình vào phòng chờ - một gian phòng rộng thênh thang – ngồi đợi. Chưa hết điếu thuốc này, mình đã châm sang điếu khác. Đầu óc lúc nào cũng không rời ý nghĩ: mở đầu câu chuyện ra sao và làm cách nào để giải thích cho Tê-rê-da những chuyện lôi thôi ấy. Mình cố hình dung xem Tê-rê-da sẽ phản ứng ra sao nhưng không sao hình dung nổi.
Lát sau, loa phóng thanh báo tin máy bay đã hạ cánh. Mình liền tìm một chỗ đứng có thể nhìn rõ mọi hành khách và chỉ thoáng sau đã nhận ra cái dáng thon thả và mái tóc vàng óng. Nhưng mãi nửa tiếng sau, mới được ôm hôn nhau. Tê-rê-da còn phải vào phòng hải quan làm thủ tục.
Hôn nhau xong, mình phải đẩy Tê-rê-da ra xa. Nhìn thẳng vào đôi mắt kiều diễm, quen thân để nhìn cho rõ: lạy chúa tôi, mặt nàng rạng rỡ biết bao và nụ cười ấm áp không lúc nào rời khỏi đôi môi xinh xẻo.
- Tê-rê-da, anh rất sung sướng là chúng mình lại được bên nhau – mình nói, giọng lộ rõ vẻ xúc động – Em biết không, anh đã phải khổ sở biết bao từ suốt hôm em ra đi đến giờ…
- Em cũng rất sung sướng, Tôn ạ. Anh đi bằng xe riêng đấy chứ? Nào, nhanh lên, ta về tổ ấm của chúng mình thôi.
Mình thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng. Hẳn Tê-rê-da đã hiểu câu nói của mình hơi khác. Mình cố trấn tĩnh, đáp bằng một giọng khá xuề xòa:
- Ta sẽ lên đường ngay thôi. Có điều anh muốn nói ngay với em một câu chuyện đã… Tê-rê-da, anh van em đấy, ta vào kia uống một tách cà phê đi.
- A-na-tôn, anh điên à? Về nhà nói chuyện cũng được chứ sao. Cà phê ư, em chẳng muốn uống tí nào.
- Thế ta đi uống si-rô vậy. Đằng nào anh cũng phải nói chuyện với em đã.
Thấy mình năn nỉ thế, Tê-rê-da đâm lo:
- Có chuyện gì thế? Anh nói nhanh đi, Tôn thân yêu. Nghiêm trọng lắm hả anh?
- Nghiêm trọng đấy…
- Có điều em không sao hiểu nổi: tại sao chúng mình lại phải nói chuyện ở đây?
- Rồi em sẽ hiểu thôi – mình cầm lấy tay Tê-rê-da dắt vào một quán giải khát.
Tê-rê-da không sao bình tĩnh được vì đang bị câu chuyện bí mật lôi cuốn. Khi hai chúng mình đã ngồi yên chỗ và hai cốc nước giải khát đã được bưng lên, mình vào đề ngay, thuật lại cặn kẽ những gì đã xảy ra, bắt đầu từ lời yêu cầu của Ca-rôn. Khi mình động đến chuyện giao chìa khóa phòng cho cậu ta. Tê-rê-da lập tức rướn mày lên, nhìn mình chằm chằm một lúc. Chao ôi, làm sao lờ chuyện ấy đi được. Mà lại phản ứng đúng vào lúc mình nghĩ là ghê gớm nhất. Nhưng càng nghe, chi tiết ấy càng mờ nhạt dần trong trí Tê-rê-da vì vẻ kích động căng thẳng trong ánh mắt dần dần nhường chỗ cho sự tò mò thích thú. Rồi mình càng kể, hứng thú của Tê-rê-da đối với câu chuyện càng tăng: mắt mỗi lúc một mở to, ánh lên một nỗi ngạc nhiên không giấu giếm. Mải nghe, Tê-rê-da chẳng buồn đụng đến si-rô, thậm chí quên cả cốc nước ấy. Tê-rê-da chỉ bưng cốc si-rô lên khi mình kết thúc câu chuyện với mấy lời tóm tắt như sau:
- Đó chính là lý do khiến anh muốn kể hết mọi chuyện ở đây, không có mặt một ai trong số những người được biết chuyện.
- Nghĩa là cô gái ấy hiện đang ở đằng nhà em chứ gì? – Tê-rê-da hỏi, giọng hồi hộp.
- Ừ, cùng với Ca-rôn – mình đap, thấy cần phải thêm chi tiết nhỏ ấy.
- Tiếc nhỉ, giá em được ở nhà cùng anh thì tuyệt biết mấy. Nhưng chuyện ly kỳ như thế mà em lại không được chứng kiến, ức thật.
Mình không ngờ Tê-rê-da lại phản ứng như vậy. Mình đã mừng thầm trong bụng nên thấy không cần nhắc cho Tê-rê-da nhớ rằng: chính sự vắng mặt ấy đã là đầu mối dẫn đến tất cả những chuyện rắc rối này.
- Thôi, ta về nhanh lên anh. Em muốn được gặp mặt cô ta quá đi mất. – Tê-rê-da đứng bật dậy.
Trên đường về, mình chuyển đề tài câu chuyện, bắt đầu hỏi han những ấn tượng của chuýên đi biểu diễn vừa qua. Nếu mình lờ đi, không hỏi thăm vài ba câu về những thành công của Tê-rê-da ở nước ngoài – điều này mình chẳng hề ngờ vực một mảy may nào – thì chắc chắn sẽ bị trách là vô tâm và đây chính là lúc thích hợp nhất để làm việc đó.
Ca-rôn ra mở cửa. Tê-rê-da ôm chầm lấy anh chàng, hôn lên hai má cu cậu mấy lần liền. Rồi chẳng nói năng gì, nhưng cười lên mấy tiếng, Tê-rê-da giơ ngón tay trỏ ra trước mặt mình, ra ý “cấm anh bắt chước Ca-rôn đấy nhé!” và đi thẳng vào phòng.
Lúc này, An-ca đang đứng tựa lưng vào cửa sổ nhìn ra, mặt lộ rõ vẻ căng thẳng.
Mình lại được dịp tin chắc thêm một lần nữa rằng mọi chuyện quả thật đều êm thấm khi thấy Tê-rê-da dễ dàng tìm ngay được một cách xử sự đúng mực. Chìa hai tay ra, Tê-rê-da tươi cười đi nhanh về phía An-ca.
- Mình biết tên cậu rồi, khỏi giới thiệu. Còn mình tên là Tê-rê-da. Rất vui mừng là cậu đã tìm đến đây để nương náu sau những chuyện ghê gớm ấy. A-na-tôn đã kể cho mình nghe hết rồi An-ca ạ, cậu cứ ở lại đây cho đến khi nào yên ổn đã rồi hẵng hay.
- Xin thành thật cảm ơn chị, em cảm ơn chị lắm – An-ca xúc động đáp – Em đang lo ghê quá, không biết chị có bực vì cuhyện em đến đây quấy rầy anh chị không. Của đáng tội, Ca-rôn đã có cho em biết chị rất tốt bụng. Nhưng em hiểu tình cảnh chị, phải tiếp nhận một người khách bất đắc dĩ trong nhà. Hơn nữa lại sau một chuyến đi xa đầy cực nhọc… Chị lạ gì, đàn ông các anh ấy thường vô tâm lắm. Thành thử, em cũng không thật tin Ca-rôn… Em nghĩ chắc anh ấy chỉ muốn an ủi em thôi…
Mình với Ca-rôn đứng ngẩn ra, theo dõi thái độ của hai “nương tử” và chăm chú nghe không bỏ sót một lời nào. Và điều đầu tiên khiến mình sửng sốt: họ giống nhau như đúc, cả màu tóc lẫn vóc người thon thả.
Giữa lúc đó tiếng chuông gọi cửa chợt reo lên:
- Ai mà lại đến vào lúc này nhỉ? – Tê-rê-da ngạc nhiên.
Mình chạy ngay ra phòng ngoài và đưa thiếu úy Ghéc-xơn vào giới thiệu với Tê-rê-da theo yêu cầu của anh ấy.
- Chắc chị đã biết hết mọi chuyện xảy ra lúc chị đi vắng? – thiếu út nói – Tôi đến để lấy lời khai của cô An-ca El-mer. Làm ở đây xem chừng ổn hơn mời về Cục. Thật ra, tôi còn có một lý do nữa, nhưng để lát nữa hẵng nói. Nào, phiền chị thu xếp cho chúng tôi một chỗ vì còn phải ghi biên bản nữa.
- Chắc phải mời anh vào phòng ngủ thôi – Tê-rê-da ướm hỏi – Trong ấy có cái bàn con đấy, còn ghế ta sẽ xuống bếp đem lên…
Trong khi An-ca bận làm việc với Ghéc-xơn, Tê-rê-da vừa pha cà phê cho cả nhà vừa trò chuyện cùng mình và Ca-rôn. Thế là chẳng mấy chốc, Ca-rôn đã trở thành đối tượng điều tra. Tê-rê-da khéo léo bắt cu cậu phải bày hết ruột gan ra: nêu lên một đống câu hỏi, dụ cu cậu tiến mỗi lúc một sâu thêm vào những cạm bẫy tinh ma của phụ nữ để thử thách. Chứng kiến cuộc thẩm vấn ấy, chắc ông dự thẩm nào cũng đến phải phát ghen lên mất.
Rồi Tê-rê-da so đo cách tường trình của mình với cách của Ca-rôn, thử xem chúng mình có vào hùa với nhau để úm cô ta không. Caro đã nhanh chóng định hướng và tìm ngay được con đường đúng đắn nhất, giải thích cặn kẽ mọi chuyện bằng một giọng rất mực thẳng thắn, chân thật. Nhờ vậy, Tê-rê-da mới tin là mình trung thực.
Vừa lúc đó, cuộc thẩm vấn chính thức trong buồng ngủ cũng kết thúc. An-ca hiện ra trước cửa, tiếp theo là anh thiếu úy. Thấy An-ca cầm ra hai cái tách không, Tê-rê-da liền lôi cô xuống bếp. Còn anh thiếu úy thì mở cặp, lấy ra một tập ảnh, rồi bảo mình:
- Ta chuyển sang lý do thứ hai của cuộc viếng thăm. Trong lời khai của anh, anh có nhắc đến nhiều lần cái lão mà anh đã nhìn thấy rõ hai tay và đôi vai của hắn qua cái lỗ thủng trên cửa sổ trong cái lán nọ. Tôi mang đến đây mấy bức ảnh, chụp tay một số người đây. Anh xem qua giúp đi.
Mình cúi xuống, chăm chú ngắm sáu tấm ảnh Ghéc-xơn bày trên bàn. Bức nào cũng chụp tay của đàn ông đã đứng tuổi, ở những tư thế khác nhau. Rồi mình để riêng hẳn một tấm, nói một cách dứt khoát.
- Bàn tay này đây!
- Đề nghị anh nhìn kỹ thêm lần nữa cho thật chính xác.
Mình xem lại lần nữa. Nhưng vẫn không hề phân vân gì trong việc lựa chọn. Trong mấy tấm ảnh, những bàn tay được chụp hoặc gầy hơn hoặc to hơn. Vả lại, hình dạng ngón tay khác hẳn, không giống cái tấm hình mình vừa chọn. Vì nó là bàn tay mà hình ảnh của nó cho đến bây giờ mình vẫn còn nhớ rõ mồn một như đang nằm sờ sờ trước mặt: trắng trẻo, hợp hẹp bản và lấm tấm tàn nhan với những ngón tay xương xẩu dài vêu.
- Đúng là những bàn tay này đây, không còn nghi ngờ gì nữa – mình cứng cỏi xác nậhn.
Lúc Ghéc-xơn thu dọn sáu tấm ảnh, mình nhìn thấy một dòng chữ ghi ở mặt sau cái bức mình đã chọn, nhưng không kịp đọc.
- Đồng chí thiếu úy thân mến – mình nói bằng một giọng xúc động – người đồng chí đang hỏi đây là một họa sĩ. Trong nghể của anh ta, cái giữ vai trò chủ chốt là óc quan sát, chắc cũng như nghề của đồng chí thôi.
- Tuyệt – thiếu úy nói rồi gập góc tấm ảnh mình vừa chọn, và cho cả sáu vào cặp.
- Bây giờ đến lượt cô El-mer. Xin cô giúp tôi một tí, nhưng việc này có khác chút ít. Tôi có mấy cuộn băng ghi âm. Tôi muốn biết giọng nào trong số những giọng nói ghi ở đây đã từng trò chuyện với cô? – Ghéc-xơn quay sang phía An-ca vừa ở dưới bếp lên cùng với Tê-rê-da.
Rồi anh đặt máy ghi âm lên bàn, bấm nút. Máy bắt đầu phát ra câu sau đâu:
“Một hôm, ngay từ sáng sớm, lão đã gọi dây nói cho tôi… Tôi hiểu ngay là lão đang cần tìm ai. Lúc tôi đến một quán cà phê…”
- Không, không phải giọng ấy – An-ca cắt ngang giữa chừng, trong lúc máy vẫn chạy tiếp.
Ghéc-xơn thay một băng khác, rồi mở máy
“Hắn cam đoan là chỉ muốn bật thêm ngọn đèn bàn. Lúc tìm công-tắc, loay hoay thế nào không biết mới làm đổ cái ghế tôi mắc bộ quần áo. Hắn làm như thể chùm đèn treo ở trên trần nhà còn chưa đủ sáng ấy!”
An-ca lại lắc đầu.
Cuộn băng ghi âm tiếp theo được thay vào.
“Bây giờ khó nhớ lại lắm ạ… Dăm câu vớ vẩn gì đó nên quên ngay cả đi rồi…”
Mới thoáng nghe giọng nói ấy, cái giọng khàn khàn, khê khê, An-ca đã sững người và kêu to.
- Đúng cái giọng này đấy! Chính lão ấy đấy.
- Cô tin chắc chứ? – Ghéc-xơn xố ý tỏ vẻ ngờ vực.
- Tin chắc ạ.
Viên thiếu úy cất máy đi và dõng dạc nói, mặt rạng rỡ hẳn lên.
- Thế là rõ cả rồi.
- Cũng của chính cái người có bàn tay chụp trong tấm ảnh ban nãy hả anh? – mình hỏi Ghéc-xơn vì bị tính tò mò thôi thúc.
Viên thiếu úy gật đầu.
- Phải. Sự trùng khớp đó cho phép chúng ta tin chắc những bằng chứng của anh và cô El-mer là xác thực.
- Thế là đã đủ chứng cứ kết tội rồi chứ?
- Đáng tiếc là chưa. Nhưng nhờ anh và cô An-ca, chúng tôi không phải dốc sức vào những mục tiêu phụ và không cần thiết. Bây giờ chỉ việc tập trung chú ý vào mỗi một mình hắn. Phải, hầu như chỉ một mình hắn nữa thôi. Tôi xin sang “tiết mục” chóy – Ghéc-xơn chuyển đề tài câu chuyện – mà tôi được giao phó: Ta phải tìm cách nào để đưa An-ca El-mer ra khỏi đây mà không bị phát hiện. Nhà này – anh hỏi Tê-rê-da – chỉ có một lối vào thôi phải không chị?
- Còn một lối phụ nữa, nó nằm trong cái sân con, cách vuông sân tòa nhà kế bên một tấm lưới cắt.
- Hừm… Thế thì chẳng ăn thua rồi… Ta dùng cách khác thôi. Sao, cô đã sẵn sàng ra đi chưa nào? – Ghéc-xơn hỏi An-ca.
- Chưa đâu ạ… - cô đáp, giọng không dứt khoát lắm – Em cần lấy thêm ít quần áo ấm trước lúc ra đi. Vì chúng em định lên vùng núi. Hơn nữa, chiều tối tàu mới chạy, còn nhiều thì giờ lắm…
- Nhắc cô là chỉ nên khuân theo những thứ tối cần thiết thôi đấy nhé. Tình cảnh của cô, tốt hơn hết là đừng có lảng vảng ngoài đường. Nhiều chuyện bất trắc đang rình rập lắm.
- Cậu cứ lấy tạm đồ đạc của mình kia mà dùng – Tê-rê-da đề nghị.
- Bây giờ đề nghị mọi người nghe tôi một lát nhé – Ghéc-xơn ngồi xuống ghế xoay, đặt trứơc chiếc đàn pi-a-no – Tôi thấy ngay bên đường nhà ta đây có một cửa hiệu thực phẩm. Với lại, cả cô lẫn chị Tê-rê-da tóc đều vàng, cả tầm vóc cũng giống nhau. Ta nên lợi dụng chuyện đó.
- Thế, cái cửa hàng thực phẩm kia thì dính dáng gì đến chuyện này? – Ca-rôn ngạc nhiên hỏi.
- Ta sẽ dùng chỗ ấy để cải trang. Đây, tôi định thu xếp thế này.
Ghéc-xơn trình bày kế hoạch còn chúng tôi thì dỏng tai lên nghe. Anh vừa dứt lời, Ca-rôn đã gật gù khen:
- Khá lắm. Tôi chỉ việc đứng đợi An-ca ở góc đường chứ gì. Sau đó là dẫn về nhà và để cô ấy lại với chị gái tôi, cho đến lúc ra đi. Hoan hô!
“Ông nỡm ơn, có thích đến mấy đi chăng nữa cũng phải biết giữ kẽ một tí chứ” – mình nghĩ bụng thế, không hẳn vì bực nhưng chẳng dám nói thành lời.
Và Ca-rôn ra đi.
Tê-rê-da giúp An-ca chọn áo quần. Còn Ghéc-xơn thì quay sang phía mình.
- Anh Pa-gi-xturi chắc đang đợi tôi dưới kia, tôi phải xuống đây, để theo dõi tình hình bên ngoài trong lúc hai cô cải trang như đã thỏa thuận. Còn anh, anh A-na-tôn, đề nghị anh theo đúng những điều chỉ dẫn sau đây mà hành động. Tôi đi được vài phút thì anh để cho An-ca ra. Nhớ là đầu trần, khoác chiếc măng-tô kẻ ô vuông vá xách theo cái làn đi chợ. Được một lúc, đại để là chừng vài ba phút gì đó, anh nhắc chị Tê-rê-da xuống. Mặc chiếc áo gió màu xám, đầu choàng khăn, còn tay thì xách chiếc túi du lịch. Anh hiểu rồi chứ?
- Dĩ nhiên. Có gì mà không hiểu? Tôi sẽ chuẩn bị xong xuôi ngay bây giờ đây.
Ghéc-xơn ra. Tiếp đó là An-ca. Rồi Tê-rê-da. Họ ăn mặc đúng như lời viên thiếu úy dặn. Mình đóng cửa lại, ngồi đợi Tê-rê-da về để nghe kể lại chuyện họ thực hiện “chiến dịch giải thoát An-ca” thế nào.
Mình chẳng phải chờ lâu. Mười phút sau đã thấy có tiếng khóa lách cách trong ổ. Rồi Tê-rê-da vào, đầu đã để trần, chiếc áo măng-tô kẻ ô vuông trên người, với một làn đầy thức ăn.
- Êm thấm cả chứ?
- Tuyệt vời. Anh Ghéc-xơn đã liên hệ trước với chị cửa hàng trưởng nên em đổi áo cho An-ca ngay sau quầy bán hàng.
- Nghĩa là hệt như thể một cô gái mặc măng-tô kẻ ô vuông ra cửa hàng mua thức ăn rồi trở về nhà chứ gì! Cái cậu Ghéc-xơn ấy thật là đáng mến! – mình buộc miệng khen.
Rồi hai đứa chuyển đề tài câu chuyện. Vì lúc này, khi chỉ còn lại một mình, mình còn biết làm gì khác nữa?
Về đến Cục, Ghéc-xơn vắn tắt thuật lại công việc đã làm, nhận thêm chỉ thị mới rồi bắt tay ngay vào việc.
Anh nhấc ống nghe, gọi điện đến hiệu ăn Thủ đô, thực hiện nhiệm vụ đầu tiên mà Vưđ-ma giao. Anh phải chờ một lúc khá lâu. Nhưng rốt cuộc, đầu dây kia cũng đã lên tiếng: “Thủ đô đây, ai gọi thế?”…
- Tôi cần gặp Gu-xtáp…
- Xin chờ cho một phút – giọng trả lời trong máy dịu hẳn xuống.
- Gu-xtáp đang nghe đây… - Một giọng nói trầm và khàn vọng tới.
- Có lệnh của thủ lĩnh nhé – thiếu úy vội vã nói – Cụ báo trước: công an sắp kéo tới đấy. họ sẽ hỏi địa chỉ cụ. Phải lựa lời mà nói nhưng cứ cho họ biết. Kẻo không anh lại bị nghi ngờ, lôi thôi ra. Hết!
Ghéc-xơn gác máy, chẳng cần đợi trả lời.
PHẦN 35
Khách hàng đông nghịt. Phần lớn là thực khách đàn ông ngồi uống bia. Ghéc-xơn bước lại một quầy hàng, hỏi người đàn bà đang đứng ở đó:
- Gu-xtáp có nhà chứ?
Bà ta trợn tròn mắt.
- Anh cần gặp ông giám đốc ạ! Tôi đi gọi ngay đây.
- Xin bà để mặc tôi. Tôi sẽ tự tìm lấy.
Anh tiến lại chỗ bức bình phong nặng nề, đẩy nó sang bên và bước vào một hành lang nhỏ. Tối rồi, nhưng qua tấm cửa kính có đề chữ “Văn phòng”, một chút ánh sáng đã lọt được ra ngoài. Anh không gõ cửa mà xoay xoay quả đấm.
Căn phòng không rộng nhưng kê những ba cái bàn làm việc, một tủ sách và một chiếc bàn con để đánh máy. Sau một chiếc bán ấy là một người đàn ông đầu hói nhẵn, mặt đỏ gay cái sắc đỏ của một bợm rượu. Ông ta đang bị ngập sâu giữa một chồng giấy tờ chất cao như núi trên mặt bàn.
- Có việc gì đấy – ông ngừng đọc, ngẩng lên nhìn người mới vào bằng đôi mắt ngạc nhiên.
- Tôi cần gặp ông Gu-xtáp. Ông là giám đốc cửa hàng?
- Vâng. Có vấn đề gì vậy?
- May mà gặp được ông. Tôi ở đằng Cục công an đến, cần hỏi một số việc. Chứng minh thư tôi đây.
Ông giám đốc béo tốt niềm nở mỉm cười.
- Chà, nếu đồng chí là công an thì chắc chắn là có chuyện đây. Mời đồng chí ngồi – ông chỉ một chiếc ghế trống cạnh cửa sổ - Dùng cà phê chứ?
- Cảm ơn, tôi không uống – viên thiếu úy lạnh nhạt đáp – Tên ông, tôi có được biết nhưng họ thì chưa nghe giới thiệu.
- Ko-val-xki, tôi nghĩ bụng đồng chí biết rồi nên không tự giới thiệu – Và nụ cười hồ hởi lại nở trên khuôn mặt phương phi.
- Vì lẽ gì mà ông lại nghĩ rằng tôi phải biết họ của ông? – Ghéc-xơn vẫn dùng cái giọng khô khan, không để ý gì đến cái cười kia.
Ko-val-xki hơi bối rối.
- Ồ, nếu đồng chí đã biết được tên thì tôi nghĩ…
- Có thể biết mà vẫn cứ hỏi cũng được chứ nhỉ? – Bây giờ Ghéc-xơn mới mỉm cười.
- Ồ, dĩ nhiên là được chứ. Tôi có thể giúp ích gì cho các nhà chức trách đây ạ?
Câu chuyện sắp đến điểm nút: Ghéc-xơn phải gọi ra một cái họ mà thiếu tá khuyên anh phải xướng to lên. Nhưng cái họ ấy vị tất đã đúng như thế? Thiếu tá thậm chí đã nói toạc ra rằng đấy chỉ đơn thuần là sự phỏng đoán của chính anh thôi.
- Tôi đang cần tìm hiểu một người mà cả ông lẫn tôi, chúng ta đều biết. Người ấy vẫn hay lui tới đây hoặc đúng hơn trước kia vẫn hay lui tới đây ấy mà.
- Ai thế nhỉ?
- Tôi yêu cầu ông phải tuyệt đối đừng hé răng với ai câu chuyện giữa chúng ta. Về phía mình, tôi cũng xin giữ kín – Ghéc-xơn bắt đầu rào trước đón sau để chờ dịp thuận lợi trong khi mắt vẫn không rời Kô-val-xki.
- Ồ dĩ nhiên. Nhưng ai thế ạ? Giọng ông giám đốc bắt đầu lộ rõ vẻ căng thẳng.
- Ý kiến của ông về Di-gmun-tơ Lu-chắc ra sao? Ông chủ cái xưởng làm bê-tông đúc sẳn ở mãi tít đằng Ô-khô-ta ấy mà.
- À, à… tôi hiểu đồng chí muốn hỏi ai rồi – ông giám đốc béo ị gật gù, ra ý bảo: “Biết ngay mà!” – Khốn nỗi sợ chẳng giúp gì được bao nhiêu.
Việc lão giám đốc xác nhận là có quen biết Lu-chắc chứng tỏ thiếu tá đã bắt đúng mạch.
- Giúp được nhau nhiều hay ít, chuyện ấy sẽ đánh giá đấy. Vả lại, tôi có hỏi ông về toàn bộ lai lịch của Lu-chắc đâu mà ngại.
- Chà, biết nói gì về ông này với đồng chí đây nhỉ? – Kô-val-xki liếc nhìn một lượt đống giấy tờ bày trên bàn – Quả tình, ông ta có hay lui tới đây thật. Nhưng chẳng hiểu sao dạo này biến đi đằng nào mất.
- Ông quen với ông ta tại đây, ngay ở hiệu ăn này hay hai người vốn đã là chỗ thân tình từ trước?
Chăm chú quan sát ông giám đốc béo ị, Ghéc-xơn dễ dàng nhận thấy rằng ông ta đang cố hết sức làm ra vẻ thản nhiên:
- Chúng tôi quen nhau kể cũng đã lâu rồi – lão bình thản đáp – Cách đây dăm năm, tôi có tình cờ gặp ông ấy. Dạo tôi chuyển về cửa hàng này, hai bên lại gặp lại nhau. Ông ấy sống độc thân, ngày ngày vẫn ghé vào đây ăn trưa mà.
- Ra vậy đấy. Thế bây giờ ông ấy ở đâu?
- Ở đâu à… - ông ta cau mày, tỏ vẻ đang cố nhớ lại địa chỉ, rồi vừa kéo một cái ngăn kéo bàn ra vừa lầu bầu – xin đồng chí chờ cho một tẹo, một tẹo thôi, tôi có ghi lại đâu đây… À đây rồi. Khu Y-u-dê-phốp, đường Cây Thông, số nhà mười một…
Ghéc-xơn lấy sổ ra ghi. Nhưng than ôi, địa chỉ này anh biết rồi: tất cả mấy tờ giấy gọi đều gửi về chính nơi đây. Dẫu sao, vẫn phải cố khai thác những điều mới lạ trong câu chuyện với viên giám đốc béo tốt này. Đã đến lúc phải hỏi câu tiếp theo rồi đây – thiếu tá yêu cầu anh như thế. Và Ghéc-xơn làm ra vẻ nhìn bâng quơ ngoài cửa sổ rồi cũng với cái vẻ thản nhiên ấy, anh đặt câu hỏi tiếp, tựa hồ như thoáng nhớ lại một chi tiết vặt vãnh:
- Ông với A-lôi-di Kô-val-xki xem ra thân thiết đấy nhỉ? Có họ hàng với nhau chứ gì?
Phản ứng của lão béo với câu hỏi vượt xa tất thảy những gì Ghéc-xơn mong đợi. Lão ngả người vào lưng ghế, mắt mở to, nhìn thiếu úy chằm chằm, hớp lấy mấy ngụm khí trời và thú thật.
- Đó… đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên… Ở cái đất Ba Lan này, khối người mang cái họ ấy. Cứ ra khỏi ngõ là đã gặp ngay một Kô-val-xki. Chắc đồng chí thừa bíêt… - Lão muốn mỉm cười nhưng môi mếu xệch đi.
- Hóa ra, ông ấy không phải là bà con của ông sao? – Ghéc-xơn làm ra vẻ không nhận thấy thái độ bối rối của lão ta.
- Hoàn toàn không ạ! – Lão cứng cỏi đáp.
Hỡi ôi, phản ứng mạnh mẽ và tức khắc đến nỗi không thể ngờ vực một mảy may nào rằng đó là câu trả lời gian dối.

Chương trước Chương sau