Cây dâu tầm - Chương 13
Cây dâu tầm
Chương 13
Ngày đăng 25-12-2015
Tổng cộng 30 hồi
Đánh giá 9.8/10 với 30472 lượt xem
Chính Pasty đã gợi ý cho Bailey.
Vài ngày sau đó, Pasty lại mời hai người đến nhà ăn tối. Bailey đã đến với một thùng lớn đầy thực phẩm, vì không sao chịu được những món ăn vô vị của Pasty.
- Vấn đề của tôi khi liên quan đến thực phẩm là tôi không biết phải dọn thứ gì trước và sau bữa ăn. - Pasty nói.
Bailey lúc ấy đang mải bận với những băn khoăn của mình. Nàng đã đọc tất cả những gì tìm thấy được về thị trường của nền kỹ nghệ được gọi là “các món ăn đặc sản” và dường như mọi con đường dẫn đến thị trường này đều đầy nhóc chúng. Đâu đâu cũng có mứt ngon, xốt, gia vị hỗn hợp, và rau quả ngâm giấm, và hầu như mọi quốc gia trên thế giới này đều có một mặt hàng của những sản phẩm của riêng họ. Nàng chỉ có thể lặp lại những gì những người khác đã làm. Nhưng cái mà nàng thực sự cần là một chỗ trống để có thể điền vào.
- Trước gì? - Bailey lơ đãng nói.
- Trước bữa ăn đấy. Trước bữa ăn mình dọn thứ gì.
- Món khai vị. - Bailey tự động trả lời.
- Tôi biết chuyện đó. - Pasty nói - Tôi biết tên của món đó, nhưng không biết, dọn khai vị những món ăn gì.
- Chị có thể. - Bailey bắt đầu nói, nhưng Pasty đã cắt ngang :
- Tôi biết trên truyền hình người ta vẫn dạy chúng ta cách nấu những món ăn đặc biệt. Chúng ta chỉ cần thêm thứ này chút ít, thứ kia chút ít, và thế là chúng ta đã có một bữa ăn rất ngon. Thứ mà họ không cho chúng ta biết là trước hết chúng ta phải nghĩ mình sẽ làm bữa ăn ra sao, sau đó phải đi mua sắm những thứ cần để tạo ra bữa ăn đó. Tôi không có được cái đầu óc suy tính những chuyện đó, và cũng không có thì giờ để làm tất cả những chuyện đó. Tôi mua một con gà, vứt nó vào lò, luộc ít rau quả và đổ thêm lên một lớp xốt. Rồi tôi thêm ít nước vào khoai tây nghiền sẵn. Thế là tôi đã có một món ăn tàm tạm. Khi có khách, tôi muốn làm thêm ít món trước và sau bữa ăn, khai vị, tráng miệng chẳng hạn ngoài món kem ra.
Bailey đứng chớp mắt lẩm bẩm :
- Những món ăn trước và sau. - Và rồi những ý nghĩ sau đó quay quanh những món trên. Nấm dầm. Ô liu trên những khoanh bánh mì nướng. Bánh với sơ ri ngâm rượu đổ lên trên.
- Những món ăn trước và sau. - Nàng lặp lại rồi chợt mỉm cười, choàng tay qua người Pasty ôm siết chặt cô ta.
- Có chuyện gì chăng? - Từ phía bên kia sân Scott lên tiếng - Cho người khác biết được không?
- Chuyện của đàn bà mà! - Pasty lớn tiếng trả lời chồng rồi thì thầm hỏi Bailey - Cô cho tôi biết cô đang nghĩ gì vậy.
- Tối mật - Bailey nói - Chị vừa cho tôi một ý kiến cho công cuộc làm ăn mới của tôi. Chị có tham gia hay không?
- Có. - Pasty trả lời ngay.
- Vậy đừng nói gì cho ai hết, nhất là phái nam. - Bailey nói nhanh như thấy Matt đang tiến lại gần.
Mười phút sau Janice đã đến, lặng lẽ hỏi Bailey.
- Chị có dự tính gì?
- Tôi sẽ bắt đầu một công cuộc làm ăn, và sẽ tiến hành trong bí mật. Tôi sẽ không để một người đàn ông nào biết. Tôi sẽ không để một người đàn ông nào biết. Chị tính tham gia hay muốn tiếp tục tìm hồ sơ thuế má của chồng chị từ mười năm trước trở lại đây. - Trong một lúc, Bailey tưởng là mình đã đi quá xa và Janice có thể ném cả ly rượu vào mặt mình, nhưng khi bà ta lên tiếng thì giọng Janice hết sức nhỏ, nàng phải cố gắng mới nghe được.
- Tôi tìm thấy một chương mục - Janice nói, mắt vẫn không rời ông chồng lúc ấy đang cười đùa trò chuyện với Rick - Anh ấy không biết là tôi đã tìm thấy, và không biết rằng tôi lấy chương mục ấy để làm gì, hay có thể nói là cho ai. Tôi đã chuyển số tiền lời của chương mục, và tôi sẽ bắt đầu chuyển luôn vốn nữa. Đến lúc anh ấy tìm ra, thì tôi đã làm xong cả rồi.
Bailey vô cùng sửng sốt. Nàng không thích ông chồng của Janice mấy, nhưng nàng chưa nhìn thấy bất cứ thứ gì khiến nàng nghĩ Janice lại sốt sắng như thế.
- Tôi không thể bảo đảm là chúng ta sẽ có lời, - Nàng nói - có thể mất cả vốn.
- Vốn của anh ấy, - Janice nói - có thể chúng ta làm mất vốn của anh ấy. - Rồi quay người bước đi, đầu ngẩng cao và vai thật thẳng.
Ngày hôm sau; Bailey thấy rằng công việc trước tiên của công cuộc làm ăn này là phải cố làm cho Janice và Pasty làm việc với nhau. Trước hết nàng đã nhẹ nhàng nói trong bữa ăn trưa có mặt cả ba người.
- Chúng ta không thể cùng mở công cuộc làm ăn mà những người cộng tác như hai chị không nói chuyện với nhau.
Nhưng cả hai người ấy đã nhìn nàng, mặt lạnh như tiền. Rõ ràng là không ai tỏ ra mềm dẻo trong vấn đề này. Đêm ấy trong khi dọn cho Matt ăn món tôm nướng và xà lách, nàng đã hỏi chàng :
- Khi Pasty đi đâu đó và muốn Janice cùng đi với cô ta, làm sao cô ta thông báo ý muốn của mình?
- Dùng thư.
- Dùng thư à? - Bailey ngạc nhiên như trước giờ chưa hề nghe chuyện này.
- Hai người đó không nói với nhau, nhưng họ viết thư cho nhau. Dĩ nhiên họ không ghi tên địa chỉ người gởi, nhưng Patsy thì dùng phong bì màu xanh lá cây, còn Janice phong bì màu xanh nước biển, nên họ nhận ra nhau. Thật ra toàn bộ câu chuyện xảy ra là vì...
Bailey đưa tay ngăn không cho chàng tiếp :
- Đừng nói tôi nghe tại sao họ không nói với nhau. Tôi chỉ cần biết họ liên lạc với nhau bằng cách nào thôi.
- Nhân nói về chuyện này, hôm qua ba người đã bàn thảo chuyện gì mà có vẻ nghiêm trọng vậy? - Matt hỏi.
- Thực phẩm. - Bailey đáp nhanh.
- Patsy nói về thực phẩm! - Matt nói khi nhìn Bailey quay đi nơi khác để giấu vẻ bối rối của nàng.
- Đúng đấy, chúng tôi nói về thực phẩm.
- À, ra vậy.
Bailey quay lại nói :
- Thư bình thường đi chậm, sao họ không dùng điện thư, hay fax?
Matt nhìn đăm đăm vào nàng hỏi :
- Các cô đang dự tính gì đây?
- Chúng tôi đang dự tính một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho Rick. Và Patsy muốn tôi làm một bữa ăn tối thịnh soạn cho anh ấy. Hình như cô ấy dự tính mời cả trăm người.
- Vậy thì cô nên bắt đầu chuẩn bị đi là vừa, vì sinh nhật anh ấy sẽ đến trong ba tuần nữa. Cho tôi biết xem tôi cần giúp gì một tay không?
Bailey không nói gì, chỉ bước ra ngoài. Nàng vừa bịa ra một câu chuyện, và Matt đã tin nàng. Nàng vừa đi một bước đầu để trở thành một con người quanh co khúc mắt, lừa lọc, và lại cảm thấy hài lòng.
* * * * *
Mỗi lần Bailey qua mặt được Matt không mấy khó khăn, nàng đã suýt phá hỏng công ty hãy còn trong trứng nước của ba người khi làm phật lòng Janice. Trong buổi họp đầu tiên của ba người trong phòng thêu may của Patsy, chính Bailey đã tạo ra vấn đề trong khi cả ba đang thảo luận về tên công ty của họ.
- Cần có một cái tên, để sau này tạo cho nó một cái thương hiệu. - Patsy nói.
- Mother Duck là cái tên tốt. - Janice nói mà vẫn không nhìn Patsy.
Bailey thấy ngao ngán. Làm sao họ cùng làm việc với nhau khi hai người này không chịu nói chuyện với nhau mà lại thích kèn cựa nhau nhau như những đứa bé? Nàng muốn giảm không khí bắt đầu căng thẳng đang gia tăng trong căn phòng.
- Sao chúng ta không lấy tên Golden Six? Với những cái tên đó, chúng ta có thể bán mọi thứ làm ra ngay tại Calburn này. - Bailey mỉm cười nói. Và rồi sửng sốt khi thấy hai người nọ nhìn nàng đầy vẻ bất mãn, môi Patsy cong lên, và đôi mắt Janice trở nên lạnh lùng, cứng rắn.
- Tôi đã nói điều gì sai chăng? - Bailey nói nho nhỏ.
- Sao cô không nói là “30 tháng 8” luôn cho tiện? - Janice giận dữ đứng lên rời khỏi phòng.
Cái giọng cay độc trong câu nói của Janice làm Bailey muốn nghẹt thở. Ngày sinh nhật của Jimmie là 30 tháng 8. Có phải họ đã phát giác ra tung tích nàng không?
Chắc không thể có chuyện này rồi, Bailey thầm nghĩ. Chắc đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nàng đưa mắt nhìn Patsy đang chăm chú nhìn xuống tập sổ trên vế và hỏi :
- Tôi nói điều gì sai vậy?
Khi Patsy nhìn lên nàng, đôi mắt cô ta cũng lạnh lùng như Janice trước đó.
- Tôi biết cô không phải người vùng này, nhưng sáu chàng trai ấy có ý nghĩa rất nhiều đối với người dân trong thị trấn này. Vì thế, tôi khuyên cô không nên đùa cợt với chuyện đó, và đặc biệt tôi khuyên cô không nên đưa ra bất cứ nhận xét nào chống lại họ với Matt.
- Bố của Matt và Rick là một trong sáu người đó.
Trong một lúc Bailey cố nhớ lại những gì mình đã từng nói về đám người kia với Matt. Hình như anh chẳng bao giờ hé lộ cho thấy là mình có liên hệ với họ cả.
- Thế còn Janice? - Bailey lại hỏi.
- Bố của cô ấy, - Patsy lẩm bẩm, lại cúi xuống tập sổ - là một trong số đó.
* * * * *
Một tiếng đồng hồ sau, Bailey ngồi vào xe, gục đầu vào tay lái. Cuộc họp là một sự đổ vỡ. Sáng nay nàng đã thức dậy lòng đầy nhiệt thành với công việc làm ăn rất tốt đẹp với hai người phụ nữ mà hiện đã trở thành hai người bạn, và đang tiến hành chuyện này trong vòng bí mật, không người đàn ông nào dính líu đến họ được biết.
Giờ đây nàng cảm thấy như mình vẫn bị chặt một đôi chân. Hai người hùn hạp công việc này không chịu nói chuyện với nhau, và buổi họp bàn chuyện làm ăn đã biến thành một cuộc họp mặt thông thường của các cô gái, trong đó rốt cuộc mọi người đã lặng lẽ giận dữ bỏ ra về.
Bailey dựa người ra ghế, nhắm mắt. Một phần của con người nàng muốn bỏ cuộc ngay. Một phần khác lại bảo nàng nên đi đến cửa hàng bán đồ lót phụ nữ gần nhất mua một thứ thật khêu gợi, rồi về nhởn nhơ trước mặt Matt. Nàng vẫn cho Matt thuộc hạng người thích một gia đình với một vài đứa nhỏ, một người vợ làm món bơ đậu và xăng uýt rau câu, thích lái xe đưa mấy đứa nhỏ, đi tập bóng đá, và theo học các điệu vũ ba lê.
Nhưng dù nghĩ thế, nàng vẫn cho chìa khóa vào xe, mở máy. Ok. Nàng nghĩ, mình là một kẻ từ xa đến, một kẻ không biết gì về địa phương, đã đưa ra những nhận xét về lịch sử thị trấn này làm phật lòng người khác.
Nàng cho xe chạy lên xa lộ về Ridgeway và đậu lại trước thư viện.
Khi Bailey đưa mảnh giấy yêu cầu tài liệu tham khảo cho cô gái phía sau bang giấy phụ trách báo định kỳ, thì cô ta chẳng có vẻ gì ngạc nhiên. Chắc cô ta không phải là người Calburn, Bailey nghĩ, nếu không đã chú ý nhận xét về ngày tháng trên mảnh giấy này rồi. Vài phút sau, Bailey đã cho cuộn vi phim vào máy, và đang nhìn vào tờ Ridgeway Bazette ngày 31.8.1968. Nàng muốn tìm cho ra lý do Janice đã tức giận khi nghe đề cập đến ngày ấy. “Bài báo mang tiêu đề: Tấn thảm kịch ở Calburn”.
Theo sau đó là câu chuyện về một vụ sát nhân tự sát của Frank McCallum và người vợ trẻ của anh ta, Vonda. Bài báo viết: “Trong nhóm người Golden Six, Frank là người có tài ăn nói”. Anh ta là người có giọng nói có thể thuyết phục bất cứ ai, và trong nhiều năm dường như mọi thứ anh ta chạm đến đều là “bằng vàng” cả. Anh ta rời Calburn ngay sau khi tốt nghiệp trung học, nhưng vài năm sau đã quay trở lại, góa vợ và một đứa con trai nhỏ. Với tài ăn nói và giao dịch mua bán, anh ta đã dễ dàng kiếm được một việc làm tại một cửa hàng xe hơi cũ ở địa phương. Chỉ trong một năm, anh ta đã trở thành người quản lý cửa hàng ấy, và một năm sau đó nữa, anh ta bán được nhiều xe hơi hơn bất cứ cửa hàng nào trong tiểu bang.
Nhưng sau đó dường như vận may của anh ta đã thay đổi. Có người bảo là chuyện này xảy ra khi anh chàng Frank dùng văn nói của mình để cám dỗ một cô nữ sinh trung học tên là Vonda Olekxy. Những người theo đạo cơ đốc dòng Bap tít ở Calburn tức giận về chuyện Frank đã làm, và nhiều người bảo rằng nhóm The Golden Six đã đi quá xa. Thế là Frank McCallum cưới Vonda, cô gái chỉ bằng phân nửa tuổi anh ta.
Chẳng bao lâu sau cuộc hôn nhân này, Frank đã đến sở làm trong tình trạng say sưa. Không ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra, hay đã xảy ra như thế nào, nhưng một chiếc xe có gài số không biết làm sao lại tông vào Frank, rồi kẹp người anh ta vào một bức tường bê tông. Nhiều tuần lễ sau đó, anh ta phải nằm bệnh viện, và khi rời bệnh viện, anh ta như chỉ còn là cái vỏ ngoài của con người trước đây. Anh ta không còn sử dụng được cánh tay trái, nhưng, tệ hơn nữa là anh ta dường như mất cả vận hên trước đó nữa. Chỉ trong vòng một năm có vụ tai nạn xảy ra, Frank mất công việc làm. Không tiền bạc, không việc làm, nghiện rượu, Frank bèn đem cô vợ trẻ về ngôi nhà thời thơ ấu, một ngôi nhà nhỏ bên vùng núi, không điện nước. Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng nỗi thất vọng mà anh ta đã cảm thấy trước sự đổi thay ấy của cuộc sống của mình.
Nhưng có ai trong chúng ta có thể quên được những hành động vẻ vang của nhóm Golden Six? Nhiều năm trước đây, năm 1953, sáu cậu bé đã được gởi từ ngôi trường thân yêu của chúng để đến một trường trung học khác. Bọn chúng đã phải chịu đựng những sự độc ác tại nơi học mới, bị bắt nạt, bị quấy rối, bị chế nhạo. Tuy vậy, những cậu bé này có trả đũa lại không? Không, khi có một mối nguy hiểm, khi một hành động anh hùng nào cần đến, là những cậu bé ở Calburn này đã có mặt. Không ai trong số phân nửa những người ở tiểu bang này mà không nghe chuyện nhóm Golden Six này đã cứu toàn ngôi trường khi nơi đây bị đe dọa. Nhưng đó là chuyện thuở ấy, còn bây giờ đây là thực tế. Frank McCallum đã từ trên đỉnh cao rơi xuống vực thẳm của cuộc sống, từ một vị anh hùng đến cuộc sống nghèo khổ tuyệt vọng và say sưa, và cuối cùng đi đến chỗ sát nhân và tự vẫn. Chúng tôi không biết hoàn cảnh nào đã đưa đẩy anh ta đến hành động này mà chỉ biết sự việc xảy ra. Vào ngày 30.8.1968, Frank McCallum bắn chết cô vợ trẻ, rồi quay súng tự sát. Vị pháp y xác định đây là một vụ giết người và tự sát.
Tang lễ được cử hành tại nhà tang Davis ở Calburn vào ngày 2 tháng 9 và tôi chắc những người đi lễ tang rất quen thuộc với tất cả chúng ta.
Bên dưới là danh sách các tên: Ridney Yates, Thaddeus, Overlander Frederick Burgess và Harper Kiland. Và sau cùng là tên Kyle Longrace, bố của Matt.
Bailey cho máy quay cuộn phim sang ngày 2 tháng 9. Không có hàng tít lớn nào ở trang đầu, nhưng ở trang sáu có bài “Toàn thể Calburn để tang”.
“Ba ngày trước đây xác của Frank McCallum và cô vợ trẻ của anh ta được tìm thấy nằm trong một vũng máu, cả hai đều bị mất cả khuôn mặt”.
Bailey nhăn mặt, lượt đọc bỏ hai câu kế đó. Trong khi bài báo được viết bằng một giọng buồn bã, tiếc thương thì bài sau đây dường như lại đi vào những chi tiết nổi bật khác. Nàng xem lại tên tác giả. Đúng vậy, đây là bài do hai người viết. Nàng tiếp tục đọc.
“Nhưng điều mà không ai biết cách đây ba ngày là có những tấn bi kịch khác đã xảy ra ở Calburn vào cái đêm xảy ra tai họa ấy. Gus Venters một công dân nổi tiếng và được yêu mến ở Calburn đã tự treo cổ. Người vợ góa đau khổ của ông ta nói với vị cảnh sát trưởng rằng bà ta không biết tại sao người chồng thân yêu của mình muốn chết. Bà ta nói ông ta không có lý do gì để kết liễu cuộc sống của mình cả. Ông có một nông trại, một công cuộc làm ăn và hai đứa con ghẻ xinh đẹp rất yêu thương ông. ‘Tôi không sao hiểu nổi’ bà ta nói với người phóng viên này như thế”.
Bailey nhăn mặt khi đọc đến đó. Không thấy bài báo đề cập đến bà vợ ông ta tư thông với một người khác và đã đuổi chồng ra khỏi trại.
Nàng tiếp tục đọc:
Cũng vào đêm mà Frank McCallum tự sát, một người trong nhóm Golden Six đã rời khỏi thị trấn và chẳng bao giờ quay trở lại kể từ đấy. Tại buổi tang lễ của McCallum, người ta phát giác ra rằng bà Kyle Longrace đã cố giữ kín sự mất tích của ông chồng bà trong ba ngày. Khi Key Longrace không đến dự đám tang của bạn, không đi hộ tang, thị trấn biết có chuyện không ổn. Một người như Kyle Longrace không thể nào lại không đến dự đám tang người bạn lâu năm của mình, trừ phi có chuyện gì rất tệ hại xảy ra.
Người phóng viên bài báo này được một người đáng tin cậy giấu tên cho biết bà Longrace là ái nữ của một dòng họ có tiếng tăm lớn Wilfield ở Philadephia. Tuy nhiên, bà Longrace không liên hệ với gia đình quyền quý này của mình kể từ khi bà bỏ trường đại học mấy tháng trước khi tốt nghiệp để lấy anh chàng Kyle Longrace. Cùng một nguồn tin trên đã nói với người phóng viên này là “Tôi đoán là gia đình bà cho là con của ông Stanley Longrance không xứng đáng với gia đình họ”. Những người từng sống lâu năm ở Calburn cho biết là bố của Kyle Longrace là người giàu có nhất trong vùng gồm nhiều quận hạt quanh đấy trước khi ông ta bị mất sạch năm 1958, và lái xe đâm xuống một hỏm núi tự vẫn cùng với bà vợ lúc ấy ba mươi tuổi. Trên mộ chí của hai người có dòng chữ “Cùng sống chết bên nhau”. Do vấn đề tài chính eo hẹp sau cái chết của bố, Kyle bị buộc phải rời khỏi trường đại học nổi tiếng ở miền bắc trước khi tốt nghiệp. Ông ta về lại quê nhà ở Calburn và bắt đầu kiếm sống bằng nghề buôn bán lưu động. Chẳng bao lâu sau khi Kyle về quê nhà, cô tiểu thư mà anh chàng gặp gỡ ở trường đại học nọ đã bất chấp sự phản đối của gia đình, lấy Kyle và đến Calburn cùng người chồng phần lớn phải xa nhà và công cuộc mưu sinh.
Nhưng mối tình vĩ đại ấy dường như đã kết thúc cách đây ba hôm. Người viết bài này được cho biết là Kyle Longrace có viết cho vợ mình một mảnh giấy mà nội dung không muốn bà tiết lộ, rồi rời thị trấn. Ông để lại hai đứa con nhỏ, Matthew, năm tuổi và Richard ba tuổi. Khi được hỏi, bà Longrace bảo bà có ý định đem mấy đứa con về lại gia đình bà ở Philadephia.
* * * * *
Bailey dựa người ra ghế. Má của Matt đã không trở về lại nhà, hoặc có trở về thì bà cũng đã quay trở lại. Chuyện gì đã xảy ra? Bailey băn khoăn tự hỏi. Có phải bà má Matt, cùng với hai đứa con, đã xuất hiện ở ngưỡng cửa gia đình bà rồi bị từ chối không cho vào?
Người đàn bà đáng thương, Bailey thầm nghĩ. Và cũng tội nghiệp cho Matt. Trong suốt cuộc sống chàng đã tranh đấu để dành lại cho được vị thế xã hội mà chàng lẽ ra đã có. Bailey lục xách tay lấy tập sổ ghi chép và cây bút. Trên đầu trang, nàng ghi: “Ngày 30 tháng 8 năm 1968” rồi bắt đầu một danh sách.
Gus Venters tự treo cổ.
Frank và vợ - mưu sát - tự vẫn
Bố Matt rời khỏi thị trấn vĩnh viễn
Sinh nhật Jimmie - 1959
Bailey đặt bút xuống - Nhưng đó có phải là ngày sinh nhật của Jimmie không?
Jimmie ghét các nhà tiên tri và bất cứ cái gì liên quan đến chuyện đoán vận mệnh. Từng sống nhiều năm với chàng, Bailey biết không phải chàng không tin vào những chuyện đó, mà do chàng sợ những gì họ có thể nhìn thấy. Tại một bữa dạ tiệc nọ, một người đàn bà, một nhà quý tộc, vốn là loại chiêm tinh gia loại tài tử đòi hỏi Bailey ngày sinh của Jimmie. Nhưng khi nàng bảo bà ta đó là ngày 30 tháng 8 thì bà đã nói: “Tôi chắc không phải thế. Ông ấy không phải tuổi Xử Nữ. - Không, James Manvile nhất định không phải là một Xử Nữ. Chị có thể tìm kiếm được ngày sinh và nơi sinh của ông ta không? Tôi có thể lập một bản đồ chiêm tinh cho ông ta”.
Bailey không cho Jimmie biết những gì bà này nói về chàng, và đã không hỏi chàng ngày và nơi sinh, vì biết thể nào mình cũng nhận được câu trả lời không thật. Và tệ hơn nữa, chàng có thể dụ nàng tiết lộ người nào đưa ra câu hỏi đó. Và Bailey biết sau đó nàng sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhà chiêm tinh gia ấy nữa, người đàn bà mà nàng ưa thích. Nàng đã lặng lẽ bảo bà ta: “Đừng đề cập đến... thứ tiêu khiển này của bà với bất cứ ai ở đây”. Và bà đã gật đầu thông hiểu.
Điều làm Bailey nhớ rõ về người phụ nữ chiêm tinh gia này, là bà ta đã bảo bà dám đem cả mạng sống của mình ra cá là James Manvile không sinh ngày 30 tháng 8.
Bailey nhìn đồng hồ đeo tay. Hơn 3 giờ rồi, nàng cần về nhà để sửa soạn bữa ăn tối cho Matt. Nhưng khi đưa tay cuộn lại cuốn vi phim, nàng chợt thấy ở cuối bài báo nọ có ghi dòng chữ “Xem bản in lại của câu chuyện gốc bắt đầu từ trang B2” và nàng không sao cưỡng lại được sự tò mò phải quay tiếp cuốn phim sang trang thứ nhì của phần thứ hai của tờ nhật báo. Sự thật là mãi đến hôm nay, toàn bộ câu chuyện về nhóm trẻ được gọi là The Golden Six với nàng có vẻ như là câu chuyện đùa, một sự cố địa phương đã xảy ra cách đây rất lâu và rất xa xôi. Nàng cũng chẳng buồn đọc tập sách mà Violet đã đưa cho nàng. Mãi đến hôm nay, nàng cũng không nghĩ là mình có quen biết bất cứ ai có liên hệ đến đám người trẻ đó. Giờ đây nàng biết là bố Jimmie là một trong số người trên và bố Matt cũng vậy. Tại sao ông bố Matt lại bỏ vợ và hai đứa con? Có phải Kyle Longrace quá kinh hoàng trước vụ thảm sát tự vẫn của người bạn thời thơ ấu của ông đến nỗi không sao chịu đựng nổi thị trấn quê ông?
Bailey đọc câu chuyện đã xảy ra trong năm 1953, sự cố đã tạo cho đám trai trẻ cái tên The Golden Six, và đọc xong toàn bộ câu chuyện, nàng phải công nhận là họ quả có chút anh hùng. Phần đầu của bài báo thuật lại câu chuyện mà Violet đã kể cho nàng nghe trước đây, về đám cháy ở trường trung học bà đám học sinh đưa đến Wells Creek.
Nhưng người phóng viên này không phải chỉ tường thuật không thôi. Bà ta đã dành thì giờ sưu tầm thêm và phỏng vấn nhiều người, nên đã tạo nên một câu chuyện chứ không phải chỉ là những sự kiện. Bà ta đã kể là các phụ huynh học sinh ở Calburn đã làm cho ban giám hiệu nhà trường điên đầu khi họ muốn con em của họ được chuyển đến trường nào, nên cuối cùng tên tất cả học sinh được bỏ vào một cái nón và rút thăm. Chính do sự may rủi tình cờ mà tất cả nữ sinh đã được gởi đến một trường học. Và cũng do vụ rút thăm may rủi này mà sáu nam sinh, sinh trưởng cùng trong một thị trấn nhưng chưa thật sự biết nhau, đã gần nhau và kết hợp lại.
Người nữ phóng viên cho biết chút ít về từng đứa bé, nhưng dù bà ta đã khéo léo không bao giờ nói rằng những đứa bé này xuất thân từ những giai cấp xã hội khác nhau, bà ta vẫn ngầm cho độc giả thấy cái ý ấy. - Bà ta bảo rằng chúng tôi những hoàn cảnh khác nhau đến nỗi không bao giờ có thể trở thành bạn nếu không cùng bị cô lập ở môi trường mới. Thaddeus Overlander một học sinh siêng năng, bố mẹ là người theo thiên chúa giáo. “Teddy” chưa bao giờ được bố mẹ cho phép tham dự ngay cả một trận bóng rổ, nên lại càng ít tham gia vào sinh hoạt xã hội. Fredrick Burgess, còn được gọi là “Burgess”, là một vận động viên điền kinh, có thân hình to lớn, thường cho là chuyện học hành đối với cậu ta thật khó khăn. Hasper Kirdmand sống một mình với mẹ, là thế hệ sau cùng của dòng họ đã từng thành lập thị trấn Calburn và, theo lời người nữ phóng viên, đã có thời sở hữu tất cả nơi này. Ông nội Hasper đã bán lần bán hồi từng khu đất, rồi phung phí tất cả tiền bạc cho đến khi gia đình Kirkland chỉ còn sở hữu tờ nhật báo nhỏ Calburn ngày nay.
Frank McCallum và Redney Hater là anh em họ, sinh trưởng trên vùng núi của Virginia, sống trong cảnh hết sức chật vật. Họ sở dĩ theo học được trường trung học Calburn là vì họ ở với một trong bảy người anh của Rodney, một thanh niên rời bỏ trường lúc còn học lớp 6. Rodney và Frank muốn thăng tiến trên đường đời, nên đã nhất quyết học xong trung học.
Người nữ phóng viên mô tả Frank như là một người ăn nói có sức thuyết phục, từng kiếm được một công việc bán thời gian bán các quảng cáo cho tờ nhật báo.
Chúng ta chỉ cần nhìn Rodney Yates là thấy rõ tài năng của anh ta, bài báo nói. Đến đây, Bailey cho phim chạy nhanh xem có thấy bức ảnh nào không, nhưng chẳng thấy gì cả. Nàng quay lại với bài báo. “Rodney là anh chàng rất đẹp trai” bài báo viết. “Hiếm khi bắt gặp anh ta không có những cô gái trẻ quanh đó”.
“Rồi còn anh chàng Kyle”.
Đọc đến đây Bailey như muốn nín thở. Người bố của Matt là người như thế nào? Bản chất thật của con người đã có thể bỏ người vợ đã từng bỏ gia tài của cải, từ bỏ gia đình để theo ông, và bỏ mấy đứa con nhỏ như thế nào?
“Kyle là một cậu bé sáng chói”, người nữ phóng viên viết “Mọi người ở Virginia và chắc là ở nhiều tiểu bang khác, đều biết đến Stanley Longrace với những thành công vượt bực của ông ta. Họ đã từng thấy ngôi dinh thự mà bố anh ta đã xây cất. Rất nhiều người ở Virginia đã ở trong những ngôi nhà do Stanley Longrace xây cất. Một người từng sản xuất nhiều như Stanley thì chuyện sản xuất ra một đứa con như Kyle là chuyện cũng dễ hiểu. Kyle, đẹp trai, có thân hình lực sĩ, học sinh xuất sắc, ở trong nhóm hùng biện của trường, kể từ khi lớp 4 trở lên năm nào cũng được đám bạn học bầu làm chủ tịch”.
“Nhưng ông ta bỏ vợ và mấy đứa con nhỏ”, Bailey thì thầm đầy vẻ bất mãn, rồi bắt đầu đọc tiếp:
“Vào một ngày mùa thu năm 1953, một kẻ nào đó một người có giọng nói đầy vẻ đe dọa gọi điện đến nhà trường bảo anh ta đã đặt một quả bom đâu đó, và ‘tất cả sẽ không ai sống sót’. - Không đầy một phút sau, một cuộn khói đen bắt đầu lan tỏa các hành lang của nhà trường. Trong cảnh hỗn loạn tiếp theo đó, sáu cậu bé từ Calburn đã can thiệp sắp xếp để mọi người thoát khỏi nơi đó một cách an toàn”.
Khi người nữ phóng viên nói đến, tất cả học sinh đều thoát được ra ngoài, cảnh sát và sở cứu hỏa đã đến, và nhiều học sinh còn đang khóc. Bà ta viết rằng thoạt đầu bà ta cho là chúng khóc vì sợ hãi, nhưng có mấy nữ sinh đã nói “Chúng tôi đã cư xử hèn hạ với họ”. Và nhà báo nọ bắt đầu đặt câu hỏi. Bà được kể rằng các học sinh ở Wells Creek không muốn trường có thêm các học sinh ở Calburn, vì vậy mà chúng không hoan nghênh đám học sinh này. “Các tủ của bọn chúng đều thấy chuột chết” bà ta viết “Trêu chọc gọi tên, tìm cách tẩy chay khi có cơ hội. Những thứ ấy chắc là hình phạt ghê gớm đối với đám trẻ từ Calburn đến, nhưng cuối cùng, chúng đã vượt lên trên tất cả cách đối xử ấy để hi sinh mạng sống mình cứu tất cả”.
Bailey đọc tiếp đến phần kể về sự việc xảy ra ngày hôm ấy Teddy cho các phóng viên báo chí biết là sau khi được bảo phải di tản ra khỏi trường, nó đã nhìn ra cửa sổ lớp học và thấy khói bốc lên từ phòng tập thể dục. Nó thấy có mấy cầu thủ đập mạnh vào cửa, nghĩ là mấy đứa bạn đó bị kẹt bên trong. Vì cửa chính lớp nó đang đầy nhóc cả đám học sinh đang chen lấn thoát ra ngoài, Teddy bèn trèo qua cửa sổ, leo lên theo cửa thoát hiểm khi có hỏa hoạn, đến mở cửa cho những đứa bị kẹt bên trong. Một số bị khói um làm nghẹt thở, nhưng nhờ có Teddy nên không ai bị thương nặng.
Rodney bảo nó nghe tiếng kêu la từ phòng thay đồ của các nữ sinh nên chạy về hướng đó. Cửa bên ngoài phòng này bị gài chặt nó mở không được, bèn đi vòng qua phía có cửa sổ. Phòng thay đồ ở tầng hầm, và các cửa sổ cũng đã khóa, nhưng phòng thực nghiệm ở lớp gần đấy nên Rodney đã chạy vào đấylấy ngay cây gậy nạp đinh phá mở các cửa sổ thoát ra an toàn.
Đến đây người nữ phóng viên ghi lại cuộc phỏng vấn trực tiếp Rodney: “Có phải lúc ấy có mấy nữ sinh còn trần truồng không?”
“Thưa bà, vâng ạ”.
“Và cháu đã đưa áo quần của cháu cho mấy con bé ấy che thân. Có đúng vậy không?”
“Cháu đưa họ áo khoác ngoài, áo sơ mi, áo thun ngắn tay, và quần dài”.
“Và vì vậy mà cháu chỉ còn chiếc quần sọt, đôi giày và vớ?”
“Thưa bà, vâng ạ”.
Bài báo tiếp tục câu chuyện: “Nhưng chính Kyle Longrace mới chính là tay siêu anh hùng. Trong một cái tủ gương có một chiếc mặt nạ chống hơi độc, một kỷ vật của WWI (thế chiến 1) Kyle đập vỡ kính, chụp chiếc mặt nạ đeo vào, nhảy lên bàn học rồi leo lên cầu thang của tòa nhà cũ. Anh ta bảo người phóng viên là trông thấy khói từ trên trần và biết là kẻ nào đó đặt bom chắc đã đặt bom trên rầm thượng ấy. Anh ta bảo là lúc ấy chẳng hề suy nghĩ việc mình đang làm, chỉ kéo chiếc thang xuống rồi leo lên”. “Và cháu tìm thấy quả bom?” Bà ta hỏi.
“Vâng”, Kyle đáp, và người nữ phóng viên bảo dường như y miễn cưỡng khi nói về hành động của anh ta.
Người phóng viên bảo trong khi bà phỏng vấn Kyle thì một nhân viên chữa cháy bảo làm như thế là ngu xuẩn nhất mà ông nghe nói trong đời ông, và ông ta không biết nên cho thằng bé một tấm huy chương hay nhốt nó lại. Kế đó một phụ nữ đến bắt tay Kyle bảo nó đã cứu mạng sống con gái bà. Bà này còn bảo bà ta sống trong một ngôi nhà do bố Kyle xây cất trong kế hoạch phát triển Golden Sixty, được gọi thế vì trước đây là khu đất sáu mươi mẫu trồng bông cải.
Người nữ phóng viên nọ kết luận bài báo: “Tôi không biết gì về Golden Sixty ấy cả, nhưng những cậu học sinh ấy quả thật là Golden Six”.
Và thế là nhóm ấy có cái tên Golden Six, người biên tập nhật báo trên đã thêm vào cuối bài báo như thế.