Cây bách buồn - Chương 09
Cây bách buồn
Chương 09
Ngày đăng 25-12-2015
Tổng cộng 26 hồi
Đánh giá 9.5/10 với 27445 lượt xem
Peter Lord đăm đăm nhìn ông, rút khăn ra lau mặt, rồi ngồi phịch xuống ghế.
- Ối chao! - Chàng nói - Ông làm tôi nổi nóng mất. Tôi chẳng thấy ông đạt được gì cả.
Poirot nói:
- Tôi đang xét về cái vụ chống lại Elinor Carlisle. Nay thì tôi biết rồi. Morphine đã được dùng cho Mary Gerrard; và, theo như tôi biết, thì chắc chắn nó đã được bỏ vào bánh xăng-uých. Không có ai mó vào những cái bánh xăng-uých đó ngoại trừ Elinor Carlisle. Elinor Carlisle có động cơ để giết Mary Gerrard, và, theo ý cậu, thì cô ta có khả năng giết Mary Gerrard, và rất có thể là cô ta đã giết Mary Gerrard. Tôi không thấy lý do nào để có thể tin khác thế được. Này anh bạn ơi, đó là một mặt của vấn đề. Bây giờ chúng ta hãy loại ra khỏi trí óc tất cả các nhận định đó và hãy nhích lại gần vụ này từ góc cạnh đối ngược: Nếu Elinor Carlisle không giết Mary Gerrard, thì ai đã giết? Hay là Mary Gerrard đã tự tử?
Lord ngồi nhổm dậy. Một vết nhăn hằn trên trán chàng. Chàng nói.
- Bây giờ thì ông không hoàn toàn chính xác.
- Tôi ấy à? Không chính xác à? - Poirot có vẻ bị lăng nhục.
Lord không hề nao núng, tiếp tục nói:
- Không. Ông bảo là không ai ngoài Elinor Carlisle ra đã mó vào bánh xăng-uých. Ông không biết đâu.
- Không có một người nào khác ở trong khu nhà.
- Đó là theo như chúng ta biết. Nhưng ông đã không kể đến một khoảng thời gian ngắn. Lúc ấy đã có một thời gian Elinor Carlisle rời khu nhà đi xuống nhà săn. Trong khoảng thời gian ấy bánh xăng-uých nằm trên cái khay ở trong phòng kho, và có thể là có kẻ nào đó đã lục lọi.
Poirot hít một hơi dài nói:
- Cậu nói đúng. Tôi thừa nhận điều đó. Đã có một thời gian mà một kẻ nào đó có thể là đã vào chỗ để cái khay đựng bánh xăng-uých. Chúng ta phải cố nghĩ xem ai có thể là kẻ đó; tức là kẻ đó là hạng người nào.
Ông ngừng lại:
- Chúng ta hãy xét đến Mary Gerrard. Một kẻ nào đó, không phải là Elinor Carlisle, đã mong mỏi cô ta chết. Tại sao? Có kẻ nào chắc mẩm sẽ được lợi do cái chết của cô ta? Cô ta có để lại tiền bạc gì không?
Lord lắc đầu:
- Lúc đó thì không. Một tháng sau đó cô ta sẽ có hai ngàn đồng bảng. Elinor Carlisle tính cấp số tiền đó cho cô ta, vì Elinor tin rằng bà cô hẳn là mong muốn như thế. Nhưng di sản của bà ta vẫn chưa giải quyết xong.
Poirot nói:
- Thế thì chúng ta có thể gạt bỏ khía cạnh tiền bạc. Cậu nói, Mary Gerrard xinh đẹp. Với cái đó thì luôn luôn có rắc rối đấy. Cô ta có nhiều người say mê không?
- Có lẽ có. Tôi không biết nhiều về điều đó.
- Vậy thì ai biết?
Lord cười nhăn nhở:
- Có lẽ nên gởi ông đến bà điều dưỡng Hopkins. Bà ta là người mõ rao của thị trấn này. Bà ta biết tất cả mọi chuyện xảy ra ở Maidensford.
- Tôi sắp yêu cầu cậu cho biết cảm tưởng đối với hai người điều dưỡng ấy.
- Cô O’Brien người Ái-nhĩ-lan là điều dưỡng viên tốt, có khả năng, hơi ngốc đôi chút, có lẽ hay hằn học, cũng hơi nói dối - thuộc loại người giàu tưởng tượng., không lừa gạt nhiều, nhưng vẫn phải bày đặt chuyện về đủ mọi sự.
Poirot gật đầu.
- Hopkins là một bà trung niên nhạy cảm sắc sảo, khôn ngoan, ân cần niềm nở, có khả năng, nhưng rất hay soi mói vào công việc của người khác.
- Nếu có rắc rối gì với chàng trai nào trong làng, thì liệu bà Hopkins có biết không?
- Chắc chắn biết.
Lord chậm rãi nói thêm:
- Tuy nhiên, tôi không tin là có gì thực rõ rệt về chuyện ấy. Mary đã lâu ngày không ở quê nhà. Cô ta sang Đức trong hai năm.
- Có phải lúc ấy cô ta hai mươi mốt tuổi không?
- Phải.
- Có thể có rắc rối vơi một người Đức nào chăng?
Lord mặt rạng rỡ, hăm hở nói:
- Ông muốn nói có một gã Đức nào đó đã phải ôm hận vì cô bé đó, phải không? Rồi y đã theo dõi cô ta đến đây, chờ đợi thời cơ, và cuối cùng đã đạt được mục tiêu?
- Có vẻ khá lâm ly thống thiết đấy - Hercule Poirot hoài nghi nói.
- Nhưng có thể như thế chứ?
- Không chắc lắm.
Lord nói:
- Tôi không đồng ý với ông. Có thể là một gã nào đó tức giận cô ta, rồi nổi xung lên khi bị cô ta cho rơi. Y nghĩ là đã bị cô ta đối xử tàn tệ. Đó cũng là một ý.
- Đúng, đó là một ý - Poirot nói, nhưng giọng không khích lệ.
Lord khẩn khoản nói:
- Xin ông nói tiếp đi, ông Poirot.
- À, tôi hiểu rồi, cậu muốn tôi làm trò ảo thuật chứ gì. Lôi từ cái mũ trống ra hết con thỏ này đến con thỏ khác.
- Ông có thể cho là như thế, nếu ông thích.
- Còn có một khả năng khác nữa - Poirot nói.
- Xin cứ nói tiếp.
- Có một kẻ nào đấy đã lấy ống morphine trong cặp của bà Hopkins vào buổi chiều tối tháng năm. Giả sử là Mary Gerrard đã trông thấy cái kẻ lấy đó?
- Thì cô ta hẳn đã nói ra rồi.
- Không, không, cậu ơi. Phải biết suy luận đôi chút chứ. Nếu Elinor Carlisle, hay Roderick Welman, hay cô O’Brien, hay ngay cả một tên gia nhân nào đó nữa, mà mở cặp ra, lấy cái ống thủy tinh đó, thì người ta sẽ nghĩ gì? Người ta chỉ cho là người ấy đã được bà điều dưỡng phái đến kiếm vật gì trong cái cặp đó thôi. Việc ấy vượt ngay ra khỏi tâm trí của Mary Gerrard lúc đó, nhưng có thể là, sau này, cô ta đã nhớ lại và tình cờ kể lại với người nói trên - ồ, mà không có chút nghi ngờ nào cả. Nhưng đối với cái người phạm tội giết bà Welman, thì hiệu quả của nhận định ấy sẽ như thế nào, cậu thử nghĩ xem. Mary đã nhìn thấy, Mary phải bị bịt miệng với bất cứ giá nào. Tôi có thể nói chắc với cậu là, người nào đã một lần phạm tội giết người thì thấy giết người một lần nữa cũng quá dễ dàng hơn.
Lord nhăn mặt nói:
- Từ nãy đến giờ tôi cứ ngỡ là chính bà Welman đã lấy viên thuốc đó.
- Nhưng bà ta bị bại liệt, có tự mình làm nổi đâu, bà ta vừa mới bị phát cơn bệnh lần thứ hai.
- Ồ, tôi biết ra rồi. Tôi có ý nghĩ là, sau khi có được viên morphine bằng cách này hay cách khác, bà ta đã giữ trong một đồ đựng ở ngay bên mình.
- Nhưng trong trường hợp đó hẳn bà ta đã phải có được viên morphine trước lần phát cơn thứ hai, thế mà bà điều dưỡng lại thấy mất viên thuốc sau đó.
- Bà Hopkins chỉ thấy mất viên morphine vào sáng hôm đó. Có thể là nó đã được dùng trước đó mấy ngày rồi, mà bà ta đã không nhận biết.
- Làm thế nào mà bà Welman đã có được viên thuốc đó?
- Tôi không biết. Bà ta đã cho tiền gia nhân chăng, có lẽ thế. Nếu quả là như vậy, thì tên gia nhân ấy sẽ chẳng bao giờ nói ra cả.
- Cậu cũng không nghĩ các điều dưỡng viên được hối lộ ư?
Lord lắc đầu:
- Không bao giờ đâu! Trước hết là cả hai người điều dưỡng này đều giữ rất chặt luân lý chức nghiệp - hơn nữa, họ sợ đến khiếp đảm khi làm một việc như vậy. Họ biết làm thế sẽ nguy hiểm cho chính bản thân họ.
Poirot nói:
- Đúng là thế.
Ông trầm ngâm nói tiếp:
-Dường như là chúng ta quay trở lại vấn đề, phải không? Ai là kẻ khả nghi nhất đã lấy ống thuốc morphine đó? Elinor Carlisle! Chúng ta có thể nói là cô ta muốn nắm chắc quyền thừa kế cái tài sản lớn lao ấy. Nếu rộng lượng hơn, thì chúng ta có thể nói rằng cô ta đã làm thế vì thương hại, cô ta đã lấy viên morphine cho bà ta uống thể theo yêu cầu của bà ta được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhưng cô ta đã lấy viên thuốc, và Mary Gerrard đã nhìn thấy cô ta làm như vậy. Như vậy là chúng ta lại trở về với cái bánh xăng-uých và khu nhà vắng vẻ, và một lần nữa chúng ta lại thấy cô Elinor Carlisle - nhưng lần này với một đông cơ khác để mà cứu thoát cái cổ của cô ta.
Lord kêu lên:
- Thực là qúai đản. Tôi nói ông biết, cô ta không phải là hạng người như thế. Tiền bạc thực sự chẳng có nghĩa gì đối với cô ta - hay đối với Roderick cũng vậy. Tôi quyết chắc thế. Tôi đã nghe thấy cả hai người đều nói như thế.
- Cậu đã nghe thấy ư? Thực thú vị quá. Đó là cái lời kể lại mà bao giờ nghe tôi cũng rất hoài nghi.
Lord nói:
- Ông tệ quá, ông Poirot ạ, bao giờ ông cũng phải xoay xoắn mọi sự cho trở lại với cô gái kia sao?
- Chẳng phải là tôi xoay xoắn sự việc đâu, mà chính chúng tự xoay xoắn đó. Giống như cây kim chỉ ở hội chợ vậy. Nó xoay quanh, và khi ngừng lại thì bao giờ nó cũng chỉ vào cùng một cái tên - Elinor Carlisle.
Lord nói:
- Không phải thế.
Poirot buồn bã lắc đầu, rồi nói:
- Elinor Carlisle có họ hàng bà con nào không? Có chị em ruột, chị em họ không? Có cha hay mẹ không?
- Không, cô ta mồ côi - chỉ có một mình ở cõi đời này.
- Có vẻ bi thảm quá. Tôi chắc Bulmer sẽ đóng nhiều trò với cái sự đó. Vậy thì ai sẽ thừa hưởng tiền bạc của cô ta, nếu cô ta chết?
- Tôi không biết. Tôi chưa hề nghĩ đến việc đó.
Poirot nói trách.
- Bao giờ cũng phải nghĩ đến các điều đó chứ. Chẳng hạn như, cô ta đã làm di chúc chưa?
Lord bừng đỏ mặt, ngập ngừng nói:
- Tôi… tôi không biết nữa.
Poirot nhìn lên trần nhà, đầu ngón tay chụm lại:
- Cậu biết đấy, cậu nên cho tôi biết.
- Biết cái gì cơ chứ?
- Biết đúng cái gì đang ở trong đầu óc cậu - dẫu cho cái đó có tai hại cho Elinor Carlisle.
- Làm sao ông biết?
- Đúng, đúng thế, tôi biết. Có một sự gì - một việc bất ngờ nào đó trong óc cậu. Cậu nên cho tôi biết, nếu không thì tôi sẽ tưởng tượng là một sự gì tệ hại hơn là sự thật.
- Chẳng là gì cả - thực ra thì…
- Chúng ta đồng ý là chẳng là gì cả. Nhưng hãy cho tôi nghe xem đó là cái gì.
Một cách chậm chạp, miễn cưỡng, Lord để mặc câu chuyện tuôn ra - cái cảnh Elinor đứng tựa cửa sổ nhà bà điều dưỡng Hopkins, và cái cười của cô.
Poirot trầm ngâm nói:
- Cô ta đã nói như thế này, phải không: “Thế ra em đang làm di chúc đấy à, Mary? Thực là nực cười, thực là nực cười quá”. Có lẽ cô ta đang nghĩ rằng Mary Gerrard sẽ chẳng sống lâu.
Lord nói:
- Tôi chỉ tưởng tượng thế. Tôi không biết.
Poirot nói:
- Không đâu. Cậu không chỉ tưởng tượng thế đâu.