Bóng tối Đồng Pha Lan - Chương 02
Bóng tối Đồng Pha Lan
Chương 02
Ngày đăng 24-12-2015
Tổng cộng 20 hồi
Đánh giá 9.4/10 với 24016 lượt xem
Từ trước đến nay, chưa bao giờ hai tiếng phản bội nổi lên trong đầu hắn. Lớn lên trong kỷ luật thép, hắn chỉ nghĩ đến tuân lệnh, tuân lệnh triệt để. Tuy nhiên, lời nói của đại úy Phạm Nghị đã lôi hắn vào thực tại phũ phàng.
Ham đọc tiểu thuyết gián điệp, hắn không lạ gì việc mua bán tài liệu bí mật giữa những tay do thám quốc tế. Tòa đại sứ Bắc Việt mới được thiết lập tại Vạn Tượng, nhũng chuyên viên tình báo như Phạm Nghị được cử tới phụ trách thu lượm tin tức, không lẽ gián điệp lão luyện Tây Phương lại khoanh tay ngồi yên.
Thấy Hoài Thanh nín khe, Phạm Nghị không dằn vặt thêm nữa. Hắn khoan thai hít tẩu thuốc, mùi thơm ngào ngạt bay vào mũi Hoài Thanh. Nếu Hoài Thanh cưng người đẹp, Phạm Nghị lại cưng tẩu thuốc. Hắn có hàng chục cái tẩu khác nhau, cái thẳng, cái cong, cái tròn, cái vuông, phần nhiều là loại đắt tiền, mua tại Hồng Khong đã trên 20 mỹ kim một cái
Có lần bàn về nghệ thuật hút tẩu trong tòa đại sứ, Phạm Nghị đã hoa tay, múa chân, giọng đàn anh:
- Về tẩu, chỉ có Dunhill của Anh quốc là ngon nhất. Tôi dùng toàn tẩu Dunhill. Tuy nhiên, tẩu của tôi còn có nhiều lợi ích khác nữa. Khi hoạt động bên ngoài, tôi bỏ tẩu số 4 kếch sù trong túi. Cái cối bằng rễ cây bờ-ruy-e ngâm rượu mạnh gần một trăm năm có thể biến thành một khí giới nguy hiểm trong tay tôi. Tôi gõ vào đầu là đối thủ ngã quay ra. Đôi khi, tôi lại gắn máy ghi âm tí hon trong tẩu... Nhưng thôi, nói nhiều làm các đồng chí nhức đầu...
Chiếc Vôn va ghen phóng như bay trên con đường ra Chợ Mới rồi nhắm phi trường trực chỉ.
Chắc Phạm Nghị lái về tòa dại sứ. Để được yên tâm, Hoài Thanh hỏi:
- Đồng chí đưa tôi đi đâu?
Phạm Nghị cười khảy:
- Đưa anh đi bắn.
Hoài Thanh giật nảy người như bị ong đốt:
- Thưa, tôi không phải là phần tử phản động. Dầu sao...
Giọng Phạm Nghị sắc như mũi dao nhọn:
- Anh là phần tử phản động vì đã ănc ắp công quỹ và sửa soạn làm tay sai cho dịch.
- Tôi là đoàn viên Thanh niên Lao động, tuyệt đối trung thành.
Phạm Nghị cười ngất:
- Biết rồi. Bao giờ anh cũng tuyệt đối trung thành. Nhưng không phải trung thành với chính phủ. Mà là trung thành với đàn bà. Trung thành với nàng Boun. Một con đĩ rạc.
Hoài Than giận sôi lên.
Phạm Nghị dám gọi tình nhân lý tưởng của hắn là con đĩ rạc. Nếu không phải Phạm Nghị, đại úy quyền thế của ban An ninh, Hoài Thanh đã tặng cái tát nổ đom đóm mất.
Nhưng Phạm Nghị lại là hung thần trong tòa đại sứ. Phạm Nghị có đủ quyền hành tống hắn lên chuyến phi cơ thứ nhất bay đi Khang Khay về Hà Nội để ra tòa. Tòa án sẽ giáng cho hắn 20 năm khổ sai, 20 năm khổ sai, đốn tre, vác nứa trong trại giam Lai CHâu, cơm ngày một bữa với muối và rau tâu bay... Sức lực như Hoài Thanh chỉ ngắc ngoải vài ba mùa đông là chết.
Phạm Nghị lại còn có quyền tiền trảm, hậu tấu đối với nhân viên bị kết tội làm tay sai cho địch. Nếu cần, Phạm Nghị sẽ tặng hắn một viên đạn vào gáy rồi vứt xác xuống sông Cửu Long. Hai tháng trước, một nhân biên trong ban Mật mã đi luôn không về. Ông đại sứ yêu cầu công an Vạn tượng điều tra, vì lẽ nạn nhân đã làm bạn với Hà Bá. Mọi người không dám hé răng. Phạm Nghị có tai mắt khắp nơi.
Tuy trời đã khuya, tòa đại sứ còn sáng đèn. Trên thực tế, nhân viên chia làm ba toán, làm việc suốt đêm.
Cổng sắt nặng nề mở ra cho chiếc xe nhỏ chui vào trong. Nhìn hai tên gác lực lưỡng đứng sau bàn gỗ, Hoài Thanh toát mồ hôi. Ngày thường, toán vệ sĩ đã coi hắn như nhân viên quèn mặc dầu trên nguyên tắc hắn là nhân vật thứ tư đứng sau ông đại sứ, cố vấn sứ quán và đệ nhất tham vụ.
Một con chó lông nâu, lớn như con beo, nằm dài trên thang gác. Thấy Hoài Thanh, con chó vươn mình dậy, miệng há lớn, thè cái lưỡi dài và đỏ hỏn, đuôi ve vẩy như muốn quật vào mặt hắn. Đó là con chó giữ nhà của ông đại sứ Lê Văn Hiến.
Hoài Thanh còn sợ con Đô la hơn sợ cọp gấm trong rừng nữa. Người ta kể lại có lần nó quật ngã hai nhân viên rồi nhai ngấu nghiến. Lê Văn Hiến đặt tên nó là Đô la, có lẽ để kỷ niệm thời kỳ giữ chức bộ trưởng Tài chính, và có lẽ cũng để gợi lại mối thù đối với người Mỹ.
Lê Văn Hiến hơi cau mặt khi Hoài Thanh rón rén đẩy cửa vào.
Gian phòng hình vuôn như cái hộp, cửa sổ đóng kín mít, và căng rèm hai màu vàng đỏ, màu cờ Bắc Việt.
Trên cái bàn chữ nhật kê sát tường, Hoài Thanh thấy ngổn ngang hồ sơ và chai rượu hnýt ky vừa khui, bên cạnh hai cái ly pha lê. Cũng như Hoài Thanh, ông đại sứ là đệ tử của thần Lưu Linh.
Hoài Thanh lắp bắp:
- Kính chào đồng chí đại sứ.
Lê Văn Hiến hất hàm:
- Tôi không cho phép một kẻ phản bội gọi tôi là đồng chí nữa. Anh còn nhớ là ăn cắp bao nhiêu tiền không?
Giọng Hoài Thanh run run:
-Thưa, tôi lấy nhiều lần nên không nhớ.
Lê Văn Hiến đập bàn:
- To gan thật! Lấy công quỹ cho gái mà không thèm nhớ. Theo giấy tờ tiền trong két còn bao nhiêu?
- Thưa, tôi chưa cộng sổ.
- Hừ, nếu anh cộng sổ cũng chẳng còn bao nhiêu. Vì nó đã biến thành sâm banh ở Đồng Pha Lan rồi. Để tôi nói cho anh biết: trong vòng mấy tuần nay, anh đã ăn cắp hơn ba trăm ngàn kíp.
Con số ba trăm ngàn làm Hoài Thanh sửng sốt. Dầu tiêu tiền không đếm, hắn tính nhẩm chỉ đến một trăm ngàn là cùng. Hắn bèn năn nỉ:
- Thưa, tôi tưởng chưa thâm thủng nhiều đến thế.
Lê Văn Hiến thét lớn:
- À, té ra tôi đổ vấy cho anh! Té ra anh xài ít mà tôi nói nhiều. Vậy thì thôi, để ban An ninh xử trí với anh, tôi không can thiệp nữa.
Hoài Thanh run như rẽ:
- Thưa ông, tôi trót dại... Tôi trót dại... Vâng, có lẽ tôi đã tiêu hơn ba trăm ngàn tiền quỹ.
- Không có lẽ gì cả. Anh có thú nhận ba trăm ngàn không?
- Thưa có. Xin ông rộng lòng thà thứ, tôi xin trừ dần vào lương.
- Anh trừ cả đời cũng chưa hết. Vả lại, chưa có trường hợp nào ăn cắp tiền quỹ bao gái rồi được chính phủ trừ dần vào lương.
- Ông mở lượng hải hà cứu cho, tôi xin...
Lê Văn Hiến quắc mắt, đôi lông mày sâu róm nhíu lại dưới vầng trán hơi và láng mỡ:
- Anh nói dễ nghe nhỉ? Tôi có thể khoan hồng nếu anh chịu hối cải, đằng này anh vẫn tỏ vẻ ngoan cố. Anh trốn khỏi sứ quán, xuống Đồng Pha Lan làm gì?
- Thưa, trong lúc buốn phiền, tôi lỡ dại dột gọi xe xuống xóm để giải sầu. Xuống đến nơi, tôi mới thấy là ngu xuẩn. Nên tôi về ngay. Ra đến đường thì gặp đại úy Phạm Nghị.
- Hừ, anh chối soen soét như con đĩ. Theo chỗ tôi biết, anh xuống Đồng Pha Lan để tiếp xúc với nhân viên cùa địch.
- Thưa tôi xin thề... Tôi xuống đó với mục đích giải sầu, chứ không hề có ý định phản bội.
- Tạm tin là anh đi giải sầu đi... Nhưng từ giải sầu đến làm gián điệp cho địch cũng chẳng bao xa. Anh định đi gặp ai ở quán Tre Mới? Anh thú tội đi thì may ra sẽ được khoan hồng. Nhược bằng...
- Một lần nữa, tôi xin thề... Tôi xin thề trên vong linh của cha tôi.
- Lời thề cá trê chui ống của anh, tôi không thèm để ý đến. Anh thề trên vong linh người chết càng làm tôi không tin nữa. Người chết là hết chuyện. Chỉ có bọn tư bản mới lấy người chết ra làm nhân chứng. Người duy vật chỉ biết hiện tại.
Hoài Thanh chắp tay vái:
- Lạy ông đại sứ. Tôi mới phạm tội lần đầu.
Từ nãy tới giờ, Phạm Nghị dựa lưng vào tường, thản nhiên hút tẩu. Thấy Hoài Thanh chắp tay vái, hắn mỉm nụ cười bí mật.
Rồi xen vào:
- Tôi đề nghị ông đại sứ xét lại. Dầu sao hắn cũng mới phạm tội lần đầu.
Đại sứ Lê Văn Hiến chắt lưỡi:
- Phạm tội lần đầu... Nể lời đại úy Phạm Nghị, tôi sẽ khoan hồng với anh. Hoài Thanh, nếu là nhân viên khác, tôi đã bắt giam dưới hầm, đợi máy bay tống về Hà Nội. Tôi không muốn khe khắt vì thấy anh còn trẻ, học rộng, hơn nữa anh lại là đồng hương với tôi.
Hoài Thanh ngước đôi mắt long lanh:
- Vâng, ông đại sứ đã biết rõ gia đình tôi.
Lê Văn Hiến gật đầu:
- Không những biết rõ, tôi còn cứu mạng nữa. Cha anh thuộc thành phần địa chủ may nhờ giúp đỡ tài chính cho Đảng trong Kháng chiến, và nhờ tôi bảo lãnh với ủy ban địa phương nên khỏi bị đấu tố. Các em anh đã hy sinh cho chế độ mới. Riêng anh, trong thời gian phục vụ tại tiền tuyến, anh đã được tuyên dương vì đức can đảm. Anh còn nhớ không?
- Thưa, đến chết tôi cũng không quên.
- Vậy anh cũng không quên Đoàn Thọ. Tuần trước, Thọ bị xử tử, xử tử về một tội nhẹ hơn tội của anh nhiều. Anh còn sống là nhờ tôi làm đại sứ tại Vạn Tượng.
Câu nói của đại sứ Lê Văn Hiến đâm vào tim Hoài Thanh như mũi dùi vót nhọn. Phải rồi, tuần trước Phạm Nghị đã hành quyết một nhân viên trong sứ quán, phụ trách vụ mua chuộc kiều bào. Nạn nhân là Thọ. Tên là Thọ mà chỉ thọ được 25 tuổi mỏng manh.
Một đêm không trăng, Thọ lò dò một mình trên đường bờ sông. Không ai biết anh chàng lang thang trong bóng tối vắng vẻ làm gì. Theo lời đồn đãi, Thọ có hẹn trên đê Cửu Long với một cô gái Lào mà hắn định cưới làm vợ.
Nàng là học sinh trung học, nhà giàu, nhan sắc mặn mà. Nàng bơi xuồng trên sông thì bị đắm. Đòan Thọ nhảy xuống vớt, không kể dòng nước chảy xiết. Tai nạn ngẫu nhiên này làm hai người quen nhau, yêu nhau rồi tính chuyện trăm năm.
Đêm ấy, Thọ chờ nàng nhưng cơ quan An ninh của sứ quán lại cả quyết là Thọ rắp tâm làm phản, và mối tình thơ mộng chỉ là tấm bình phong. Ý Thọ mò mẩm trên đê để giáp mặt một nhân viên tình báo của sứ quán Nam Việt.
Thọ về đến đầu đường Nokeo Koamane thì Phạm Nghị lái xe chặn lại.
Chẳng nói chẳng rằng, Phạm Nghị lôi Thọ lên xe. Đêm ấy, Thọ không về sứ quán nữa. Sáng hôm sau, Phạm Nghị cho biết là Thọ được chở đến một ngôi nhà bỏ hoang gần Thát Luông.
Theo lời Phạm Nghị, gã si tình không van xin nửa lời. Biết chết, hắn quay mặt vào tường, miệng lầm rầm cầu kinh. Không có thời giờ chờ nạn nhân cầu kinh xong, Phạm Nghị chĩa súng bào gáy bóp cò, Thọ ngã gục trên 9dống rêu xanh nhầy nhụa.
Mãi tới lúc diều hâu xà xuống cấu xé thi thể rửa nát, Công an thành phố mới phăng ra vụ án mạng. Tòa đại sứ " dân chủ cộng hòa" vội vã ra thông cáo lời lẽ gay gắt buộc tội "gián điệp Tây phương" dúng tay vào vụ hạ sát.
Hoài Thanh không muốn chết non như Thọ. Nàng Boun, cô gái Lào đa tình nhất thế giới, muốn hắn sống hoài sống mãi. Hắn còn phải sống để trở về quê hương, gặp lại thiếu nữa người Việt đẹp như hoa hồng trong sương sớm.
Hiện nàng ở Hà Nội, tên nàng là Thiên Hồng, Hoa hồng của Trời, Thật vậy, Trời đã ban đóa hoa tuyệt diệu ấy cho hắn để hắn khỏi đau lòng ví xí trai.
Mường tượng tới lúc được ôm gọn Thiên Hồng vào lòng, Hoài Thanh bủn rủn tay chân. Hắn cảm thấy tự do là quý, và hắn sẵn àng làm tôi mọi cho ông đại sứ miễn hồ được tự do cầm tay, tự do hôn môi Thiên Hồng. Tự do ân ái với nàng Boun.
Hắn van lơn:
- Tôi mới phạm tội lần đầu, xin ông mở lượng hải hà...
Lê Văn Hến sửa lại nút cà vạt dên ni-lông chễm chệ trên bộ sạc kin Hoa Kỳ trắng toát, ủi thẳng nếp, giọng dịu xuống:
- Tôi đã hứa nhân nhượng với anh rồi...Lần này, tôi vui lòng coi đó chỉ là sự động cỡn không thể tránh khỏi của tuổi trẻ. Anh xa nhà, còn trẻ, chưa vợ con, nghèo kinh nghiệm trường đời, nên làm bậy là chuyện dĩ nhiên, Nhưng tôi chỉ có thể khoan hòng với một điều kiện...
Tưởng Lê Văn Hiến bắt làm giấy kiểm thảo và cam kết thường lệ, Hoài Thanh gật đầu cung kính:
- Thưa ông, một chứ mười điều kiện tôi cũng xin bái nhận. Cái ơn cứu tử của ông đại sứ tôi sẽ không đời nào quên.
Lê Văn Hiến ung dung châm điếu sì-gà Ha-van to tướng bằng cái quẹt máy Ronson vàng 18 ca-ra:
- Khá lắm. Phục thiện như anh thì tiến bộ rất nhanh chóng. Anh yên tâm, tôi chỉ đòi một điều kiện duy nhất mà thôi.
- Thưa, xin ông đại sứ cho biết, tôi xin tuân lệnh ngay.
- Ừ, trên máy chữ đã có sẵn giấy, anh ngồi xuống đánh đi:
- Thưa, đánh tờ tự phê bình,
- Ừ, tự phê bình là dại dột nghe dàn bà nên lầm lẫn...
- Dạ.
- Chưa hết đâu. Trong tờ khai , anh còn phải thú tội là vì lầm lẫn nên đã tiếp xúc với nhân viên địch.
- Trời đất ơi!
Vẻ sửng sốt lạ thường pha lẫn sợ hãi vô biên hiện trên mặt Hoài Thanh. Hắn không nhờ sự thể lại oái oăm và nguy hiểm như vậy. Trên thực tế, hắn chỉ phạm tội thâm lạm công quỹ và tằng tịu với một thiếu phụ địa phương, chứ chưa hề tiếp xúc với nhân viên của địch.
Tội thâm lạm và tằng tịu chỉ mang lại án tù. Tằng tịu thì bị cảnh cáo, hoặc tống khứ về nước. Thâm lạm thì từ 3 đến 5 năm tù. Nhưng còn tiếp xúc với địch...
...Thường thường là tử hình. Tử hình như Đoàn Thọ với hòn chì cưa đầu vào gáy còn sướng hơn tử hình trong khám đường trung ương Hỏa Lò. Còn sướng hơn tử hình torng trại lao công Việt-Bắc.
Kỷ luật của bộ Ngoại giao rắn như thép. Nhân viên sứ quán ở hải ngoại, nhất là ở những nơi đối phương hoạt động ráo riết, không được tham dự các khoản đãi ngoại giao, trừ phi được phép đặc biệt của ông đại sứ. Ngay cả trong trường hợp được phép cũng phải đi ít nhất hai người, và khi về phải làm tờ trình.
Hoài Thanh đã tuân lệnh răm rắp. Trong thời gian phục vụ ở Vạn Tượng, hắn tham dự một cuộc tiếp tân do thủ tướng hoàng gia tổ chức. Lần ấy, hắn được lệnh ngậm miệng triệt để, chỉ được nói những lời bắt buộc: như " không dám, kính chào ông..." Hắn không quen ai, ngoại trừ nàng Boun và những thiếu phụ thương mãi ái tình ở khu Đồng Pha Lan dâm dật...
Tiếng kêu than của Hoài Thanh làm đại sứ Lê Văn Hiến cau mặt.
Lê Văn Hiến đấm tay xuống bàn khiến bình mực đỏ xánh ra ngoài, bắn tung toé:
- À ra anh lơi dụng lòng nhân hậu của tôi!
Mặt ngoài Hoài Thanh xạm lại:
- Thưa ông đại sứ, quả thật tôi vô tội.
- Nghĩa là người khác ăn cắp tiền trong quỹ không phải anh.
- Thưa, về tiền thì chính tôi lấy. Nhưng còn về liên lạc với địch..., tôi chưa hề...
- Biết anh ngoan cố như vậy tôi đã nặng tay từ lâu rồi. Thôi dược, muộn còn hơn không.
- Thưa, xing ông đại sứ xét lại. Tôi chưa hề có ý tưởng phản bội, chứ đừng nói là có hành động phản bội nữa. Vả lại, đi đâu tôi cũng xin phép ông.
- Hồi tối, anh xuống Đồng Pha Lan đã xin phép chưa"
- Thưa... chưa.
- Tằng tịu với nàng Boun, anh đã xin phép chưa?
- Thưa chưa.
- Hừ, xuống xóm chơi gái là iệc rất dễ mà không xin phép thì anh lại xin phép tôi để lãnh tiền của địch. Gái đĩ già mồm là chuyện thông thường, nhưng nếu anh muốn giữ lại chỗ đội nón thì nên thú nhận là hơn. Tôi có sẵn trong ngăn kéo một số báo cáo tỉ mỉ. Ngủ với gái anh mặc quần đùi màu gì, anh xài mỗi tối bao nhiêu tiền, tất cả đều được ghi chép. Tôi còn biết anh gặp ai, và nhận mấy ngàn đô la nữa.
- Thưa, đô la ở đâu?
- Anh giả vờ ngu khá giỏi, tôi thành thật ngợi khen. Hừ, đồ chó chết, trên thế gian này, ai xài đô la. "Bọn chủ mới" của anh... Chúng muốn dùng anh để phá hoại hòa bình thế giới.
"Bọn chủ mới" "phá hoại hòa bình thế giới", những danh từ đao to búa lớn này hoàn toàn xa lạ đối với Hoài Thanh. Hắn lắc đầu lần nữa, giọng rưng rưng như sắp sửa khóc òa:
- Chắc người ta báo cáo lầm rồi... Tôi xin mang danh dự con người ra thề. Nếu tôi...
Lê Văn Hiến quát to:
- Câm miệng.
Đoạn nhổ bẹt bãi nước bọt xống tấm thảm lông cừu sặc sỡ đắt tiền, tay bấm chuông. Hoài Thanh nhìn theo, run lẩy bẩy.
Cửa phòng mở toang.
Phạm Nghị hiện ra, trên tay ve vẩy ngọn roi chì bọc cao su. Thứ roi này đánh vào người làm tứ chi ê ẩm, hàng tuần cũng còn đau.
Phạm Nghị chỉ roi vào mặt Hoài Thanh.
- Nể lời ông đại sứ tôi tạm tha cho anh. Tôi đinh ninh anh là thằng khôn và vâng lệnh ông đại sứ. Ngờ đâu anh chỉ là con bò. Có lẽ anh còn ngu hơn con bò nữa. Hạng như anh mà làm đệ nhị tham vụ tốn lương nhà nước vô ích. Bây giờ hết rồi, anh tiếp tục bướng bỉnh nữa đi.
Hoài Thanh xoè bàn tay phân bua:
- Thưa anh, tôi đâu dám bướng bỉnh. Anh nghĩ lại cho tôi nhờ.
- Cái lối bù lu bù loa ấy để dành cho đàn bà. Này, tôi bảo anh biết, từ xưa đấn nay chưa kẻ nào chịu được đòn của toi. Những đứa gan lì nhất cũng chỉ cúng đầu được một đêm là khai hết. Biết điều khai đi thì đõ đòn.
- Oan tôi lắm, anh Phạm Nghị ơi.
- Phải, oan lắm, còn oan hơn bà Thị Kính nữa. Đây là lần chót tôi dùng lời mềm mỏng với anh, vì dầu sao anh cũng là nhân viên ngoại giao cao cấp. Nếu anh khai thật, tôi sẽ tìm cách bảo lãnh cho anh được ở lại Vạn Tượng. Nếu không, miễn cưỡng tôi phải tra tấn anh đêm nay. Anh đã vào phòng tra tấn của tôi chưa? Trong ấy, tôi sắm đủ dụng cụ. Anh biết Mát-dơ-lốp là ai chưa?
- Chưa.
- Vậy, anh sắp được biết. Mát-dơ-lốp la ông vua của nghề tra tấn. Từng đọc lịch sử chủ nghĩa cộng sản như anh mà không biết Mát-dơ-lốp thì lạ thật. Đàn bà đã làm óc anh đặc lại như hắc ín. Hoài Thanh ơi, Mát-dơ-lốp là người áp dụng biện pháp tra tấn hữu hiệu nhất sau ngày Lê-nin thành công ở Liên xô. Tôi đã am tường mọi mánh khoé lạ lùng của sư phụ Mát-dơ-lốp.
Ngoài ra, tôi lại tốt nghiệp khóa tra tấn đặc biệt của Smerch ở Mạc Tư Khoa. Khóa này kéo dài đúng 12 tuần lễ chỉ học cách đánh người, đánh nhẹ mà đau, đánh không chảy máu, trầy da mà thần kinh nát bấy. Trong thế chiến thứ hai, phản gián Đức quốc xã chỉ mở lớp dạy 4 tuần mà thiên hạ đạ thất kinh, huống hồ tôi học 12 tuần. lại thêm 6 năm kinh nghiệm bản thân nữa. Ra khỏi phòng tôi, anh sẽ biến thành đống giẻ rách. Chưa hết, tôi còn giải anh về Hà Nội, giao cho Công an Hàng Cỏ. Chắc anh đã nghe danh Công an Hàng Cỏ. Anh là người học rộng, đừng bắt tôi phải mất thời gian giải thích dài dòng. Thế nào, đồ chết dẩm, chịu khai thật chưa?
Hoài Thanh nghẹn ngào:
- Thưa anh, tôi muốn khai lắm nhưng biết gì đâu mà khai.
Hắn chưa nói dứt câu ngọn roi bọc chì đã quất vào ngực. Bị đòn, hắn mắm môi, chịu đau. Tuy nhiên, hắn không cảm thấy đau đớn mà chỉ cảm thấy tê tê, toàn thân rung chuyển như bị điện giật. Phạm Nghị quả là đồ đệ cừ khôi của sư phụ Mát-dơ-lốp. Mỗi nhát roi cao su của hắn đều nhắm trúng yếu huyệt.
Lý Văn Hiến cười nhạt, cặp chai huýt ky thơm tho vào nách, ung dung bước sang phòng bên.
Hoài Thanh níu áo, giọng run run:
- Trăm lạy ông đại sứ...
Lê Văn Hiến lạnh lùng gạt Hoài Thanh ngã xuống. Ngọn roi chì lại bay vèo vèo.
Hoài Thanh bưng mặt để tránh ngọn roi quái lạ. Nhưng Phạm Nghị lại giáng vào chỗ khác. Mê đòn, Hoài Thanh loạng choạng đâm đầu vào tường trước khi nằm vập xuống đất.
Quần áo rách bươm, hắn ngất đi.
Nếu còn tỉnh và mở mắt, hắn sẽ chứng kiến một quan cảnh lạ lùng. Phạm Nghị nghỉ tay, quăng roi vào góc, rồi thản nhiên hút thuốc lá.
Trần Chương lặng lẽ bước vào, Nhìn Hoài Thanh nằm dải trên sàn nhà. Trên cặp môi đầy thâm sâu của Trần Chương phảng phất một nụ cười bí hiểm.
Trần Chương là đại tá hiện địch, và là tùy viên quân sự của tòa đại sứ. Quyền hành của hắn rất lớn, đôi khi còn lớn hơn quyền của đại sứ Lê Văn Hiến, cựu bộ trưởng Tài chính, ùy viên Trung ương Đảng nữa.
Vì Trần Chương là nhân vật điều khiển bộ máy điệp báo Bắc-Việt tại Miên-Lào.
Hắn cỡ 45, nhưng tuổi thật mới 38. Người ngoài đoán lầm tuổi vì tóc mai của hắn đã bạc phơ sau nhiều năm suy nghĩ về phương pháp giết người thầm lặng.
Trên khuôn mặt dài, gân guốc, nổi bật tia mắt sáng như điên. Thêm lông mày sâu róm, hàm răng thưa, và làn môi dầy, mặt hắn toát ra vẻ thâm độc ghê gớm. Vai hắn rộng và dầy như vai của đô vật chuyên nghiệp. Đặc điểm của Trần CHương là bàn tay.
Chỉ nhìn bàn tay hắn, người yếu bóng vía đã toát mồ hôi lạnh. Bàn tay hắn to gấp đôi mức thông thường, ngón vuông, đen đủi, đầy lông lá, như được đúc bằng thép. Những ngón tay chuối mắn này đủ sức bẻ gãy xương cổ người đàn ông lực lưỡng.
Trên thực tế, Trần Chương chuyên giết người bằng tay không. Rất ít đối thủ chịu nổi trái thôi sơn của hắn. Có lần, hắn đấm tan óc một võ sĩ Tây phương nặng gần 80 kilô. Đối với phụ nữ, hắn chỉ sử dụng một ngón tay là đủ chọc thủng ruột gan trong nháy mắt.
Vẫy Phạm Nghị đang dựa lưng vào tường, Trần Chương hất hàm:
- Nó ngất rồi phải không?
Trần Chương có thể hất hàm vì Phạm Nghị là đàn em của hắn, Phạm Nghị rút điếu thuốc ra khỏi miệng, cung kính:
- Thưa rồi.
- Thôi, đừng dánh nữa, như vậy là quá đủ rồi. Lấy nước lạnh phun cho nó tỉnh dậy, rồi kiếm bộ quần áo khác lành lặn cho nó mặc. À, anh có làm cho nó gãy xương sườn nào không?
- Thưa, tôi đã cẩn thận không phạm vào chỗ nhược. Thế mà nó cũng mê man. Đúng là đồ bỏ.
- Dĩ nhiên, hắn là đồ bỏ thì mình mới có hy vọng thành công. Anh cố o bế nó. Gãy một vài cái xương thì phiền lắm. Hẵn anh đã biết mục đích của tôi là muốn nó ăn đòn đau điếng chứ chưa muốn nó bị thương tích. Lát nữa, nó tỉnh dậy, anh nên lựa lời dỗ dành rồi lái xe đưa nó về nhà. Nhớ đóng kịch cho khéo, đừng làm nó nghi. Nó nghi thì hỏng bét.
Trần Chương bóc vỏ kẹo cao su, cho vào miệng nhai nhồm nhoàm:
Phạm Nghị nói:
- Thưa, đại tá yên tâm. Nó sẽ làm theo ý ta.
Trần Chương cười hà hà:
- Tốt. Thôi, anh sửa soạn ngay cho kịp.
Dưới đất, Hoài Thanh bắt đầu cựa mình.
Trong cơn mê, hắn buộc tiếng rên:
- Đau quá, oan cho tôi quá, trời đất ơi!
Tiếng cười của Trần Chương to hơn.