Bi kịch về 3 cái chết - Chương 18
Bà Cynthia Dacres
Ngày đăng 22-12-2015
Tổng cộng 28 hồi
Đánh giá 9/10 với 32887 lượt xem
Phòng trưng bày hàng công ty Ambroise trông sáng sủa. Quanh tường một màu trắng ngà, thảm lót sàn một màu nhợt nhạt, mọi thứ bên trong đều vậy cả. Nhìn khắp tỏa một màu sáng lấp lánh như những hàng xi mạ, trên mặt một phần tường trang trí một mô hình nhiều góc cạnh với hai mảng màu xanh lơ và vàng chanh. Công trình trang trí do nghệ nhân Sydney Sandford - chuyên viên trang trí trẻ tuổi hiện đại nhất vào thời đó.
Egg Lytton Gore đang ngồi ở ghế bành kiểu dáng rất mới, đẹp, trông hao hao như chiếc ghế ở phòng nàng, nàng ngắm nhìn những khuôn mặt mệt mỏi của những người đẹp đang uốn lượn vòng qua lại trước mặt. Nàng Egg mới đầu chỉ đoán chừng nhiều lắm là chỉ năm mươi, sáu mươi đồng Anh là sắm được chiếc áo dài.
Bà Dacres như mọi khi, đẹp kỳ ảo, bà đang (như Egg đoán chừng) lo o bế những khách hàng.
- Nào, cô thích bộ này? Cái cầu vai lạ mắt đấy, phải không? Ồ, chỗ eo hơi bó sát một chút. Không còn bộ màu hồng đơn, chịu thôi. Tôi còn bộ hàng mới màu Espanol - đẹp mắt trông như màu hạt cải, lấm tấm màu đỏ ớt. Màu rượu chát, cô có thích không? Trông chói quá hả? Cô mặc thử, bó sát người khó coi. Quân áo thời nay chớ nên may đứng đắn quá.
- Khó lựa cho ưng ý - Egg nói - Bà chủ biết đấy - Giọng nàng thân mật hơn - tôi chưa lần nào bỏ tiền túi sắm một bộ đồ. Bởi còn nghèo kiết xác. Tôi nhớ lại cái đêm bà đến thăm Chòi Canh, trông bà đẹp tuyệt trần, lúc đó tôi nghĩ “khi nào có nhiều tiền tôi sẽ đến cửa hiệu bà Dacres nhờ chọn mua một bộ”. Kể từ cái đêm đó tôi thật sự ngưỡng mộ tài năng của bà.
- Này, cô em thật là dễ thương. Tôi chỉ thích may cho mấy cô gái trẻ. Mấy cô gái miễn sao nhìn bề ngoài đừng có thô kệch, cô em hiểu ý tôi nói chứ?
- Nhìn bà không còn một nét nào thô kệch. - Egg lại nghĩ trái ngược.
- Cô em là người có cá tính - Bà Dacres nói tiếp - Em không nên ăn mặc đồ thường. Quần áo phải đơn giản, dễ nhìn bắt mắt, hơi mỏng một chút. Em hiểu ý tôi? Vậy là em cần nhiều món không?
- Em mơ ước được bốn chiếc áo dài mặc buổi tối, vài bộ mặc ban ngày, một vài bộ chơi thể thao - chỉ có bấy nhiêu.
Bà Dacres lại tỏ ra dịu dàng hơn. Vậy mà, thật tình bà đâu có hay nàng chỉ còn gởi ngân hàng vỏn vẹn mười lăm pound mười hai xu, chỉ đủ sống đến tháng mười hai.
Mấy cô nàng mặc áo dài đủ kiểu đi ngang qua chỗ Egg đang đứng. Đang nói chuyện thời trang, nàng xoay qua chuyện khác.
- Em cứ tưởng từ dạo đó bà không quay lại ngôi nhà Chòi Canh nữa? - Nàng hỏi.
- Không, thật cưng ơi, ta không thể đến đó nữa. Nghĩ thật là rắc rối - và, dù sao ta cứ nghĩ là vùng đất Cornwall thuộc về giới nghệ sĩ... Ta không quen giao tiếp với bọn nghệ sĩ. Nhìn thân thể họ kỳ dị làm sao.
- Đó là cái nghề xướng ca vô loài, phải không? - Egg nói - Ngài mục sư Babbington cũng từng được yêu thích đấy.
- Ta cho là chuyện đó thuộc về một thời đã qua. - Bà Dacres nói.
- Dường như bà đã được gặp ngài một lần rồi thì phải?
- Ngài cựu chiến binh ấy hả. Ta có gặp lần nào? Ta không nhớ.
- Em nhớ lại có lần nghe ngài kể - Egg nói - Không phải tại Cornwall, em còn nhớ tại một nơi thường gọi là Gilling.
- Vậy sao? - Đôi mắt bà Dacres nhìn có vẻ xa xăm - Không, Marcelle - kiểu ta đang cần là Petite Scandale - hay kiểu Jenny - và sau cùng thời trang màu xanh Patou.
- Chuyện nghe thật lạ lùng - Egg nói - Ngài Bartholomew bị đầu độc.
- Này cô em, tiếng đồn vang xa! Ta vừa trúng một mẻ làm ăn lớn. Mấy bà kỳ quái đổ xô đến đây đặt may áo dài kiểu thầy tu, đi tìm cảm giác lạ. Ta có kiểu thời trang Patou hợp với em. Em nhìn xem cái diềm xếp nếp tổ ong coi nó thừa làm sao, vậy mà nó làm tăng vẻ đẹp chiếc áo thụng. Bọn trẻ không chán thời trang. Ồ, tội nghiệp ngài Bartholomew chết, còn ta thì vớ được của trời cho. Người ta cứ tưởng ta đã giết chết ngài trong đường tơ kẽ tóc. Ta có phần nào ăn theo cái dịp đó. Mấy bà nhà giàu có tiếng cứ đến gian hàng trố mắt mà nhìn. Nhìn khắp nơi. Vậy là cô em biết đó...
Đang nói thì chợt ngắt ngang, có một vị khách Mỹ to lớn kềnh càng đang bước vô, chắc là khách sộp.
Người khách Mỹ đang kể ra những món cần mua nghe có nhiều món đắt tiền, thừa lúc đó nàng Egg xin cáo lui ra về, nhắn lại người bán hàng thay mặt bà Dacres, nàng còn nghĩ lại có nên mua vài món hay không.
Vừa ra đến phố Brutton Street, Egg liếc nhìn đồng hồ. Một giờ kém hai mươi. Lẽ ra nàng đã tính đưa ra phương án hai từ rất sớm.
Nàng đi gần tới khu Berkeley Square nghĩ sao, quay bước trở lại. Đúng một giờ, nàng dừng lại gí mũi vô tủ kính bày hàng mỹ nghệ.
Nàng Doris Sims từ bên trong chạy vụt ra ngoài đường phố Brutton Sims rẽ về phía khu Berkeley Square. Vừa gần đến nơi, một giọng nói từ đâu vọng tới nghe gần bên tai.
- Xin lỗi, - Egg nói - nhưng mà tôi có thể nói chuyện với cô một chút được chứ?
Cô nàng ngỡ ngàng quay lại nhìn :
- Có phải cô là người mẫu ở cửa hiệu Ambrosine? Sáng hôm nay tôi nhìn thấy. Tôi nghĩ là cô sẽ không phật ý nếu cho tôi được phép nhận xét cô có một gương mặt thật hoàn hảo từ trước đến nay tôi mới nhìn thấy.
Doris Sims không tỏ vẻ khó chịu. Nàng hơi bối rối một chút.
- Bà quả đã có lòng đoái hoài, thưa bà. - Nàng mở lời.
- Trông em cũng dễ thương quá, - Egg nói - bởi vậy tôi mới nhờ em một việc. Tôi mời em đi ăn trưa tại nhà hàng Berkeley hay nhà hàng Ritz và tôi sẽ kể cho em nghe việc đó.
Doris Sims lưỡng lự một lúc mới nhận lời. Nàng cũng muốn thử xem bởi nàng thích món ăn ngon.
Ngồi vô bàn gọi món ăn xong, Egg đi thẳng vô vấn đề.
- Tôi nghĩ là em nên giữ kín việc này - Egg mở lời - Em biết là ta đã có việc làm - viết bài về nghề chuyên môn cho mấy bà. Tôi cần em cho biết thêm thông tin về ngành may mặc.
Doris có vẻ khó chịu, vậy rồi nàng cũng nhiệt tình nghe theo, nàng kể rõ giờ giấc, mức lương lúc thuận lợi như lúc khó khăn trong nghề. Egg ghi lại mấy điểm cần nhớ vô sổ tay.
- Em thật tử tế - Egg nói - Tôi chưa quen nghề. Nó hoàn toàn mới mẻ. Em có biết là tôi khổ sở chừng nào, nhờ săn được một mẩu tin đăng báo này sẽ xoay chuyển tình thế.
Nàng nói tiếp, vẻ tự tin :
- Tôi cảm thấy mình bạo dạn lắm mới bước vô cửa hiệu Ambrosine định giả vờ mua một mớ hàng mẫu. Thật tình lúc đó tôi chỉ còn mấy đồng pound đủ tiêu dùng đến Noel. Bà Dacres sẽ tức giận biết mấy nếu bà hay được.
Doris cười khúc khích.
- Em biết bà ta sẽ giận.
- Em thấy tôi có khéo nói hay không? - Egg hỏi lại - Trông tôi cũng khá giả đấy chứ?
- Cô đóng kịch thật tài tình, cô Lytton Gore. Bà chủ ngỡ là cô mua sắm nhiều món.
- Tôi ngại bà ta sẽ bực mình vì chuyện đó. - Egg lại kể.
Doris nghe xong, cười nhiều hơn. Cô nàng thích món ăn trưa, càng thấy gần gũi với Egg. “Biết đâu cô ta, một bà chủ trẻ,” cô nàng nghĩ vậy “nhưng cô ta không muốn làm dáng. Trông cô ấy vẫn bình thường như mình thôi”.
Khi thấy đã thân mật hơn. Egg sẽ thuyết phục cô nàng kể hết lai lịch của bà chủ.
- Tôi cứ nghĩ là, - Egg nói - bà Dacres ở ác với mọi người. Có phải như vậy?
- Bọn em không ai chịu nổi, thưa cô Lytton Gore, em nói thật đấy. Nhưng bà ta lanh trí, tính toán làm ăn nhạy bén. Không giống những bà chủ doanh nghiệp bị phá sản vì khách hàng quen mua không trả tiền. Tính bà gay gắt - vậy mà theo em nghĩ bà là một người biết điều - bà nhận xét tinh tường mọi việc - biết việc nào ra việc nấy, biết chọn lựa hợp sở thích khách hàng.
- Tôi cho là bà kiếm được nhiều tiền?
Một cái nhìn như dò xét ném về phía nàng Dorís :
- Em không thể kể ra việc đó được - hoặc có thể bàn tán.
- Tất nhiên em không hiểu chuyện đó. Em kể nữa đi.
- Nếu cô cần biết thì hãng buôn cách phố Queer Street không bao xa. Đã có lúc một người đàn ông Do Thái đến gặp bà chủ bàn tính vài việc - em cho là bà chủ có vay mượn tiền hy vọng vực dậy doanh nghiệp, từ đó bà sa lầy. Em nói thật mà, cô Lytton Gore, đôi lúc bà chủ thật khổ sở. Gần như tuyệt vọng. Nếu không nhờ lớp son phấn có còn nhìn ra nữa không. Em cứ nghĩ bà trải qua nhiều đêm mất ngủ.
- Chồng bà chủ thế nào?
- Đó là một tip người lập dị. Khó chơi, em nói cho cô nghe hết, cũng ít khi gặp lại ông ta. Vậy mà không ai tin cái chuyện bà chủ còn mê mệt ông. Hẳn nhiên người ta còn bàn tán nhiều chuyện rùng rợn hơn nữa kia.
- Cụ thể là? - Egg hỏi lại.
- Ồ, em không thích nhắc chuyện cũ. Em không quen.
- Hẳn nhiên em không phải vậy. Em kể tiếp đi, em vừa nói...?
- Được rồi, mấy bà bàn tán nhiều lắm. Chuyện có một anh chàng - giàu có và nhã nhặn. Không hẳn là dại dột, cô nghe em nói - gã cũng tàm tạm. Gã hiểu rõ mọi chuyện - cũng khá dễ chịu, thế rồi gã phải ra đi trên chuyến tàu biển bất thình lình!
- Ai ra lệnh phải ra đi - ông bác sĩ?
- Dạ phải, một ông ở phố Harley Street. Em cho là cũng chính ông bác sĩ bị giết chết ở Yorkshire - bị đầu độc, chuyện đó ai cũng biết.
- Có phải là ngài Bartholomew Strange?
- Em nghe nói đúng cái tên đó. Lúc đó bà chủ đang ở tại nơi người ta bày tiệc chiêu đãi, và bọn em thì nói chuyện với nhau - chỉ cười thôi, cô nghe đây, vậy là bọn em nói với nhau, giả sử bà chủ giết chết ông ta - vì thù hận, cô hiểu ý em nói! Hẳn nhiên bọn em chỉ nói đùa.
- Dĩ nhiên, - Egg nói - chuyện đàn bà con gái nói giỡn. Ta hiểu ý em. Em biết không, ta thì cho là bà Dacres chính là thủ phạm - độc ác và tàn nhẫn.
- Xưa nay bà vẫn tàn nhẫn - tính bà độc địa! Lúc bà cho ai nghỉ việc không ai dám đến gần. Chồng cũng sợ bà nốt, chẳng ai lạ gì.
- Có lúc nào em nghe bà nhắc tên một người là Babbington hoặc tên một nơi gọi là Kent - Gilling?
- Ngay bây giờ, sao em không thể nhớ ra được ngay.
Doris liếc nhìn đồng hồ, chợt nàng cất tiếng.
- Ồ, cô ơi, em phải về, trễ giờ rồi!
- Hẹn gặp lại, cám ơn em đã đến đây với ta.
- Em vui lắm chứ, hẹn gặp lại, chào cô Lytton Gore. Em mong là cô sẽ có được bài báo hay. Em sẽ đón xem.
“Em đừng chờ vô ích, cưng ơi!” Egg nghĩ ra vậy, nàng gọi tính tiền.
Lúc này phác thảo lại những lời tường thuật ngắn, nàng ghi lại vô sổ tay.
“Cynthia Dacres - đang gặp khó khăn tiền mặt. Nhận dạng là một típ người độc địa. Một gã đàn ông trẻ tuổi, giàu có, được biết là tình nhân của bà chủ, gã đang đáp tàu biển đi du lịch theo lệnh ngài Bartholomew Strange. Không dò được phản ứng khi nghe kể về một nơi gọi là Gilling hoặc khi nghe nhắc đến tên mục sư Babbington đã từng biết đến người đàn bà này”.
“Chẳng khai thác được bao nhiêu” Egg ngẫm nghĩ nói một mình. “Manh mối chưa xác thực có phải là hung thủ đã giết chết mục sư Babbington, còn nghi vấn. Việc này chỉ còn nhờ đến ông Poirot. Tôi không thể nói ra trước được”.