Ba vụ án bí ẩn - Chương 12

Ba vụ án bí ẩn - Chương 12

Tái Công cùng bà A Quốc đàm đạo về thi ca
Mụ Lỗ không chịu tới công môn trình diện

Ngày đăng
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 8.4/10 với 32861 lượt xem

Người chuyên hám nghiệm tử thi ra khỏi, cánh cửa vừa khép lại thì Tái Công đặt tờ giấy đang cầm trên tay xuống bàn. Khoanh tay lại, ông tìm cách sắp xếp trật tự những ý nghĩ rối tung đang dồn dập trong đầu.
Không chút kết quả, ông đứng lên, mặc vào người bộ áo quần đi săn. Vận động một chút có thể giúp cho tinh thần thư thái, trí tuệ sáng suốt hơn. Ông hạ lệnh cho giám mã dắt con ngựa ông ưa thích ra sân trước, trèo lên yên và giục ngựa.
Sau khi phóng nhiều vòng quanh bãi tập, ông cho ngựa phi nước kiệu theo đường phố chính đến Bắc Môn rồi rời khỏi trấn thành.
Kìm ngựa tiến lên từng bước trên con đường ngập tuyết, ông xuống một dốc nhỏ và đi vào vùng bình nguyên trắng xóa. Bầu trời nặng báo hiệu một trận tuyết rơi mới tiếp theo.
Phía tay phải, hai tảng đá to chỉ nơi bắt đầu con đường hẹp đi tới bãi đá có tên là đồi Dược Thảo. Tái Công quyết định là sẽ trèo lên đến tận đó và chỉ trở lại nha môn sau sự vận động thân thể nhỏ này. Quất nhẹ roi, ông động viên con vật cưỡi của mình bước vào con đường cốc khúc khuỷu, nhưng khi tới một quãng dốc nhiều thì ông xuống ngựa, vỗ nhẹ vào cổ con vật và buộc dây cương vào một thân cây.
Đang bắt đầu trèo, ông bỗng dừng lại. Ông vừa nhìn thấy những lốt bàn chân nhỏ nhắn in trên tuyết. Ông tự hỏi không biết có nên tiếp tục đi lên… rồi nhún vai, ông trèo tiếp.
Chỉ có một thân cây duy nhất tô điểm cho đỉnh đồi, một cây mận mùa đông rất đẹp xõa những cành đen đen lốm đốm hàng trăm nụ hoa nhỏ màu hồng. Phía bên kia, cạnh hàng lan can gỗ, một phụ nữ mặc áo choàng lông màu xám đang lom khom bới tuyết bằng một chiếc xẻng nhỏ. Lúc nghe thấy tiếng lạo xạo tuyết rạn dưới đôi ủng của Tái Công, nàng đứng thẳng lên và đặt chiếc xẻng vào cái làn mây đặt bên cạnh, cúi mình thật thấp.
- Ta thấy phu nhân đang thu lượm vị Nguyệt thảo – Pháp quan nói.
Phu nhân A Quốc khẽ gật đầu. Chiếc mũ trùm đầu quấn quanh khuôn mặt làm nổi bật lên một cách kỳ diệu những đường nét thanh tú.
- Tới tận lúc này thiếp cũng chưa thực may mắn lắm, thưa Đại nhân – Và chỉ tay vào một số cây thuốc lơ thơ ở đáy chiếc làn mây – Nàng tiếp – Đây là tất cả những gì tiện thiếp đã thu lượm được!
- Ta tới đây để thả mình trong cái khung cảnh đồi núi trập trùng này, nghĩ là vài phút thư giãn có thể đem lại cho mình sự sảng khoái. Vụ giết hại dã man võ sư Lan luôn ám ảnh đầu óc ta.
Nghe tới đó, vẻ mặt phu nhân A Quốc bỗng sa sầm. Nàng quấn chặt thêm tấm áo choàng vào người và khẽ nói:
- Thiếp không sao có thể ngờ được như vậy! Ông ta khang kiện và có sức khỏe phi thường, vậy mà…
- Dù mạnh khỏe cường tráng tới đâu cũng chẳng chống lại được độc dược – Tái Công lạnh lùng nhận định – nhưng ta đã lờ mờ biết kẻ nào đã phạm vào tội ác ghê tởm này.
Phu nhân A Quốc mở to đôi mắt:
- Người đàn ông đó là ai vậy, thưa Đại nhân – Nàng hỏi rất khẽ.
- Ta không bảo đó là một người đàn ông – Tái Công vội cải chính.
Người đối thoại với ông chậm rãi lúc lắc cái đầu xinh nhỏ:
- Chỉ có thể đó là một người thuộc nam giới! – Nàng khẳng định – Thiếp đã từng thấy võ sư Lan đi lại thân mật với phu quân thiếp. Phong thái của võ sư thật là lịch sự và rất dễ mến, đối với cả tiện thiếp cũng vậy, nhưng người ta thấy rất rõ là đối với những người đàn bà khác thì ông… rất khác.
- Ý phu nhân muốn nói gì vậy? – Tái Công hỏi.
- Thế này… - Nàng đáp, như cân nhắc từng lời – Ông cho mọi người có cảm tưởng là ông không hề ý thức sự có mặt của họ…
Một thoáng ửng hồng trên đôi má và nàng ngoảnh đầu đi.
Cảm thấy thiếu thoải mái, Tái Công đi tới chỗ có hàng lan can, cúi đầu nhìn xuống khoảng không. Bất giác ông lùi lại phía sau. Bên dưới ông, ít nhất là sâu tới khoảng năm chục bộ, lởm chởm những mỏm đá tai mèo trồi lên trên làn tuyết phủ.
Ông đưa mắt nhìn cả một khoảng bình nguyên mênh mông trắng xóa, chẳng biết tiếp tục câu chuyện ra sao.
Ý thức về sự hiện diện của một phụ nữ… cái ý nghĩ này làm ông bối rối lạ lùng. Nhưng dù sao vẫn chế áp được, ông xoay người lại và hỏi:
- Nhớ hôm tới thăm vợ chồng phu nhân, ta rất ngạc nhiên về lũ mèo trong nhà. Ta tự hỏi không biết là bà hay chồng bà là người yêu thích những con vật nhỏ đó?
- Cả hai vợ chồng tiện thiếp đều yêu thích chúng, thưa Đại nhân – Phu nhân A Quốc đáp – Phu quân thiếp không đành lòng nhìn những con vật bị bỏ rơi nên thường nhặt về nhà những con mèo lạc hoặc đau ốm để thiếp chăm sóc chúng. Hiện nay vợ chồng thiếp đã có tới bảy con mèo to, nhỏ.
Pháp quan nhún vai lơ đãng. Luồng nhìn của ông đặt vào cây mận cô đơn.
- Cây mận này hẳn là rất đẹp khi khai hoa – Ông nói.
- Đúng vậy, thưa ngài – Phu nhân A Quốc hưởng ứng – Và chỉ ngày một ngày hai là cái đó sẽ xảy ra. Thiếp không còn nhớ chính xác có một thi nhân nào đó đã tả rất hay… cái thú của người được nghe cánh hoa rơi trên tuyết.
Tái Công biết rất rõ bài cổ thi đó, nhưng ông chỉ khẽ bảo:
- Ta cũng có nhớ một số câu thơ về đề tài ấy – Rồi ông khô khan nói thêm – Trời cũng đã muộn, thưa phu nhân, ta phải trở lại nha môn thôi.
- Phu nhân A Quốc cúi mình thật thấp và ngài pháp quan thong thả bước vào con đường nhỏ khúc khuỷu từ từ đi xuống.
*
Vừa nhỏ nhẻ dùng bữa trưa đạm bạc, Tái Công vừa nghĩ lại những gì đã trao đổi với người khám nghiệm tử thi. Khi người nha lại mang ấm trà tới, ông bảo hắn tìm đến cho ông viện vệ úy.
Người này tới, ông bèn ra lệnh:
- Nhà ngươi hãy tới ngay cửa hàng bông vải của bà Lỗ, gần miếu Thành Hoàng, bảo bà ta tới đây, ta có vài điều cần hỏi.
Viên vệ úy đi ra, pháp quan thong thả uống trà. Một ý nghĩ không lấy gì làm dễ chịu lắm lướt qua đầu: phải chăng thật ngu si dại dột mà lại muốn đưa ra ánh sang một vụ việc đã qua lâu rồi, cái chết đáng ngờ của Lỗ Minh, trong khi đó thì còn hai vụ án trước mắt cần phải tiến hành điều tra. Nhưng những lời nói của người khám nghiệm tử thi làm ông băn khoăn. Và rồi điều đó có thể cũng làm lu mờ đi cái mối ngờ vực khác đang ám ảnh đầu óc ông…
Ông nằm dài trên trường kỷ cố nhắm mắt nhưng không sao ngủ được. Trằn trọc hoài, ông cố gắng khơi lại trong trí nhớ nguyên văn bài thơ về những cánh hoa mận. Bất chợt, toàn bài thơ trở về trong đầu ông. Được một thi nhân cách đây tới hai thế kỷ sáng tác, bài thơ có tựa đề “Chiều đông, trong khuê phòng”.
Chiều đông buồn, chim khắc khoải cô đơn
Càng cô đơn khi trái tim không thể khóc
Hồi tưởng xót đau khiến nàng trằn trọc
Hận sầu ở lại, hạnh phúc rời xa
Mong sao mận kia lần nữa nở hoa
Mối tình mới xua tan hình bóng cũ
Nhìn cành cây gió rung ngoài cửa sổ
Nghe cánh hoa rơi trên tuyết trắng ngần.
Bài thơ không được nổi tiếng lắm và chắc là phu nhân A Quốc chỉ mới đọc được hai câu cuối được trích dẫn trong một cuốn tiều thuyết nào đó, ít ra là nàng được đọc cả bài thơ và mường tượng trong đó một hình ảnh có hàm ý? Cau mày, pháp quan ngồi bật dậy. Tới tận lúc này, ông chỉ duy nhất quan tâm tới loại thi ca giáo huấn và coi thơ thì chỉ là thứ làm lãng phí thời gian. Nhưng lần này, ông khám phá ra trong loại vãn ca đầy tâm trạng này một chiều sâu tâm lý mà ông chưa bao giờ để tâm đến trước đây.
Như bực tức với chính mình, ông tới gần hỏa lò nấu nước trà, lau mặt bằng một cái khăn nhúng vào nước nóng. Rồi trở lại ngồi vào sau án thư cắm cúi đọc những thư bạ hành chính mà viên thừa chỉ vừa đưa tới
Ông còn đang vùi đầu vào đám giấy tờ thì viên vệ úy trở về. Nhìn thấy bộ mặt tiu nghỉu của y, Tái Công hỏi:
- Có việc gì xảy ra nữa thế?
Viên vệ úy xoắn mạnh ria mép, ngập ngừng, cuối cùng thưa:
- Mụ Lỗ đó từ chối không chịu tới, thưa ngài.
- Cái gì… Nhà ngươi nói sao? – Ngài pháp quan sửng sốt kêu – Nhưng mụ ta tưởng mình là ai vậy?
- Mụ ta bảo – Viên vệ úy tiếp tục – Vì tôi không mang theo trát đòi thì mụ ta không buộc phải đi theo.
Thấy cơn lôi đình của ngài pháp quan sắp nổ ra dữ dội, y vội vàng tiếp:
- Sau đó mụ chửi rủa tôi thậm tệ và làm rùm beng đến nỗi cả xóm đó túa ra vây quanh chúng tôi. Mụ ta la hết là còn luật pháp của triều đình, người ta không có quyền lôi xềnh xệch một người đàn bà lương thiện ra trước pháp đình một cách hồ đồ không có chứng cớ xác đáng. Thuộc hạ toan dùng vũ lực lôi mụ đi nhưng mụ giãy giụa như một con mèo hoang và đám đông cũng bắt đầu đứng về phía mụ nên thuộc hạ thấy tốt hơn là trở về xin được Đại nhân dạy bảo.
- Nếu chỉ cần một tờ trát áp giải mà mụ đó đòi hỏi, thì, có gì đâu, mụ sẽ được đáp ứng! – Tái Công giận dữ nói.
Ông vớ lấy bút và viết nhanh một công thức hành chính. Rồi chìa ra cho viên vệ úy, ông bảo:
- Mang theo bốn người chỗ ngươi và giải ngay người đàn bà đó tới đây.
Không để chậm một phút, viên vệ úy rời khỏi công đường.
Tái Công hết đi ngang lại đi dọc trong văn phòng. Thật là một ác phụ, cái mụ Lỗ đó! Người pháp quan họ Tái nghĩ và thấy mình thật là vô cùng may mắn mà có những bà vợ hiền thục nết na. Bà vợ cả rất xinh đẹp và được thừa hưởng một nền giáo dục hoàn hảo. Đó là một người có học thức và là con gái trưởng người bạn tốt nhất của thân phụ ông. Chỉ hé miệng là hai người đã hiểu nhau và bà luôn luôn là trợ thủ đắc lực của ông trong những lúc khó khăn. Hai cậu con trai của họ là một nguồn vui bất tận đối với ông. Người vợ thứ, về học vấn thì chưa bằng nhưng từ tốn dịu dàng và rất đảm đang trong công việc gia đình. Cô con gái của họ dường như được đúc khuôn cái tính cái nết của mẹ. Ông gặp được người vợ ba khi đến trị nhậm với chức vụ pháp quan tại Phong Lai. Trong những hoàn cảnh vô cùng gay cấn, cô gái khốn khổ đó đã bị gia đình bỏ rơi, ngài pháp quan đã cứu vớt cô, đưa về nhà làm hầu phòng cho bà vợ cả. Nhưng bà này qua một thời gian ngắn, đem lòng quý mến cô bé rất mực và nhất định ép ngài pháp quan lấy cô ta làm vợ ba. Mới đầu, ông từ chối e mang tiếng là lạm dụng lòng tri ân của cô bé, nhưng sau đó hiểu ra là cô thực sự có lòng gắn bó với ông rất sâu sắc nên nhượng bộ và đúng là ông chẳng bao giờ phải hối tiếc. Đó là một thiếu phụ thông minh, nhanh nhẹn, tính tình vui vẻ nhẹ nhàng, và bây giờ họ có thể cùng nhau, cả bốn người, vui vẻ ngồi chơi bài mạt chược, một cách giải trí yêu thích cho qua thời gian của ngài pháp quan.
Đột nhiên, ông nghĩ là cuộc sống ở Phối Châu có lẽ thiếu nhiều nét hấp dẫn đối với các bà vợ và vì Tết Nguyên Đán cũng đang tới gần, ông nghĩ bụng là sẽ dành cho các bà vợ của mình một số tặng vật đẹp và giá trị.
Ông đi mở cửa và cất tiếng hỏi:
- Chưa có một phụ tá hộ vệ nào của ta trở về sao?
- Chưa có ai về, thưa Đại nhân - Một vệ binh đáp – Sau cuộc bàn luận trao đổi khá lâu trong phòng thừa chỉ với ngài Chu Đại Nguyên đáng kính, tất cả đều cùng đi ra.
- Bảo tên giám mã dắt ngựa ra đây cho ta – Ông ra lệnh.
Trong lúc các phụ tá hộ vệ của ông đi săn lùng tin tức để có thể tóm cổ tên sát nhân đã giết hại võ sư Lan thì với ông có lẽ tốt hơn – Ông nghĩ – là đi thẩm vấn lại một lần nữa ông già Bân Phong. Trên đường đi, ông dừng lại nhà Nghê Bình hỏi xem em hắn có xuất hiện không. Ông không sao gạt ra khỏi đầu mình cảm giác khó chịu vì sự vắng mặt kéo dài của Nghê Đại. Có thể đó là sự báo trước cho những rắc rối mới đây!

Chương trước Chương sau