Ba vụ án bí ẩn - Chương 04

Ba vụ án bí ẩn - Chương 04

Tái Công dự tiệc trong một trang trại
Thám binh bắt giữ một người tình nghi

Ngày đăng
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 8.1/10 với 32878 lượt xem

Vừa chập tối, sáu người lính tuần cảnh tập hợp đợi trong sân sau công đường, tay xách đèn che giấy dầu. Nhìn thấy họ nhảy lò cò tại chỗ cho ấm người, viên vệ úy cười vui vẻ bảo:
- Các ngươi đừng ngại rét! Hẳn là các ngươi đã biết tấm lòng rộng rãi khoan hậu của ngài Chu Đại Nguyên đáng kính rồi chứ? Ông ấy sẽ chăm sóc chúng ta và một bữa ăn ngon lành nóng sốt đang chờ mình đó.
- Và tất nhiên là chẳng thiếu rượu uống! – Một vệ binh nói thêm vẻ thỏa mãn.
Nhưng, tất cả bọn đứng nghiêm lại. Tái Công bước lên cùng với viên đinh lại và Tào Can ngồi cạnh trong khi đó thì một giám mã trẻ dắt cương hai con ngựa của Mã Tôn và Triệu Thái.
- Mã huynh và kẻ thuộc hạ này sẽ tạt qua rủ võ sư Lan Đạo Quý đi cùng, thưa Đại nhân – Triệu Thái bẩm.
Tái Công khẽ gật đầu, và đoàn người khởi hành.
Tựa người thoải mái trên những chiếc đệm trong kiệu, pháp quan tâm sự với Tào Can và đinh lại Hồng Lương:
- Người nhà ở Thái Nguyên vừa cho ta hay những tin chẳng tốt lành gì. Mẫu thân của trưởng phu nhân ta bị ốm nặng và bà định sáng sớm mai sẽ về thăm mẹ. Cả bà hai, bà ba và các con ta cũng sẽ đi theo. Trong mùa này thì cuộc đi sẽ gian khổ đấy. Nhưng biết sao được? Lão mẫu đã trên bảy mươi tuổi và phu nhân của ta rất lo lắng cho sức khỏa của mẹ già.
Hai người bạn đồng hành vội tỏ lời chia sẻ sự đồng cảm với chủ của mình. Tái Công cảm ơn họ và nói thêm:
- Thật là phiền khi bữa ăn ngài Chu Đại Nguyên mời lại rơi đúng vào buổi chiều tối nay! Người ta đã đưa tới ba chiếc xe chuẩn bị cho chuyến đi. Ta rất muốn trông coi việc sửa soạn cho thật chu đáo. Nhưng kẹt nỗi là người chủ của bữa ăn hôm nay của chúng ta lại là một trong những nhân vật quan trọng của chấn thành này. Ta không muốn ông ta phật lòng vì vào phút cuối cùng ta lại đổi ý mà khước từ. Viên đinh lại gật đầu tán thành:
- Mã huynh có nói với thuộc hạ là ông bạn trại chủ của chúng ta, trong dịp này, sẽ thết đãi chúng ta vô cùng trọng thể. Chẳng nên làm cho ông ta cụt hứng. Ông Chu này là một người dễ tính, vui vẻ. Tôi biết Mã huynh và Triệu huynh rất thích cùng ông ta đi săn không kể là còn cùng nhau say sưa trong các cuộc rượu.
- Không hiểu ông ta làm thế nào mà luôn luôn lạc quan yêu đời với cả tám bà vợ - Tào Can nhận xét – Mà tám bà này thì chỉ suốt ngày chăm lo đến cái búi tóc của mình.
- Chắc nhà ngươi đã rõ – Tái Công giải thích – Là ông ta không có con và rất lo sẽ không có người nối dõi. Đó là một con người mạnh mẽ, tráng kiện, ta tin rồi đây những bà vợ của ông ta, một ngày nào đó, sẽ cho ông ta ít nhất là một đứa con trai.
Đinh lại Hồng nói, giọng triết lý:
- Nhưng có những cái mà dù người ta rất muốn cũng chẳng được.
Im lặng một lát, ông ta nói với Tái Công:
- Các phu nhân, các công tử và tiểu thư đều đi vắng cả. Chắc là Đại nhân cảm thấy cô đơn lắm đấy.
- Lần này thì không đâu – Tái Công đáp – Vụ giết người này, chúng ta phải mau chóng đưa ra ánh sáng, ta chẳng còn đâu nhiều thời gian để nghĩ đến gia đình. Trong thời gian họ đi vắng, ta sẽ làm việc và ngủ ngay tại thư phòng. Nhà ngươi chớ quên báo cho viên vệ úy rõ.
Tái Công liếc mắt qua cửa sổ. Hình khối đen sì của ngôi Tháp Trống nổi bật trên nền trời sao mùa đông.
- Chúng ta tới nơi rồi đó! – Ông kêu to.
Phu kiệu dừng lại trước một công trình kiến trúc đồ sộ. Những cánh cửa sơn đỏ từ từ mở rộng. Một người đàn ông to cao, vai choàng áo lông chồn bước tới giúp Tái Công xuống kiệu. Chủ nhà có một khuôn mặt rộng, hồng hào, một chòm râu ngắn dưới cằm được xén tỉa gọn ghẽ.
Sau sự cung kính thi lễ của vị chủ nhà là Chu Đại Nguyên, đến lượt hai người khác cũng đến khom người cúi đầu chào. Tái Công không vui nhận thấy đó là ông già Lưu, người cầm đầu thương hội với khuôn mặt hóp và bộ râu xám phờ phạc. Trong bữa ăn, nhất định ông già này sẽ dồn dập đưa ra những câu hỏi về tiến triển của cuộc điều tra xung quanh vụ mất tích của con gái ông ta. Người thứ hai là Nghi Cương, thư lại riêng của Chu. Nhìn khuôn mặt xanh tái và ủ dột của người thanh niên, Tái Công cũng tự nhủ là cả hắn nữa chắc sẽ vặn hỏi ông về số phận vị hôn thê của hắn.
Sự bực bội của Tái Công càng tăng thêm khi chủ nhân, đáng lẽ mời ông về phòng khách thì lại dẫn ông tới một hiên rộng trống trải bên cánh Nam của trang trại.
- Lúc đầu tôi đã có ý định là thết tiệc Đại nhân trong đại sảnh đường. Nhưng như ngài đã biết đó, chúng tôi chỉ là những người quê kệch bình thường nên chẳng dám tranh tài với những tay đầu bếp giỏi chốn công đường. Vì vậy tôi nghĩ là Đại nhân sẽ thấy thích thú tham gia vào một bữa ăn thực sự là của những người võ biền ngoài trời này. Chúng tôi chỉ có món thịt nướng, những thức uống của nông thôn thô lậu và một vài món ăn đơn giản thuần túy dân dã. Tôi mong là không đến nỗi làm ngài thất ý.
Ngài pháp quan lễ phép cảm ơn chủ nhân. Nhưng trong thâm tâm, ông cho là ý kiến của Chu thực ra chẳng hay ho gì. Gió lạnh bát đầu thổi mạnh, những tấm bình phong cao căng dạ mềm quay xung quanh khoảng hiên rộng, vẫn không che hết cơn giá rét. Tái Công run lập cập. Cuống họng ông đau rát. Có lẽ sáng nay ông đã bị cảm lạnh lúc ở nhà Bân Phong, ông nghĩ và tiếc cái phòng ăn ấm áp ở nhà riêng cạnh công đường.
Rất nhiều bó đuốc soi sáng khoảng sân hiên. Dưới ngọn lửa chập chờn thấy có bốn chiếc bàn ghép lại bằng những tấm ván, hai đầu đặt trên những chiếc mễ. Giữa sân là một lò lớn đầy than hồng. Ba gia nhân đang nướng thịt xâu vào những que sắt dài.
Chu Đại Nguyên mời ngài pháp quan ngồi vào ghế danh dự giữa ông ta và ông già Lưu, người cầm đầu thương hội. Viên đinh lại Hồng và Tào Can ngồi bàn bên tay phải. Hai người đứng tuồi mà chủ nhân giới thiệu là phường trưởng ngành rượu và giấy ngồi đối diện. Còn Triệu Thái và Mã Tôn thì ngồi cùng bàn với võ sư Lan, đối diện với bàn Tái Công.
Ông nhìn người võ sư nổi tiếng, vô dịch các tỉnh phía Bắc, đầy vẻ hiếu kỳ. Ánh sáng đuốc phản chiếu trên cái sọ trọc lốc và khuôn mặt nhẵn nhụi không râu của ông ta. Võ sư có thói quen là cạo nhẵn toàn thân, không còn một sợi lông để khỏi bị gây trở ngại trong các cuộc đấu. Đúng như trong các cuộc chuyện trò sôi nổi của Mã Tôn và Triệu Thái, Tái Công thấy nhà côn quyền trứ danh này đã tận tụy dâng hiến tất cả cho võ nghệ. Anh ta không bao giờ nghĩ đến việc lấy vợ và kéo dài một cuộc sống thật là khắc khổ. Vừa trao đổi chuyện trò một cách lịch sự với chủ nhân, Tái Công vừa suy nghĩ, thấy hài lòng là hai người hộ vệ dũng cảm của mình thật may mắn kết bạn được với Chu trại chủ và Lan võ sư ở Phối Châu này.
Chủ nhân nâng chén rượu chúc mừng. Tái Công buộc phải đáp lễ, nhưng rượu nồng độ quá cao đã làm ông cháy họng.
Việc chẳng may đó qua đi, ông phải trả lời những câu hỏi xung quanh vụ án mạng. Vừa nhấm nháp miếng thịt nướng ông vừa kể lại tóm tắt hoàn cảnh xảy ra vụ án. Mùi mỡ cháy khét làm ông nôn nao, phải gắp mấy lá rau trộn ăn cho dịu đi nhưng đôi bao tay bằng da làm ông vướng víu. Bực mình ông kéo tuột chúng ra khỏi bàn tay. Nhưng lại càng tệ hơn. Cái lạnh làm ông tê cóng, các ngón tay chẳng điều khiển nổi đôi đũa nữa.
Ghé sát vào ông, chủ nhân hỏi nhỏ:
- Vụ án mạng đã làm cho ông bạn Lưu của chúng ta vô cùng xúc động. Ông sợ con gái của ông có thể cùng chung số phận! Ngài có thể trấn an ông ta đôi câu chăng, thưa Đại nhân.
Tái Công quay về phía ông già khốn khổ và bằng vài lời nói cho ông rõ tất cả sự gắng sức của pháp ty để lùng tìm cô con gái của ông. Những câu an ủi động viên đó làm cho ông già ca ngợi dài dòng những đức tính tốt của thân nhân đang mất tích. Tái Công thấy có đôi chút thiện cảm với ông cầm đầu thương hội nhưng vì đã được nghe đi nghe lại tất cả những chuyện đó trên công đường rồi nên ông thấy đầu óc quay cuồng, da mặt nóng ran trong khi lưng và chân ông lạnh buốt. Ông chợt nghĩ tới các bà vợ và các con sắp sửa lên đường đi Thái Nguyên và hy vọng là cuộc đi của họ sẽ không đến nỗi quá vất vả trong cái thời tiết đáng nguyền rủa này.
Chu lại ghé sát ông nói:
- Xin chúc Đại nhân mau chóng tìm lại được cô gái đó dù còn sống hay đã chết. Sự tuyệt vọng đã làm cho cậu thư lại của tôi sống dở chết dở từ khi cô bé bị mất tích. Tôi hiểu được nỗi lòng của cậu ta vì đó là cô gái thật đáng yêu và là vị hôn thê của cậu ta. Biết bao nhiêu công việc phải làm ở trang trại của tôi nhưng từ khi cô bé mất tích, cậu ta cứ như người mất hồn, chẳng làm được gì sất.
Hơi thở nồng hơi rượu và sặc mùi tỏi của Chu tạt vào giữa mặt làm Tái Công buồn nôn. Ông khẽ nói là pháp ty sẽ đem hết khả năng trong quyền hạn cho phép để tìm thấy bằng được Lưu Liên Phương. Rồi ông đứng lên và xin chủ nhân được vắng mặt chốc lát.
Một gia nhân, theo hiệu tay của chủ nhà, xách một chiếc đèn nhỏ đi theo Tái Công vào nhà trong. Sau khi đi qua nhiều hành lang tối, họ tới một cái sân nhỏ mà ở cuối có nhiều phòng vệ sinh. Tái Công đi vào một phòng và khi ra, ông thấy một gia nhân khác đang chờ, tay bưng một chậu nước ấm. Tái Công rửa tay và lau mặt bằng một chiếc khăn nhúng vào nước nóng và thấy dễ chịu rất nhiều.
- Không phải chờ ta nữa đâu! – Ông bảo tên gia nhân. – Ta đã nhớ đường rồi.
Ông bước đi theo chiều dài lại chiều rộng của cái sân nhỏ tràn ngập ánh trăng. Căn cứ vào sự yên lặng đang ngự trị, Tái Công kết luận chốn đây phải là nơi sâu nhất của cái dinh cơ rộng lớn này.
Một lúc sau, ông quyết định trở về nơi bàn tiệc. Khu vực nhà ở rộng mênh mông chìm trong bóng tối. Ông đi vào hai, ba hành lang, quay lại chỗ cũ rồi lại bước đi. Rất mau ông nhận thấy là mình đã đi quanh, ông lạc mất rồi! Ông vỗ tay để gọi một gia nhân. Chẳng có ai trả lời. Có lẽ tất cả bọn chúng đang ở chỗ sân hiên, bận phục vụ bữa tiệc.
Tái Công cố nhướng mắt nhìn và như thấy ở phía xa có ánh lửa. Thận trọng từng bước ngắn một, ông đi tới trước một cánh cửa hé mở. Ông đẩy ra và bước vào một khu vườn nhỏ có hàng rào gỗ rất cao. Trừ ở gần cái cửa cuối vườn có một vài cây nhỏ cành trĩu hẳn xuống vì có một lớp tuyết dày bám vào, khu vườn hầu như bỏ hoang.
Đưa mắt lo ngại nhìn xung quanh, ngài pháp quan chợt cảm thấy trong lòng bồn chồn sợ hãi.
- Đúng là mình bị cảm sốt rồi – Ông lẩm bẩm – Có gì mà phải sợ hãi trong khu vườn yên tĩnh này!
Ông bắt buộc phải bước xuống một chiếc thang gỗ và đi ra phía cái cửa cuối vườn. Trong yên lặng hoàn toàn, ông chỉ nghe thấy tiếng lạo xạo của tuyết dưới bước chân mình. Một nỗi sợ, lần này rất thực như chẹt ngang họng, ông cảm thấy như có một sự đe dọa lượn lờ trên đầu. Bất giác ông đứng sững lại, nhìn xung quanh. Tim ông như ngừng đập: một bóng người dị dạng trắng toát ngồi yên lặng dưới những cành cây.
Sững người tại chỗ, Tái Công kinh hãi nhìn kỹ. Rồi ông thở phào nhẹ nhõm. Đó chỉ là một hình nhân được đắp bằng tuyết trông giống như một nhà sư đang tĩnh tọa, hai cẳng chân bắt chéo.
Suýt nữa thì bật cười về sự sợ hãi vô lối của mình, ngài pháp quan chợt ngừng lại. Những cục than đen đặt thay đôi mắt đã biến đâu mất chỉ còn hai cái hốc rỗng hình như đang chiếu tướng ông vẻ châm biếm độc ác.
Một mùi thối rữa nồng nặc của xác chết phảng phất xung quanh cái hình nhân giống nhà sư bằng tuyết đó. Tái Công rụng rời hoảng hốt co cẳng bước mau về phía nhà ở. Ông lẩy bẩy bước trên những bậc thang gỗ, vấp đau điếng người. Rồi đi nhanh qua một hành lang tối om, tay sờ vào bức tường để dò bước. Sau khi vượt qua hai khúc quành không có chướng ngại, ông gặp một gia nhân tay xách đèn. Tên này đã dẫn ông về tới tận hiên sân.
Những khách ăn thật vui nhộn. Họ đang gân cổ đồng ca một bài hát vui về săn bắn, Chu chủ nhân thì đang lắc lư gõ nhịp bằng đôi đũa của mình. Nhưng khi nhìn thấy Tái Công, ông ta vội đứng lên và lo lắng hỏi:
- Có gì xảy ra mà trông Đại nhân có vẻ mệt mỏi phờ phạc như vậy?
- Tôi nghĩ là mình bị cảm lạnh – Tái Công đáp và mỉm cười gượng gạo, ông nói thêm – Tôi bị lạc trong cái dinh cơ mênh mông của ông và có lẽ ông sẽ khó tin là tôi đã phát run lên vì thấy một hình nhân đắp bằng tuyết trong vườn.
Chu cười rộ lên và nói:
- Tôi đã bảo lũ gia nhân là chỉ đắp cho bọn trẻ chơi những hình nhân tuyết dưới dạng hài hước thôi! Nhưng xin mời Đại nhân cạn chén rượu này. Nó sẽ làm cho ngài dễ chịu.
Vừa lúc Tái Công đưa chén rượu lên môi thì người quản gia đi tới theo sau là một người thấp đậm, đội mũ nhọn đầu, mặc giáp lưới và quần da. Ta thấy ngay đó là một người cai của đội thám mã. Anh ta đứng nghiêm chào ngài pháp quan và nói:
- Tôi hân hạnh kính báo với Đại nhân là đội tuần tra của tôi đã bắt giữ được người có tên Bân Phong gì đó cách năm dặm về phía Nam làng Ngũ Dương và cách hai dặm về phía Đông đại lộ. Tên này đã được chúng tôi trao cho viên cai ngục của quý pháp ty, thưa Đại nhân.
- Chà, thật là hay! – Ngài pháp quan vui vẻ kêu lên, và quay lại nói với chủ nhân – Rất tiếc là ta phải cùng ông chia tay để làm công việc. Nhưng để không ảnh hưởng tới bữa tiệc vui này, chỉ riêng đinh lại Hồng phải đi theo ta thôi.
Chu cùng tất cả các thực khách đưa tiễn Tái Công tới tận sân ngoài, tại đây ngài pháp quan một lần nữa cáo lỗi về việc phải ra về đột ngột.
- Nhiệm vụ trên hết mà! – Người chủ trại vui vẻ nói – Tôi thấy vui thích là cuối cùng tên khốn kiếp đó đã sa lưới luật pháp.
Về tới công đường, Tái Công cho gọi cai ngục tới hỏi:
- Nhà ngươi đã thấy gì trên người tên bị bắt giữ?
- Không có một thứ vũ khí nào, bẩm Đại nhân. Chỉ có tấm giấy thông hành của hắn và một ít tiền bạc.
- Hắn không mang theo chiếc túi da ư?
- Không có, thưa Đại nhân.
Khi người cai ngục mở cánh cửa sắt nặng nề và cầm đèn soi vào thì người tù đang ngồi trên chiếc ghế dài vội đứng lên trong tiếng xích kêu lách cách. Thoạt trông, Tái Công nghĩ thầm, Bân Phong có vẻ một lão già vô tội. Hắn có cái đầu to hình quả trứng với mái tóc xám rối bù và bộ ria thõng xuống. Một vết sẹo đỏ bên má trái làm khuôn mặt hắn biến dạng. Thay vì tuôn ra hàng tràng những lời kêu ca phản kháng và thanh minh cho sự vô tội của mình, hắn chỉ cung kính nhìn ngài pháp quan.
Tái Công khoanh tay trong ống tay áo rộng của mình và nghiêm khắc tuyên bố:
- Một sự kết tội vô cùng nghiêm trọng đã nhằm vào nhà ngươi trước pháp luật đó, Bân Phong!
- Tôi có thể dễ dàng tưởng tượng được những gì đã xảy ra, thưa Đại nhân. Nghê Đại đã vu cáo để báo thù tôi. Thời gian gần đây, cái tên vô lại đó đã luôn luôn đến vay tiền tôi và một ngày nọ tôi đã thẳng thắn mời hắn ra cửa…
- Như ngươi đã biết đó – Ngài pháp quan nói – Ta không có quyền thẩm vấn riêng bị cáo. Nhưng rất có thể là nhà ngươi sẽ tránh được những giây phút quá nặng nề trước công đường ngày mai nếu ngay bây giờ nhà ngươi thú thực với ta là cách đây ít hôm nhà ngươi đã có một cuộc xô xát với vợ thật dữ dội.
- Cả mụ ấy nữa! – Lão già buôn bán đồ cổ kêu lên chua chát – Bây giờ tôi đã hiểu cái thái độ lạ lùng của mụ từ mấy tuần nay và sự luôn luôn vắng mặt của mụ. Chắc chắn là mụ đã giúp cho cái thằng em trời đánh của mụ lập mưu chống lại tôi. Khi, ngày hôm kia…
- Nhà ngươi sẽ kể lể chuyện của ngươi ngày mai trước công đường – Ngài pháp quan cắt ngang, giọng khô khốc. Và không nói một câu nào nữa, ông rời khỏi nhà giam.

Chương trước Chương sau