Ba lê - Mắt biết môi hồng - Chương 11

Ba lê - Mắt biết môi hồng - Chương 11

A
9 và Lê Diệp

Ngày đăng
Tổng cộng 16 hồi
Đánh giá 8.7/10 với 19670 lượt xem

Văn Bình không nghe tiếng kêu cứu của Lệ Liên. Sự im lặng này chứng tỏ nàng chưa bị trúng đạn. Tuy nhiên, chàng không tin nàng sẽ được an toàn. Sớm muộn, cặp mặt cú vọ của Voi đen sẽ khám phá ra nơi nàng ẩn núp.
Nhưng súng đã ngưng nổ. Đang hùng hồ, Voi đen vội quát đàn em Beo vằn nằm rạp xuống ven đường. Vì nhiều luồng đèn pha vừa xuất hiện ở khúc rẽ. Hai chiếc xe hơi đen sì phóng qua vùn vụt. Voi đen nhổm dậy, bắc loa lên miệng :
Ra ngay đi còn trù trừ gì nữa...
Rặng cây đối diện vẫn phẳng như tờ. Voi đen ria thêm một loạt đạn nữa, rồi hăm hở chạy tới. Beo vằn rối rít theo sau. Voi đen gầm thét:
Ai nhờ đến mày ? Có chịu sang tìm kiếm bên kia đường không ? Nó trốn thoát thì mày toi mạng...
Beo vằn văng tục rồi khệnh khạng quay lại hàng cây hương liệu xum xuê. Voi đen văng tục lớn hơn, chửi thề lớn hơn, và như thể những danh từ thô lỗ chưa đủ làm nguôi cơn tức, hắn còn nện gót giầy thình thịch.
Beo vằn nép sau thân cây, đánh diêm hút thuốc. Chà... mùi thuốc thơm tệ. Hắn lại hút Salem mới khổ cho chàng. Mùi bạc hà nhè nhẹ và quyến rũ bắt chàng ngứa cổ họng, suýt nữa chàng phát ho một tiếng. Trong khi ấy Voi đen từ bên kia đường hỏi vọng sang :
Thấy chưa mày ?
Beo vằn rút điếu thuốc ra khỏi miệng đáp lớn :
Chẳng thấy đâu cả. Có lẽ nó trốn mất rồi.
Voi đen gắt
Trốn, trốn, mày nói dễ nghe nhỉ ? Nó có phép tàng hình hả ?
Beo vằn trả lễ, giọng cay chua :
Vậy anh tìm giùm con bé Lệ Liên làm gương cho đàn em.
Voi đen chửi đổng một hồi rồi nói:
Beo vằn, mày gớm thật. Tao sẽ cho mày biết tay. Không khéo con nhỏ đã vù về Ba Lê, hai bên đường toàn cây là cây, lại là cây to như thế này thì lẫn trốn dễ ợt.... Thôi, để tao phụ lực mày. Con bé Lệ Liên không quan trọng bằng thằng đàn ông.
Văn Bình đau nhói nơi tim. Nếu cả hai tên lục soát, chàng sẽ khó hy vọng thoát nạn. Chàng bị bong gân, mắt cá bắt đầu sưng, phải mất một thời gian nắn bóp mới có thể hồi phục. Voi đen giựt điếu thuốc khỏi miệng Beo vằn, ném xuống đất, dí gót giầy lên trên, giọng cằn nhằn :
Mày làm hiệu cho nó bắn hả ?
Beo vằn cười hềnh hệch :
Anh hai chỉ hay sợ bóng sợ gió. Nếu nó có súng, nó đã ăn gỏi chúng mình từ lâu.
Voi đen cười "ừ nhỉ, tao quên", cả hai sắp bước qua chỗ Văn Bình nằm. Chàng ngồi dậy, chui vào lỗ hổng khá lớn dưới gốc cây hương liệu. Cây cổ thụ này ít nhất trên hai trăm năm, thân nó bị thời gian đục rỗng, tuy vậy, nó vẫn sống. Hương liệu là cây sống thọ nhất. Cây hương liệu già nhất Ba Lê được trồng từ triều đại vua Lô-y thập tứ, trước nhà thờ chính tòa ở bờ tả ngạn sông Seine. Giờ đây nó đã suýt soát ba trăm tuổi mà vẫn "bền gan cùng tuế nguyệt". Hương liệu lại là loại cây sống dai và khỏe. Thân bị ruỗng không chết, nó vẫn tiếp tục trổ lá, nở hoa.
Mười mấy năm trước... mười mấy năm trước, một cây hương liệu rổng ruột đã cứu chàng thoát chết. Chàng bị sa vào tay R.u. và nhốt trong một tòa nhà hoang vắng tại ngoại ô Ba Lê. Đêm ấy, nhân viên R.u. chờ một chuyến máy bay đặc biệt hạ cánh để bỏ chàng vào thùng gỗ chở về Mạc tư khoa. Chàng lừa giết bọn gác rồi trốn ra vườn. Bọn nhận viên R.u. đông hơn chục tên, được võ trang bằng súng bắn đạn thuốc mê và ống viễn vọng kính hồng ngoại tuyến, xục xạo suốt đêm trong biệt thự và trong khu vực kế cận mà không tìm ra chàng. Vì chàng đã thu mình, trốn trong thân cây hương liệu. Sáng hôm sau, sợ bại lộ, bọn R.u. phải dọn hết đồ đoàn, kéo nhau đi một mạch. Văn Bình chờ đến xế trưa, và ra về an toàn.
Cuộc ruồng bắt đang diễn ra gần giống cuộc ruồng bắt mười mấy năm trước. Cây hương liệu chàng ẩn náu cao hơn, lớn hơn và dường như già hơn cây hương liệu trong tòa nhà của gián điệp Sô Viết R.u. song cái lỗ hổng ở góc lại vừa xoắn như hai cây chỉ là một. Mùi hương liệu làm chàng ngây ngất. Voi đen và Beo vằn khệnh khạng bước qua, nòng súng đen ngòm hiện rõ trong bầu trời tranh tối tranh sáng.
Đối với Văn Bình, Ba Lê là nơi chứa nhiều kỷ niệm. Chàng đã đến thăm cây hương liệu trong biệt thự cũ của R.u. nhưng nó đã bị đốn ngã, chẻ ra thành củi đun, thành ra chàng chỉ biết ghé thăm cây hương liệu cổ lỗ sĩ của nhà thờ chánh tòa. Ruột cây hương liệu này cũng rỗng, song được trám bằng xi-măng trộn thuốc.
Ngồi trong thân cây, Văn Bình nghe rõ tiếng trò chuyện giữa Voi đen và Beo vằn. Voi đen dừng lại, quay khẩu súng trên tay, ra vẻ bực dọc rồi cất tiếng :
Nó trốn thật rồi, mày ơi !
Beo vằn thở ra :
Tôi đã nói, anh hai còn chửi tôi. Lát nữa, mình sẽ ăn làm sao nói làm sao với xếp ?
Hừ, chung quy cũng tại mày.
Anh hai không nên đồ thừa.
Tao bảo mày ngồi luôn ở sau xe với chúng nó, mày nói là ổ khóa kiên cố hơn cả ổ khóa nhà băng, té ra...
Voi đen chép miệng nói một cách chán nản. Beo vằn vẫn lặng thinh. Văn Bình nghe Voi đen nói lẩm bẩm một mình rồi cả hai trèo lên xe hơi. Chiếc fuốc-go-nét 4 ngựa quay đầu chạy về trung tâm thành phố.
Văn Bình chui ra khỏi lỗ hổng gốc cây, vuôn vại thở hít khí trời. Rồi chàng vận chân khí lên lòng bàn tay. Trong chớp mắt, da tay chàng nóng bỏng, chàng xoa nắn mắt cá chân, 15 phút sau, chàng có thể co duỗi lại như thường.
Chàng bước khập khiễng một quãng ngắn để tập cho quen. Hàng chục chiếc xe đủ cỡ chạy qua, chàng giơ tay vẫy nhưng không tài xế nào chịu ngừng. Mãi đến rạng đông chàng mới thấy lại những tòa nhà chọc trời và giòng nước sông Seine.
Tình cờ chàng đến miệng cầu thang dẫn xuống đường xe điện ngầm. Loại chuyên chở công cộng chạy dưới đất này được coi là nhanh chóng, đúng giờ giấc và tiện lợi. Song Văn Bình lại kỵ. Chẳng hiểu sao chàng lại kỵ. Mặc dầu chàng đã thuộc lòng 14 lộ trình trong nội thành và lộ trình duy nhất ra ngoại ô. Và mặc dầu trong số hành khách xe điện ngầm có khá nhiều nữ giới, và nữ giới của kinh đô ánh sáng không phải là đồ bỏ.
Dường như chàng kị xe điện ngầm vì hai lý do liên quan đến thính giác và khứu giác. Xe điện ngầm phóng lẹ thật đấy, êm thật đấy, song tiếng kêu của nó, tiếng kêu rầm rầm, tiếng kêu the thé, tiếng kêu sành xạch thường làm chàng đau đầu. Nhưng nỗi khổ của nhĩ tai cũng chưa khổ bằng nỗi khổ của lỗ mũi. Vì các trạm xe điện ngầm phảng phất một mùi đặc biệt. Đặc biệt và độc đáo. Chỉ có nước Pháp, và riêng thủ đô Ba Lê mới có.
Mùi đặc biệt và độc đáo này là mùi tỏi và mùi thuốc lá Gô-loa-dờ ( Gaulois), thứ thuốc lá đen quốc hồn quốc túy. Nghệ thuật nấu ăn của người Pháp chiếm được ngôi vị đàn anh - ở nhiều điểm còn thua Tàu, nhưng ở nhiều điểm khác lại hơn Tàu - không ai dám chê bai. Văn Bình khoái thực đơn Pháp một cây, song chàng lại chê bai sự lạm dụng của tỏi. Những món tanh tưởi gồm tôm cá như bui-a-bét, xúp cá mòi, hoặc ếch, gà nấu huyết và món ốc sên bất hủ thì dùng tỏi là đúng, còn những món như thịt heo dầm sữa tươi, đầu heo hầm khoai, xu phạc-xi, và... rau ác-ti-sô ăn sống mà đèo thêm gia vị tỏi thì thật là lạm dụng....
Nói cho cùng, mùi tỏi trong đường hầm xe điện trộn với mùi thuốc lá sợi đen không làm Văn Bình khó chịu. Có lẽ vì nhiều lần chàng đã bất hạnh ngửi mùi tỏi, mùi thuốc lá sợi đen cùng lượt với mùi... mồ hôi. Vâng, mồ hôi đã hôi thì hôi kinh khủng. Nhất là mồ hôi đàn bà.
Thế mà rạng đông hôm ấy, Văn Bình ngửi mùi tỏi, mùi thuốc lá Gô-loa-dờ mà không bực rọc chút nào. Chàng quên bẵng chàng vốn kỵ cái mùi đặc biệt và độc đáo ấy. Chàng còn khoái thưởng thức nữa là khác.
Thì ra chàng đói. Những ly whuýt-ky nhắm với đồ chiên trong tiệm nhậu gần Chợ trung ương chỉ làm cơn đói và cơn khát tăng thêm. Ruột gan cồn cào, chàng ngả lưng trên ghế của toa giữa đoàn tàu sơn đỏ. Toa giữa sơn đỏ là toa hạng nhất. Vé hạng nhất đắt gần gấp đôi vé hạng nhì nhưng chỗ ngồi được thoải mái hơn.
Chuyến xe điện ngầm thứ nhất trong ngày bắt đầu chạy từ năm giờ rưỡi sáng. Nghĩa là chàng đã thức trắng một đêm. Và từ khi chàng đặt chân xuống Ba Lê đến giờ, chàng chưa được ăn gì ra trò, ngủ ra trò và du hí ra trò, mặc dầu Ba Lê là nơi chiếm giải quán quân về ăn,về ngủ và du hí.
Khí trời gần sáng làm chàng dễ chịu. Chàng không gọi tắc-xi mà lững thững đếm bước một về khách sạn. Chàng sẽ tắm nước nóng, nước lạnh, thay đồ mới rồi còm-măng mấy đĩa trứng điểm tâm. Người Pháp biết làm 45 món trứng khác nhau - xin nhắc lại, 45 món trứng - từ trứng la cót, trứng luộc hồng đào, trứng luộc chín, đến trứng nhồi thịt, trứng đồ lập là, trứng lộn lạo, trứng ôm lét. Chàng khoái nghệ thuật nấu trứng ở Pháp, vì thế giới chưa có nước nào đổ rượu vào trứng. Trời đất... sáng sớm khiêng xong nửa chai whuýt-ky lót lòng, được lót lòng thêm bằng trứng xào gan gà trộn một ly vang trắng, hoặc nấu trứng với sò huyết pha cỏ-nhát thì cụ già long hết đinh vít đầu gối vẫn có đủ công lực như thường...
Văn Bình mỉm cười nhìn gã bồi mặt bấm ra sữa đang nhẫn nha ngoài cửa. Hắn đã nhận ra mặt chàng. Vì chàng là khách quen. Chàng dúi vào tay hắn một tờ giấy bạc. Hắn biết chàng là khách sộp nên đã xòe bàn tay sẵn sàng.
Phòng của chàng ở lầu 3. Theo thói quen nghề nghiệp, chàng đi qua cửa, không dừng lại, đến khi biết chắc tình hình an toàn chàng mới tra chìa khóa.
Chàng sắp mở khóa vội khựng người. Vành tai tinh tế của chàng vừa nghe được tiếng hơi thở trong phòng vẳng ra. Chàng định thần, theo dõi bằng toàn thể giác quan. Thật kỳ lạ... tiếng hơi thở đã biến đâu mất. Sự kiện này chỉ có thể được giải thích như sau : hoặc giả, thính giác bị trật đường rầy, hoặc giả người lạ núp trong phòng là tay có hạng trong võ lâm.
Chàng không tin thính giác chàng bị trật đường rấy. Tuy chưa được ăn ngủ thỏa thuê, chàng rất khỏe khoắn, và rất sáng suốt. Như vậy chỉ còn lại giả thuyết người lạ là võ sĩ cự phách về Thái Cực quyền.
Dùng danh từ "giả thuyết" không đúng. Vì giả thuyết là cái gì chưa chắc chắn. Văn Bình đã biết rõ trong phòng chàng đang có người. Có một người. Và là một người đàn ông. Và hắn có tài tán-kình. Tài nín thở thật lâu. Tài thở thật nhẹ, khiến người đứng sát cạnh cũng không nghe thấu. Tài tán-kình này không phải bất cứ võ sĩ Thái Cực quyền nào cũng học được. Có những võ sĩ miệt mài hơn 10 năm trong võ đường mà vẫn xôi hỏng bỏng không. Có những võ sĩ học được phép tán-kình song chỉ mới nắm được những căn bản tầm thường...
Nội cách khác, người lạ ở trong phòng là địch thủ đồng cân đồng lạng với chàng. Hắn đang ngồi chờ chàng thì nghe tiếng giầy dẫm trên thảm hành lang. Và hắn áp dụng thuật tán-kình để phỉnh gạt chàng.
Trên môi Văn Bình nhếch nhẹ một nụ cười kiêu ngạo. Từ mấy tuần nhật, chàng chưa có cơ hội thi thố tài mọn. Âu cũng là dịp may cho chàng tập dượt.
Chàng nép mình sau cánh cửa. Người lạ nín thở thì chàng cũng nín thở. Bằng cách nín thở, chàng muốn bảo ngầm với hắn rằng chàng đã khám phá ra sự hiện diện phi pháp của hắn trong phòng chàng.
Nửa phút sau - vâng, đúng 30 giây đồng hồ không hơn không kém - chàng lại nghe hơi thở của hắn. À, hắn muốn trêu tức chàng đây... đã thế, chàng cũng không nín thở nữa để hắn nghe tiếng cho bõ ghét. Chàng thở một hơi ngắn, rồi thở một hơi dài. Bản tâm của chàng là thử thách đối phương. Nếu hắn phân biệt được mức ngắn, dài của hơi thở, hắn quả là kẻ địch đáng sợ.
Một cuộc đấu âm thầm, kỳ quái diễn ra giữa hai cao thủ Thái Cực quyền, kẻ ở ngoài hành lang, người ở trong phòng, cả hai chỉ cách nhau một cánh cửa gỗ. cả hai đều không gây ra tiếng động, người không am tường phép tán-kình và tụ-kình của Thái Cực quyền không tài nào nghe nổi. Song cả hai đều nghe vanh vách hơi thở lặng lẽ của nhau.
Văn Bình bỗng đồ mồ hôi lạnh. Người lạ trong phòng vừa dùng mã tự để liên lạc với chàng. Hắn vừa thở 2 ngắn, 1 dài, 1 ngắn và 1 dài. Nghĩa là tạch tạch, tè, tạch tè, theo mã tự morse là dấu hỏi. Người lạ muốn hỏi chàng bằng nhịp thở "ông là ai ?"
Chàng đang bối rối thì người lạ núp sau cánh cửa thở theo tè tè tè tạch tạch. Trời ơi tè tè tè tạch tạch là con số 8. Người lạ vừa hỏi chàng "anh là z.28 phải không ?"
Không trả lời bằng phương pháp vận kình nữa, Văn Bình đập cửa và cất tiếng :
Ai đấy ?
Bên trong, có tiếng đàn ông vẳng ra, cũng bằng Việt ngữ như Văn Bình :
Ai đấy ?
Văn Bình mừng rơn :
Hừ, Lê Diệp. Mở cửa ra, còn ởm ờ gì nữa.
Đúng, người lạ trong phòng chàng là chàng sếu vườn Lê Diệp, cộng sự viên thân cận nhất của ông tổng giám đốc Hoàng, và là bạn nối khố của chàng. Lê Diệp luôn luôn sống bên ông Hoàng, ít khi đi đâu ra ngoài trụ sở một mình, chứ đừng nói là vù từ Sàigòn sang tận bên kia trời Tây nữa. Chắc phải có chuyện quan trọng lắm Lê Diệp mới cất công đi Ba Lê. Lâu lắm Văn Bình chưa gặp lại bạn. Dạo này, công việc bù đầu, chàng chỉ tạt qua Sàigòn rồi trèo máy bay rời Tân Sơn Nhứt như gió. Lê Diệp vẫn ốm nhách, vẫn trẻ măng, nụ cười rí rỏm trên môi.
Văn Bình bước vào, Lê Diệp ra hiệu cho chàng theo chàng ra cửa sổ nhìn xuống đường. Khách sạn chàng trọ tọa lạc trên một đại lộ lớn. Đại lộ George đệ ngũ ( Goerge V). Con đường trước khách sạn rộng thênh thang. Lê Diệp chỉ cho chàng thấy một xe hơi đua nhỏ xíu, mui sắt, đậu xế cửa lữ quán, ở bên kia đường, dưới một cây ngô đồng to lớn. Văn Bình hỏi:
Nó theo anh ?
Lê Diệp gật đầu. Và hỏi lại bạn :
Lên đây, anh không thấy nó ư ?
Không. Tôi mệt muốn chết.
Tôi cũng mệt muốn chết.
Sực nhớ đến cuộc nói chuyện với Nguyễn Phước Bửu Khoa, Văn Bình tức lộn ruột, ông Hoàng chỉ ra lệnh cho chàng gặp Bửu Khoa, chứ không gửi gấm nhắn nhủ gì hết. Kết quả là chàng phải trơ mặt thổ địa khi Bửu Khoa hỏi thư, hỏi ảnh của cô con gái bị thất lạc của Tôlan. Chàng còn tẽn tò hơn nữa khi Bửu Khoa nhắc đến tiền thưởng. Ông Hoàng thường có thói quen ỡm ờ như vậy. Ông đã tính toán chu đáo, song giả vờ hớ hênh, vụng về, hoặc đãng trí. ông muốn chàng moi óc ra tìm hiểu. Đến khi chàng hoàn toàn bí xị, ông Hoàng mới sai gã sếu vườn Lê Diệp tới. May mà giờ này chàng còn sống... Chàng phải bảo thẳng cho Lê Diệp biết là chàng không chấp nhận cái tính đùa dai ấy nữa.
Nhưng Lê Diệp đã khôn ngoan ấn vào miệng Văn Bình một ly whuýt-ky. Rồi ngay sau đó là điếu Salem. Loại Salem đặc biệt, quấn thành điếu xong gói kín bằng giấy bạc, đem cất trong hộp có đặc tính giữ nhiệt để nó không nhạt mất hương vị bạc hà thơm tho.
Văn Bình rít xong hơi thuốc, sửa soạn sửng sồ thì Lê Diệp đã khoát tay, phân bua :
Bớt giận làm lành, những z.28 ơi, lần này anh không nên giận ông Hoàng, vì lẽ dễ hiểu là ông già đang bị kẹt trong bệnh viện, mọi việc đều do Anh cả Triệu Dung lo liệu. Tuy nhiên, anh cũng không nên giận Triệu Dung vì... kế hoạch được bố trí chặt chẽ đã bị hỏng bét vào phút chót.
Hừ... anh đừng chống chế nữa. Các anh toa rập với Nguyên Hương để xỏ tôi một vố, phải không ?
Giữa bạn bè thân thiết như ruột thịt thì đùa nghịch là thường, nhưng chúng ta không thể đùa nghịch với tính mạng. Anh luôn luôn có thành kiến với anh chị em ở nhà nên luôn nghĩ rằng mọi người... chơi anh. Sự thật là không. Hoàn toàn không. Theo kế hoạch, anh từ Đức qua Ba Lê, và tôi phải đến gặp anh tại đây.
Tại khách sạn George V ?
Phải. Vì vậy bức điện gởi cho anh không nói gì hết.
Tại sao anh chờ đến bây giờ mới cho phép tôi bệ kiến long nhan ?
Xin anh đừng riễu nữa. Tôi không đến được đúng hẹn vì bị kẹt. A-9 đã chết.
A-9 là cái gì ?
Một nhân viên của ta ở Ba Lê có bổn phận đeo sát vụ Tôlan.
Trời, tôi không ngờ nội vụ lại rắc rối như vậy.
Úi chao, anh sẽ thấy nhiều cái rắc rối hơn nữa. Tôi đến Ba Lê từ một tuần nay...
Để di hú trong khi thằng bạn chó chết z.28 của anh phải làm việt hùng hục như mọi...
Anh chịu khò kiên nhẫn, đừng ngắt lời tôi. Tôi đến đây vừa được 6 ngày, nhưng chưa hề được đặt chân lên vùng công trường Ngôi Sao, chưa hề được xem xi-nê, chưa hề được ăn cơm Maxim's chứ chưa dám nói đến du hí nữa. Vụ Tôlan được ông Hoàng chuẩn bị từ trước khi vào bệnh viện, ông Hoàng nhận thấy các sở điệp báo quốc tế, bạn cũng như thù, sẽ tranh giành nhau kịch liệt nên mới để anh xông xáo mặt tiền, còn tôi mai phục mặt hậu. Cùng với A-9.
Lại A-9. Hắn là cộng sự viên của Nguyễn Phước Bửu Khoa ?
Không. A-9 không phải là chú Sáu, Diễm Hà hoặc Lệ Liên. Hắn là cộng sự viên của Song Ngư, phó giám đốc trú sứ của MI-6. Câu chuyện như thế nàỵ : ông Hoàng bắt tay vào vụ Tôlan thì đụng đầu MI-6, anh đã biết màng lưới tình báo hành động của MI-6 ở Động-Âu, đặc biệt là Nam Tư, rất đắc lực, còn đắc lực hơn ông nhà giàu C.I.A. nữa, vì vậy, ông Hoàng đành chia phần với họ. Họ nói là họ rút ra ngoài, nhường cho mình xoay xở, sau khi thành công, họ chỉ xin chấm mút tí ti. Thật ra, họ chỉ nhường bên ngoài miệng. Họ dùng Diễm Hà làm tai mắt bên cạnh Bửu Khoa để thực hiện trò ngồi mát ăn bát vàng. Nhờ có A-9, ông Hoàng đã phăng ra thủ đoạn của MI-6 và ông đã phòng bị sẵn sàng. Nhiệm vụ của A-9 là tiếp xúc với anh tại khách sạn George V, trao cho anh thư, ảnh và mấy tấm chi phiếu, đồng thời tường trình đầu đuôi câu chuyện, hầu anh khỏi bỡ ngỡ.
Té ra mình biết, mình rình chơi họ, thì ngược lại, họ cũng biết, và họ cũng rình chơi mình. Họ chờ anh đáp phi cơ đến nơi thì làm thịt A-9.
Và đoạt luôn tài liệu, chi phiếu ?
Tôi chưa dám đóan chắc. Sáng nay, A-9 phải gọi điện thoại cho tôi vào hồi 9 giờ. Nếu không, phải gọi lại sau đó 1 giờ. Lần thứ ba, và cũng là lần cuối cùng vào hồi 2 giờ. Sự im lặng của hắn có nghĩa là hắn đã gặp nạn. Tôi đợi từ 9 giờ đến 12 giờ. Không nghe tiếng chuông điện thoại. Tôi ghé nhà hắn thì hắn đã chết.
Bị giết ?
Phải. Bị giết bằng atêmi.
Anh quen A-9 không ?
Không. Tôi chỉ biết hắn qua xấp ảnh ở Sàigòn. Phòng hắn bị lục lọi lung tung. Tôi ra đến cửa thì bị phục kích. Cũng may, võ nghệ của hai thằng phục kích tôi chỉ vào hạng trung bình. Đai đen đệ nhị hay đệ nhất gì đó. Đai đen đệ nhị tốt nghiệp Kôđôkan Đông Kinh, bọn mình còn không ngán, huống hồ cái cỡ đai đen nhu đạo Pháp quốc... Cho nên tôi đã cướp được súng và ăn gỏi luôn cả hai. Lẽ ra, tôi chỉ đánh quỵ chứ không giết chết. Để khai thác tin tức... Việc A-9 bị thanh toán cho thấy Song Ngư và MI-6 muốn phỗng tay trên Tôlan, và họ chờ đến phút chót mới xuống tay, hầu chúng ta mất hết liên lạc. Khi ấy, phi cơ chở anh ghé Ba Lê, tôi xách xe ra trường bay ót-ly ( Orly) đón anh, nhưng dọc đường tôi sơ ý ở ngã tư đèn đỏ bị đối phương ập lên, bắt mang ra ngoại ô. Mãi đến nhá nhem tối, tôi mới trốn thoát.
Tôi chờ anh rụp xương mà không thấy bóng.
Anh chờ ở đâu ?
Gần biệt thự của Nguyễn Phước Bửu Khoa.
Cửa trước hay cửa sau ?
Cả hai. Tôi được tin anh ra bằng cửa hậu, qua đường hầm nên đứng chờ. Nóng ruột, tôi thót ra cửa tiền. Rồi trở lại cửa hậu.
Anh không gặp ai ?
Không.
Tại sao anh không vào nhà ?
Sợ lộ. Tuy nhiên, sợ lộ không bằng sợ sa bẫy. Tôi có cảm tưởng là MI-6 đang chơi chúng ta một cách cạn láng, anh đã bị cháy, bị tóm, tôi lảng vảng ngoài cuộc có lợi hơn. Tiếng là tôi đứng chờ trước nhà Bửu Khoa, tôi chỉ dám núp thật xa nên anh ra đi lúc nào tôi không biết.
Anh không biết tôi bị Song Ngư lừa bắt ?
Không. Mãi sau tôi nghe làn sóng ngắn của công an, cảnh sát mới biết các vụ lộn xộn. Không còn cách nào khác, tôi đành quay về phòng anh.
Anh được đọc hồ sơ về Bửu Khoa, về các cộng sự viên của ông ta chưa ?
Rồi. Tôi đã mang theo một bản chụp cho anh nghiên cứu. Cả tập hồ sơ dầy gần 100 trang, mà chụp thu nhỏ lại nhét gọn trong ống thuốc át-pi-rin. Tôi cũng đã mang sẵn dụng cụ phóng đại...
Cám ơn anh. Hiện nay chúng ta không có thời giờ. Tôi chỉ cần hỏi ý kiến của riêng anh. Anh nghĩ sao về Bửu Khoa ?
Bạn vong niên ngày xưa của ông tổng giám đốc. Thành phần tin cậy tuyệt đối.
Vấn đề tin cậy không được đặt ra ở đây. Tôi chỉ muốn biết về đời sống sinh lý của Bửu Khoa.
Hảo ngọt một cây. Già mà còn lẳng kinh khủng. Gặp gái là mắt la mày lét.
Hừ... anh là đàn ông xi-măng mà gặp gái còn mắt la mày lét, huống hồ Bửu Khoa, trái tim mềm xèo. Đàn ông có tính hảo ngọt, không lẳng, không rung động trước đàn bà đẹp là đàn ông bỏ đi. Đem tống bao bố, đeo đá thật nặng và liệng xuống biển cả vạn, cả triệu, không ai thèm rớt một giọt nước mắt, các bà, các cô còn biểu tình, hoan hô nữa là khác.... Không, tôi không quan tâm đến cái máu 35 của Bửu Khoa. Tôi chỉ cần biết điều này : Bửu Khoa bất lực hay không bất lực ?
Trời !
Anh là cô dâu vỡ mộng vì chú rể trong đêm động phòng hoa chúc hay sao mà kêu trời?
Tôi thấy anh kỳ cục hết sức. Bửu Khoa bất lực hay không bất lực thì có ăn nhập gì đến vụ Tôlan ?
Yêu cầu anh trả lời câu hỏi.
Trong hồ sơ không có đoạn nào nói đến khả năng sinh lý của Bửu Khoa. Cũng như trong hồ sơ của z.28 tại trung ương Sàigòn, không có đoạn nào...
Anh đừng đùa nữa. Hiện tôi cần biết thêm một số chi tiết về Diễm Hà.
Tôi có tạm đủ. Ngày sinh tháng đẻ, quê quán, tên song thân, các địa chỉ liên tiếp, trình độ học vấn, thói quen, khả năng... nhưng về khả năng sinh lý thì... chịu.
Trái lại, tôi chỉ muốn biết về khả năng sinh lý của nàng.
Hà... hà, anh nói đùa, chứ tôi không nói đùa.
Nghĩa là hồ sơ hoàn toàn mù tịt.
Mù tịt là đúng. Không lẽ những người thảo duyệt hồ sơ trong số đó có ông Hoàng và Triệụ Dung phải chiều ý thích của anh, liệt giáo sư Nguyễn Phước Bửu Khoa và bí thư núi lửa Diễm Hà vào đẳng cấp... bất lực.
Văn Bình nghiêm mặt:
Phải. Họ là người bất lực. ông Hoàng, Triệu Dung và anh đều lầm. Chúng ta đều bị cho vào xiếc. Hồ sơ nói gì về Song Ngư ?
Mặt Lê Diệp ngẫn tò te. Chàng nuốt nước miếng một cách vất vả, như thể cuống họng chàng bị chặn nghẹt. Lát sau, chàng mới nói được thành tiếng :
Trong hồ sơ, Song Ngư được ghi nhận là phó giám đốc trú sứ Ba Lê MI-6.
Anh quen Song Ngư không ?
Không. Anh có thiên tài đánh hơi thấy mỹ nhân từ trăm dặm mà còn chưa quen nàng, phương chi tôi chỉ là đàn ông già trước tuổi, và quê... một cục.
Đêm nay anh nhiều lời quá. Chỉ còn mấy giờ đồng hồ phù du nữa thôi. Sau khi anh đến Ba Lê, anh đã tiếp xúc với ai ở MI-6 ?
Không phải Song Ngư. Vì Song Ngư thuộc thành phần hoạt động chìm. Trên tinh thần phối hợp điệp vụ, tôi đã gặp Henri, đệ tam tham vụ sứ quán Anh.
Nhà hắn ở đường nào ?
Cũng gần đây. Không lẽ anh đến phá đám hắn. Anh nhìn đồng hồ coi, giờ này....
Hiểu rồi, giờ này đàn ông và đàn bà yêu nhau. Vì vậy tôi mới đến. Tôi sợ muộn hơn hắn sẽ đi vắng. Anh có phương tiện di chuyển không ?
Có. Xe hơi kiểu đua, mới ra lò đàng hoàng.
Ba phút sau, đôi bạn trai thân thiết đã ngồi bên nhau trong chiếc Sinpar Rờnô 4. Lê Diệp có vẻ khoan khoái, chàng dựa thẳng lưng, tay mở công-tắc, mắt sáng long lanh. Dường như chàng mê đắm loại xe Sịnpar. Trong khi ấy, mặt Văn Bình nhăn như bị. Sinpar là một hãng xe nhỏ xíu như lỗ mũi ở Pháp, chuyên sữa chế những xe của công ty Rờnô cho đẹp mắt hơn. Xe Rờnô nổi tiếng về xấu, Rờnô 4 ngựa lại là anh cả về xấu trong gia đình, nó trông như cái thùng vuông vức, gắn trên bốn bánh xe chênh vênh, cao lêu nghêu, bộ dạng lại mỏng manh, khật khưỡng, chẳng có điểm nào thương được. Nó lại chạy như rùa bò, chạy hết xí quách mới đến 115 cây số giờ. Hãng Sinpar vớ vĩnh cắt nửa trên chiếc Rờnô 4, biến thành xe mui trần (cũng mui trần như ai), thay đổi lăng nhăng một số phụ tùng trong máy, và chém giá tiền đắt ngang tiền sắm xe Rờnô mới. Vâng... cái của nợ Chung Vô Diệm Sinpar Rờnô 4 này là... xe hơi kiểu đua mới ra lò đàng hoàng mà chàng sếu vườn Lê Diệp không ngớt lời xưng tụng.
Xe ì-ạch quẹo ngã tư, Văn Bình hỏi bạn :
Anh lượm cái quái thai này ở đâu ?
Lê Diệp giật nẩy người:
Xe Sinpar đây, anh không biết ư ? Hừ, báu vật của Sinpar mà anh không nghe tiếng sao ?
Nghe rồi. Sắp đến nơi chưa, ông Sinpar ?
Sắp. Anh không ưa nó thì thôi, việc gì anh phải cay cú ?
Văn Bình nín thinh không đáp. Xe hơi vừa xập ổ gà. Ổ gà không lấy gì làm sâu, nhưng ống nhún quá tồi nên chàng có cảm giác là xương cụt bị gẫy. Lê Diệp cũng nín thinh Chàng đã thông cảm được thái độ của bạn.
Trời hừng sáng mà sự lưu thông ở trung tâm thành phố đã nghẹt nghẽn. Lê Diệp phải luôn luôn trả thắng, sang số và chép miệng. Đột nhiên Văn Bình cất tiếng :
A-9 đã chết thật sự chưa ?
Lê Diệp bớt ga xăng :
Bộ anh cho là A-9 chết đùa và tôi bị họ lôi vào xiếc hả ?
Nghĩa là hắn đã chết thật sự ?
Yết hầu của hắn bị đánh dập bằng atêmi.
Tại sao ông Hoàng lại trao chi phiếu và thư từ quan trọng cho A-9 ? Dầu sao A-9 cũng là nhân viên nhị trùng, rất dễ bị lộ diện. Vì vậy tôi ngờ bên trong vụ này có điểm trục trặc....
Chẳng có gì cả. Anh nghiên cứu xong hồ sơ là thấy.Ông tổng giám đốc nhờ A-9 vì lẽ giản dị hắn có đầy đủ điều kiện. Anh thuê phòng trọ tại khách sạn George V. Và A-9 lại là nhân viên xếp sòng của khách sạn này. Hắn giữ chìa khóa két sắt được dùng để khách trọ gửi tiền bạc và quý kim. Hắn chỉ việc cất cái phong bì đựng chi phiếu và tài liệu vào trong két. Điều làm tôi băn khoăn là không hiểu Song Ngư đã chiếm được những vật này chưa. Hay là giờ này nó vẫn nằm yên trong tủ sắt của lữ quán.
Văn Bình suy nghĩ một lát rồi đáp :
Gặp đệ tam tham vụ Henri rồi biết.
Lê Diệp lắc đầu :
Tôi không tin hắn nói. Hắn sẽ chối soen soét là không dính dấp đến vụ hạ sát A-9. Vả lại, mình cũng chẳng dại gì nhìn nhận với hắn A-9 là nhân viên Sàigòn. Hắn là đồng minh, nặng tay không được đâu. Mắng mỏ hắn còn khó, huống hồ...
Ngừng một lát, Lê Diệp nói tiếp, giọng bối rối:
Tôi xin phép nhắc anh lời dặn thiết cốt của ông Hoàng : đừng nên gây sự với MI-6. Họ chơi thì ta ráng chịu. Vì trên thực tế, ta cũng đã chơi họ đau điếng.
Văn Bình cười:
Anh yên chí lớn. Tôi sẽ không đụng đến lông chân ông Henri đồng minh của anh đâu.
Vậy đến nhà hắn vô ích.
Rất hữu ích.
Qua khỏi cái cửa này, rẽ sang trái là nhà hắn.
Cách nhà Henri độ 100 mét, phiền anh đậu lại.
Tuân lệnh đại tá z.28. Sau khi đậu lại thì làm gì ?
Ngồi đốt thuốc lá.
Anh vừa nói là ập vào phòng ngủ của hắn, lôi cổ hắn dậy kia mà ?
Phải, tôi sẽ lôi cổ hắn dậy, nếu hắn còn ở nhà. Nhưng tôi không tin. Trừ phi tôi tính lầm. Mấy giờ rồi anh Lê Diệp ?
Hơn 7 giờ. Henri là nhà quận quân lười biếng. Hắn mắc bệnh lừng khừng của kẻ ăn nhiều, uống nhiều có lẽ đúng hơn. Thùng nước lèo của hắn thuộc loại quá khổ. Những người bụng bự như hắn khó thể dậy sớm. Một giờ đồng hồ nữa may ra hắn mới mở được mắt. vả lại, hắn có cô vợ trẻ măng, chỉ bằng nửa tuổi hắn, lại xinh đẹp như cô đào điện ảnh B.B., trời buổi sáng tăng tăng lạnh thế này hắn không thể dậy sớm được đâu.
Vậy hả ? Đừng giảm tốc độ. Cứ chạy số 3 như thường lệ. Nhà hắn ở bên nào ?
Bên phải. Phía anh ngồi. Cái vi la trệt quét vôi trắng toát nằm lọt giữa hai biệt thự lầu.
Thấy rồi. Anh lái xe qua nhà Henri và đừng tốp lại. Đến cuối rặng cây ngô đồng hãy thắng và lạng vào lề.
Úi chao !
Ga ra trống trơn hả ?
Phải. Quả anh là thày bói sang hạng nhật. Hắn có chiếc DS Pallas sơn đen, đậu chật ních ga ra. Tôi không thấty xe đâu cả. Anh đoán đúng thật, Henri đã đi vắng.
Anh hãy phóng thẳng rồi quẹo vào đại lộ Rivoli.
Mình đi đâu ?
Cuối đại lộ Rivoli, anh thả tôi xuống. Tôi chán ngấy báu vật Sinpar của anh rồi. Phiền anh giúp tôi một việc.
Việc gì ?
Lát nữa, dặn anh cũng chưa muộn. Chà, anh nhìn thấy cô bé có cái mông tròn trịa đang ngoáy lia lịa trên lề không ?
Thấy.
Ngon kinh khủng. Đáng tiếc là tôi phải đi tìm Henri.
Anh chưa biết mặt hắn, anh cũng chưa biết hắn đi đâu, vậy anh tìm ra hắn bằng cách nào ?
Giản dị lắm. Tôi đã suy dẫn ra nơi hắn sắp tới. Nhân viên của MI-6 hạ sát A-9 là để cướp đoạt thư từ và chi phiếu của ta làm món quà ra mắt với bác sĩ Tôlan. Bất chiến tự nhiên thành, MI-6 toan hớt tay trên. Nhưng họ không biết rằng cuộc gặp ở nhà hàng Hòa bình chỉ là một cái bẫy.
Một cái bẫy ?
Văn Bình phá lên cười. Chiếc Sinpar cọc cạch của Lê Diệp đang chạy lên phía Bắc thành phố, nơi có nhà hàng Hòa Bình. Nơi đang diễn ra một cuộc đấu trí ác liệt vô tiền khoáng hậu.

Chương trước Chương sau