Ba điều bí ẩn - Chương 22

Ba điều bí ẩn - Chương 22

Ba điều bí ẩn
Chương 22

Ngày đăng
Tổng cộng 30 hồi
Đánh giá 8.8/10 với 37699 lượt xem

Poirot lui lại một chút để ngắm cách bài trí căn phòng. «Một ghế ở đây… Một ghế kia. Được, rất tốt. Có tiếng chuông gọi cửa, chắc là Japp».
Viên thanh tra cảnh sát nhanh nhẹn bước vào.
- Ông nói đúng! Tôi đã được thông tin: có người trông thấy một phụ nữ trẻ vứt cái gì đó xuống hồ Wentworth. Mô tả con người, đúng là Jane Plenderleith. Chúng tôi đã vớt vật đó lên không khó khăn, nó mắc vào đám lau sậy dưới hồ.
- Và vật đó là ?
- Là cái hòm, còn gì nữa. Nhưng tại sao, khó hiểu quá. Trong đó chẳng có gì... cả mấy tờ báo. Tại sao một người có vẻ lành mạnh như cô ta lại ném chiếc hòm đắt tiền xuống đáy hồ? Ông có tìm ra được không? Cả đêm nay, tôi nghĩ mãi không ra.
- Ông khỏi phải băn khoăn nhiều. Câu trả lời rồi sẽ đến. Có người bấm chuông kìa.
George, người hầu hoàn hảo của Poirot, ra mở cửa và thông báo:
- Cô Plenderleith.
Cô gái vào với dáng bộ thoải mái thường lệ, chào hai người.
Poirot nói:
- Tôi đã mời cô tới, vậy cô hãy ngồi ghế này. Ông Japp, ông ngồi ghế kia, vì tôi có một số tin tức thông báo.
Cô gái ngồi xuống, lần lượt nhìn hai người, đặt mạnh chiếc mũ xuống bên cạnh, nói:
- Hừ! Thiếu tá Eustace đã bị bắt.
- Tôi đoán cô đọc tin đó trên báo buổi sáng?
- Phải.
Poirot nói:
- Lúc này, ông ấy bị buộc vì một tội khác không quan trọng, trong khi chờ đợi chúng tôi tìm chứng cứ về vụ sát hại.
- Vậy đúng đây là vụ ám sát? - cô gái hỏi ngay.
- Phải, đây là án mạng, sự huỷ hoại cố tình của người này với người khác.
Cô gái hơi rùng mình:
- Ôi, ông đừng nói nữa. Nghe ghê cả người.
- Vâng, nhưng mà ghê thật chứ - Ngừng một lát, ông nói tiếp - Và bây giờ, tôi sẽ nói cho cô biết tôi đã tìm ra sự thật bằng cách nào.
Cô gái hết nhìn Poirot lại đến Japp. Ông này mỉm cười:
- Ông ấy có những cách riêng của ông ấy, tôi phải chiều theo thôi, và chúng ta nên nghe ông ấy nói gì.
Poirot lên giọng:
- Như cô đã biết, tôi cùng ông bạn đây đến hiện trường vụ án sáng ngày 6 tháng 11. Chúng tôi vào phòng, nơi có xác bà Allen, và lập tức chú ý đến một số chi tiết rất có ý nghĩa. Có những điều rất lạ trong phòng ấy, cô biết không?
- Ông cứ nói.
- Trước hết, là mùi khói thuốc là.
Japp nói xen vào:
- Có lẽ ông nói hơi quá đáng, tôi có ngửi thấy gì đâu.
Poirot quay phắt lại:
- Thì đúng thế. Ông không ngủi thấy gì, tôi cũng không, Đó là một điều lạ, nhất là cửa ra vào, cửa sổ để đóng và trong cái gạt tàn có tới chục mẩu thuốc. Thế mà không khí trong phòng hoàn toàn trong lành, thật bất thường.
- À, ra ông muốn nói thế! - Japp thở dài, bất ngờ - Quả là ông có những phương pháp oái oăm để đi tới kết luận!
- Tôi nói tiếp: điều thứ hai đập vào mắt tôi, là chiếc đồng hồ đeo tay người chết.
- Ừ, nó có gì đặc biệt?
- Không có gì đặc biệt, chỉ là nó đeo ở cổ tay phải, trong khi người ta thường đeo ở tay trái.
Japp nhún vai. Không để ông ta kịp nói, Poirot tiếp luôn:
- Vâng, đúng như ông nghĩ, điều ấy không có ý nghĩa quyết định, vì có những người thích đeo ở tay phải. Giờ, tôi mới nói đến một điều thực sự thú vị... Đó là cái bàn giấy.
- Phải, tôi đã đoán ra - Japp nói.
- Thực sự lạ kỳ... vì hai lí do. Thứ nhất, trên đó thiếu một thứ gì.
- Cái gì thiếu? - Jane Plenderleith vồ lấy, hỏi ngay.
Poirot quay về phía cô ta:
- Một tờ giấy thấm, thưa cô. Trên cái lót tay chỉ có một tờ giấy trắng tinh.
Jane nhún vai:
- Ôi, ông Poirot, giấy bẩn rồi, người ta thường gỡ ra, vứt đi.
- Phải, nhưng vứt đi đâu? Chỉ có vứt vào bồ rác, phải không? Nhưng trong bồ rác, không thấy, tôi đã nhìn.
Jane Plenderleith có vẻ sốt ruột:
- Vì chắc chị ấy vứt từ hôm trước, còn tờ giấy thấm hôm sau vẫn sạch vì Barbara không viết gì nữa.
- Không phải là trường hợp ấy, vì tối hôm đó bà Allen đã ra trạm bưu điện bỏ thư, có người trông thấy. Vậy bà ấy có viết. Bà không thể viết thư dưới nhà vì dưới đó không có bút mực, và chắc cũng không sang viết ở phòng cô. Vậy thì cái tờ giấy thấm dùng để thấm mực đi đâu rồi? Đành rằng có người vứt giấy vào lò sưởi để đốt chứ không ném vào bồ rác, nhưng trong phòng bà Allen chỉ có lò bằng khí đốt. Mà hôm trước lò sưởi ở dưới nhà chua nhóm lửa, vì cô đã nói với chúng tôi rằng trong lò chỉ xếp củi sẵn, khi cô về mới đánh diêm châm lửa.
Poirot ngừng một lát.
- Thật kỳ cục. Tôi đã nhìn tất cả các bồ rác, thùng rác, mà không thấy tờ giấy thấm... và điều này theo tôi rất quan trọng. Cứ như là người nào đã cố tình bỏ tờ giấy thấm ấy. Tại sao? Tại vì nó in vết chữ, có thể đọc được nếu đem soi trước gương.
“Một điều lạ nữa trên bàn giấy khiến tôi phải chú ý là... ông Japp, ông nhớ các đồ vật bày trên đó không? Lót tay và lọ mực ở giữa, hộp bút bên trái, lịch và bút lông ngỗng bên phải. A hà, ông không hiểu sao? Chiếc bút lông ngỗng, tôi đã xem - chắc ông còn nhớ, đặt đó như chỉ để trang trí, không sử dụng. Vậy thì? Ông vẫn không thấy? Tôi nói lại: lót tay ở giữa, hộp bút bên trái, bên trái nhé, ông Japp. Bình thường thì hộp bút đặt bên phải mới đúng, vừa tầm bàn tay phải?
«A, ta hiểu dần ra rồi, phải không? Hộp bút bên trái. Đồng hồ ở cổ tay phải. Tờ giấy thấm bị lấy đi, và một thứ được để thêm vào trong phòng: chiếc gạt tàn đầy mẩu thuốc!
«Không khí ở trong phòng là trong lành và mát. Đó là không khí của một phòng cửa sổ mở chứ không đóng suốt đêm... và thế là toàn cảnh đã hiện ra trước mắt tôi.
Ông đứng đối diện, nhìn thẳng cô Jane:
- Trong cảnh ấy, tôi thấy cô, cô xuống tắc xi, trả tiền anh lái rồi nhảy bốn bậc lên cầu thang, có thể vừa lên vừa gọi: “Barbara!» và cô mở cửa, thấy bạn cô chết nằm dưới đất, tay cầm súng - bàn tay trái tất nhiên, vì bạn cô thuận tay trái - và vì thế nên viên đạn mới bắn vào phía trái đầu. Bạn cô để lại cho cô một lá thư nói rõ vì sao bà ấy tự tử. Tôi hình dung, đó phải là một bức thư hết sức xúc động... Một phụ nữ trẻ, hiền lành và đau khổ, phải kết liễu cuộc đời vì không chịu được áp lực đe doạ tống tiền.
“Tôi nghĩ ý đồ có thể nẩy ra tức khắc trong óc cô. Cái chết này phải là tác phẩm của một người đàn ông, hãy để hắn bị trừng phạt, trả giá cho hành động tội lỗi của hắn! Cô liền lấy khẩu súng lau chùi rồi đặt lại vào bàn tay phải. Cô cầm lá thư lột bỏ tờ giấy thấm trên đó có hằn nét chữ. Cô xuống nhà, nhóm lò sưởi, vứt tất cả vào lửa. Rồi cô mang chiếc gạt tàn lên để tạo ra cảm giác hai người ngồi nói chuyện với nhau suốt tối, cô cũng mang theo một mảnh cúc tay áo vỡ mà cô nhặt được dưới đất - thật may mà tìm thấy nó, nó càng là một chứng cớ thuyết phục. Tiếp đó, cô đóng cửa sổ, và khoá cửa ra vào, vì không thể để mọi người biết là cô đã vào phòng. Cảnh sát phải chứng kiến mọi thứ như cô đã bố trí, vì vậy cô gọi điện thẳng cho nhà chức trách chứ không hô hoán hàng xóm như nhiều người thường làm.
“Và mọi việc diễn ra suôn sẻ. Cô đã thủ vai của mình một cách bản lĩnh, chủ động, thoạt đầu không chịu nói gì, rồi khéo léo tỏ ý nghi ngờ không phải là tự tử. Về sau, cô lại lái chúng tôi theo hướng truy tìm thiếu tá Eustace...
«Vâng, thưa cô, hết sức khôn khéo... Một tội ác thần tình... Vì, thực tế, đây là âm mưu sát hại thiếu tá Eustace.
Jane Plenderleith vụt đứng dậy:
- Đây không phải là tội ác, mà là lập lại công lý. Tên ấy đã hành hạ Barbara đến khốn khổ, đã dồn chị ấy đến chỗ chết. Chị ấy hiền dịu thế, yếu đuối thế, đã bị một gã đàn ông quyến rũ ở Ấn Độ lúc chị còn rất trẻ. Chị mới mười bẩy, gã kia lớn tuổi hơn rất nhiều, lại đã có vợ. Đẻ ra một đứa con, lẽ ra nên gửi lại trại trẻ, nhưng chị không muốn, nên phải lánh đi ở một nước thật xa, rồi mới quay trở lại, lấy tên là bà Allen.
«Sau này đứa bé chết. Chị ấy trở về đây rồi phải lòng Charles... cái anh chàng kiêu ngạo, huyênh hoang như thùng rỗng! Nhưng chị lại mê anh ta. Nếu anh ta là người khác, tôi đã khuyên chị nên nói với anh ấy tất cả, nhưng, biết tính anh ta rồi, tôi lại bảo chị nên im lặng. Ngoài tôi ra, không ai biết chuyện cũ của chị.
«Thế rồi mà cái tên Eustace quỷ quái xuất hiện? Chuyện ra sao, các ông đã biết. Hắn bắt đầu móc tiền cửa chị ấy không thương tiếc, và mới ngày hôm qua đây chị mới hiểu ra là sẽ liên luỵ đến cả Charles. Nếu chị lấy Charles, Eustace càng tăng cường đe doạ... Mà Charles thì giầu có, lắm tham vọng, rất sợ tai tiếng!
«Eustace đi rồi, mang theo số tiền cuối cùng chị có, chị đã suy nghĩ rất nhiều, rồi lên phòng viết thư cho tôi, nói chị yêu Charles, không thể sống thiếu anh, nhưng chính vì lợi ích của người yêu, chị không thể đi đến kết hôn. "Chị đành chọn lối thoát duy nhất» thư chị viết như thế.
Jane ngửa đầu ra phía sau:
- Tôi hành động như thế, có gì sai, mà các ông gọi là tội ác.
Poirot nghiêm nghị đáp:
- Vì như thế vẫn là tội ác. Tội ác có vẻ có lý do chính đáng, nhưng vẫn là tội ác. Cô thẳng thắn và sáng suốt, vậy hãy nhìn thẳng vào sự thật. Bạn cô chết, nói đúng ra là vì bà ấy không có can đảm để sống. Chúng ta có thể thương xót bà. Song sự thật vẫn là sự thật... ! Bà ấy tự bắn mình, chứ không phải bị người bắn.
Ông ngừng một lát mới nói tiếp.
- Còn cô? Người ấy lúc này đang ở tù, và sẽ còn ở lâu vì những tội danh khác. Cô có thật sự muốn tự mình huỷ hoại cuộc sống - tôi nói là cuộc sống của bất cứ con người nào?
Jane trân trân nhìn thám tử, đôi mắt tối sầm, rồi đột ngột nói nhỏ:
- Không, ông nói đúng. Tôi không muốn.
Rồi cô quay gót bỏ đi, đóng sầm cửa sau lưng.
Japp huýt một tiếng sáo dài:
- Ui cha! Không ngờ!
Poirot ngồi xuống mỉm cười thân ái. Một lúc lâu không ai nói gì. Cuối cùng, Japp lên tiến:
- Không phải là giết người ngụy trang thành tự tử, mà là tự tử bố trí thành có vẻ giết người.
- Đúng, và sự bố trí rất khéo.
- Còn chiếc hòm con? - Japp hỏi - Nó đóng vai trò gì?
- Không, tôi đã nói rồi, nó chẳng liên quan gì.
- Vậy thì tại sao...?
- Ông Japp ơi, các gậy gôn. Đó là những gậy cho người thuận tay trái. Jane Plenderleith gửi gậy của mình ở Wentworth, cái túi chứa các gậy là của Barbara Allen, nên chúng ta phải mở tủ kho, cô gái hoảng sợ là phải. Toàn bộ kế hoạch của cô ta có thể đổ vỡ. Song cô ta rất nhanh trí, và hiểu là mình đã gây sự nghi ngờ, nên là ngay cái việc đầu tiên nẩy ra trong óc để kéo sự chú ý của chúng ta vào vật vô hại. Cô ta ch chiếc hòm con và nói: «Cái này là của tôi, vừa mang về sáng nay, bên trong không có gì đặc biệt». Và đúng như cô ta dự kiến, chúng mình đã bị lạc hướng. Cũng với lý do ấy, sáng hôm sau khi cô ta ra đi để rủ bỏ những gậy gôn của Barbara, cô ta tiếp tục dùng chiếc hòm con làm đối tượng để chúng ta đi lạc đường.
- Ông muốn nói rằng mục đích thật của cô ta là…
- Ông bạn hãy suy nghĩ xem. Nơi nào tốt nhất để vứt bỏ một bó gậy gôn? Không thể đốt, không bỏ được vào thùng rác, nếu để vương vãi đâu đó, sẽ có người mang trả lại. Cô Plenderleith đã mang chúng đến một sân gôn, để chúng trong phòng, lấy hai gậy trong túi của chính mình, rồi đi ra bãi gôn mà không gọi thằng bé phục vụ đi theo.. Chắc hẳn, cô ta sẽ cố tình làm gẫy một, hai gậy rồi quẳng nó vào bụi cây, thế là xong.
«Thấy vương vãi những mảnh cây gẫy, không ai buồn để ý, vì nhiều vận động viên thường hành động như vậy vì tức tối sau khi đánh trượt. Cô Plenderleith biết là nhất cử nhất động của mình bị theo dõi, đã ném mồi nhử kia - tức là chiếc hòm con - xuống hồ để mọi người trông thấy. Đó, là sự thật về cái bí mật của chiếc hòm con".
Japp nhìn ông bạn hồi lâu, không nói, rồi bỗng đứng lên, vỗ vai Poirot, phá lên cười:
- Khá lắm, lão cáo già ạ! Ông thắng rồi, Đi, tôi khao ông một bữa ra trò.

Chương trước Chương sau