Arsène Lupin và những hồi ức bí mật - Chương 07

Arsène Lupin và những hồi ức bí mật - Chương 07

Chiếc Cọng Rơm

Ngày đăng
Tổng cộng 10 hồi
Đánh giá 8.7/10 với 12380 lượt xem

Hôm đ đó lúc bốn giờ, trời gần tối, ông Goussot cùng bốn người con đi săn về. Cả năm người đều lực lưỡng, chân cao, thân hình rắn chắc, mặt sạm nâu vì nắng và sương gió. Và cả năm người, trên thân hình đồ sộ đó, cùng có chiếc đầu nhỏ, trán thấp, môi mỏng, mũi cong lên như mỏ chim, có vẻ khắt khe và ít thiện cảm. Quanh vùng nhân dân sợ họ: họ tham lợi, xảo quyệt và thiếu lòng tin.
Về đến hàng rào cũ quanh khu vườn, ông Goussot mở chiếc cửa nhỏ nặng nề, và khi con vào hết, ông khóa cửa, bỏ chiếc chìa khóa vào túi, đi sau các con dọc con đường qua khu vườn. Nhiều cây to trụi lá vào thu, nhiều nhóm thông, di tích của trang viên cũ nay là trại của ông.
Một người con nói:
“Mong mẹ đã đốt lên ít củi!”
“Chắc có rồi,” người bố nói. “Có cả khói nữa kìa.”
Đầu vườn là nhà vệ sinh, nhà ở chính và xa xa, nhà thờ trong làng mà tiếng chuông khi vang lên như muốn xua tan những đám mây thấp vờn trên bầu trời cả vùng.
Ông Goussot hỏi:
“Súng tháo đạn rồi chứ?”
“Súng của con thì chưa,” người anh nói. “Con cho vào một viên để bắn con chim cắt và rồi…” Anh này hay khoe tài, nói với các em. “Này, trông cành nhỏ đó cắm một bù nhìn rơm từ mùa xuân, đôi tay lòng khòng đỡ những cành cây không lá.”
Anh ta đưa súng lên vai bắn một phát. Bù nhìn nhào xuống điệu bộ buồn cười và rơi trên một cành to phía dưới, cắm chắc vào đó, nằm sấp xuống, đầu bằng vải đội chiếc mũ cao, đôi chân bằng cỏ và rơm khô đung đưa phía trên một lạch nước chảy trong ang gỗ cạnh cây anh đào. Mọi người cười ầm lên. Ông bố hoan nghênh:
“Con trai tôi bắn tốt đấy; dạo này ăn mà không thấy cậu là bố không yên đâu!”
Họ tiến thêm ít bước nữa. Khi cách nhà khoảng hai mươi mét, ông bố đột nhiên ngừng lại nói:
“Này, có cái gì thế kia?”
Anh em bọn con cũng ngừng lại lắng nghe. Một người nói:
“Từ trong nhà đấy… phía gian nhà để quần áo…”
Người khác lắp bắp:
“Hình như có tiếng van. Mà mẹ thì ở nhà một mình!”
Bỗng một tiếng kêu hoảng loạn rú lên. Cả năm người lao về. Một tiếng kêu nữa rồi những tiếng gọi thất vọng. Người con cả chạy trước lên tiếng:
“Chúng con đây! Chúng con đây!”
Tới cửa lớn thì phải đi vòng, anh xô hỏng chiếc cửa sổ nhảy vào phòng bố mẹ. Gian bên cạnh là phòng quần áo mà bà mẹ hầu như lúc nào cũng ở đó. Anh thấy bà nằm trên sàn mặt đầy máu nên van lên:
“Chà không may rồi! Bố ơi, bố!”
“Gì thế,” ông Goussot gầm lên. “Bà ấy đâu? Chà, sao lại thế… Đứa nào làm gì bà thế?”
Bà vươn dậy, giơ tay ra nói hối hả:
“Chạy đuổi theo đường này… Đường này… Tôi không việc gì… chỉ là những vết xước thôi… Chạy ngay đi, nó ăn trộm tiền!”
Bố con chạy đi. Ông Goussot chạy lại phía bà vợ chỉ, van lên:
“Nó ăn trộm tiền! Nó ăn trộm tiền! Tóm lấy kẻ trộm!”
Có tiếng ồn ào đầu hành lang chỗ ba người con khác chạy đến:
“Tôi đã thấy nó? Tôi thấy nó!”
“Tôi cũng thấy. Nó leo lên thang gác.”
“Không, nó kia, nó lại chạy xuống đấy!”
Tiếng chạy gấp làm sàn nhà rung rinh. Ông Goussot chạy đến đầu hành lang thấy một người đang cố gắng mở cửa tiền sảnh; nếu mở được sẽ thoát ra chỗ nhà thờ và đường làng.
Bị bắt gặp, người đó rối trí đâm vào ông Goussot ngã lăn ra, tránh mấy người con đuổi theo, lại theo hành lang vào trong phòng ông bố bà mẹ, nhảy qua cửa sổ bị phá và mất tăm.
Những người con đuổi theo, chạy qua vườn cỏ, vườn rau và lúc này đã tối trời. Ông Goussot cười gằn:
“Thằng kẻ cướp đi đời thôi, tường cao quá, không lối ra. Chà, đồ vô lại đáng đời!”
Đúng lúc đó hai người giúp việc ở ngoài làng trở về, ông nói cho họ biết chuyện, giao súng cho họ và nói:
“Nếu thằng kẻ cướp đó chỉ hơi ló ra gần nhà thì cứ bắn vỡ sọ nó đi không thương xót.”
Ông chỉ chỗ cho họ nấp, xem lại cổng sắt đã khóa kỹ chưa và lúc đó mới nhớ ra bà vợ cần chăm sóc ngay:
“Thế nào rồi bà?”
“Nó đâu rồi, có bắt được không?” Bà vợ hỏi ngay.
“Được, đang rình, có lẽ anh em đã bắt được nó đấy.”
Tin đó làm bà yên lòng, được ông giúp và uống một ngụm rum, bà lại sức, đến nằm trên giường và kể lại chuyện.
Cũng không dài dòng gì: Bà vừa thắp đèn trong gian phòng lớn, đang ngồi bình thản đan áo chờ bố con về thì nghe ở gian nhà để quần áo bên cạnh có tiếng khẹt nhẹ. Bà nghĩ: Chắc con mèo bà vẫn để bên đó.
Bà an tâm đi sang, rất kinh ngạc thấy hai cánh tủ quần áo thường để tiền ở đó mở toang. Bà tiến lại thấy một người nấp ở đó, lưng tựa vào những ngăn tủ:
Ông Goussot hỏi:
“Thế nó vào qua đường nào?”
“Đường nào à? Tôi chắc là qua tiền sảnh không khóa cửa.”
“Thế rồi nó chồm lại bà à?”
“Không, chính tôi chồm vào nó! Nó muốn chạy trốn.”
“Nó phải để tiền lại chứ?”
“Gì? Tiền à?”
“Nó lấy được rồi à?”
“Lấy rồi chứ! Tôi thấy xấp tiền trong tay nó, thằng vô lại! Thà tôi bị giết… Thế là đánh nhau, ông thấy đấy.”
“Nó không có vũ khí gì?”
“Cũng như tôi, không có. Có ngón tay, móng tay, răng. Ông xem, nó cắn tôi đây này. Rồi tôi van lên, tôi kêu cứu… Nó phải thả tôi ra.”
“Bà biết thằng đó không?”
“Tôi ngờ là ông già Traînard.”
“Tên đầu đường xó chợ ấy à? Ờ, đúng rồi, ông già Traînard. Tôi cũng cảm thấy nhận ra nó. Đã ba ngày nay nó lảng vảng quanh nhà. Tay chó má, nó đánh hơi thấy tiền! Chà, ông Traînard, rồi người ta đùa với ông: Đầu tiên xát cho một trận thật lực, sau đó đưa ra toà! Này bà, bây giờ bà có dậy được không? Gọi xóm giềng tới, chạy báo cảnh sát. Già Traînard khốn kiếp, nó chạy khỏe thế! Tuổi ấy mà đôi chân còn vững lắm, đúng là một con thỏ!”
Ông ôm bụng cười. Không một sức lực nào trên đời có thể làm cho ông già thoát được nữa. Ông ta sẽ được một trận trừng trị nghiêm khắc xứng với tội trạng và sẽ bị giải lên nhà tù của thành phố.
Ông lấy một khẩu súng ra gặp hai người giúp việc:
“Không có gì mới à?”
“Không, thưa ông Goussot, chưa thấy gì.”
“Nếu không có ma quỷ đưa nó qua tường thì cũng không lâu nữa đâu.”
Thỉnh thoảng nghe tiếng bốn anh em con ông chủ gọi nhau xa xa. Tên trộm tự vệ khôn khéo hơn người ta tưởng nhưng gặp những chàng trai nhà anh em Goussot thì khó đấy…
Nhưng rồi một anh trở lại, lộ rõ sự nản lòng:
“Không cần tìm mãi trong lúc này làm gì, trời tối quá! Chắc nó đang chết dí trong một hang lỗ nào đấy thôi. Mai sẽ hay.”
“Mai? Con điên đấy à?” Ông Goussot bác lại.
Người con cả trở về thở dốc, cũng có ý kiến như em. Sao không chờ đến mai? Tên kẻ cướp ở trong khu vực này như trong tường nhà tù rồi!
Ông bố kêu lên:
“Vậy bố đi tìm. Thắp cho bố cái đèn lồng.”
Nhưng lúc đó có ba cảnh sát tới và thanh niên trong làng nghe tin cũng ào đến. Người đội trưởng cảnh sát là một người nguyên tắc. Ông bảo kể chi tiết lại toàn bộ câu chuyện, suy nghĩ, hỏi riêng từng bốn anh em, trầm ngâm qua lời trình bày của họ. Khi được biết tên trộm chạy trốn vào cuối trang viên mất dạng quanh một vùng gọi là “đồi quạ”, ông lại suy nghĩ và kết luận:
“Tốt hơn là chờ. Trong lúc loanh quanh đuổi bắt, trong đêm tối già Traînard có thể lẩn ngay giữa chúng ta… Thôi, mọi người giải tán đã.”
Chủ trại nhún vai rồi trở về nhà, càu nhàu về lý lẽ của đội trưởng cảnh sát. Ông này bố trí canh phòng, phân anh em Goussot và trai làng ra từng nhóm dưới sự giám sát của cảnh sát, kiểm tra mọi chỗ đã khóa kín và xếp đặt ban chỉ huy chung trong phòng ăn mà ở đó ông Goussot và ông ta nửa thức nửa ngủ trước một bình rượu mạnh.
Đêm tĩnh lặng; cứ hai tiếng ông đội trưởng kiểm tra một vòng và thay người gác. Không một báo động nào; già Traînard không cựa quậy khỏi hang.
Sáng sớm, cuộc săn đuổi bắt đầu, kéo dài bốn tiếng. Trong bốn tiếng, năm hécta trang viên được lục lọi, khám xét, leo trèo khắp nơi. Và chục người dùng gậy đập vào bụi cây, sục sạo trong những đám cỏ, dò kỹ các lỗ hổng của những cây to, xáo trộn những đám cỏ khô. Vẫn không thấy tên kẻ trộm.
Ông Goussot nghiến răng:
“Chà, thật không tưởng tượng nổi!”
“Cũng không hiểu ra sao nữa” Ông đội trưởng nói thêm.
Hiện tượng thực ra cũng khó hiểu. Vì nói cho cùng, ngoài mấy lùm nguyệt quế cũ đã được tìm kỹ, những cây to khác thì đều trụi hết lá. Không một gian nhà không một túp lều, đống rạ, đống củi, tóm lại không có chỗ nào có thể ẩn nấp. Tường rào thì quan sát kỹ, ông đội trưởng cũng phải công nhận là không thể trèo qua được.
Buổi chiều người ta lại tìm kiếm có sự hiện diện của ông dự thẩm và ông đại diện biện lý. Kết quả cũng không khả quan hơn. Hơn nữa, sự việc đối với các nhà tư pháp có vẻ đáng ngờ đến nỗi họ tỏ ra khó chịu và không thể không nói:
“Ông Goussot, ông chắc chắn bố con ông không lầm lẫn chứ?”
“Vợ tôi thì có lầm lẫn không khi tên vô lại bóp cổ bà ấy?” Ông Goussot giận đỏ mặt kêu lên, “ông xem dấu vết đó.”
“Được rồi, thế tên vô lại đâu?”
“Ở đây, trong bốn bức tường này.”
“Thế các ông cứ tìm đi. Còn chúng tôi, chúng tôi xin đủ rồi. Rõ ràng nếu có một con người ẩn náu trong trang viên thì chúng ta đã tìm ra rồi.”
“Nếu vậy tôi sẽ tự mình làm,” ông Goussot la to lên, “xin báo với ông thế. Không thể cướp của tôi sáu nghìn francs. Đúng, sáu nghìn. Tôi đã bán ba con bò, rồi cả vụ thu hoạch lúa mì, khoai tây. Sáu tờ một nghìn tôi định gửi ngân hàng. Thề có Chúa và tôi sẽ lấy lại được.”
“Càng hay, xin chúc ông thành công.” Ông dự thẩm nói rồi rút lui cùng ông đại diện biện lý và cảnh sát.
Hàng xóm cũng ra về, có phần giễu cợt. Cuối buổi chiều chỉ còn lại bố con nhà Goussot và hai anh giúp việc trong trang trại.
Ông Goussot giải thích ngay kế hoạch tiếp tục. Ban ngày tìm kiếm, ban đêm canh phòng, kéo dài đến bao giờ cũng được. Dù sao già Traînard cũng là người như những người khác, cũng phải ăn, uống. Tất nhiên rồi sẽ chui ra khỏi chỗ ẩn để tìm thức ăn thức uống.
Ông nói:
“Có thể trong túi còn ít mẩu bánh hoặc ban đêm nhặt được ít rễ cây nhưng nước uống thì không làm gì được. Chỉ có lạch nước thì coi chừng nếu mò mẫm lại gần!”
Bản thân ông trong đêm đó gác gần lạch nước. Sau ba tiếng người con cả thay phiên. Những người khác ngủ trong nhà, mỗi người canh gác theo lượt mình; mọi đèn, nến đều thắp sáng tránh bất ngờ.
Mười lăm đêm liên tiếp làm như vậy; và mười lăm ngày khi hai người đàn ông và bà mẹ đứng canh gác thì năm người đi kiểm tra trong trang viên. Hơn hai tuần đó không thấy gì, ông chủ trại tức giận la hét không ngớt. Ông lại mời một viên thanh tra cảnh sát cũ ở thành phố gần đó đến giúp.
Ông thanh tra ở lại suốt tuần, không thấy già Traînard cũng không tìm ra dấu hiệu nào có hy vọng phát hiện được. Ông Goussot nhắc lại:
“Không tưởng tượng nổi vì thằng vô lại vẫn đang ở đâu đó! Vấn đề là nó đang ở đây, vậy mà…”
Đứng trước ngưỡng cửa, ông to tiếng chửi kẻ thù:
“Đồ ngu, mày muốn rũ xác trong hang hơn là nhả tiền ra à? Bỏ ra đi, đồ bẩn thỉu.”
Đến lượt bà Goussot cũng chanh chua léo nhéo:
“Mày sợ bị tù à? Cứ trả tiền đi rồi cút.”
Nhưng già Traînard không một lời; vợ chồng hết hơi mỏi cổ chẳng ích gì.
Những ngày ghê gớm qua đi. Ông Goussot không ngủ được nên lên cơn sốt. Những người con trở nên bẳn tính, hay cãi lộn và không rời khỏi súng, chỉ trực giết tên đầu đường xó chợ.
Trong làng người ta chỉ kháo nhau về chuyện đó và việc gia đình Goussot lúc đầu là của một địa phương không lâu sau được báo chí chú ý. Từ thị xã rồi từ thủ đô phóng viên kéo về; ông Goussot dại dột lại đuổi khéo đi. Ông bảo với họ:
“Ai ở nhà nấy. Các ông nên lo việc các ông, tôi có việc của tôi, chẳng ai có việc gì ở đây cả.”
“Nhưng thưa ông Goussot…”
“Xin các ông để tôi yên. Và ông đóng ngay cổng lại.”
Đến nay là đã bốn tuần lễ già Traînard ẩn nấp trong những bức tường của trang trại. Gia đình Goussot tiếp tục tìm kiếm vì ương bướng và tin tưởng nhưng với hy vọng ngày càng giảm, như vấp phải một trở ngại bí hiểm làm nản lòng. Đã bắt đầu có ý nghĩ không lấy lại được số tiền mất trộm.
Một buổi sáng, lúc mười giờ, một chiếc ô tô chạy nhanh qua làng bỗng bị hỏng hóc dừng lại. Người lái xe xem máy xong nói là phải mất một thời gian sửa chữa. Chủ xe bèn quyết định vào quán chờ và ăn trưa.
Ông này còn trẻ, râu ria cắt ngắn, gương mặt dễ mến, khi vào bắt chuyện ngay với những người trong quán. Người ta kể cho ông nghe câu chuyện gia đình Goussot. Ông mới đi qua nên không biết nhưng có vẻ nhiệt tình quan tâm, hỏi chi tiết, đưa ra những giả thuyết, tranh luận với những người ngồi ăn cùng bàn và cuối cùng kêu lên.
“Chà, việc đó có gì mà phức tạp đến vậy. Tôi có một ít thói quen về những chuyện như thế; nếu lúc đó tôi có mặt tại chỗ…”
“Dễ thôi,” chủ quán nói. “Tôi quen biết ông Goussot. Ông ấy sẽ không từ chối…”
Việc điều đình tiến hành nhanh chóng. Ông Goussot đang trong tình trạng không kiên quyết cự tuyệt việc can thiệp của người khác, còn bà vợ thì chẳng ngần ngại gì:
“Cứ mời ông ấy đến.”
Ông ấy trả tiền ăn, bảo lái xe khi sửa xong thì cho xe ra chỗ đường cái. Ông nói:
“Tôi cần một tiếng đồng hồ, không hơn. Trong một tiếng nữa anh phải sẵn sàng đấy.”
Rồi ông vào trang trại. Ở đó ông ít nói. Ông Goussot tuy thế vẫn hy vọng, trình bày nhiều, dẫn người khách đi dọc tường đến cánh cửa nhỏ ra đồng, đưa xem chiếc chìa khóa mở cổng và kể lại tỉ mỉ những việc đã tìm tòi.
Có việc lạ là người lạ mặt không nói nhưng hình như cũng không nghe nữa, chỉ nhìn ngó, đôi mắt lơ đãng. Khi đi về, ông Goussot lo lắng hỏi:
“Sao thưa ông?”
“Gì ạ?”
“Ông nắm được chứ?”
Người lạ im lặng một lúc rồi trả lời:
“Không, không nắm được gì.”
Ông chủ trại giơ hai tay lên trời kêu lên:
“Trời… ông lại có thể nắm được gì sao? Tất cả những cái đó là giả dối cả. Ông có muốn tôi nói với ông không? Này, già Traînard nhanh nhẹn đến mức đã chết trong lỗ và tiền cũng mục rữa ra với nó rồi. Ông nghe không, tôi đoán chắc với ông thế đấy.”
Ông khách nói rất bình tĩnh:
“Có một điểm làm tôi lưu ý. Tay đầu đường xó chợ kia dù sao cũng đang tự do, ban đêm có thể kiếm được gì ăn nấy. Nhưng hắn lấy gì mà uống?”
“Không thể được, không thể được!” Ông chủ trại kêu lên. “Chỉ có lạch nước này mà đêm nào chúng tôi cũng canh phòng.”
“Đây là một lạch nước. Nó chảy về đâu?”
“Ngay tại đây.”
“Thế thì có một áp lực đủ để tự nó lên đến bể chứa à?”
“Vâng.”
“Và khi ở bể ra thì nước chảy đi đâu?”
“Trong cái ống mà ông thấy kia, đi ngầm dưới đất dẫn về đến tận nhà bếp. Vì vậy không có cách nào uống được vì chúng tôi luôn luôn ở đó và lạch nước chỉ cách nhà hai mươi mét.”
“Trong bốn tuần lễ nay không có mưa à?”
“Tôi đã nói với ông, không mưa lần nào.”
Người lạ đi lại gần lạch nước xem xét. Nước chảy êm, trong trẻo trong cái ang làm bằng những tấm ván đóng vào nhau ngay trên mặt đất. Ông ta nói:
“Nước không sâu quá ba mươi phân, đúng không?”
Để đo, ông nhặt trên cỏ một chiếc cọng rơm dựng đứng vào trong ang nước. Nhưng khi cúi xuống ông bỗng ngừng lại nửa chừng và nhìn ra xung quanh. Ông vừa nói vừa phá lên cười:
“À, kỳ lạ thật!”
Ông Goussot chạy vội lại ang nước như có người nằm giữa những tấm ván chật chội đó.
“Sao? Cái gì thế?”
Bà Goussot thì van nài:
“Ông thấy nó à? Ở đâu thế?”
Người lạ vẫn luôn cười trả lời:
“Không có ở trong đó mà cũng không có ở bên dưới.”
Ông bước vào nhà, bị ông chủ trại, bà vợ và bốn người con dồn hỏi. Người chủ quán và những người trong quán cũng ở đó, theo người lạ đi đi lại lại. Mọi người nín lặng chờ đợi việc khám phá khác thường.
Ông này nói với thái độ vui vẻ:
“Đúng như tôi nghĩ, con người đó phải uống nước, và chỉ có lạch nước…”
“Nào, nào, nếu thế thì chúng tôi đã thấy nó.”
“Uống vào ban đêm.”
“Chúng tôi sẽ nghe tiếng và cả thấy nữa vì ở ngay sát cạnh.”
“Hắn ta cũng vậy.”
“Và hắn uống nước trong ang?”
“Đúng.”
“Làm cách nào?”
“Từ xa.”
“Bằng cái gì?”
“Cái này!” Và người lạ đưa ra cọng rơm ông nhặt được.
Ông nói:
“Các ông xem, đây là ống hút nước. Và các ông thấy chiều dài khác thường của cọng rơm, thực ra là ba cọng rơm nối với nhau. Tôi nhận ngay ra việc nối ba cọng rơm đó. Chứng cứ hiển nhiên rồi.”
Người lạ lấy trên giá súng một chiếc súng săn nhỏ và hỏi:
“Có đạn đấy chứ?”
“Có,” đứa em trẻ nhất nói. “Tôi dùng bắn chim sẻ, đạn chì nhỏ thôi.”
“Tốt quá, vài viên vào đít là đủ.”
Mặt ông trở nên rắn rỏi. Ông nắm lấy tay ông chủ trại nói từng lời nói giọng quyết đoán:
“Ông Goussot, ông nghe đây. Tôi không phải cảnh sát, không muốn bắt nộp anh chàng khốn khổ này với bất cứ giá nào. Bốn tuần nhịn đói và lo sợ… là đủ. Ông và các con ông hứa với tôi phải thả anh ta ra không làm hại gì anh ta.”
“Nó phải trả lại tiền!”
“Đồng ý, hứa chưa?”
“Xin hứa…”
Ông này lại đứng trên bậc cửa đi vào vườn rau quả. Nhanh nhẹn ông đưa súng lên vai hướng lên trời phía cây anh đào trườn trên lạch nước. Một phát súng, một tiếng kêu than ở đó và con bù nhìn người ta thấy một tháng nay trên cành cây chính ngã nhào xuống đất rồi đứng dậy chạy bạt mạng.
Có một phút ngơ ngác rồi tiếng kêu van. Những người con vội chạy theo, không lâu đuổi kịp kẻ trốn chạy vướng trong quần áo rách và yếu sức vì thiếu ăn. Người lạ đến bảo vệ anh ta tránh sự giận dữ của họ.
“Buông tay ra, con người này thuộc về tôi. Tôi bảo vệ anh ta nếu ai đụng đến… Tôi không làm ông đau quá chứ già Traînard?”
Đứng trên đôi chân rơm bọc vải rách, cả đôi tay và người cũng thế, đầu quấn vải buộc chặt lại, ông già còn có vẻ cứng nhắc của một con bù nhìn. Thật buồn cười và bất ngờ đến nỗi mọi người chứng kiến phì lên cười.
Người lạ tháo vải ở đầu ra; mọi người thấy một khuôn râu xám rối bù sổ tung bốn phía trên nét mặt trơ xương, đôi mắt đỏ ngầu.
Tiếng cười lại rộ lên. Ông chủ trại ra lệnh:
“Trả tiền đây! Những tờ giấy bạc đâu?”
Người lạ đẩy ông già ra một đoạn:
“Một lát nữa sẽ trả lại, đúng không già Traînard?”
Và vừa dùng dao cắt những sợi rơm, sợi vải, ông vừa đùa:
“Ông già khốn khổ, ông trúng quả đấy. Nhưng làm sao ông làm được như vậy? Phải có sự khéo léo phi thường hay đúng hơn là có sự sợ hãi ghê gớm… Thế là trong đêm đầu tiên ông lợi dụng lúc người ta nghỉ để chui vào đống quần áo bỏ đi đó chứ gì? Cũng không tồi! Một con bù nhìn rơm, làm sao người ta ngờ được! Người ta quá quen thuộc thấy nó mắc trên cây rồi! Nhưng ông bạn già ơi, chắc ông đau ê ẩm vì nằm sấp xuống, chân tay lủng lẳng suốt cả ngày. Tư thế tệ quá! Và làm thế nào để tránh cử động chứ? Khi ngủ thì lo lắng, lại phải ăn phải uống, nghe thấy canh gác hình dung nòng súng chỉ cách mình một mét… Brr… Nhưng hay nhất là cọng rơm của ông. Thật thế. không một tiếng động, có thể nói là không một cử chỉ, ông dứt những cọng rơm trong mớ bọc, nối đầu chúng lại, đưa xuống ang nước hút từng giọt nước ngon lành. Đáng tung hô ca ngợi!. Hoan nghênh bố Traînard! “
Ông nói thêm trong kẽ răng:
“Có điều là hôi quá ông bạn ạ. Tuy có nước thả sức đấy nhưng một tháng nay không được tắm rửa, bẩn thỉu! Này các ông, tôi giao cho các ông đây, tôi phải đi rửa tay đã!”
Ông Goussot và bốn người con chộp ngay con mồi người ta vừa trả lại.
“Nào mau lên, trả tiền đây?”
Dáng điệu ngây ngô, tay đầu đường xó chợ còn có sức gây nên sự ngạc nhiên. Ông chủ trại gầm lên:
“Đừng làm bộ đần độn. Sáu tờ giấy bạc. Đưa đây!”
“Cái gì?” Già Traînard ấp úng. “Người ta muốn gì ở tôi?”
“Tiền! Đưa ngay ra.”
“Tiền nào?”
“Những tờ giấy bạc!”
“Giấy bạc à?”
“Mày bắt đầu làm tao khó chịu rồi đây. Bọn trẻ, lại đây…”
Họ vật ngửa ông già ra, giật những mảnh vải dùng làm quần áo của ông rồi lục lọi, tìm tòi. Không có gì cả!
Ông Goussot kêu lên:
“Tên bợm, mày làm gì số tiền rồi?”
Người ăn mày già càng tỏ ra ngơ ngác. Láu cá không thú nhận, ông tiếp tục rên rỉ:
“Các người muốn gì ở tôi?… Tiền à? Tôi chẳng có đến ba xu…”
Nhưng đôi mắt mở to không rời quần áo, có vẻ bản thân ông cũng không hiểu ra sao. Gia đình Goussot không nén giận được nữa. Họ đánh ông già nhưng cũng không hơn được gì. Ông chủ trại đinh ninh ông già đã giấu tiền trước khi chui vào con bù nhìn.
“Đồ vô lại mày để nó ở đâu, góc nào trong vườn?”
“Tiền à?” Ông già hỏi lại, thái độ đần độn.
“Ừ, tiền mày chôn ở đâu? Chà, nếu không tìm thấy tao sẽ tính sổ với mày. Có những người làm chứng, đúng không?… Là tất cả các anh đấy, các bạn ạ, và ông kia nữa…”
Ông quay lại để gọi người lạ lúc nãy đứng cạnh lạch nước cách ba mươi hay bốn mươi bước về bên trái và rất lạ không thấy ông ấy rửa tay ở đấy nữa.
Ông hỏi:
“Ông ấy đi rồi sao?”
Ai đó trả lời:
“Không. Ông ấy châm điếu thuốc lá đi dạo trong vườn rau.”
“À, càng tốt,” ông Goussot nói. “Ông ấy sẽ là người tìm giấy bạc cho ta như đã tìm ra người.”
“Ít ra là…” một giọng nói ngập ngừng.
“Ít ra là… anh muốn nói gì?” Chủ trang trại hỏi. “Anh có một ý nghĩ gì đó à? Nói lên đi… Thế nào?”
Nhưng ông đột ngột ngừng lại, chợt nghi ngờ và một lát im lặng. Cũng ý nghĩ đó nảy ra ở những người nông dân.
Người lạ mặt đi qua đây, vụ hỏng xe, cách ông hỏi những người trong quán và gợi ý họ dẫn vào trang trại… những việc đó phải chăng là đã chuẩn bị trước, mưu mẹo của tay trộm biết câu chuyện qua báo chí và đến tại chỗ để cầu may?
Ông chủ quán nói:
“Thật táo tợn. Trong khi cắt bỏ rơm vải anh ta đã lấy tiền trong túi già Traînard trước mắt chúng ta rồi.”
“Không thể…” ông Goussot ấp úng. “Nếu thế anh ta sẽ đi ra phía kia, bên cạnh nhà… đường này anh ta lại đi dạo trong vườn rau quả.”
Bà Goussot hoàn toàn thất sắc, thử hỏi:
“Thế cái cửa nhỏ cuối vườn ở đường kia?”
“Chìa khóa vẫn ở chỗ tôi.”
“Nhưng ông đưa cho anh ta xem.”
“Đúng, và tôi đã lấy lại. Đây này…”
Ông đưa tay vào túi và kêu lên:
“À chúa ơi, chìa khóa không còn… nó lấy cắp của tôi rồi…”
Rồi ông lao đi, theo sau là những người con và nhiều nông dân.
Nửa đường ông nghe tiếng rú ô tô chắc là của người lạ mặt đã dặn lái xe chờ ở lối ra phía xa đó.
Khi bố con Goussot đến cửa, họ thấy trên tấm cửa có hai chữ viết bằng gạch đỏ: Arsène Lupin.
Dù gia đình Goussot nóng giận và quyết liệt cũng không thể chứng minh được già Traînard lấy trộm tiền. Hai mươi người thực ra phải xác nhận là không thấy gì ở ông ta. Ông chỉ bị mấy tháng tù.
Ông ta không ân hận gì. Khi được thả ra ông được tin bí mật cho biết cứ từng quý, vào ngày giờ ấy ở cây số con đường… ông sẽ thấy ba đồng tiền vàng.
Đối với già Traînard, như vậy đã là một tài sản!

Chương trước Chương sau