Ào thuật văn chương - Chương 07
Ào thuật văn chương
Chương 07
Ngày đăng 12-10-2017
Tổng cộng 18 hồi
Đánh giá 9/10 với 15999 lượt xem
Gã giúp việc Andrei, do ghét Naxtia, nên lập tức có cảm tình ngay với cô gái Marina mắt màu tro của hãng “Electrotech”. Điều này đập vào mắt Xoloviov, khiến ông không sao ghìm được nụ cười và mấy câu châm chọc gã giúp việc. Con virut chui vào máy tính hẳn quái ác, cho nên Marina đã phải đến đây thêm hôm thứ Hai, và ngày hôm nay nữa, để chữa cho khỏi hẳn căn bệnh trong cơ thể điện tử kia. Xoloviov rất cáu thấy vẫn chưa sử dụng được máy, và công việc bị chững lại. Trong khi đó thì Andrei cố an ủi, khuyên chủ nên chịu đựng hoàn cảnh vậy.
- Ông chủ nhìn xem, trời đẹp tuyệt vời thế kia, ông chủ nên ra ngoài trời nhiều hơn nữa, nhất là vào lúc này, khi đã hết mùa đông - Gã giúp việc thuyết phục Xoloviov - Thiếu gì chuyện tai hại có thể xảy ra, khi tôi không có ở nhà! Ông chủ nên tranh thủ thời gian nghỉ ngơi bất đắc dĩ này mà làm quen với người nào đó. Nhất là thời gian qua, do quá bận công việc, ông chủ chẳng kịp ngó ngàng đến ai. Rồi bao nhiêu việc ông chủ định làm nhưng chưa làm được còn đọng lại cả. Chính bây giờ là lúc ông chủ nên làm những việc ấy.
Điếu này thì Andrei nói đúng. Đáng lẽ phải đi khám bác sĩ răng miệng từ mùa hè năm ngoái nhưng Xoloviov cứ lần lựa mãi. Rồi phải mua một bộ com-lê mới và vài chiếc sơ-mi. Tất nhiên ông không định đi đến các cửa hàng trên chiếc xe đẩy của người tàn tật. Xoloviov định sai Andrei đến thương lượng với hiệu may thời trang nào lớn, xin trả thêm một khoản để họ chở một loạt quần áo đến khu “Mộng Mơ” này. Ông sẽ bình tĩnh mặc thử và lựa chọn. Trong số những việc Xoloviov trì hoãn, có cả việc mời họ hàng của vợ ông đến đây chơi - họ rất bất bình thấy sau khi Xvetlana mất, ông không hề quan hệ với họ nữa. Tất nhiên đến thăm họ đối với Xoloviov rất khó khăn, nhưng ông hoàn toàn có thể mời họ đến nhà. Đã bao nhiêu lần họ hàng của Xvetlana gọi điện đến, phàn nàn rằng nên gặp gỡ nhau, vậy mà ông chỉ lấy cớ bận công việc hoặc không được khỏe để khước từ. Rồi còn việc kiếm một chiếc kính mới, vì sau vụ thương tật, thị lực ông giảm hẳn đi, làm việc liên tục trên máy vi tính làm ông rất chóng mỏi mắt.
Com-lê và sơ-mi được chở đến hôm thứ Ba, đúng lúc Marina vẫn còn đang ngồi trước máy vi tính trong phòng làm việc của ông.
- Càng hay - Andrei mừng rỡ nói - Ông chủ nhờ luôn chị ta ngắm hộ, những thứ thuộc về quần áo, mắt phụ nữ bao giờ cũng sành hơn.
Lúc Marina ra phòng tiếp khách tham gia việc lựa chọn quần áo, Xoloviov chỉ nhếch mép cười nhưng không phản đối. Nói chung trạng thái của ông làm cô ta bật cười thích thú. Andrei mến cô ta, còn bản thân Marina thì nhìn Xoloviov bằng cặp mắt biết nói, không cần thêm một lời nào. Một người đàn ông bí hiểm - giàu sụ, là dịch giả, và sống thầm lặng như ẩn sĩ. Còn chuyện ông ta tàn tật thì thậm chí lại làm Marina thấy ông ta đáng mến hơn. Cô ta làm duyên với Xoloviov không cần giấu diếm, và điều đó làm ông thích thú. Giá như ông lành lặn, thì ông đã phải suy tính rất kỹ trước khi lao vào cuộc tán tỉnh ngẫu hứng này, nhưng bây giờ... Chiếc xe đẩy giải thoát cho Xoloviov khỏi mọi nguy hiểm và trách nhiệm. Cho nên ông nồng nhiệt và như thể hứa hẹn, đáp lại luồng mắt và nụ cười của cô gái bé nhỏ có đôi mắt màu tro kia.
Sau khi xem những thứ cửa hiệu đem đến, Marina chọn chiếc áo vét bằng xoa màu nâu đỏ, nhấc lên.
- Ông mặc thử cái này. - Marina nói.
Xoloviov nghi ngại lắc đầu, nhưng không cãi. Chiếc áo vét ông mặc rất vừa, ít nhất thì cũng theo nhận xét của Andrei và Marina. Họ đẩy xe đến trước tấm gương lớn ngoài gian tiền sảnh. Xoloviov ngắm nghía rất kỹ nhưng không chấp nhận, ông không thích màu này. Giá như khi chưa bị tàn tật, Xoloviov đã lấy luôn bộ này không hề đắn đo. Nhưng bây giờ, ông cảm thấy mình già nua và rất sợ bị chê cười là ăn mặc loè loẹt. Cuối cùng ông chọn chiếc vét màu ghi sáng, của một hãng may Italia nổi tiếng. Sau đó đến sơ-mi. Xoloviov thật sự mừng khi thấy Andrei đã hoàn toàn thuần phục Marina, luôn miệng khen cô ta có con mắt sành sỏi, hoàn toàn có thể tin cậy được. Cậu giúp việc tán thành mọi ý kiến nhận xét, đánh giá của Marina, và ủng hộ cách lựa chọn của cô ta, giống như cô ta là thí sinh mà cậu là uỷ viên hội đồng giám khảo, được giao nhiệm vụ ủng hộ cô thí sinh kia để đạt điểm cao.
Khi việc lựa chọn quần áo kết thúc và người của hiệu may đã ra về, Andrei mời hai người vào ăn bữa trưa. Xoloviov cười khẩy khi hiểu ra rằng cậu giúp việc mời cả Marina - lần đầu tiên ông thấy cậu ta hiếu khách đến thế.
Lúc ngồi ăn, ông không ngờ không khí lại vui vẻ đến thế. Andrei rõ ràng rất hồ hởi, luôn đùa vui và kể đủ thứ giai thoại. Marina thì cười như nắc nẻ, phô ra hàm răng đều đặn rất đẹp. Và Xoloviov thấy mình cũng vui lây.
- Marina, chị có chồng chưa? - Andrei hỏi.
- Chưa - Marina đáp, huơ nhánh thì là - Chuyện ấy quan trọng lắm hay sao?
- Chỉ đơn giản là tôi chưa hiểu đàn ông họ nhìn đi những đâu - Cậu giúp việc tuyên bố - Nếu những cô gái như chị mà chưa có chồng, nghĩa là thế hệ nam giới ngày nay ngu xuẩn hết.
Xoloviov nhận xét :
- Cậu nói thế sai rồi, Andrei. Không phải đàn ông không muốn lấy cô Marina, mà không có anh đàn ông nào lọt được vào mắt cô ấy.. Đúng không, Marina? Tôi cam đoan họ phải xếp hàng để cầu xin tình yêu của cô ấy chứ.
- Đâu có - Cô gái cười, nhưng cặp mắt vẫn không cười - Không có ai đứng xếp hàng đâu.
- Vô lý - Xoloviov không tin - Nhất định phải có nhiều ấy chứ.
- Có lẽ họ sợ cái nghề chuyên môn của tôi. Phụ nữ mà làm thợ sửa máy vi tính... nghe thế nào ấy. Tôi cũng không biết nữa. - Cô gái lại cười, nhưng lần này là nụ cười e thẹn - Họ cho rằng tôi giống như máy vi tính. Lạnh lùng và máy móc.
- Nếu vậy cô phải làm họ thay đổi quan niệm đi, việc đó chẳng khó. Chỉ cần khóc lóc, nhõng nhẽo và nổi cơn điên lên.
- Nhưng thưa ông, làm gì có ai để tôi nhõng nhẽo?
- Cô nói thật đấy chứ? - Xoloviov lắc đầu vẻ thông cảm - Tôi cho rằng cô chưa muốn lấy chồng, nhưng cô không nói thẳng ra đấy thôi.
Lần này Marina cười to, tiếng cười vang và chân thật.
- Ông biết hết. Quả là không thể giấu ông được điều gì.
- Nhưng tại sao lại như thế, Marina thân mến? Cô thích tình yêu tự do và thích thay đổi cảm giác hay sao? Hay cô ngại có gia đình, ngại công việc nội trợ?
- Cả hai nguyên nhân đó đều không phải. Chuyện này thì ông không đoán ra được đâu.
- Vậy tại sao cô không lấy chồng?
- Chẳng tại sao cả. Chỉ do một lần bị dại, thế là tôi hết muốn nữa.
- Nghĩa là cô đã một lần có chồng, nhưng rồi không hợp, nên đã chia tay? Xoloviov đoán.
- Không phải thế. Tôi đã khôn khéo chài một người, nhưng anh ta không hiểu được tôi. Anh ta nhiều tuổi hơn tôi và tưởng rằng tôi cần đến tiền bạc, quan hệ xã hội của anh ta. Tôi không làm sao xóa đi được trong óc anh ta điều ngộ nhận ấy. Khổ một nỗi tôi có tính không thích những anh trẻ, cùng lứa tuổi. Mà người nhiều tuổi thì thường đã tích luỹ được nhiều tiền và họ tưởng rằng tôi yêu họ vì tiền. Kể ra họ nghĩ thế là có nguyên nhân. Tôi là đứa con gái thân cô thế cô, không có tài sản gì. Ôi, nhưng tại sao ta toàn nói chuyện về tôi thế nhỉ, thưa ông Xoloviov? Chẳng thú vị gì đâu.
Mãi đến lúc này, Xoloviov mới nhận thấy là Andrei bị gạt ra ngoài cuộc trò chuyện và cậu ta đang ngồi ngượng nghịu. Hẳn cậu ta mê Marina, vậy mà Xoloviov chỉ toàn bắt cô ta tiếp chuyện ông.
- Cô còn phải bận với cái máy của tôi lâu nữa không? - Xoloviov chuyển hẳn đề tài câu chuyện.
- Không. Tôi sắp làm xong rồi. Chỉ trong ngày hôm nay thôi. Quả thật sau đây vài ngày tôi sẽ còn phải quay lại để kiểm tra xem đã thật sự yên ổn chưa. Con virut mới này hết sức tai hại. Mấy lần tôi tưởng đã diệt được nó, ai ngờ chỉ mười phút sau đã lại thấy nó trong máy. Nhưng lần này thì có lẽ tôi đã diệt được hẳn.
Ăn xong, Marina lại vào phòng làm việc, còn Xoloviov thì ngồi vào ghế xa lông ngoài phòng khách đọc sách. Lát sau, Andrei dưới bếp lên.
- Thưa ông chủ - Cậu ta quyết định nói - Sao ông chủ lại nói với chị ấy như vậy?
Xoloviov rời mắt khỏi trang sách, ngẩng đầu ngạc nhiên nhìn cậu giúp việc.
- Cậu nói gì thế? Tôi nói với ai?
- Với Marina. Chị ấy mê ông chủ, ông chủ không nhìn thấy sao? Mê ghê gớm. Vậy mà ông chủ nói chuyện với chị ấy chẳng nương nhẹ gì cả, đánh trúng vào chỗ đau của chị ấy.
- Cậu tưởng tượng! - Xoloviov giận dữ - Căn cứ vào đâu cậu dám nói như vậy?
- Thì chính chị ấy thổ lộ với tôi mà lại. Chẳng là trong lúc chị ấy sửa máy trong phòng làm việc của ông chủ, tôi thường xuyên ngồi với chị ấy. Chị ấy mê ông chủ đến phát rồ phát dại ấy chứ.
- Vớ vẩn, Andrei.
- Không, tôi không nói sai đâu - Cậu giúp việc vẫn khăng khăng bác lại - Điều ấy rõ như ban ngày, có đui mới không nhìn thấy. Chỉ là ông chủ cố tình không nhìn thấy đấy thôi.
- Thế cậu bảo tôi phải làm gì bây giờ? - Xoloviov cáu kỉnh nói - Tôi phải làm thế nào? Cô ấy mê tôi là việc của cô ấy, đâu phải việc của tôi?
- Nhưng ông chủ có thể nói năng nhẹ nhàng với chị ấy. Chị ấy bảo tôi rằng, suốt đời chị ấy mơ ước một người đàn ông như ông chủ.
- Thật không? - Xoloviov nhíu lông mày nghi ngờ hỏi - Mơ một gã đàn ông tàn tật, di chuyển trên xe đẩy? Hay là mơ chủ nhân một tòa biệt thự sang trọng?
- Ông chủ vẫn cứ thế - Andrei giận dữ kêu lên - Thì lúc ngồi ăn, chính miệng chị ấy đã thổ lộ với ông chủ đấy thôi. Không người đàn ông nào chịu nhìn thấy trong chị một con người, mà chỉ coi chị là thứ để tiêu dùng. Mặt khác, ông chủ là người thông minh, có học thức cao, tế nhị, trí thức, chẳng lẽ chị ấy không nhìn thấy và biết quý hay sao? Nhân đây tôi cũng nói thêm, Marina nhận xét thấy ông chủ rất đẹp trai.
- Cô ấy còn thấy tôi thế nào nữa? - Xoloviov lạnh lùng hỏi.
- Chị ấy bảo trong con người ông chủ có một thứ gì bí hiểm, một sự bí hiểm rất đàn ông, một sức mạnh thầm kín, một sức hút không gì cưỡng lại được. Chị ấy mê ông chủ đến mất trí, vậy mà ông chủ...
- Tôi không muốn bàn đến chuyện này. - Xoloviov xẵng giọng nói, rồi lại mở cuốn sách đọc tiếp.
Andrei sang phòng làm việc, nhưng từ lúc đó, Xoloviov không sao tập trung vào cuốn sách được nữa.
Vớ vẩn! Thì ra cô gái nhỏ bé có đôi mắt màu tro, ngơ ngác như mắt nai, mê ông. Mà trông cách cô ta nhìn ông thì quả như thế thật. Cô ta loay hoay với chiếc máy tính lâu quá rồi đấy. Cố tình kéo dài công việc ra chăng? Rất có thể, điều thằng cha Andrei nói chưa phải đã hoàn toàn sai. Rồi câu chuyện lúc ăn nữa... Cô ta ngỏ tình bằng cách đó chăng? Thật buồn cười. Vớ vẩn, tất nhiên rồi, nhưng đúng là buồn cười. Nếu đúng như thế thật, thì tội nghiệp cô bé. Cặp mắt cô ta rất đẹp. Thân hình nữa. Rồi nụ cười.
Xoloviov chú ý đến những tiếng động rất lạ từ gian bếp vọng lên. Hình như tiếng ai khóc nức nở. Xolovlov lăn xe đẩy đến gần cánh cửa. Hình ảnh ông nhìn thấy làm ông hoảng sợ. Từ trong chậu rửa, chảy ra một thứ nước đen xì bốc mùi hôi thối.
- Andrei! - Ông hét lên gọi - Cậu khóa ống nước lại. Máy nước hỏng rồi.
Andrei lao trong phòng làm việc ra. Vài phút sau, phát hiện được ra là ống thông ở hệ thống vệ sinh tắc. Phải dùng sợi dây thừng to để thông. Marina và Andrei vội vã lấy khăn thấm chất nước bẩn chảy ra sàn, để khỏi chảy lan ra thảm ở phòng khách. Máy truyền thanh liên gia báo tin đội sửa chữa “hỏng hóc” chỉ có thể đên đây sau hai tiếng đồng hồ, không thể sớm hơn.
- Chẳng đúng lúc tí nào - Andrei hoang mang - Ông chủ hứa cho tôi nghỉ việc tối nay, hẳn ông chủ không quên chứ? Bây giờ nước bẩn lênh láng ra thế này thì tôi nghỉ sao được?
Đúng là cậu giúp việc có xin với Xoloviov nghỉ chiều và tối nay, cậu ta đã nói từ trước đây hai ngày rồi. Mẹ cậu ta mới mua một bộ bàn ghế và nhắn con trai về lúc cửa hàng chở đến để bầy biện. Bà ta đã hỏi ý kiến cậu xem nên bảo họ chở đến vào ngày nào. Sau khi xin ý kiến Xoloviov, cậu ta đã trả lời mẹ là chiều thứ Ba. Bây giờ mà báo lại cho cửa hiệu đồ nội thất thì không kịp nữa.
- Nếu cần, tôi có thể ở lại đây thay anh, - Marina rụt rè nói - và trông cho thợ sửa nước làm.
- Thật không? - Cậu giúp việc mừng rỡ - Chị không vội phải về chứ?
- Không, coi như tôi vẫn chưa chữa xong máy vi tính. Nhưng anh phải chỉ cho tôi chỗ tắc cống thoát nước, kẻo lỡ thợ nước người ta tìm không ra.
- Cảm ơn chị Marinaquá! Vậy là chị đã cứu sống tôi.
Đến lúc này Xoloviov mới hiểu ra rằng do tình hình đặc biệt này ông sẽ phải ở đây một mình với một cô gái trẻ mê ông (coi như thế) trong một khoảng thời gian. Nếu may ra, thợ nước đến đây sau hai tiếng đồng hồ. Còn nếu họ đến muộn hơn, thí dụ sau bốn tiếng đồng hồ thì sao? Nhưng không còn cách nào khác, ông không thể ở nhà một mình, nếu như có thợ đến làm. Biện pháp đề phòng tối thiểu, vả lại, nếu như mấy người thợ sửa chữa kia cần thứ gì đó: khăn lau, hoặc chỉ cho họ chỗ tắc ống thoát nước, hoặc kiếm cho họ một cái xô.
Nhưng cũng được, đã lâu lắm rồi ông không ở nhà một mình với một cô bạn gái nào bên cạnh. Nghĩ cho cùng thì cũng là một thứ “thử xem sao”.
Thợ sữa chữa đường nước về từ lâu, nhưng Marina vẫn ở lại trong ngôi nhà, mặc dù việc diệt virut cũng đã xong. Xoloviov rất ngạc nhiên thấy cô gái không hề làm phiền ông. Theo đúng lời Andrei chỉ dẫn, thậm chí cô còn đẩy xe đưa Xoloviov đi dạo, bất chấp ông phản đối, thật ra thái độ phản đối của ông chỉ yếu ớt. Xoloviov rất muốn hít thở không khí ngoài trời, và ông cũng không phản đối việc trò chuyện với cô gái. Dạo chơi về, họ uống trà, rồi bây giờ, hai người cùng ngồi trong phòng khách, chỉ có một ngọn đèn nhỏ đặt trên chiếc bàn thấp tỏa ra làn ánh sáng mờ mờ dễ chịu. Xoloviov nhấp từng ngụm nhỏ ly rượu cô nhắc, còn Marina thì từ chối uống rượu, vì cô còn phải lái xe về nhà.
- Có lẽ ông thấy em là đứa con gái đáng làm ông cười. - Marina nói nửa như hỏi.
Lúc này cô lặng lẽ, hình như đang tập trung suy nghĩ, không còn giống chút nào cô gái cười như nắc nẻ trong bữa ăn, trước đây vài tiếng đồng hồ.
- Sao cô lại nghĩ thế? - Xoloviov nhẹ nhàng phản đối.
Tất nhiên ông không muốn làm cô ta giận, nhưng thật ra đúng là ông nghĩ như thế. Nếu như trong lúc ngồi ăn có cả Andrei, ông thấy tất cả những chuyện kia chỉ là chuyện vớ vẩn, thì lúc này đây, Xoloviov lại cảm thấy những chuyện đó không vớ vẩn chút nào, và cũng không có gì đáng buồn cười hết. Tại sao ông lại quả quyết rằng không thể có ai mê ông được? Trong bốn mươi ba năm tuổi đời, khoảng mười lăm năm tuổi thơ ấu và thiếu niên không kể, trong hai mươi sáu năm còn lại, lúc nào Xoloviov cũng có người mê mình, hoặc một cô gái trẻ, hoặc một phụ nữ. Về mặt đó, chưa lúc nào ông bị thiếu thốn. Đẹp trai, có duyên, tràn đầy chất đàn ông, tài năng, sức khỏe sinh lý - tất cả những phẩm chất đó có sức hút phái đẹp, và suốt hai mươi sáu năm trời Xoloviov hưởng hết mối tình này sang mối tình khác, cho đến ngày ông cưới Xvetlana. Cả trong thời gian chung sống với vợ, ông vẫn được phụ nữ yêu và vẫn hưởng nhiều mối tình khác. Sau khi Xvetlana chết, ông tiếp tục được phụ nữ mê, cho đến tận ngày ông bị tàn tật, cách đây hai năm. Mà về thực chất thì có gì thay đổi đâu? Xoloviov không kém đẹp trai, vẫn có duyên, vẫn có tài như trước. Còn về khả năng tình dục? Điều này phải thử mới biết được. Cái chính đối với người phụ nữ là được cảm thấy sung sướng. Mà làm cho phụ nữ sung sướng thì ông rất biết cách, điều này không phải hồ nghi gì nữa. Làm bằng cách nào ư? Đấy lại là một câu hỏi khác. Nhưng nếu hai người yêu nhau thì vấn đề giải quyết không khó, và cả hai đều được thỏa mãn. Vậy tại sao trước đây ông dám khẳng định rằng Marina không thể mê ông thực sự được?
- Tôi rất biết ơn, sau khi thợ nước sửa chữa xong, cô đã ở lại đây với tôi chứ không về nhà ngay.
- Có nghĩa em không phải kẻ quấy rầy, làm phiền anh? Em biết rằng anh thích ngồi vào bàn làm việc hơn là nói chuyện với em, một đứa con gái vô vị. Nhưng em không đủ nghị lực đứng dậy, ra về. Em là đứa con gái rất kém nghị lực. - Marina thú nhận.
- Tôi lại thích loại phụ nữ như thế - Xoloviov cười - Tôi nói thật đấy, tôi rất mừng thấy cô như vậy, Marina. Ngồi với cô tôi thấy rất dễ chịu. Thoải mái, ấm cúng, thân tình. Cô là một phụ nữ tuyệt vời. Tôi rất tiếc là cô chữa xong máy nhanh quá.
- Không phải đâu. Chính anh nói rằng anh cần làm việc và cái máy hỏng buộc anh không thực hiện được tiến độ. Đừng an ủi em, anh Xoloviov. Em hiểu hết.
- Nếu cô hiểu hết, tại sao cô vẫn ngồi trên đi-văng?
- Vậy em phải làm gì? Ra khỏi ngôi nhà này hay sao? Thôi được, em sẽ đi.
- Cô phải hôn tôi. Mà muốn làm thế, ít nhất cô phải đứng lên và bước lại gần đây.
Xoloviov đóng màn kịch này thành thạo và tự tin. Đã từng quyến rũ hàng dăm bảy chục lần, nên ông hiểu rất rõ mọi tinh tế và thủ pháp của hành động “đưa dần” này. Marina đứng lên, bước đến gần Xoloviov. Cô ta bé nhỏ cho nên mặc dù cô ta đứng, Xoloviov ngồi, nhưng hai cái đầu vẫn ở tầm ngang nhau. Xoloviov thận trọng nắm bàn tay cô gái.
- Sao cô đứng thế? Nếu cô đã bước đến đây thì hôn đi chứ. - Ông nói giọng hơi chút đùa cợt.
Marina đưa dần khuôn mặt lại gần ông. Môi cô ta chạm môi ông, và Xoloviov cảm thấy trong lòng cháy bùng lên một niềm thèm khát, đến nỗi chính ông cũng phải ngạc nhiên. Lát sau, Marina đã ngồi trên đùi ông được phủ một lớp dạ mỏng, hai bàn tay cô cuồng nhiệt vuốt ve vai, lưng, gáy Xoloviov. Còn ông thì ôm chặt cô gái, tận hưởng đôi môi mềm mại và làn da mịn màng như lụa của cô. Cuối cùng Xoloviov cố lấy hết nghị lực tự ghìm mình lại, rứt ra khỏi cô gái.
- Em đã suy nghĩ kỹ rồi chứ? - Xoloviov thầm thì.
- Vâng. - Marina thở dài, mắt vẫn nhắm nghiền.
- Đến lúc này em vẫn có thể thay đổi được.
- Không. Em không muốn thay đổi, em đang trong cơn mê đắm.
- Tùy em thôi.
Xoloviov không dẫn cô vào phòng ngủ, thậm chí không cởi quần áo cô. Nhưng tất cả những gì ông học được trong hai mươi sáu năm liên tục, hết cuộc tình này đến cuộc tình khác, anh đem ra phục vụ cô gái bé nhỏ có cặp mắt to màu tro này. Thậm chí Xoloviov không nghĩ đến chuyện cậu giúp việc có thể về bất cứ lúc nào, mà ông chỉ lắng nghe hơi thở hổn hển, tiếng rên rỉ và những tiếng kêu bị ghìm lại của cô gái.
Xoloviov tưởng chuyện đó diễn ra rất nhanh, nhưng khi ông nhìn đồng hồ thì ra họ đã làm tình mất bốn mươi phút. Marina ngồi bệt xuống sàn, kiệt sức, cố giữ cho hai đầu gối khỏi run rẩy.
- Bây giờ thì em về - Cô ta nói giọng hơn khàn và đứng lên - Em phải đem theo cảm giác tuyệt diệu này về nhà, trong khi anh và em chưa làm hỏng nó.
- Em còn đến đây nữa kia mà? - Xoloviov hỏi, giọng hoàn toàn điềm tĩnh, như thể không có chuyện gì xảy ra.
- Vâng. Mai. Sau giờ làm việc buổi chiều. Đừng tiễn em.
Cô ta biến đi rất nhanh, khiến Xoloviov có cảm tưởng mình vừa nằm mơ.
Thỉnh thoảng Colia bỗng như có thần ứng. Trạng thái này không xảy ra luôn, khoảng vài tháng mới một lần, nhưng những ngày như thế là tai họa cho những ai cùng làm việc với anh ta. Không bao giờ Colia chịu tuân theo logic, là thứ phương pháp Naxtia bao giờ cũng áp dụng, ngược lại anh ta rất phát triển trực giác, là thứ trong nghề thám tử đem lại những kết quả thần kỳ. Anh ta bắt đầu tiến hành những công việc, chính anh ta cũng không hiểu, nhưng đem lại kết quả nhanh chóng, khiến người xung quanh kinh ngạc. Đáng tiếc là cảm hứng khám phá đó lại cần có rượu. Từ ngày ly dị vợ và chia tay với các con, Colia càng uống nhiều rượu. Tuy nhiên cách đây khoảng một tháng, từ khi quen Valia, số lượng rượu anh dùng giảm hẳn xuống, nhưng lại tăng vọt lên những khi anh nổi hứng.
Colia chỉ cần hai ngày đã phác lên được bản kê những người khả nghi, hoặc cư trú hoặc làm việc trong khu vực Cuzminki-Perovo. Số người khả nghi đó được loại dần, chỉ còn hai mươi ba. Trong hai ngày tiếp theo với sự cộng tác giữa Colia, Corotcov, và Xvalov, đã lên được một bản đánh máy kê họ tên tất cả những người bị nghi vấn, và bằng cách này hay cách khác, lấy được đầy đủ vân tay của họ. Thậm chí thu thập được cả những phong bì, danh thiếp, bản sao các chứng từ ngân phiếu, hóa đơn mua các loại rượu và nhiều dụng cụ khác, tất cả được bỏ vào trong những túi thể thao và giữ gìn hết sức cẩn thận. Tối thứ Sáu, tất cả những thứ đó được tập trung tại Sở cảnh sát thành phố, bày trên bàn làm việc của nữ thanh tra Naxtia Camenxcaia.
- Cô gái ơi, bây giờ đến lượt cô đấy - Corotcov mệt mỏi nói - Chúng tôi không đấu được với bà Xveta đâu.
- Tôi cũng thế. Tôi sợ bà ta vô cùng. - Naxtia nói.
Xveta, tên đầy đủ là Xvetlana Caxianova, ai cũng sợ, vì bà ta có cách ăn nói đốp chát, không cần tế nhị gì hết. Xveta không bao giờ có ý định giấu kín ý kiến riêng của mình, nếu bà ta tin rằng mình đúng. Khi đó, bà chuyên gia thẩm định này không thèm để ý đến những lý lẽ người khác đưa ra. Naxtia thích làm việc với Oleg Zubov hơn. Với ông này rất dễ làm việc, chịu khó kiên nhẫn đợi đến lúc ông ta mệt mỏi, than vãn về bệnh tật và về nhiệm vụ quá nhiều. Khi đó chỉ cần xuống nhà ăn mua một món gì ông ta thích để đút lót, và bao giờ Oleg cũng nhận, đồng thời mời mọi người có mặt cùng ăn. Nhưng hiện giờ ông ta đau dạ dày, phải nằm viện nên Naxtia đành làm việc với bà Xveta vậy. Bởi chỉ hai chuyên gia thẩm định này, Xveta và Oleg, là Naxtia có thể thuyết phục được họ làm ngoài giờ. Các chuyên gia thẩm định khác thì đừng hòng. Và chỉ Xveta là còn ngồi trong cơ quan vào lúc chín giờ tối như thế này.
- Cô gọi điện đi, Naxtia - Colia đẩy máy điện thoại về phía chị - Phần việc của chúng tôi, chúng tôi đã làm xong, bây giờ đến phần việc của cô.
Naxtia thở dài, quay số điện của Xveta.
- Tôi đây. - Đầu dây bên kia vang lên một giọng nữ trầm.
- Chào chị, chị Xveta. - Naxtia lễ phép nói.
- Ai mà gọi vào buổi tối, lại trước ngày nghỉ thế này?
- Tôi là Naxtia Camenxcaia, phòng điều tra hình sự đây.
- Chào cô - Xveta cau có đáp - Cô cần gì đấy, Naxtia?
- Cần một thứ thôi, là chị đừng giết tôi.
Xveta cười khùng khục. Tiếng cười của bà ta dễ mến đến mức làm Naxtia phải bật cười theo.
- Nhưng có gì ăn không đã? - Bà chuyên gia thẩm định nín cười, hỏi.
- Sẽ có. - Naxtia hứa, biết rằng thế là xuôi.
Sau khi nghe Naxtia trình bày tóm tắt, Xveta hỏi :
- Cần kết luận miệng hay bằng văn bản?
- Kết luận miệng là đủ.
- Thế thì được, chứ bằng văn bản thì lại phải mất một thời gian nữa kia đấy - Bà thẩm định viên vui lòng - Nhưng một tiếng đồng hồ nữa, thằng con rể tôi đến đón, tôi phải về nhà. Nếu tối nay chưa xong, sáng mai tôi sẽ làm nốt.
Không phải bao giờ các điều tra viên cũng gặp may. Cho đến lúc anh con rể đem xe đến đón mẹ vợ, Xveta mới thẩm định xong một phần tài liệu, và vẫn chưa thấy vân tay của tên trộm.
- Đành chờ đến sáng mai vậy - Naxtia buồn rầu nói, trong lúc mặc tấm áo khoác - Vậy mà tôi đã hy vọng.
- Cô đừng vội hy vọng quá sớm - Anh chàng Colia lạc quan an ủi - Thậm chí rất có thể sáng mai chúng ta vẫn chưa tìm thấy gì. Nhưng cô đừng buồn, Naxtia. Nếu sáng mai, bà Xveta kia khẳng định dứt khoát là “không thấy”, tôi sẽ đi tìm tiếp. Tôi đã thoáng nghĩ ra có một cách hiệu quả rồi.
- Và nói chung, - Corotcov nói thêm - hy vọng hão huyền thì bao giờ cũng đem lại thất vọng vô ích. Bà thẩm định viên Xveta của chúng ta già rồi, đã có cháu gọi bằng bà. Lỡ mai, một đứa cháu ấm đầu, thế là bà ấy không đi làm, ta lại phải đợi đến thứ Hai. Cho nên ta cứ chuẩn bị khả năng xấu nhất.
Naxtia bật cười :
- Thôi đi anh!
Naxtia ra đến đường thì gặp bà Xveta đang bước ra khỏi tòa nhà đồ sộ, trụ sở của Bộ Nội vụ nằm bên cạnh. Anh con rể chui trong xe ra, mở cửa xe cho bà mẹ vợ to béo. Sáng nay có cuộc điểm danh nên bà Xveta mặc bộ sắc phục đầy đủ cả quân hàm. Thấy Naxtia đưa mắt nhìn theo chiếc ô-tô, Corotcov cười :
- Cô đừng buồn, Tôi sẽ chở cô về. Thế nào rồi cô Lialka cũng cằn nhằn, nhưng tôi được kéo đài thêm thời gian dễ chịu. Mà có khi cô ấy ngủ trước rồi cũng nên.
Xe nhãn “Giuguli” của Corotcov cũ kỹ, đáng quăng vào đống sắt vụn từ lâu rồi, nhưng anh vẫn sử dụng, bởi chưa nhìn thấy khả năng tài chính để tậu xe mới. Corotcov có được chiếc xe này do một hoàn cảnh khá đặc biệt. Hồi anh mới lấy vợ, bà mẹ vợ cho một khoản tiền để góp vào hợp tác xã nhà cửa, nhưng sau đó, triển vọng được nhận căn hộ quá xa vời, số người góp tiền và xếp hàng quá đông, Corotcov bèn rút số tiền ấy ra tậu chiếc xe “Giưguli” này. Chuyện đó xảy ra đã quá lâu, từ ngày anh chưa có đứa con trai. Bà mẹ vợ của anh là một phụ nữ giàu nghị lực và rất hiểu biết nên chung sống với bà trong một căn hộ hai phòng, hai vợ chồng Corotcov vẫn không cảm thấy chật chội. Sau đó họ sinh thằng con trai. Rồi bà mẹ vợ bị liệt. Bây giờ Corotcov vẫn sử dụng chiếc ô-tô tàng, hai vợ chồng cùng đứa con trai sống trong một phòng, phòng thứ hai dành cho bà mẹ của Lialka. Và ngày nào Corotcov cũng phải giải thích cho cô ta hiểu tại sao anh không thể bỏ được ngành cảnh sát lương chết đói để chuyển sang làm thuê cho những “mụ giàu có khủng khiếp” theo cách nói của Lialka.
Mọi người trong sở đều biết rõ hoàn cảnh của Corotcov, nên không ai ngạc nhiên thấy anh say mê công việc đến mức không muốn về nhà, kể cả buổi tối và ngày nghỉ.
Sau chuyện xảy ra hôm thứ Ba, Xoloviov bắt đầu cảm thấy tinh thần bỗng nhiên hứng khởi. Tối nào Marina cũng đến, và cậu giúp việc Andrei bỗng nhiên tỏ ra lịch sự, tận tuỵ không ngờ. Cậu ta tỏ ra là một chủ nhân hiếu khách, rất tế nhị rút lui khi thấy đã đến lúc cần để ông chủ ngồi riêng với “khách”. Nhưng Xoloviov càng dấn sâu vào mối tình đam mê với cô gái trẻ, càng sáng tạo trong cách âu yếm, vuốt ve cô ta, ông càng hay nghĩ đến Naxtia.
Tại sao cô ta không gọi điện thoại? Cũng không đến? Hay cô ấy đã hết thích mình rồi? Hay hôm đó cô ấy đến đây chỉ để tỏ ra cho mình biết là cô ta đã hoàn toàn lãnh đạm đối với mình?
Xoloviov nhớ Naxtia, và càng ngày càng nhớ. Marina là một cô gái trẻ tuyệt vời, cô ta sưởi ấm tâm hồn Xoloviov bằng thứ tình cảm nồng nhiệt và những cử chỉ âu yếm điên cuồng, vậy mà ông vẫn nghĩ đến cô Naxtia lạnh lùng, khô khan và lý trí kia, người phụ nữ không phản ứng chút nào khi ông hôn. Xoloviov buồn rầu hiểu ra rằng người phụ nữ mà ông muốn tối tối đến với ông không phải Marina mà là Naxtia. Xoloviov thèm được Naxtia, chứ không phải Marina ôm ông, hôn ông. Muốn người phụ nữ khó hiểu, xa cách và đã có thời bị ông làm đau khổ Naxtia kia ngồi bên ông trong những buổi tối dài dằng dặc, trò chuyện những thứ cả hai cùng quan tâm, chứ không phải Marina. Với Marina, ông không biết nói chuyện gì, cô ta không hiểu biết tí nào về văn hóa phương Đông, văn chương, nghệ thuật dịch. Trong khi ông có thể nói với Naxtia về những thứ đó nhiều tiếng đồng hồ liền.
Đã vài lần Xoloviov gọi điện cho Naxtia, nhưng lần nào nhấc máy trả lời cũng là một giọng đàn ông, chắc là vị giáo sư uyên bác của cô ta. Ông ta lịch sự, thân thiện trả lời rằng Naxtia không có nhà. Xoloviov không dám hỏi số điện thoại cơ quan của Naxtia, bởi ông hiểu rằng cô không cho ông biết số điện thoại ấy, có nghĩa cô không muốn ông gọi điện đến đó. Rất có thể hãng Naxtia làm việc quy định nhân viên không được dùng điện thoại vào việc tư? Mà cũng có thể trong hãng ấy có nhiều người quen chồng Naxtia và họ có thể nghe được câu chuyện giữa Xoloviov và chị qua máy Tổng đài. Nhưng tại sao Naxtia không gọi điện cho ông?
Đến thứ Sáu, đột nhiên anh hàng xóm Iakimov sang chơi.
- Ông Xoloviov, bà bạn của ông sao lâu nay biệt tăm? - Anh ta hỏi - Bà ấy nhờ tôi hỏi xem trong khu này có ai muốn mua bảo hiểm nhà cửa không. Tôi đã thỏa thuận với bà ấy là khi nào kiếm được đủ số người, tôi sẽ báo để hãng bà ấy cử đại diện đến. Bây giờ tôi đã vận động được một số gia đình, nhưng chẳng thấy bà ấy gọi điện đến hỏi.
- Sao anh không gọi điện cho cô ấy? - Xoloviov hỏi.
- Nhưng bà ấy không để lại số điện - Iakimov bối rối - Hôm đó tôi lại nghĩ, bà ấy tính sẽ chủ động gọi điện cho tôi, nên không để lại số điện.
- Tôi cho anh số điện nhà riêng của cô ấy. Anh cứ gọi, đừng ngại. Cô ấy tưởng anh chưa thu thập đủ số người, chắc thế thôi. Anh dùng máy của tôi mà gọi ngay đi, nhân tiện tôi cũng nói thêm.
Nhưng Naxtia lại không có nhà. Iakimov đề nghị ông chồng Naxtia nói lại, là có Iakimov gọi. Để cẩn thận, anh ta nói cả số điện của mình cho chồng Naxtia ghi, lỡ gặp trường hợp chị ấy đánh mất mảnh giấy ghi hôm trước. Sau khi Iakimov về, đột nhiên Xoloviov thấy hai bàn tay ông run rẩy, giống như cậu trai đang mê gái, cố gọi điện thoại bắt liên lạc với Naxtia cho bằng được, trong khi cô ta lẩn đâu mất.
- Naxtia là ai thế? - Marina ghen tuông hỏi, khi Iakimov ra khỏi nhà và khép cánh cửa lại - Có phải chị đến đây hôm lần đầu tiên em tới không?
- Chính cô ấy. - Xoloviov khô khan đáp.
Ông hoàn toàn không muốn nói chuyện với Marina về Naxtia, nhưng cô gái này không chịu buông.
- Anh quen chị ấy lâu chưa?
- Lâu rồi. Hồi đó anh là nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của mẹ cô ấy.
- Giữa hai người có mối tình chứ?
- Marina! Chuyện xa xưa, bây giờ còn ý nghĩa gì nữa đâu?
- Có đấy. Nhưng anh có yêu chị ấy chứ?
- Có. Đấy là chuyện hàng bao nhiêu năm về trước.
- Nhưng tại sao chị ta còn đến đây gặp anh?
- Tình bạn xưa. Em ghen đấy à?
- Tất nhiên rồi.
Marina nói câu đó đơn giản và chân thành, khiến Xoloviov không thể giận cô ta được. Sau bao nhiêu năm sống trên đời và bao nhiêu tấn bi kịch, bây giờ ông nhìn Marina chỉ là một cô gái quá trẻ, non nớt và đáng thương. Nhất là trông cô ta lại bé nhỏ, yếu đuối nhường kia...
Nhưng trước mắt ông vẫn hiện lên hình ảnh một người phụ nữ khác hẳn. Xoloviov cố gạt đi nhưng không nổi.
Đấy là một trong những sáng kiến của Vadim: cho ra một bộ sách Nga có liên quan đến phương Đông. Mà việc này chưa phải làm ngay, cần đợi cho đến khi Nhà xuất bản “Serkhan” mở rộng hoạt động, chiếm lĩnh được cảm tình của đông đảo độc giả. Theo một thói quen đã định hình, độc giả vẫn thích sách của tác giả nước ngoài hơn của tác giả trong nước. Dưới thời kiểm duyệt nghiêm ngặt, trên các quầy bán sách không thể có những cuốn ám chỉ chính trị, hoặc những cuốn kể về cách thức gây tội ác cũng như phương pháp khám phá tội ác. Tất cả những chuyện đó đều phải đọc trong sách của tác giả nước ngoài, in với số lượng rất hạn chế. Khốn nỗi xuất bản sách mới của nước ngoài rất khó khăn. Liên Xô mới tham gia công ước bảo vệ quyền tác giả từ năm 1973, sách nước ngoài sáng tác trước năm 1973 được dịch ra và in tại Liên Xô không cần xin phép tác giả và cũng không phải trả nhuận bút cho họ. Còn sách được viết ra sau năm 1973, thì phải trả nhuận bút cho tác giả nguyên tác, không phải vài xu còm, mà bằng đô-la Mỹ, và khoản tiền phải trả rất lớn. Nhuận bút cho tác giả tuỳ thuộc vào lợi nhuận của cuốn sách, và dựa theo trị giá của số sách in ra. Tại nước Anh chẳng hạn, loại sách in theo khổ “bỏ túi”, bìa mềm giá năm bảng, tính theo tiền Nga là khoảng bốn mươi ngàn rúp. Người Nga nào dám mua một cuốn sách nhỏ ấy với giá như vậy? Tất nhiên là không ai. Trên các quầy sách nước Nga, những cuốn sách khổ “bỏ túi” như vậy giá chỉ từ năm đến bảy ngàn. Do đó lợi nhuận của nhà xuất bản cũng nhỏ, và nhuận bút cho tác giả cũng giảm theo. Khốn nhưng các tác giả nước ngoài lại không muốn quan tâm đến giá bán ấy và trên thực tế họ chỉ đưa tác phẩm mới của họ cho nhà xuất bản Nga vì ở Nga giá sách rẻ. Họ bất cần quy luật của chúng ta. Và họ đòi khoản nhuận bút bằng toàn bộ số tiền lãi của nhà xuất bản. Bởi vậy chúng ta chỉ dịch và in những sách viết ra trước năm 1973 nhưng chưa lỗi thời. Còn sách mới sáng tác thì chỉ những nhà xuất bản nào đã giàu và vững chân lắm mới dám đặt dịch và cho in. Khốn nỗi nếu không in những cuốn truyện hình sự và truyện hoang đường giật gân nước ngoài thì làm sao giàu lên và vững chân cho được? Muốn in sách của tác giả trong nước, mà trong đó thời gian gần đây không ăn khách mấy, đành phải dùng một cách thức riêng.
Giám đốc Exipov đi theo một con đường khác. Ông ta khởi đầu bằng cách in sách của tác giả nước ngoài. Bây giờ, khi độc giả đã chán ngấy những tên tuổi như Chase, Robbinson, Gardner và Spillan, bắt đầu quay lại với tác giả trong nước, thì cần phải “cày” mảnh đất này. Dù sao thì đấy cũng là suy nghĩ của Vadim. Và tức là của Giám đốc Nhà xuất bản “Serkhan”.
Lúc đề ra nhiệm vụ này cho Ocxana, Vadim giải thích :
- Trong cuộc sống của nước Nga chúng ta có những thứ liên quan đến văn hóa và văn minh phương Đông. Ví dụ đơn giản nhất là môn võ thuật phương Đông. Xung quanh môn võ thuật này có thể triển khai bao nhiêu cốt truyện ly kỳ về cuộc sống tinh thần của các võ sĩ, hoặc khai thác các kỹ thuật chiến đấu ấy vào việc gây tội ác. Nhất thiết phải có trình độ tay nghề cao về xây dựng cốt truyện và vẽ lên hình ảnh. Độc giả sẽ say mê đọc vì nói chung họ không biết tất cả những thứ đó. Một ví dụ khác - các giáo phái có nguồn gốc từ phương Đông. Xung quanh các giáo phái ấy có thể tạo nên bao nhiêu cốt truyện ly kỳ, bao nhiêu tình tiết éo le. Rồi các doanh nhân Nhật Bản làm việc ở Nga và tâm lý của họ. Rồi thế giới tội phạm của chúng ta nữa. Chưa kể vô số người Trung Hoa và Việt Nam hoạt động trên thị trường của chúng ta. Cần miêu tả cuộc sống của họ tại Nga. Có thể xây dựng những cốt truyện vụ án trong cộng đồng của họ. Sẽ vô cùng hấp dẫn. Toàn bộ vấn đề chỉ là tìm người viết. Tôi nhìn xung quanh thì chưa thấy có ai.
- Sao anh cho là như thế? - Ocxana ngạc nhiên.
- Bởi nếu có người viết được thì họ đã viết rồi. Cô tưởng viết ra một cuốn sách hấp dẫn từ đầu đến cuối là chuyện đơn giản hẳn? Số người viết được như thế đếm trên đầu ngón tay. Đó là năng khiếu, là thứ Trời cho.
- Vậy thì phải làm thế nào? Không còn cách nào nữa sao? - Ocxana buồn bã nói.
Vadim tin tưởng đáp :
- Có cách. Dùng cách này cần có hai người. Một người nắm được đặc điểm và biết cách bịa ra những xung đột mang màu sắc “phương Đông”, còn người thứ hai chấp bút. Nhiệm vụ lần này tôi giao cho cô phức tạp đấy. Trước tiên cô phải “gà” cho thằng cha Giám đốc Exipov ý tưởng về các tác giả Nga. Sau đó, khi thằng cha đã thông suốt rồi, cô hãy “gà” cho nó cách tổ chức viết. Cuối cùng là gà cho nó phương pháp “đồng tác giả”. Liệu cô có làm được không?.
- Em sẽ cố. - Ocxana hứa, và lại một lần nữa, cô thán phục trí thông minh của ông chủ.
Từ hôm đó đã gần một năm trôi qua, bộ sách Nga “Kiệt tác Phương Đông” xuất hiện trên các quầy sách. Những cuốn đầu tiên bán rất chật vật, nhưng đến cuốn thứ ba thì đã được hoan hô rồi. Giám đốc Exipov đinh ninh sáng kiến này hoàn toàn do ông ta nghĩ ra, và ông ta đã kiếm được “một cặp” tác giả. Một người xưa kia là dân híppi, từng theo nhiều phái tư tưởng hệ và tôn giáo khác nhau, thậm chí anh ta đã sống hai năm bên cạnh một giáo chủ Phật sống tại nơi nào đó ở Burat, Mông Cổ, người thứ hai là một phụ nữ có óc tưởng tượng kha khá, biết phịa ra những cốt truyện ly kỳ, cuốn hút độc giả cho đến phút chót. Bà nữ văn sĩ này đã từng xin cộng tác với nhiều nhà xuất bản nhưng không được. Cuốn đầu tay của bà ta được người ta nhận và in, nhưng cuốn thứ hai thì giống cuốn thứ nhất như hai giọt nước, và cuốn thứ ba cũng vậy. Bà ta hoàn toàn không biết bịa ra những sự việc mới. Còn anh chàng cựu hippi kia thì nghiện ma túy và dễ dàng bịa ra đủ thứ chuyện quái đản, không kém gì nhà cái chia bài cho con bạc. Anh chàng cựu hippi với bà văn sĩ tồi kia dan díu với nhau, chung sống và sản xuất thành công những cuốn sách cực kỳ ăn khách mang tính “Nga - Phương Đông”, rồi họ ký một bút danh chung. Do Phó giám đốc kinh doanh Avtaev bủn xỉn van nài, Giám đốc Exipov đã ấn định một khoản nhuận bút khiêm tốn cho “cặp” tác giả kia. Nhưng vì khoản nhuận bút này gấp ba lần khoản tiền bà ta nhận được ở nhà xuất bản trước về cuốn tiểu thuyết đầu tay đồng thời cuốn duy nhất của bà, và vì anh chàng hippi nhân tình của bà ta đang quá rách, nên họ đã lấy làm mãn nguyện lắm rồi. Nhà xuất bản “Serkhan” định ký hợp đồng dài hạn hai năm với họ, ấn định họ phải sản xuất ra tám cuốn truyện mỗi năm bốn cuốn, và nhà xuất bản có trách nhiệm in cả tám cuốn truyện đó, đồng thời trả khoản nhuận bút cao hơn thường lệ một chút, thì bỗng nhiên xảy ra một chuyện bất ngờ.
Tổng biên tập Xemion, vốn chịu trách nhiệm thường xuyên liên hệ với các tác giả, theo dõi quá trình sáng tạo của họ, một lần gọi điện đến cho “cặp” tác giả kia, hỏi rất lịch sự :
- Thế nào? Hai vị hiện đang viết cái gì đấy?
Và anh ta kinh hoàng nghe thấy câu trả lời :
- Chúng tôi đang viết, nhưng không phải cho nhà xuất bản của ông.
- Vậy cho Nhà xuất bản nào? - Xemion hỏi lại, chưa tin vào tai mình.
- “Xantana”.
“Xantana”! Một nhà xuất bản khá nổi tiếng, tất nhiên không bằng “Serkhan”, nhưng cũng là nhà xuất bản lớn.
- Sao lại thế?... Tại sao vậy?... - Tổng biên tập Xemion nghẹn lại vì tức giận.
- Họ đề ra với chúng tôi những điều kiện có lợi hơn. - Tiếng trả lời bình thản ở đầu dây kia.
- Điều kiện thế nào?
- Có lợi hơn.
- Nhưng cụ thể là thế nào? Họ trả ông bà bao nhiêu? - Xemion gặng hỏi.
- Gấp đôi các ông.
- Nhưng là bao nhiêu?
- Tôi nói rồi: gấp đôi các ông. Ông không biết làm tính nhân hay sao? - Nữ văn sĩ cười nhạo đáp.
- Tôi không nhớ chúng tôi đã trả hai vị bao nhiêu. - Xemion cố nhịn.
- Rất tiếc - Bà văn sĩ hít một hơi dài - Xin ông về xem lại bản hợp đồng cũ sẽ biết, nếu quả thật ông quên.
- Hai ông bà đã ký hợp đồng với họ chưa? - Xemion gặng hỏi, hy vọng không để tuột khỏi tay hai cây bút viết chung này.
Biết đâu họ chưa ký kết gì chính thức, mới chỉ nghe người ta hứa trả gấp đôi Nhà xuất bản “Serkhan” thôi. Nếu vậy, Xemion sẽ giảng giải cho hai vị này biết rằng họ bị lỡm, bởi Nhà xuất bản “Xantana” chưa bao giờ trả nhuận bút cao.
- Ký rồi. - Bà văn sĩ đáp.
Thế là Tổng biên tập Nhà xuất bản “Serkhan” không ghìm được, tuôn ra một loạt câu thậm tệ.
- Ông bà có biết làm như thế là thế nào không? - Xemion hét lên trong máy - Giám đốc Exipov sẽ giết tôi mất! Ông bà đã hại tôi! Nhưng sao hai người không chịu khó nhấc máy báo cho tôi biết khi gặp đại diện Nhà xuất bản “Xantana”? Tại sao ông bà không bàn bạc với tôi?
- Tại sao chúng tôi phải bàn bạc với ông? - Bà văn sĩ chưa hiểu, hỏi - Giả sử tôi gọi điện báo ông biết, thì có gì thay đổi đâu?
- Phen này Exipov giết tôi mất - Xemion rên rỉ nhắc lại - Còn nếu ông bà báo tôi biết, chúng tôi sẽ tăng nhuận bút của ông bà lên gấp đôi. Tất nhiên bản thảo của hai ông bà không đáng giá đến thế, nhưng chúng tôi vẫn tăng, để sách khỏi rơi vào tay một nhà xuất bản khác.
- Nếu ông cho rằng bản thảo của chúng tôi không đáng giá đến thế, thì các ông đã chẳng trả chúng tôi hơn mức các ông định trả - Bà văn sĩ lạnh lùng đáp - Còn nếu các ông tăng nhuận bút lên, có nghĩa bản thảo của chúng tôi đáng giá như thế, đồng thời cũng có nghĩa trước kia các ông trả chúng tôi quá thấp.
Sau cuộc đàm thoại đó, Xemion như người mất hồn. Và anh ta bảo Exipov sẽ giết là điều có lý. Giám đốc Exipov thường xuyên hỏi Xemion về các tác giả :
- Họ ra sao? Không bỏ chúng ta đấy chứ? Hay ta tăng nhuận bút lên cho họ?
- Vẫn yên ổn - Xemion đều trả lời với giọng đầy tự tin - Tôi thấy rõ họ được chúng ta in cho và trả tiền là sướng run lên rồi. Cả đời, họ chưa bao giờ được cầm vào tay một số tiền lớn như thế.
- Anh nói chính xác đấy chứ? - Exipov nghi ngờ hỏi lại. - Anh tin chắc như thế chứ?
- Chắc. Chỉ cần nhìn quần áo của họ, đủ thấy họ quen sống ra sao rồi. Họ không dám bỏ chúng ta đâu. Anh yên tâm. Mà không ai trả cho họ cao hơn chúng ta được đâu. Làm gì có nhà xuất bản nào dám trả như thế.
Những lần trò chuyện ấy, bao giờ Giám đốc kinh doanh Avtaev cũng gật gù tán thành. Do cương vị của mình, ông ta biết rõ tài sản vốn liếng các nhà xuất bản khác ra sao, và họ trả nhuận bút thế nào. Trả cao hơn “Serkhan”, ồ Moxcva chỉ có hai nhà xuất bản, nhưng loại sách của hai đồng tác giả kia hoàn toàn không thích hợp với phương hướng của hai nhà xuất bản này. Còn Nhà xuất bản “Xantana” vớ vẩn kia, chắc chắn không thuộc loại trả cao hơn “Serkhan”. Vậy mà bây giờ xảy ra chuyện sét đánh này.
Giám đốc Exipov không giết Tổng biên tập Xemion chỉ vì một nguyên nhân duy nhất: ông ta không muốn ngồi tù. Nếu như không có nguyên nhân đó, hẳn Xemion đã không còn sống trên đời. Nhà xuất bản bèn mời hai tác giả kia đến.
Bà văn sĩ đi một mình, cho biết “đồng tác giả” của bà không được khỏe và ở nhà.
Giám đốc Exipov nói :
- Hai ông bà đã cộng tác với nhà xuất bản chúng tôi gần một năm. Hôm nay tôi muốn được nghe bà cho biết, có điều gì hai ông bà chưa hài lòng về chúng tôi không? Hay biên tập viên của chúng tôi có điều gì đó khiến hai ông bà không ưng?
Xemion ngồi mà mặt xanh lét. Nhà xuất bản “Serkhan” làm gì có biên tập viên nào khác ngoài anh ta. Câu hỏi của Giám đốc Exipov rõ ràng nhằm chỉ Xemion. Anh ta đoán bà văn sĩ này sắp tuôn ra một tràng những lời phê phán là anh ta đã góp ý thế này thế nọ, và đủ thứ “tội” khác.
- Không. Chúng tôi không phàn nàn điều gì cả. Mọi thứ đều rất tốt - Bà văn sĩ cười rất tươi, đáp - Ông Xemion đối xử với chúng tôi bao giờ cũng rất nhã nhặn, đáng mến.
- Vậy tại sao hai ông bà định không cộng tác với chúng tôi nữa?
- Chúng tôi có định gì đâu? - Bà văn sĩ dướn lông mày - Nhưng chúng tôi cũng muốn hỏi lại nhà xuất bản có gì chưa hài lòng về chúng tôi không? Các vị đánh giá bản thảo của chúng tôi mà trả tiền, đó là quyền của các vị. Các vị là chủ nhà xuất bản, các vị thấy rõ hơn ai hết, mỗi bản thảo giá trị đến đâu. Chúng tôi hoàn toàn không có tham vọng đòi các vị phải đánh giá cao hơn. Đã bao giờ chúng tôi đòi các vị tăng nhuận bút đâu? Nhưng nếu như có một vài nhà xuất bản nào đó cho rằng bản thảo của chúng tôi có giá trị gấp đôi thế, thì tại sao chúng tôi không đưa bản thảo cho họ? Tôi chưa hiểu.
Giám đốc kinh doanh chen vào :
- Chúng tôi đã đầu tư vào hai vị. Cuốn sách đầu tiên của hai vị bán rất ế, chúng tôi không được lãi xu nào. Nhưng chúng tôi vẫn nhận và in cuốn thứ hai của các vị, rồi cuốn thứ ba. Chính do chúng tôi mà hai vị thành tác giả nổi tiếng. Vậy mà bây giờ hai vị quay sang nhà xuất bản khác. Nhà xuất bản “Xantana” kia hưởng không thành quả do chúng tôi gây dựng nên. Bởi nhờ chúng tôi mà độc giả biết đến hai vị và mua sách của hai vị. Chúng tôi lại bỏ ra bao nhiêu tiền để quảng cáo. Các vị cho rằng sách các vị ngày nay bán chạy trên thị trường chỉ là do công các vị? Làm gì có chuyện đó. Tất cả là do chúng tôi bỏ tiền ra để đưa các vị lên. Các vị thử nghĩ xem, Nhà xuất bản “Xantana” ký hợp đồng và trả các vị nhuận bút cao gấp đôi. Tôi cam đoan sách các vị sẽ tiêu thụ rất chậm. Độc giả đã quen thấy sách các vị trong bộ sách của nhà xuất bản này, còn sách của các vị do Nhà xuất bản “Xantana” in sẽ không ai biết đến. Đặt khả năng Nhà xuất bản “Xantana” ký tiếp với các vị hợp đồng thứ hai, in bản thảo tiếp theo của các vị. Cuốn ấy cũng vẫn sẽ tiêu thụ chậm. Và thế là “Xantana” thôi, không đặt các vị nữa. Trong khi đó, bộ sách của chúng tôi đã lâu không có tên các vị. Rồi khi các vị quay lại, đem đến cho chúng tôi cuốn sách tiếp theo, tức là sau đây ít ra phải bảy tám tháng, độc giả đã quên tên các vị trong bộ sách của chúng tôi rồi. Khi đó chúng tôi in sách của các vị không còn có lãi nữa. Nhân đây, tôi cũng không giấu các vị, là chúng tôi có thu được lợi nhuận nhờ sách của hai vị, nhưng chúng tôi còn nhiều tác giả khác. Chúng tôi không in sách của các vị cũng không sao. Nhưng còn các vị? Đến lúc đó, e rằng sẽ không nhà xuất bản nào nhận bản thảo của các vị nữa...
Ocxana ngồi trong gian “phòng nghỉ”. Đó là một căn phòng nhỏ ấm cúng, có hai cửa ra vào, một cửa thông với phòng làm việc của Giám đốc Exipov. Một cửa ra hành lang. Cô ta nghe rõ từng câu một, và lắng nghe cho kỹ để sau về thuật lại cho Vadim. Từ lâu các vị lãnh đạo Nhà xuất bản “Serkhan” đã thôi không cảnh giác cô ta và bàn bạc thoải mái công việc, ngay cả khi có mặt Ocxana.
Trước khi tiếp bà nữ văn sĩ, ba người đã bàn bạc rất kỹ, viết ra thành như một kịch bản, rồi phân công người nói. Exipov phải nói đầu tiên, nhẹ nhàng, lịch sự. Sau đó đến Phó giám đốc Avtaev nổ những đòn mạnh mẽ, để cho hai tác giả kia thấy họ là những kẻ vô ơn. Sau đấy ông ta phê phán văn chương trong những cuốn sách của họ chẳng ra gì, lẽ ra cần phải viết tốt hơn nữa. Cuối cùng đến Tổng biên tập Xemion, cho đến giờ mới lên tiếng, hăng hái bênh vực các tác phẩm của hai nhà văn này, cho rằng viết như thế là rất được.
Cần làm cho hai tác giả thấy họ chẳng xứng đáng được gọi là nhà văn, chưa nói đến nhà văn tài ba. Nếu sách của họ được in ra và độc giả tìm đọc thì chỉ vì các Giám đốc của Nhà xuất bản “Serkhan” thương tình họ nghèo khổ, đã nhận và in, thật ra chỉ lỗ vốn. Nếu như hai tác giả này không chịu hiểu thì sẽ đến lúc sách của họ không nhà xuất bản nào nhận in nữa. Họ sẽ chết đói ở vệ đường.
Đập tan sự kháng cự và giẫm nát lòng tự ái của hai tác giả xong, có thể buộc họ phải nhận những điều kiện nhà xuất bản đưa ra. Còn Xemion thì phải đóng vai người bênh vực các tác giả, để sau này anh ta đưa ý kiến nào ra họ cũng răm rắp nghe theo, đinh ninh rằng anh ta là người đã bênh vực họ khi bị Phó giám đốc kinh doanh Avtaev xỉ vả hết lời.
Cuộc tiếp bà văn sĩ diễn ra theo đúng kịch bản đã vạch sẵn, nhưng ngồi trong phòng làm việc của Giám đốc Exipov theo dõi, Ocxana hiểu rằng họ đã tính sai. Kịch bản rất khá, có nghĩa tác động tốt đến bất cứ tác giả nào, nhưng sai ở chỗ bà văn sĩ này không giống mọi tác giả khác. Ocxana đã hiểu ra điều này, và thấy cả ba người kia - Giám đốc Exipov, Phó giám đốc kinh doanh Avtaev, Tổng biên tập Xemion - đều chưa hiểu ra. Bà tác giả này thuộc một loại người đặc biệt, có kiểu suy nghĩ không giống người bình thường, nhưng ba vị ở Nhà xuất bản “Serkhan” lại coi bà ta như mọi người bình thường khác. Trong lúc ba vị nhà xuất bản nói, bà ta hầu như không mở miệng, chỉ chăm chú lắng nghe. Trong khi theo dõi, Ocxana mường tượng bà ta đang cười thầm và bẻ đốt ngón tay đếm từng điều vụng dại mà ba vị lãnh đạo Nhà xuất bản “Serkhan” phạm phải trong khi nói với bà ta. Hình ảnh mường tượng kia hiện lên trong óc Ocxana rõ đến nỗi làm cô ta phải nhăn mặt. Cô ta lắc mạnh đầu và hình ảnh kia biến mất.
- Nếu các vị muốn chúng ta tiếp tục cộng tác với nhau - Ocxana cuối cùng nghe thấy tiếng phụ nữ nói - Thì quả là tôi không sao hiểu được nhận định của các vị. Nếu sách của hai chúng tôi kém cỏi thì tưởng rũ được chúng tôi ra, chuyền cho nhà xuất bản khác, các vị phải mừng chứ?
- Chúng tôi không bảo sách của hai ông bà viết kém. - Giám đốc Exipov nói.
- Nhưng tai tôi đâu phải điếc? Mới lúc nãy chính ông bảo sách của hai chúng tôi không xứng đáng với số tiền nhuận bút chúng tôi đã nhận. Rằng trong những cuốn tiểu thuyết của chúng tôi rất nhiều chỗ kém cỏi. Rằng nếu chúng tôi thôi không in sách trong nhà xuất bản của các vị, các vị sẽ chẳng thiệt thòi là bao. Nếu vậy tại sao các vị mời tôi đến đây? Tại sao có cuộc tiếp chuyện này? Tôi thú thật là tôi không hề tự ái khi nghe ai chê sách của chúng tôi. Chúng tôi có cách đánh giá riêng và không đời nào chúng tôi từ bỏ cách đánh giá ấy. Nếu các ông muốn chúng ta tiếp tục cộng tác, lẽ ra các ông không nên nói những điều ấy cho tác giả nghe. Bất cứ một người nào có lòng tự trọng, sau khi nghe những câu đó cũng sẽ đứng dậy, bỏ về.
- Bà đánh giá quá cao trình độ các tác giả đấy. - Exipov cười mỉa mai.
“Ngu xuẩn!” - Ocxana giận dữ thầm nghĩ - “Sao anh ta ngu xuẩn đến thế! Xử sự như thế là quá dại dột. Nói thế thì bằng bảo thẳng bà ta rằng anh ta nghĩ về các tác giả thế nào. Mấy vị ở nhà xuất bản này coi tác giả giống như những kẻ hành khất, sẵn sàng bò dưới đất để húp chút canh thừa trên bàn ăn của gia đình nhà chủ. Exipov không hiểu gì hết. Anh ta không hiểu rằng bà tác giả này không phải tay vừa như anh ta tưởng. Sao mà ngu ngốc, dại khờ đến thế! Đã ngu lại quá tự tin, không biết rằng mình ngu đến mức nào”.
Ocxana bực bội vớ điếu thuốc lá. Ông Vadim nói đúng. Cho đến giờ, Exipov chưa thể là “cá mập” trong nghề kinh doanh. Anh ta chưa hiểu rằng cái chính là con người. Bởi nếu tác giả không viết sách thì nhà xuất bản lấy gì mà in? Cho dù nhà xuất bản lớn nhất, có uy thế nhất, giàu nhất, nhưng nếu các tác giả không viết và không đưa bản thảo thì sẽ không có cái gì hết. Nhà xuất bản chỉ còn là cái bong bóng xà phòng. Bởi vậy phải giữ quan hệ thân thiện với các tác giả. Phải yêu họ, chiều chuộng họ, ca tụng họ. Nhà xuất bản sống được là nhờ các tác giả, chứ không phải các tác giả sống nhờ vào nhà xuất bản. Và chừng nào Exipov cùng hai đồng sự của anh ta chưa hiểu ra điều đó thì họ sẽ không làm được thứ gì cho hẳn hoi. Chỉ làm được những thứ xoàng xĩnh. Mà ông Vadim thì không cần thứ xoàng xĩnh. Ông ta cần nhà xuất bản là một doanh nghiệp khổng lồ, thu được những khoản lợi nhuận lớn lao. Mà Vadim cần như thế, tức là Ocxana cũng cần như thế.