Ấn tượng sai lầm - Chương 20

Ấn tượng sai lầm - Chương 20

Chương 20

Ngày đăng
Tổng cộng 57 hồi
Đánh giá 10/10 với 81889 lượt xem

"Bác thành thật xin lỗi”, Arnold Simpson vừa nói vừa nhìn Arabella Wentworth qua chiếc bàn làm việc của ông. “Một công việc khủng khiếp”, ông nói rồi bỏ thêm một cục đường vào cốc trà của mình. Arabella không nói gì, trong khi Simpson ngồi ngả về phía trước và đặt cả hai tay lên bàn như sắp cầu nguyện. Ông mỉm cười một cách hiền từ với vị khách hàng của mình và vừa chuẩn bị nói thì Arabella mở tập hồ sơ trong lòng ra và hỏi, “Với tư cách là một luật sư của gia đình cháu, có lẽ bác có thể giải thích cho cháu biết tại sao cha cháu và chị Victoria lại mắc nhiều nợ, trong một khoảng thời gian ngắn đến như vậy?”
Simpson ngồi ngả người ra rồi nhìn Arabella qua cặp kính hình bán nguyệt của ông. “Cha cháu và bác”, ông bắt đầu nói, “là bạn thân của nhau trong 40 năm cho đến ngày cha cháu mất. Chắc là cháu biết, ông ấy và bác cùng học với nhau ở Eton”. Simpson dừng lời rồi đưa tay lên vuốt chiếc caravát màu xanh đậm mà dường như ông đã đeo nó hàng ngày kể từ khi rời khỏi ghế nhà trường.
“Cha cháu thường nói là “học cùng nhau” chứ không nói là “cùng học với nhau”, Arabella nói. “Vậy là có thể bác có câu trả lời cho câu hỏi của cháu”.
“Bác đang định nói về điều đó”, Simpson nói và nhìn quanh trên bàn. “A, đây rồi”, ông nói và cầm một tập hồ sơ có đề dòng chữ “Lloyd tại London” lên. Ông mở tập hồ sơ ra và sửa lại kính. “Khi cha cháu trở thành một cái tên tại Lloyd vào năm 1971, ông ấy đã làm cho rất nhiều nghiệp đoàn và sử dụng khu bất động sản này làm tài sản thế chấp. Trong nhiều năm, ngành bảo hiểm có thu nhập rất cao và hàng năm cha cháu kiếm được những khoản tiền rất lớn”. Simpson rê ngón tay trên một danh sách dài gồm toàn những con số.
“Nhưng bác có nói cho cha cháu biết”, Arabella hỏi, “về ý nghĩa của trách nhiệm hoàn trái vô hạn không?”
“Bác phải thú nhận là”, Simpson nói và không để ý đến câu hỏi ấy của Arabella, “cũng giống như bao nhiêu người khác, bác không hề nghĩ rằng lại phải chứng kiến những năm tháng tệ hại kéo dài chưa từng thấy như vậy”.
“Chẳng khác gì một kẻ đánh bạc hy vọng làm giàu từ vòng quay của bánh xe roulette”, Arabella nói. “Vậy tại sao bác không khuyên cha cháu cắt lỗ và rời khỏi bàn cờ bạc?”
“Cha cháu là một con người bướng bỉnh”, Simpson nói, “và sau khi đã trải qua nhiều năm tháng tồi tệ, vẫn tin rằng thời hoàng kim sẽ quay trở lại”.
“Nhưng đó không phải là tất cả mọi chuyện”, Arabella vừa nói vừa lật những trang hồ sơ.
“Đáng tiếc rằng đó chưa phải là tất cả mọi chuyện”, Simpson thừa nhận. Có vẻ như ông đang lún sâu hơn trên chiếc ghế và gần như biến mất sau cạnh bàn.
“Và chuyện gì đã xảy ra với danh mục những cổ phiếu mà gia đình cháu đã tích tụ trong suốt bao nhiêu năm qua?”
“Đó là những thứ đầu tiên mà cha cháu phải bán để cân đối tài khoản. Thực tế là”, vị luật sư gia đình lật sang một trang hồ sơ khác, “đến khi cha cháu mất, bác nghĩ rằng khoản thấu chi của ông ấy đã lên đến 10 triệu bảng”.
“Nhưng không phải với ngân hàng Coutts”, Arabella nói, “bởi vì theo giấy tờ để lại thì khoảng ba năm trước cha cháu đã chuyển tài khoản sang một ngân hàng nhỏ ở New York gọi là ngân hàng Fenston Finance”.
“Đúng thế đấy, cháu ạ”, Simpson nói. “Thực tế là cho đến nay bác vẫn chưa biết bằng cách nào mà ngân hàng đó”
“Chuyện đó đối với cháu không có gì là khó hiểu”, Arabella vừa nói vừa lấy từ tập hồ sơ ra một bức thư. “Rõ ràng là họ đã chọn cha cháu làm mục tiêu”.
“Nhưng bác vẫn không hiểu bằng cách nào mà họ biết”
“Họ chỉ cần đọc các trang tài chính. Người ta thông báo về những vấn đề của Lloyd hàng ngày, và tên của cha cháu thường xuyên xuất hiện, cùng với tên của một vài người khác, những người phải gắn số phận với những nghiệp đoàn bất hạnh”.
“Đó chỉ đơn thuần là suy diễn của cháu”, Simpson nói.
“Chỉ là bác không bao giờ nghĩ đến chuyện đó mà thôi”, Arabella nói. “Hoàn toàn không phải là suy diễn. Cháu lấy làm lạ là tại sao bác lại để cho bạn thân của mình rời bỏ Coutts, một ngân hàng đã phục vụ gia đình suốt gần 200 năm, để làm ăn với một bọn vô lương tâm”.
Simpson đỏ mặt. “Có lẽ cháu đã nhiễm thói quen của mấy chính trị gia luôn dựa vào sự suy diễn”.
“Không, thưa bác”, Arabella trả lời. “Người chồng quá cố của cháu cũng được mời tham gia vào Lloyd. Người môi giới thuyết phục anh ấy rằng trang trại của chúng cháu đủ để bảo lãnh cho mọi khoản nợ nếu có và anh ấy đã tống ông ta ra cửa”.
Simpson không nói gì.
“Và bác có thể làm ơn cho cháu biết, với tư cách là cố vấn của Victoria, bằng cách nào mà chị ấy có thể làm cho khoản nợ đó tăng lên gấp đôi chỉ trong vòng một năm?”
“Không phải là lỗi của bác”, Simpson nói. “Cháu nên dành sự giận dữ của mình cho nhân viên thuế vụ, kẻ luôn đòi phần xôi thịt của mình”, Simpson vừa nói vừa tìm tập hồ sơ mang tên “Thuế Chết”. “A, đây rồi. Kho bạc sẽ được hưởng 40 phần trăm những tài sản của người chết, trừ phi những tài sản đó được chuyển giao trực tiếp cho vợ hoặc chồng. Bác nghĩ là người chồng quá cố của cháu đã giải thích kỹ chuyện này với cháu. Tuy nhiên, bác đã cố gắng xoay xở và bác tự hào là phải rất khôn khéo mới làm được chuyện này, để đi đến một thoả thuận là nộp 11 triệu bảng cho thanh tra thuế vụ và Victoria đã rất hài lòng về sự thu xếp này”.
“Chị cháu là một phụ nữ không chồng ngây thơ chưa từng rời khỏi nhà mà không có cha đi cùng, một người phải đến lúc 30 tuổi mới có tài khoản riêng”, Arabella nói, “vậy mà bác vẫn để cho chị ấy tiếp tục ký hợp đồng với Fenston Finance, chính chuyện đó càng khiến chị ấy gánh thêm nhiều nợ nần”.
“Chỉ có cách đó, hoặc là đem bán đấu giá khu bất động sản”.
“Không phải thế”, Arabella nói. “Cháu chỉ cần gọi một cú điện thoại tới Lord Hindlip, chủ tịch hãng Christie, và ông ta cho cháu biết rằng bức tranh Van Gogh của gia đình cháu có thể bán được trên 30 triệu bảng nếu đem ra đấu giá”.
“Nhưng cha cháu không bao giờ chấp nhận bán bức tranh đó”.
“Khi bác chấp nhận khoản vay thứ hai, cha cháu đâu còn sống”, Arabella vặn lại. “Nhẽ ra bác đã phải khuyên chị cháu làm thế”.
“Bác không còn lựa chọn nào khác, theo những điều khoản ban đầu của hợp đồng”.
“Một hợp đồng mà bác là người chứng kiến và bác đã không đọc. Bởi vì không những bác chấp nhận trả lãi 16 phần trăm cho khoản tiền vay, mà bác còn đồng ý dùng bức Van Gogh làm tài sản thế chấp”.
“Nhưng lúc nào ta cũng có thể yêu cầu họ bán bức tranh ấy, và mọi chuyện sẽ được giải quyết”.
“Lại sai tiếp, bác Simpson ạ”, Arabella nói. “Nếu bác đã đọc hết hợp đồng, bác sẽ thấy rằng chuyện đó sẽ dẫn đến tranh chấp và sẽ được đưa ra xử ở New York. Cháu không tin rằng bác có thể thắng ở sân sau của Fenston Finance”.
“Cháu cũng không thể làm thế”, Simpson nói, “bởi vì-”
“Cháu là ruột thịt của chị Victoria”, Arabella nói.
“Nhưng không có di chúc cho thấy Victoria sẽ để lại gia sản cho ai”, Simpson nói to bằng một giọng bực tức.
“Đó là thứ mà bác đã cố xoay xở bằng khả năng tài tình của mình”.
“Bác và chị cháu lúc đó đã thảo luận về việc-”
“Hơi muộn”, Arabella nói. “Cháu đang phải đương đầu với một cuộc chiến pháp lý, với một kẻ bất lương nhưng có lợi thế về mặt pháp luật, nhờ công của bác”.
“Bác tự tin nói rằng”, Simpson vừa nói vừa một lần nữa đặt tay lên bàn như sắp cầu nguyện, “bác sẽ thu xếp chuyện này trong-”
“Cháu sẽ nói cho bác biết bác cần phải làm gì”, Arabella vừa nói vừa đứng lên. “Bác hãy gói tất cả những hồ sơ liên quan đến tài sản của gia đình cháu và chuyển tới Lâu đài Wentworth”. Arabella nhìn thẳng vào ông luật sư. “Và đồng thời, bác hãy gửi kèm theo đó hoá đơn thanh toán cho một giờ tư vấn quý báu cuối cùng của bác”.

Chương trước Chương sau