Ấn tượng sai lầm - Chương 16
Chương 16
Ngày đăng 12-10-2014
Tổng cộng 57 hồi
Đánh giá 9.2/10 với 81471 lượt xem
Suốt đêm hôm đó, Anna chỉ chợp mắt được vài phút. Cô suy nghĩ về tương lai của mình. Cô đi đến kết luận rằng có lẽ cô sẽ trở về Danville để mở một phòng tranh trưng bày các tác phẩm của những hoạ sỹ trong vùng, bởi vì chắc chắn Fenston sẽ kể cho tất cả các nhà tuyển dụng tiềm năng về câu chuyện của cô theo cách mà ông ta muốn. Cô bắt đầu cảm thấy rằng hy vọng sống sót duy nhất của cô là vạch mặt Fenston, và cô hiểu rằng cô sẽ không thể làm được điều đó nếu không có được sự hợp tác toàn diện của Victoria, và một phần trong sự hợp tác ấy là đốt bỏ toàn bộ các tài liệu liên quan đến vụ giao dịch, kể cả bản báo cáo của cô.
Anna ngạc nhiên thấy mình vẫn hoàn toàn mạnh khoẻ khi Tina gõ cửa phòng cô vào lúc 4 giờ sáng.
Cô đi tắm, rồi gội đầu và cảm thấy gần như đã lấy lại hoàn toàn sức sống.
Bên bàn ăn sáng với cà phê và bánh mỳ, Anna cùng Tina rà soát lại toàn bộ kế hoạch. Họ thống nhất với nhau một số nguyên tắc mà cả hai phải tuân thủ trong lúc cô đi xa. Anna không còn điện thoại di động và thẻ tín dụng, vì vậy cô thống nhất chỉ liên lạc với Tina bằng số điện thoại nhà của Tina, và phải luôn gọi từ máy điện thoại công cộng-không bao giờ gọi từ cùng một số máy. Anna sẽ xưng tên là “Vincent”, và không được sử dụng bất kỳ một cái tên nào khác. Mỗi cú điện thoại không được kéo dài quá một phút.
Anna rời căn nhà của Tina lúc 4:52. Cô mặc quần bò, áo phông, áo khoác mỏng và đội mũ lưỡi trai. Cô không biết chắc điều gì đang đợi mình khi cô bước đi trên vỉa hè vào buổi sáng tinh mơ đó. Trên phố chẳng có mấy người, và tất cả đều cúi đầu-ánh mắt nhìn xuống của họ thể hiện thành phố này đang có tang. Không ai liếc nhìn Anna lần thứ hai khi cô bước nhanh trên hè phố với một chiếc va li phía sau và một chiếc máy tính đeo ở một bên vai. Dù nhìn theo hướng nào, cô vẫn trông thấy một đám mây khổng lồ xám xịt phủ trên thành phố. Đám mây khói bụi dầy đặc kia đã tan, nhưng giống như một căn bệnh, nó đã lây lan đến những vùng khác của cơ thể. Không hiểu sao lúc mới thức dậy, Anna lại nghĩ là nó đã tan biến, nhưng giờ đây cô nhận ra rằng nó sẽ còn ở đó rất lâu nữa.
Anna đi qua một hàng người đang đứng xếp hàng để chờ được cho máu với hy vọng người ta sẽ tìm được thêm những người còn sống sót. Cô là một người sống sót, nhưng lúc này cô không muốn ai phát hiện ra điều đó.
Fenston ngồi bên bàn làm việc của mình trong văn phòng mới của ông ta trên Phố Wall. Lúc này là 6 giờ sáng. Ở London là 11 giờ. Cú điện thoại đầu tiên trong ngày của ông ta là gọi cho Ruth Parish.
“Bức Van Gogh của tôi đâu?” ông ta hỏi mà chẳng thèm chào hỏi cũng chẳng thèm xưng danh.
“Chào ông Fenston”, Ruth nói. “Chắc ông cũng biết là mọi chuyến bay đều bị hoãn, và chiếc máy bay chở bức tranh của ông đã phải quay trở lại sau khi đã bay được nửa đường. Vì thảm kịch xảy ra hôm qua”.
“Thế bây giờ nó ở đâu?” Fenston lại hỏi.
“Đã được cất an toàn tại một trong những phòng được đảm bảo an ninh tuyệt đối ở khu vực phi hải quan. Tất nhiên, chúng ta sẽ phải làm lại thủ tục khai báo hải quan và xin lại giấy phép xuất khẩu. Nhưng chẳng cần phải bận tâm tới những chuyện đó trước khi-”
“Làm ngay hôm nay đi”, Fenston nói.
“Sáng nay tôi có kế hoạch chuyển bốn bức của Vermeers từ-”
“Vermeer cái cục c… Nhiệm vụ đầu tiên của bà là đảm bảo rằng bức tranh của tôi đã được bọc gói cẩn thận và sẵn sàng lên đường”.
“Nhưng công việc giấy tờ cũng phải mất vài ngày”, Ruth nói. “Chắc ông cũng biết là hiện nay có rất nhiều đơn hàng bị tồn đọng vì-”
“Vì cái chết tiệt”, Fenston nói. “Ngay khi FAA dỡ bỏ lệnh cấm, tôi sẽ cho Karl Leapman tới nhận bức tranh ngay”.
“Nhưng nhân viên của tôi cũng đang phải làm suốt ngày đêm để giải quyết những chuyện phát sinh do”
“Tôi cho bà biết nhé”, Fenston nói. “Nếu bức tranh đã sẵn sàng khi máy bay của tôi hạ cánh xuống sân bay Heathrow, tôi sẽ trả gấp ba tiền công cho bà”.
Fenston đặt ống nghe xuống, và tin chắc rằng những từ duy nhất mà Ruth ghi nhớ là “gấp ba”. Ông ta đã lầm. Ruth ngạc nhiên khi thấy ông ta không đề cập gì đến những cuộc tấn công vào toà Tháp đôi, và cũng không nhắc gì đến Anna. Cô ấy có còn sống không? Và nếu cô ấy còn sống thì tại sao người đi nhận bức tranh lại không phải là cô ấy?
Tina đã nghe lỏm được mọi chi tiết của cuộc nói chuyện giữa Fenston với Ruth Parish từ máy nhánh trong văn phòng của cô mà Fenston không hề hay biết. Tina ước chị có thể liên lạc với Anna để báo tin cho Anna biết – một sự việc mà hai người không tính đến. Có lẽ tối nay Anna sẽ gọi về cho chị.
Tina tắt nút chuyển đường dây điện thoại, nhưng vẫn để nguyên màn hình camêra theo dõi trên góc bàn làm việc của chị. Điều đó cho phép chị quan sát mọi thứ, và quan trọng hơn là có thể biết những ai ra vào văn phòng chủ tịch. Fenston không hay biết gì về chuyện này, bởi vì ông ta chẳng bao giờ hỏi. Ông ta cũng chẳng bao giờ thèm bước chân vào phòng chị, một khi ông ta có thể triệu tập chị bằng cách ấn một chiếc nút. Còn nếu Leapman bước vào phòng mà không gõ cửa, chị sẽ tắt màn hình ngay lập tức.
Khi Leapman thuê trụ sở mới trên tầng 32 của toà nhà này, ông ta không để ý gì đến phòng làm việc của thư ký. Dường như mối quan tâm duy nhất của ông ta là làm thế nào để vị chủ tịch có được một không gian rộng rãi nhất trong điều kiện cho phép, trong khi chính ông ta thì chiếm một phòng ở cuối hành lang. Tina không nói gì với ông ta về những thiết bị an ninh và điện tử đặc biệt trong phòng làm việc của chị. Chị hiểu rằng đến một lúc nào đó sẽ có người phát hiện ra chuyện này, nhưng chị hy vọng đến khi đó chị đã thu thập đủ thông tin cần thiết để khiến Fenston phải chịu một số phận tồi tệ hơn cả những gì mà ông ta đã gây ra cho chị.
Sau khi đặt ống nghe xuống, Fenston ấn một chiếc nút ở cạnh bàn làm việc của ông ta. Tina cầm bút chì, sổ ghi chép và đi sang văn phòng chủ tịch.
“Việc đầu tiên tôi muốn cô phải làm”, Fenston bắt đầu, trước cả khi Tina kịp khép cửa lại, “là tìm hiểu xem tôi còn lại bao nhiêu nhân viên. Hãy thông báo với họ về địa điểm mới của chúng ta, và yêu cầu họ đi làm ngay”.
“Tôi thấy trưởng ban an ninh là người đầu tiên đã có mặt ở đây sáng nay”, Tina nói.
“Đúng, anh ta có tới”, Fenston nói, “và anh ta khẳng định đã ngay lập tức yêu cầu tất cả các nhân viên của công ty sơ tán sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào Tháp Bắc”.
“Và anh ta đã làm gương cho mọi người”, Tina nói mỉa.
“Ai nói thế với cô?” Fenston hỏi mà không thèm ngửng đầu lên.
Tina ngay lập tức hối hận vì đã trót nói ra những lời đó. Chị nói, “Tới trưa tôi sẽ gửi danh sách cho ngài”, và vội quay mình bước ra ngoài.
Suốt buổi sáng hôm ấy, chị tìm cách liên lạc với 43 nhân viên của Fenston Finance từng làm việc trong Tháp Bắc. Đến 12 giờ trưa, chị liên lạc được với 34 người trong số đó. Chị đặt danh sách chín người mất tích, có lẽ là đã chết, lên bàn của Fenston trước khi đi ăn trưa.
Anna Petrescu là cái tên thứ sáu trong danh sách đó.
Khi Tina đặt danh sách những người mất tích lên bàn của Fenston cũng là lúc Anna tới được Cầu tàu 11 bằng tắc xi, xe buýt, đôi chân, rồi lại tắc xi. Một hàng người dài đang kiên nhẫn chờ phà đi New Jersey. Cô đứng vào cuối hàng, rồi đeo một cặp kính đen lên, và kéo sụp mũ lưỡi trai xuống che gần kín mắt. Cô đứng khoanh tay trước ngực, cổ áo khoác dựng lên, đầu cúi xuống, và như thế thì chỉ những ai không biết giữ ý mới bắt chuyện với cô.
Cảnh sát kiểm trả thẻ căn cước của tất cả những ai rời khỏi Manhattan. Cô nhìn theo khi một anh chàng tóc đen, da ngăm đen bị lôi sang một bên. Anh ta có vẻ kinh ngạc khi thấy có tới ba nhân viên cảnh sát vây quanh mình, một người hỏi, hai người lục soát.
Phải mất gần một giờ đồng hồ, Anna mới tiến đến đầu hàng. Cô bỏ chiếc mũ lưỡi trai ra, để lộ mái tóc vàng và làn do mịn màng của mình.
“Cô tới New Jersey vì việc gì?” một viên cảnh sát hỏi khi kiểm tra thẻ căn cước của cô.
“Một người bạn của tôi làm việc ở Tháp Bắc, và chị ấy vẫn còn mất tích”. Anna dừng lại. “Và tôi nghĩ tôi nên tới thăm bố mẹ chị ấy”.
“Xin lỗi cô”, viên cảnh sát nói. “Tôi hy vọng họ sẽ tìm thấy cô ấy”.
“Cảm ơn anh”, Anna nói rồi nhanh chóng xách hành lý lên cầu thang xuống phà. Cô đã nói dối và cô xấu hổ vì chuyện đó tới mức cô không dám nhìn lại phía sau. Cô đứng tựa vào lan can phà và ngước nhìn đám mây xám xịt vẫn còn lơ lửng trên khu Trung tâm Thương mại Thế giới và những toà nhà cạnh đó. Cô băn khoăn không hiểu phải mất bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần thì đám mây ấy mới tan biến. Rồi họ sẽ làm gì với khu đất tan hoang đó, và họ sẽ làm gì để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng? Cô nhìn lên bầu trời trong xanh trên đầu mình. Thiếu vắng một cái gì đó. Dù nơi đây chỉ cách JFK và La Guardia vài dặm, trên trời không có bóng một máy bay nào, như thể tất cả các máy bay trên trái đất này đều đã bất ngờ di tản đến một thế giới khác mà không hề báo trước.
Động cơ nổ phành phạch, và chiếc phà già nua chầm chậm rời khỏi cầu tàu bắt đầu hành trình vượt qua Hudson để tới New Jersey.
Đồng hồ trên tháp cầu tàu điểm một giờ. Nửa ngày đã trôi qua.
“Ít nhất phải vài ngày nữa máy bay mới được phép cất cánh từ sân bay JFK”, Tina nói.
“Kể cả máy bay tư nhân à?” Fenston hỏi.
“Không có ngoại lệ”, Tina đáp.
“Hoàng gia Arập được phép rời vào ngày mai”, Leapman, lúc này đang đứng bên cạch vị chủ tịch, nói xen vào, “nhưng có vẻ đó là trường hợp ngoại lệ duy nhất”.
“Trong khi đó, tôi sẽ cố gắng để ngài có tên trong danh sách mà báo giới gọi là ưu tiên”, Tina nói, mặc dù chị biết rằng cơ quan cảng vụ sẽ không bao giờ xếp việc ông ta muốn đi lấy bức Van Gogh vào danh sách những trường hợp khẩn cấp.
“Chúng ta có bạn ở JFK không?” Fenston hỏi.
“Có vài người”, Leapman đáp, “nhưng tất cả bọn họ đều thình lình có rất nhiều mối quan hệ với những nhân vật cỡ bự”.
“Có cách nào khác không?” Fenston vừa hỏi vừa nhìn cả hai người.
“Có lẽ ông nên lái xe đến Mêhicô hoặc Canada”, Tina nói, “và đi máy bay hạng thương gia tới đó”. Chị thừa biết rằng ông ta sẽ không bao giờ chọn cách đó.
Fenston lắc đầu và quay sang nói với Leapman, “Hãy cố tìm lấy một người bạn, một ai đó đang cần một thứ gì đó. Bao giờ cũng có những người như vậy”.