Ấn tượng sai lầm - Chương 14

Ấn tượng sai lầm - Chương 14

Chương 14

Ngày đăng
Tổng cộng 57 hồi
Đánh giá 9.6/10 với 81472 lượt xem

Ruth Parish cầm ống nghe lên.
“Chào Ruth”, một giọng nói quen thuộc vang lên. “Ken Lane ở hãng hàng không United đây, báo cho bà biết là chuyến bay 107 của chúng tôi tới New York đã được lệnh quay trở lại, và chúng tôi tính rằng máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Heathrow sau một giờ nữa”.
“Nhưng tại sao?” Ruth hỏi.
“Mọi chi tiết lúc này đều chưa rõ”, Ken thừa nhận, “chỉ biết là các thông báo phát đi từ sân bay JFK cho thấy dường như toà tháp đôi ở New York đã bị khủng bố tấn công. Tất cả các sân bay của Mỹ đều cấm máy bay lên xuống, và không một máy bay nào được bay vào Mỹ cho đến khi có thông báo mới”.
“Chuyện đó xảy ra khi nào?”
“Vào lúc khoảng 1:30 theo giờ London, lúc ấy chắc bà đang ăn trưa. Bà có thể biết thêm chi tiết về vụ này trên tất cả các kênh”.
Ruth cầm lấy chiếc điều khiển từ xa rồi chĩa vào màn hình tivi.
“Bà có muốn đưa bức tranh vào nhà kho không?” Ken hỏi, “hay bà muốn chúng tôi trả nó về Lâu đài Wentworth?”
“Tất nhiên là bức tranh ấy sẽ không trở lại Wentworth”, Ruth nói. “Tôi sẽ để bức tranh ấy lại qua đêm tại một trong những nhà kho phi hải quan, và sẽ đưa nó lên chuyến bay đầu tiên tới New York sau khi JFK dỡ bỏ lệnh cấm”. Ruth dừng lại. “Ông có thể báo cho tôi 30 phút trước khi máy bay hạ cánh để tôi thu xếp xe tải của tôi tới chờ ở sân bay không?”
“Tôi sẽ gọi”, Ken nói.
Ruth gác ống nghe rồi nhìn lên màn hình tivi. Bà bấm số 501 trên chiếc điều khiển từ xa. Hình ảnh đầu tiên mà bà trông thấy là một chiếc máy bay đang lao vào Tháp Nam.
Giờ thì bà hiểu tại sao Anna lại chưa gọi cho bà.
Trong khi lau khô người, Anna bắt đầu suy đoán lý do tại sao Tina vẫn tiếp tục làm việc cho Fenston. Cô lắc đầu. Suy cho cùng, Tina hoàn toàn có thể kiếm được một công việc khá hơn.
Cô khoác chiếc áo lên người và xỏ chân vào đôi dép lê, rồi đeo chiếc dây chuyền lên cổ và đeo chiếc đồng hồ vào tay. Cô ngắm nhìn mình trong gương; vẻ ngoài đúng là đã khá hơn nhiều, nhưng Anna vẫn còn cảm thấy choáng váng khi nghĩ lại những gì mà cô vừa trải qua vài giờ trước. Cô băn khoăn không hiểu cơn ác mộng này sau bao nhiêu năm tháng mới thôi ám ảnh cô.
Cô mở cửa phòng tắm và đi dọc theo hành lang, tránh những dấu chân đầy tro mà cô đã để lại trên thảm trước đó. Khi cô bước vào trong bếp, Tina dừng bày biện bàn ăn và đưa cho cô chiếc điện thoại di động của mình.
“Đã đến lúc gọi cho Victoria và nói với bà ấy về việc cậu sắp làm”.
“Mình sắp làm gì?” Anna hỏi.
“Đầu tiên là hỏi xem bà ấy có biết hiện giờ bức Van Gogh đang ở đâu không”.
“Được khoá kín ở một phòng phi hải quan tại sân bay Heathrow, mình cá là như thế, nhưng chỉ có một cách để biết chính xác”. Anna quay số 00.
“Tổng đài quốc tế xin nghe”.
“Tôi cần một số điện thoại ở Anh quốc”.
“Văn phòng hay nhà ở?”
“Nhà ở”.
“Tên?”
“Wentworth, Victoria”.
“Địa chỉ?”
“Lâu đài Wentworth, Surrey”.
Một hồi yên lặng kéo dài trước khi Anna nhận được câu trả lời, “Xin lỗi bà, số máy nằm ngoài danh bạ”.
“Thế có nghĩa là gì?”
“Có nghĩa là tôi không thể cho bà biết số máy này”.
“Nhưng đây là trường hợp khẩn cấp”, Anna nài nỉ.
“Xin lỗi, thưa bà, dù vậy tôi vẫn không thể cho bà số máy này”.
“Nhưng tôi là một người bạn thân”.
“Dù bà là Nữ Hoàng thì cũng vậy, tôi xin nhắc lại, tôi không thể cho bà biết số điện thoại này”. Đầu kia đã dập máy. Anna chau mày.
“Thế kế hoạch B là gì?” Tina hỏi.
“Chẳng còn cách nào khác mà đích thân mình sẽ phải sang Anh và tìm cách gặp Victoria để trao đổi với bà ấy và báo cho bà ấy biết ý định của Fenston”.
“Tốt. Vậy thì vấn đề tiếp theo là cậu định vượt qua biên giới nước nào?”
“Làm sao mình có thể ra khỏi nước Mỹ một khi mình còn không thể quay về căn hộ của mình để lấy đồ đạc, trừ phi mình nói cho cả nước Mỹ biết là mình còn sống và đang đùa cợt họ?”
“Chẳng gì có thể ngăn cản được cậu nếu cậu muốn đi”, Tina nói. “Hãy nói cho mình biết cậu cần gì và mình sẽ gói gém vào một túi đồ-”
“Không cần”, Anna nói. “Tất cả những gì mình cần là chuẩn bị sẵn sàng và chờ cậu ở đại sảnh. Đừng quên là mình đã chuẩn bị để tối nay bay đi London”.
“Vậy thì tất cả những gì mình cần là chìa khoá phòng cậu”, Tina nói.
Anna cởi chiếc dây chuyền bạc đeo trên cổ ra và đưa chiếc chìa khoá cho Tina.
“Làm sao mình có thể qua mặt người gác cổng?” Tina hỏi. “Ông ta sẽ hỏi mình muốn gặp ai”.
“Không thành vấn đề”, Anna nói. “Ông ấy tên là Sam. Nói là cậu tới thăm David Sullivan. Ông ta sẽ cười và bấm thang máy cho cậu”.
“David Sullivan là ai?” Tina hỏi.
“Anh ta có một căn hộ trên tầng 4, và hiếm khi đưa một cô gái nào đó về nhà hai lần. Anh ta trả Sam vài đôla mỗi tuần để tất cả các cô gái đến với anh ta đều nghĩ rằng mình là bạn gái duy nhất của anh ta”.
“Nhưng như thế vẫn chưa giải quyết được vấn đề tiền nong”, Tina nói. “Đừng quên là cậu đã bị mất ví và thẻ tín dụng, và tất cả những gì mang trên mình chỉ còn 70 đôla”.
“Hôm qua mình vừa rút 3.000 đôla”, Anna nói. “Khi vận chuyển một bức tranh quý, cậu không thể để xảy ra chuyện một nhân viên kiểm soát dở người nào đó chặn cậu lại. Mình cũng còn 500 đôla nữa để trong ngăn kéo cạnh giường ngủ”.
“Và cậu sẽ phải dùng đến đồng hồ của mình”, Tina nói.
Anna cởi đồng hồ ra và đổi cho Tina.
Tina nhìn kỹ chiếc đồng hồ của Anna. “Cậu sẽ không được quên thời điểm chiếc máy bay lao vào toà nhà”, Tina nói, vừa lúc chiếc lò vi sóng kêu bíp bíp.
“Chưa chắc còn ăn được”, Tina vừa nói vừa đặt lên bàn một tô mỳ gà và một bát cơm rang còn thừa từ hôm trước. Họ vừa ăn vừa bàn về những phương án khác nhau để thoát ra khỏi thành phố, cũng như những địa điểm thích hợp để vượt biên giới ra khỏi nước Mỹ.
Khi họ đã vét hết không còn sót một mẩu thức ăn thừa nào, cũng là lúc họ đã cân nhắc tất cả những con đường có thể ra khỏi Manhattan, cho dù Anna vẫn còn lưỡng lự chưa biết nên đi theo hướng Nam hay hướng Bắc. Tina cho bát đĩa vào bồn và nói, “Tại sao cậu không tính xem đi đường nào thì nhanh nhất, trong lúc mình tìm cách vào và ra khỏi phòng cậu mà không bị Sam nghi ngờ?”
Anna ôm chặt lấy bạn. “Cẩn thận nhé”, cô nói, “ngoài kia là địa ngục đấy”.
Tina đứng trên bậc thềm cao nhất trước cửa nhà và nhìn quanh. Có chuyện gì đó không bình thường. Và chị đã nhận ra đó là chuyện gì. New York đã thay đổi!
Đường phố không còn tấp nập với những con người không-có-thời-gian-để-nói-chuyện, những con người vội vã nhất và cũng giàu sức sống nhất trên trái đất này. Tina cảm thấy thành phố yên ắng giống như một ngày Chủ nhật. Nhưng Chủ nhật cũng không yên ắng đến thế. Mọi người đứng tụm lại thành từng nhóm và cùng nhìn về khu Trung tâm Thương mại Thế giới. Thứ âm thanh nền duy nhất là tiếng còi hú không ngớt như muốn nhắc nhở mọi người rằng thảm kịch xảy ra chỉ cách chỗ họ vài toà nhà.
Tina xuống phố đón tắc xi, nhưng màu vàng quen thuộc của những chiếc xe tắc xi đã bị thay thế bằng màu đỏ, trắng, xanh của xe cứu hoả, cứu thương và xe cảnh sát đang chạy về mọi hướng. Từng nhóm người tụ tập tại các góc phố và vỗ tay cổ vũ khi một chiếc xe của một trong ba sắc màu này chạy qua, như thể đó là những tân binh đang rời xa tổ quốc để chiến đấu chống lại kẻ thù. Bây giờ thì kẻ thù đã ở ngay đây, Tina nghĩ.
Tina cứ đi, đi mãi, qua hết toà nhà này đến toà nhà khác, và chị hiểu rằng cũng giống như vào những ngày Chủ nhật, dân sống trong nội đô thành phố phải tự sửa đường ống nước cho nhà mình. Lúc này chị lại trông thấy một đoàn người kỳ dị đang đi quanh thành phố trong trạng thái thất thần. Trong hơn một thế kỷ qua New York luôn đón nhận những con người thuộc mọi sắc tộc, mọi màu da và giờ đây nó có thêm những công dân mang một màu da mới-màu xám tro. Chủng tộc mới này dường như vừa từ lòng đất chui lên và đang đi quanh khu Manhattan giống như những vận động viên maratông khập khiễng lê bước về nhà sau khi đã bị những vận động viên nhanh chân hơn bỏ rơi. Nếu có ai đó nhìn lên bầu trời New York vào buổi tối mùa thu hôm ấy hẳn sẽ nhận thấy một điều khác thường nữa. Bầu trời New York không còn lung linh với những toà nhà chọc trời rực sáng một cách kiêu hãnh nữa mà đã bị một đám mây bụi khổng lồ bao phủ. Rồi lần đầu tiên chị nhìn thấy những thanh thép nhô lên khỏi mặt đất-đó là tất cả những gì còn sót lại của một trong những toà tháp cao nhất thế giới. Ông nha sỹ đã cứu mạng chị.
Tina bước qua những cửa hiệu và những nhà hàng không người trong một thành phố vốn chưa bao giờ đóng cửa. New York sẽ bình phục, nhưng mọi chuyện sẽ không bao giờ còn như xưa nữa. Những kẻ khủng bố sống ở những vùng đất xa xôi: Trung Đông, Palestine, Israel, thậm chí ở cả Tây Ban Nha, Đức, Bắc Ailen. Chị nhìn lên bầu trời. Bọn khủng bố đã đến cướp đi mạng sống của những người dân New York vô tội, và chúng đã để lại địa chỉ của mình.
Tina trông thấy một chiếc tắc xi hiếm hoi chạy qua, và chị vội vẫy một cách tuyệt vọng. Chiếc tắc xi phanh két một tiếng và dừng lại sát bên chị.

Chương trước Chương sau