13 vụ án - Chương 11
Lá thuốc độc
Ngày đăng 21-12-2015
Tổng cộng 13 hồi
Đánh giá 10/10 với 25177 lượt xem
Nào, đến phiên bà B”. Ngài Henry Clethering khích lệ.
Bà Bantry, chủ nhân, lên tiếng trách móc.
“Tôi đã nói trước ông đừng gọi tôi là bà B. Nghe không được nghiêm trang”.
“Thôi thì Scheherazade vậy”.
“Cho dù không được như nàng Sche... tên gì nhỉ! Tôi không thể kể hết câu chuyện, không tin cứ hỏi Arthur”.
“Chuyện gì bà cũng biết, Dolly”, đại tá Bantry nói, “Chỉ có việc thêu thùa là bà không biết”.
“Thì vậy đó”, bà Bantry nói. Bà đặt tay gõ lên tập catalogue quảng cáo bóng đèn để trên bàn. “Nghe mấy ông nói nhiều mà không hiểu gì hết... Ông nói, bà nói, bạn ngạc nhiên, họ nghĩ là, ai cũng muốn ám chỉ.... thế đấy, tôi không chịu nổi!”
“Hơn nữa tôi không biết nên kể ra sao đây”.
“Thật khó tin, thưa bà Bantry”, bác sĩ Lloyd nói. Ông lắc đầu như muốn giễu cợt, khó tin.
Bà già Marple nhỏ nhẹ nói: “Thì tôi đã bảo mà...”
Bà Bantry lắc đầu quầy quậy. “Cuộc sống của tôi nó nhàm chán. Nào lo chuyện bọn giúp việc, khó tìm được người rửa chén bát, đi phố mua sắm quần áo, đến phòng nha sĩ, ra trường đua Ascot, Arthur không thích món này, rồi về làm vườn”.
“Chà!” Bác sĩ Lloyd lên tiếng, “lại chuyện làm vườn. Chúng tôi hiểu ý bà muốn nói gì, bà Bantry”.
“Có được mảnh vườn hay biết mấy”, Jane Helier nói “Lúc đó bà khỏi phải lo cuốc đất, làm lụng chi cho nhớp tay. Tôi cũng thích ngắm bông hoa”.
“Một mảnh vườn...” ngài Henry nói “Hay là có thể bắt đầu câu chuyện từ đây đi. Nào, bà B. kể chuyện mấy loại cây có củ độc hại, củ thủy tiên, mấy thứ cây thuốc độc, hại người đi!”
“Ông nói sao lạ vậy?” Bà Bantry nói.
“Nghe nói tôi mới nhớ, này Arthur, ông còn nhớ vụ việc tại nhà Clodderham Court chứ? Ông phải biết, vụ ngài Ambrose Bercy, cái ông lão có dáng vẻ lịch sự đấy mà”.
“À, nhớ chứ. Ờ vụ này cũng khá lạ. Dolly, bà kể đi”.
“Tôi nhường lời cho ông”.
“Thôi nào. Bà kể đi. Chuyện đó bà lo. Tôi còn kể chuyện khác”.
Bà Bantry hít vô một hơi sâu, chắp tay, nét mặt lo âu. Bà nói một hơi.
“Thế này, tôi không kể dài dòng. Một loài thảo dược chết người, nó đã in sâu trong trí tôi, nhắc đi nhắc lại mấy thứ lá đan sâm và củ hành”.
“Lá đan sâm và củ hành à?” Bác sĩ Lloyd hỏi lại.
Bà Bantry gật.
“Vì vậy cho nên ông mới biết”, bà giải thích. “Nhân một chuyến đi có tôi và Arthur, có cả ngài Ambrose Bercy đến Clodderham Court, một bữa nọ vì sơ xuất, thật là đáng trách, tôi còn nhớ, ra vườn hái mấy ngọn lá cây mao địa hoàng nhập chung một nhúm với lá cây đan sâm. Bữa cơm tối dọn ra có món vịt hầm nhồi mấy thứ lá đó vô, cuối bữa ăn ai cũng thấy đau râm râm, tội nghiệp cho con bé, người nhà của ngài Ambrose... chết vì món ăn đó”.
Bà thôi kể.
“Ôi trời ơi!” Bà Marple kêu lên. “Sao mà ghê vậy”.
“Ghê lắm hở?”
“Ờ” ngài Henry lên tiếng. “Rồi sao nữa?”
“Không còn sao nữa”, bà Bantry nói, “tới đó hết”.
Mọi người há hốc mồm. Dù được dặn trước không ai ngờ câu chuyện chỉ tới đó thôi.
“Này bà ơi”, ngài Henry kêu lên, “làm sao hết được. Chuyện bà kể đau đớn vậy, mà nghe chẳng thấy ngọn ngành gì hết”.
“Vâng, tất nhiên chuyện còn dài”, bà Bantry nói “Nếu kể cho ông nghe ông biết hết rồi còn gì”.
Bà nhìn quanh vẻ mặt câng câng, chợt buồn bã nói.
“Tôi không muốn thêm thắt cho câu chuyện thêm phần éo le”.
“A ha!” Ngài Henry nói. Ông ngồi ngay lại đưa tay sửa gọng kính. “Tất nhiên bà phải biết, Scheherazade chuyện còn mới nguyên. Bà nói vậy dễ đụng chạm. Tôi không nghĩ bà muốn tô vẽ cho thêm chuyện gợi trí tò mò. Giả sử như vài đoạn trong tập truyện ‘Hai mươi câu hỏi’ chẳng hạn. Nào đến lượt bà Marple phát biểu”.
“Tôi thắc mắc chuyện bà nấu ăn”, bà Marple nói “Các bà này ngu ngốc làm sao ấy hay là do tay nghề dở tệ”.
“Quá ngốc nghếch thì phải”, bà Bantry nói “Sau bữa ăn bà khóc lóc kể lể, người nhà đem về toàn lá đan sâm hỏi bà, bà có biết gì đâu”.
“Không phải bà ta đâu”, bà Marple nói.
“Hay là còn bà nữa lớn tuổi hơn, tôi biết chắc, giỏi nấu ăn”.
“Chà! Hay quá”, bà Bantry nói.
“Tới phiên cô Helier”, ngài Henry nói.
“Ồ! Ngài muốn nói là... tôi muốn hỏi gì không?”
Jane ngần ngừ một lúc. Nàng buông một câu cũng như không, “thật tình mà nói... tôi không có gì thắc mắc”.
Nàng hướng đôi mắt đẹp về phía ngài Henry như muốn nhắn nhủ.
“Sao ta không kể cho hết ra những ai tham gia vô vụ này, cô Helier?” Ngài cười, gợi ý.
Jane chưa hết ngạc nhiên.
“Tính theo thứ tự người có mặt”, ngài Henry nói.
“Vâng”. Jane nói “Một sáng kiến thật hay”.
Bà Bantry bắt đầu kể. Bà đếm tên từng người trên đầu ngón tay.
“Ngài Ambrose, Sylvia Keene, nạn nhân mới chết, có một người bạn thân của cô ta là Maud Wye, cô bé xấu xí hơn, muốn giúp đỡ bạn... Và một ông tên Curle, đến gặp ngài Ambrose bàn chuyện sách cổ viết bằng tiếng Latinh đã ẩm mốc. Tới Jerry Lorimer, một ông bạn hàng xóm tốt bụng, có một cơ sở kinh doanh là Fairlies cùng hợp tác làm ăn nên sáp nhập vô trang trại của ngài Ambrose. Còn một bà Carpenter, đã lớn tuổi, muốn tìm một gia đình để nương tựa tuổi già. Bà nhận làm một người giúp việc như Sylvia, hình như vậy”.
“Nếu đến phiên tôi”, ngài Henry nói, “nói ví dụ thôi, bởi tôi ngồi kế bên cô Helier, tôi muốn lắm. Muốn được nghe bà Bantry tóm tắt lại những việc từ đầu”.
“Chà!” Bà Bantry ngần ngừ.
“Qua đến ngài Ambrose”, ngài Henry nói, “kể lại từ đầu, ông ta ra sao?”
“Ồ! Khỏi phải nói ông là một người hết sức đẹp trai, cũng không già lắm đâu... chưa tới tuổi lục tuần, đâu khoảng đó. Coi vậy mà yếu lắm, đau tim nên không leo lên được cầu thang, thành ra nhìn bề ngoài có vẻ già hơn tuổi thiệt. Phải nói là ông rất ân cần, lịch sự là đằng khác, theo cách nói của mấy người hàng xóm. Không thấy ông giận hay bực bội với ai. Mái tóc bạch kim trông đẹp mắt, giọng nói nghe êm tai”.
“Hay lắm”, ngài Henry nói “Tôi hiểu được ngài Ambrose. Còn cô nàng Sylvia... tên thật của nàng là gì?”
“Sylvia Keene. Nàng xinh đẹp... phải nói là rất xinh đẹp. Tóc nàng hoe vàng, nước da mịn màng. Phải nói là không thông minh cho lắm, hơi ngốc một chút”.
“Ô kìa, Dolly”. Chồng bà phản bác.
“Nhưng mà, Arthur, tôi không có ý muốn nói vậy đâu”, bà Bantry thản nhiên nói “Phải nói cô nàng ngốc nghếch thật... chẳng có chuyện nào kể nghe lọt tai”.
“Lẽ ra phải khen nàng là một cô gái tuyệt vời mới xứng đáng”, đại tá Bantry khoái chí nói “Nhìn nàng ra sân tennis mà coi... trông nàng duyên dáng, thật là duyên dáng. Nàng lúc nào cũng vui nhộn, thật là nhí nhảnh. Những lúc đó nàng càng xinh hơn, bọn trẻ ai nhìn thấy cũng thích”.
“Coi chừng ông nhầm rồi đấy”, bà Bantry nói “Lớp trẻ thời đó lại không thấy hấp dẫn mấy ông như ngày nay. Chỉ có mấy ông già lẩm cẩm như ông ngồi đó mà nói ba hoa chuyện mấy cô nàng còn son trẻ”.
“Trẻ thôi chưa đủ”, Jane nói “Phải là một em biết SA mới được”.
“Sao...” bà Marple nói “SA là sao?”
“Là ‘sex appeal’”. Jane nói.
“À ra vậy”, bà Marple nói, “Thời của tôi hồi đó người ta thường hay nói là ‘nhìn thấy đã mắt’”.
“Nói yậy cũng không phải ngoa”, ngài Henry nói “Theo lời bà kể cô giúp việc y như là một con mèo, có phải vậy không bà Bantry?”
“Không phải loài mèo, ông hiểu chưa?” Bà Bantry nói “Khác xa. Phải nói là một cô nàng mềm mại, trắng trẻo. Lúc nào cũng mượt mà, êm dịu. Người giúp việc Adelaide Carpenter cũng vậy đó”.
“Hình như là một bà đã lớn tuổi”.
“Ối chà! Đâu khoảng bốn mươi gì đó. Bà ở đây khá lâu từ lúc Sylvia mới mười một tuổi. Bà ấy lịch sự. Một quả phụ sống trong hoàn cảnh bất hạnh, người thân trong giới quý tộc thì vô số nhưng không có được một xu tiền mặt. Tôi lại không thích bà ta nhất là mấy bà tay dài trắng trẻo. Tôi thì không thích mèo”.
“Còn ông Curle?”
“Ôi! Mấy ông già lụm cụm. Mấy ông đi đâu cũng thế, khó phân biệt ai là ai! Ông thích nhất khi có người hỏi chuyện sách cổ, ông còn giữ mấy bản đã mốc meo nhưng không phải lúc nào cũng vậy đâu. Chắc gì ngài Ambrose quan tâm đến ông ta”.
“Còn anh chàng hàng xóm Jerry?”
“Anh chàng này dễ thương, đã đính hôn với Sylvia. Thế mới buồn chứ”.
“Còn tôi thì chưa hiểu sao...” Bà Marple nói tới đó bỗng ngưng nửa chừng.
“Sao?”
“Chả sao”.
Ngài Henry nhìn bà thấy lạ, chợt ông hỏi kỹ: “Vậy là anh chàng đã đính hôn với cô nàng. Đã lâu chưa?”
“Chừng một năm nay. Ngài Ambrose không chịu, bởi cô nàng còn nhỏ. Được chừng một năm, chịu không nổi gã đòi cưới sớm”.
“À! Còn nàng có của cải gì không?”
“Hình như không, mỗi năm kiếm đâu được vài trăm”.
“Chẳng có một món nào để làm của hồi môn, Clithering”, Đại tá Bantry vừa cười nói.
“Đến lượt ông bác sĩ muốn hỏi”, ngài Henry nói “Tôi rút lui”.
“Tôi chỉ muốn hỏi về chuyên môn thôi”, bác sĩ Lloyd nói “Tôi muốn biết trong biên bản điều tra có tìm thấy bằng chứng hại cho sức khỏe... tức là bà còn nhớ hoặc bà biết rõ”.
“Tôi cũng không nhớ rõ”, bà Bantry nói, “cái vị thuốc trong lá cây lồng đèn mới là độc hại, phải không?”
Bác sĩ Lloys gật đầu.
“Chất độc trong lá cây mao địa hoàng lồng đèn digi-talis... đi vô tim. Đúng ra đây là một món dược liệu quý dùng điều trị bệnh tim mạch. Đây là một trường hợp hiếm có. Sau khi ăn phải món ăn có trộn lá cây mao địa hoàng bị ngộ độc chết. Từ đó người ta đồn đại thêm là ăn trúng lá cây và trái độc. Chỉ vài người mới biết lá cây là dược liệu, nó được chiết xuất để làm thuốc chữa bệnh”.
“Hôm nọ bà Mac Arthur có gởi cho bà Toomie mấy củ về trồng”, bà Marple nói “Bà nấu ăn nhìn lầm tưởng củ hành, báo hại mấy người nhà Tomies ôm bụng rên đau”.
“Đã có ai chết đâu”. Bác sĩ Lloyd nói.
“Không, không sao”. Bà Marple nói.
“Có một cô nàng chết do ngộ độc thực phẩm, chất alkaloid”. Jane Helier nói.
“Ta phải cho điều tra vụ này”. Ngài Henry nói.
“Một vụ án sao?” Jane nói vừa kinh ngạc. “Tôi cho đó chẳng qua là một việc rủi ro”.
“Nếu là chuyện rủi ro...” ngài Henry thong thả nói “Thì bà Bantry đem ra kể làm gì. Không, theo tôi thì nhìn qua tưởng đâu là rủi ro nhưng mặt trái của nó rùng rợn hơn nữa kia. Tôi nhớ lại một lần, sau bữa ăn mọi người ngồi lại chuyện trò. Nhìn trên tường treo đầy các món vũ khí xưa. Trong một lúc bốc đồng, một người ngồi trong bàn với tay lấy khẩu súng ngắn chĩa vô mặt ông bạn dọa bắn chơi. Súng còn đạn, nên nổ một phát, ông kia chết. Trong vụ này ta nên xác minh, trước hết, ai đã lén nạp đạn vô súng, kế đến, ai là người dựng lên buổi trò chuyện để xảy ra cuộc nổ súng, bởi người giật lấy khẩu súng hoàn toàn vô tư!”
“Tôi thấy đây là câu chuyện cùng nêu lên một vấn đề như nhau. Món ăn được nhồi chung hai thứ đan sâm và lồng đèn, tất nhiên là độc hại vô cùng. Khi người nấu ăn được miễn nghi vấn ta đã loại trừ khả năng này kia mà, phải không? Tới đây vấn đề đặt ra: Ai đi hái lá cây đem về giao cho bà nấu ăn?”
“Dễ hiểu thôi”, bà Bantry nói “thì đây câu giải đáp. Do Sylvia mang vô bếp. Công việc mỗi bữa là nàng lo hái mấy thứ rau cải, lá cà rốt non nhưng phải chờ cây lá tới lúc đậm đà hương vị. Hôm nào Sylvia với bà Carpenter cũng đều ra vườn để hái chúng. Thường thì mấy bụi cây lồng đèn mọc xen lẫn với cây đan sâm đàng góc kia, khi hái tay quơ đại với lấy một nắm, chuyện thường”.
“Nhưng có phải do chính tay Sylvia hái không chứ?”
“Thì có ai thấy đâu, chỉ đoán thôi”.
“Chỉ đoán thôi”, ngài Henry nói “Vậy thì nguy to”.
“Tôi biết không phải Carpenter đi hái đâu”, bà Bantry nói “Bởi nhớ lại sáng hôm đó bà đi dạo với tôi ngoài hàng hiên, sau bữa ăn sáng. Mới ra giêng và trời ấm hơn mọi năm lạ lùng. Sylvia ra vườn một mình, một lát sau thấy nàng cặp kè đi vô cùng với Maud Wye”.
“Chắc là hai người thân nhau lắm?” Bà Marple hỏi.
“Vâng”, bà Bantry đáp. Bà định nói gì đó nhưng nghĩ sao bà im lặng.
“Cô nàng ở lại chơi lâu mau?” Bà Marple hỏi.
“Khoảng độ hai tuần”. Bà Bantry nói giọng hơi run run.
“Bà chẳng ưa gì cô Wye thì phải”. Ngài Henry hỏi dò.
“Có chứ. Tôi thích cô nàng. Có mà”. Giọng bà nói có ẩn ý phiền muộn.
“Bà còn giấu chưa nói ra, bà Bantry”. Ngài Henry rõ ràng muốn bà nói những gì mà bà chưa tiết lộ.
“Tôi lấy làm lạ một điều”, bà Marple nói “Nhưng mà không muốn nói ra đây...”
“Bà thấy lạ từ lúc nào?”
“Từ lúc nghe bà kể đôi bạn trẻ vừa đính hôn. Thế mới đáng buồn, nhưng bà hiểu cho, nghe giọng nói bà không được tự nhiên... không rõ ràng, bà hiểu chứ?”
“Bà mới kỳ lạ làm sao”, bà Bantry nói “Ai cũng muốn biết. Vâng, tôi đang lo nghĩ một điều, không biết có nên nói ra đây”.
“Bà cứ kể ra”, ngài Henry nói “Đừng ngại... mọi nghi ngờ của bà sẽ được giữ kín”.
“Vâng, chuyện như thế này...” Bà Bantry nói “Buổi tối hôm đó, đúng rồi buổi tối trước hôm xảy ra câu chuyện bi thảm, không hiểu sao tôi đi ra ngoài hàng hiên trước giờ dọn cơm. Cửa sổ phòng khách còn mở, tôi ghé mắt nhìn vô thấy Jerry Lorimer và Maud Wye ở bên trong. Anh ta ôm hôn cô nàng. Phải nói là không biết có phải do tình cờ run rủi hay là... Tôi muốn nói là khó nói ra quá. Bởi ngài Ambrose không thích anh chàng Jerry Lorimer ra mặt, mà điều này anh chàng cũng nhận ra. Có một điều tôi biết chắc: cô nàng đó, Maud Wye khoái anh chàng. Bữa nào rình thử coi cô nàng liếc mắt nhìn anh chàng thì biết ngay. Tôi thì cho là hai người hợp nhau hơn là với Sylvia”.
“Cho tôi hỏi một câu trong lúc chờ đợi bà Marple”, ngài Henry nói “Có phải sau cái đêm bi thảm đó Jerry Lorimer muốn lấy nàng Maud Wye không?”
“Có chứ”, bà Bantry nói “Có. Sáu tháng sau hai người làm đám cưới”.
“Ồ! Nàng Scheherazade, Scheherazade”, ngài Henry nói “Tôi phải thuật lại cách diễn đạt câu chuyện vừa qua. Đúng trọng tâm, và nhớ lại cái món thịt...”
“Thôi đừng nhắc chuyện này”, bà Bantry nói “Đừng nhắc tới món thịt. Ở đấy toàn là người ăn chay không à. Nghe họ nói thế này: ‘Tôi không ăn thịt’, tất nhiên ông phải bỏ miếng thịt bít tết qua một bên. Ông Curle là người ăn chay. Bữa sáng ông ăn một món như cháo bột. Ông già này có những sở thích độc đáo, chẳng hạn như xài đồ lót hàng hiệu”.
“Trời ơi, Dolly”, chồng bà lên tiếng, “bà còn biết chuyện đồ lót của ông Curle nữa cơ à?”
“Có phải vậy đâu”, bà Bantry tức giận nói “Tôi chỉ đoán chừng thôi”.
“Nếu vậy phải đổi lại nhận xét lúc ban đầu”, ngài Henry nói “Thay vì vậy tôi phải nói nhân vật trong câu chuyện kể của bà thật là lý thú. Tôi phải xét lại từ đầu... kìa bà Marple...”
“Bản tính con người bao giờ cũng có cái hay, thưa ngài Henry. Lạ hơn nữa một số người thích lặp đi lặp lại cái cũ”.
“Có tới hai bà một ông”, ngài Henry nói “Chuyện tình tay ba xưa như trái đất. Phải chăng đây là câu chuyện ta muốn nêu ra? Tôi cho là có đấy”.
Bác sĩ Lloyd đằng hắng lấy giọng.
“Tôi đã nghĩ tới chuyện đó”, ông dè dặt nói “Có phải, thưa bà Bantry, bà vừa nói cảm thấy lợm giọng”.
“Nào có phải tôi! Cả Arthur! Và mọi người nữa!”
“Phải rồi, tất cả mọi người”, ông bác sĩ nói “Bà hiểu ý tôi nói chứ? Câu chuyện ngài Henry vừa kể có một ông giết người nhưng không có ý định nhắm bắn ai hết”.
“Tôi chả hiểu”. Jane nói “Ai bắn ai?”
“Ý tôi muốn nói người thực hiện âm mưu này có ý nghĩ thật lạ lùng, hoặc là tin tưởng một cách mù quáng hay là không thèm đếm xỉa đến mạng người. Tôi không ngờ lại có chuyện một người có ý định đầu độc hết tám người chỉ vì có tư thù một người trong số thực khách”.
“Tôi hiểu ý ông”, ngài Henry nói, vẻ mặt trầm ngâm. “Thú thật tôi phải nghĩ mãi về câu chuyện đó”.
“Tức là hắn muốn tự đầu độc cả mình nữa hay sao?” Jane hỏi.
“Trong bữa ăn còn thiếu ai không?” Bà Marple hỏi.
Bà Bantry lắc đầu.
“Có mặt đông đủ mọi người”.
“Chỉ trừ Lorimer, tôi giả sử vậy. Bữa đó anh ta vắng nhà, phải không?”
“Không, gã có ngồi vô bàn ăn bữa đó”, bà Bantry nói.
“Chà!” Bà Marple bỗng nhiên đổi giọng. “Vậy là mọi chuyện bỗng rối ren”.
Bà cau mày có vẻ phật ý.
“Tôi thật là ngốc nghếch”, bà nói lầm bầm. “Quá ngốc đi thôi”.
“Nghe ông kể lại tôi càng lo thêm, Lloyd”. Ngài Henry nói.
“Dựa trên tiêu chuẩn nào cho là cô nàng, chỉ mỗi cô nàng ấy thôi, bị ngộ độc nặng hơn hết”.
“Ngài không thể nghi ngờ”, ông bác sĩ nói “Tôi sẽ nói ra đây quan điểm của tôi. Giả sử cô nàng không phải nạn nhân được nhắm trước trong vụ này thì sao?”
“Sao?”
“Trong các vụ ngộ độc thức ăn, kết quả kiểm nghiệm không phải lúc nào cũng chính xác. Món ăn dọn ra cho tất cả mọi người trong bàn. Rồi sao? Một hay hai người bị nhẹ, hai người nữa thấy khó chịu, một người chết. Chỉ có vậy... thiếu cơ sở để xét đoán chính xác. Nhưng nhiều vụ phát sinh thêm manh mối khác nữa. Như nhựa cây lồng đèn dùng điều trị bệnh tim... thầy thuốc cho toa điều trị một vài ca bệnh. Đến đây mới hay trong nhà đó có một người đau tim. Giả sử người đó là nạn nhân được tính toán trước? Vì sao mọi người khác không hề gì mà người này bị ngộ độc... hay là biết đâu thủ phạm đã nhắm trước. Câu chuyện chuyển qua một hướng khác với một bằng chứng tôi sẽ kể ra đây; hiệu quả của một vị thuốc tác động trên cơ thể người”.
“Thưa ngài Ambrose”, ngài Henry lên tiếng, “có phải ngài cho là chính người đàn ông đó là nạn nhân được tính toán trước? Như vậy cái chết cô nàng kia là một sự nhầm lẫn”.
“Sau khi ông ta chết ai là người thừa kế?” Jane hỏi.
“Một câu hỏi thật sâu sắc đó, cô Helier. Câu hỏi đầu tiên mà người trong nghề như tôi thường nghe đến”. Ngài Henry nói.
“Ngài Ambrose có một người con trai”, bà Bantry chậm rãi nói “Hai cha con trước đây đã từng cãi vã nhau một trận dữ dội. Anh chàng này ngổ ngáo lắm, tôi biết. Hơn nữa ngài Ambrose không có quyền truất quyền thừa kế, mà chuyển giao lại cho nhà Clodderham Court. Martin Bercy được chỉ định lên thế quyền và giữ tài sản. Ngoài ra ngài Ambrose còn nhiều món tài sản mà ông muốn để lại cho người được bảo trợ là Sylvia. Sở dĩ tôi biết là vì chưa đầy một năm ngài Ambrose chết, từ sau cái vụ tai tiếng kia mà tôi đã kể, ông không màng tới chuyện làm tờ di chúc mới sau cái chết đột ngột của Sylvia. Tôi biết rõ tất cả tiền bạc giao cho nhà nước... hoặc để cho một người bà con ruột thịt, tôi không nhớ rõ họ tên”.
“Vậy là ngài muốn để lại cho một người con không có mặt ở đây và một cô nàng chết để tránh xa ông”, ngài Henry trầm ngâm nói “Vậy thì chẳng có ai được gì?”
“Còn người đàn bà kia thừa hưởng được gì không?” Jane hỏi, “Người mà bà Bantry gọi là người đàn bà như mèo”.
“Không nghe nhắc tên bà ta trong tờ di chúc”, bà Bantry nói.
“Bà Marple, bà không nghe gì sao”, ngài Henry lên tiếng, “hình như bà đang nghĩ ngợi đâu đâu”.
“Tôi đang liên tưởng tới ông Badger, một dược sĩ”, bà Marple nói “Nhà ông có thuê một người giúp việc hãy còn nhỏ lắm nhỏ, hơn con gái ông, có thể nói như cháu nội ngoại gì đó thì đúng hơn. Trong nhà và cả con cháu trông nhờ vô ông. Đến lúc ông chết, có ai ngờ chuyện ông lấy con bé giúp việc âm thầm đâu từ hai năm trước? Tất nhiên ông Badget là một dược sĩ, một ông lão thô lỗ tầm thường. Còn ngài Ambrose thì hào hoa lịch sự theo như lời của bà Bantry, cho dù ở địa vị nào bản tính con người là thế đó”.
Câu chuyện chợt ngưng nửa chừng, ngài Henry nhìn chăm chăm bà Marple, bà quay lại nhìn ông như muốn giễu cợt. Chợt Jane Helier cất tiếng xóa tan phút yên tĩnh.
“Bà Carpenter có xinh đẹp không?” Nàng hỏi.
“Được, bình thường thôi”.
“Bà nói chuyện nghe rất êm tai”. Đại tá Bantry nói “Giọng nói nghe gừ gừ thì có”, bà Bantry phản đối. “Gầm gừ”.
“Thảo nào mới hôm kia đây bà chê bà ta y như là một con mèo đó, Dolly”.
“Tôi thì muốn được như con mèo quanh quẩn trong nhà”, bà Bantry nói “Tính tôi không thích gần đàn bà, ông hiểu ý tôi. Sở thích của tôi là đoán được ý mấy ông và ngắm hoa đẹp”.
“Sở thích thuộc hạng cao cấp”, ngài Henry nói “Lạ ở chỗ bà nhắc tới mấy ông trước”.
“Mình phải tế nhị một chút”, bà Bantry nói “Nào chuyện của tôi tới đâu rồi? Tôi thích sòng phẳng, Arthur ông thấy tôi sòng phẳng chứ?”
“Ờ, chứ sao. Tôi thấy chả có việc gì cứ nói mãi về chuyện quản lý câu lạc bộ đua ngựa”.
“Trước hết là...” Bà Bantry nói chỉ tay về phía ngài Henry.
“Tôi không thích dài dòng. Bởi chưa nắm vững vấn đề. Trước tiên là ngài Ambrose. A, phải nói là ông ta không tính tới chuyện tự tử theo lối xưa. Ngoài ra ông chẳng được lợi gì khi hay tin cái chết của cô nàng mà ông ta bảo trợ. Loại trừ ngài Ambrose. Qua tới ông Curle. Không tìm thấy duyên cớ gây ra cái chết cô nàng kia. Nếu ngài Ambrose là nạn nhân trong cuộc rất có thể ông ta sẽ cuỗm lấy mấy trang bản thảo mà không ai nhớ ra. Chứng cứ rất mong manh và không thuyết phục. Tôi cho dù bà Bantry gợi ý nghi ngờ sở thích kỳ quái của ông ta liên quan đến mấy món đồ lót, rốt cuộc ông Curle cũng được miễn trừ. Qua tới cô Wye. Không tìm thấy nguyên do gây ra cái chết ngài Ambrose. Nhưng cái chết của Sylvia thấy rõ động cơ hơn. Bởi cô ta thích anh chàng bồ của Sylvia... theo lời kể bà Bantry. Buổi sáng hôm đó hai người ra sau vườn hái lá. Không, ta không nên loại trừ cô Wye sớm. Qua tới anh chàng Lorimer. Trong hai vụ đều có liên can. Nếu hắn bỏ người yêu để lấy cô nàng kia. Hắn nuôi ý tưởng quyết liệt phải giết nàng, thời đó bỏ nhau dễ dàng vậy sao? Nếu ngài Ambrose chết hắn phải lấy một người giàu có chớ đâu phải một cô nàng nghèo mạt. Mức độ trầm trọng ra sao phải xét tới chuyện tiền nong trước đã. Nếu tài sản hắn đem cầm cố hết, trong khi bà Bantry không thừa nhận việc đó, nhưng tôi có thể nói đó là một hành vi điên rồ. Nào ta xét đến trường hợp bà Carpenter. Người đàn bà này tôi nghi từ lâu. Tay bà trắng muốt là một, điều nữa là viện cớ vắng mặt lúc ra vườn hái lá thuốc quả thật tài tình; tôi không bao giờ tin chuyện viện cớ vắng mặt. Tôi còn có lý do để nghi cho bà nhưng chưa tiện nói ra đây. Tóm lại nếu phải kết luận nên gán tội ai thì tôi cho là cô Maude Wye, bởi rất nhiều chứng cứ nghiêng về cô nàng hơn”.
“Người kế tiếp”, bà Bantry nói, tay chỉ về phía bác sĩ Lloyd.
“Tôi nghĩ là ngài đã tính sai, Clithering, khi cứ nghĩ cái chết của nàng đã xong đúng với ý định của hung thủ. Theo chỗ tôi biết thủ phạm muốn nhắm vô ngài Ambrose hơn. Bởi chưa chắc gì anh chàng Lorimer đã có đủ trình độ nhận thức ra mọi việc. Tôi nghiêng về phía buộc tội bà Carpenter nhiều hơn. Bà giúp việc đã lâu năm, biết rõ tình hình sức khỏe ngài Ambrose nên mới sai cô nàng Sylvia, theo lời ngài kể cô nàng có tính ngớ ngẩn, đi ra vườn hái lá thuốc. Duyên cớ thì chưa rõ, nhưng tôi dám chắc ngài Ambrose đã có lúc thảo tờ di chúc và nhắc tên bà. Tôi biết sao nói vậy”.
Bà Bantry chỉ phía Jane Helier.
“Tôi biết gì mà nói”, Jane lên tiếng. “Chỉ xin nêu lên một ý kiến. Tại sao cô nàng không đi một mình hái lá thuốc ngoài vườn? Rồi tự tay mang về bếp. Ngài còn biết Ambrose không chịu cho nàng lấy chồng. Nếu ông ta chết, nàng sẽ hưởng trọn món tiền, lúc đó tính chuyện làm đám cưới ngay. Cả hai cô nàng và bà Carpenter biết tình hình sức khỏe của ông ra sao”.
Bà Bantry chậm rãi chỉ tay qua phía bà Marple.
“Nào xin mời bà giáo làng”, bà nói.
“Tôi thấy ngài Henry đã nêu lên hết rồi, rất là rõ ràng”, bà Marple nói “Và bác sĩ Lloyd cũng đã chứng minh một cách cụ thể. Cả hai ông đã trình bày rõ ràng mọi chi tiết. Có một điểm tôi chưa rõ là bác sĩ Lloyd đã nêu lên một khía cạnh của vấn đề. Có phải, vì không phải thầy thuốc lo chăm sóc ngài Ambrose nên ông không biết được bệnh tình ngài Ambrose ra sao, phải vậy không?”
“Tôn hoàn toàn chưa hiểu ý bà muốn nói”, bác sĩ Lloyd nói.
“Ông phỏng đoán thôi phải vậy không? Ngài Ambrose tiền sử mắc bệnh tim cho nên khi ăn phải lá thuốc có chất nhựa cây lồng đèn mới hại cho ông ta? Nhưng không lấy đâu ra làm bằng cớ cho việc đó. Lẽ ra phải chứng minh ngược lại”.
“Nói ngược lại là sao?”
“Vâng, bởi ngài cho biết loại lá cây thuốc đó dùng chữa bệnh tim”.
“Cho dù vậy đi nữa, bà Marple, rồi hậu quả sẽ ra sao”.
“À, như vậy có nghĩa là ngài đã có sẵn nhựa cây lồng đèn trong tay, khỏi cần phải nói. Điều tôi muốn nói ra đây là như thế này: Giả sử ông đây muốn đầu độc ai bằng nhựa cây lồng đèn. Đâu có phải đơn giản và dễ dàng cho người nào muốn hại là được... nhất là bằng lá cây lồng đèn? Đối với người khác thì không sao, tất nhiên, nhưng điều đó không làm cho ai ngạc nhiên, bởi vì theo lời bác sĩ Lloyd điều đó không lấy gì làm chắc chắn. Hơn nữa không ai đi hỏi một cô nàng đã bị ngộ độc trong người là nhựa cây lồng đèn hoặc bị một chất khác tương tự ra sao, biết đâu ngài đã đem bỏ vô trong ly nước cocktail hay là trong ly cà phê hoặc là pha cho nàng một nước gì đó, dặn là đó là một ly thuốc bổ”.
“Bà cho là chính ông ta đầu độc một người mà mình bảo trợ, người con gái ngài đã thầm yêu”.
“Đúng rồi quá”, bà Marple nói “Y như chuyện giữa ông Badger và người giúp việc. Ông đừng vội cho tôi nói tầm bậy, chuyện một ông sáu mươi yêu một người con gái hai mươi. Chuyện đó nhan nhản ngoài đời. Tôi dám nói chuyện có thể xảy ra với một người độc đoán như ngài Ambrose mới lạ lùng chứ, chuyện cô nàng yêu người khác đã có lúc làm ông muốn điên đầu. Nghĩ tới lúc nàng đi lấy chồng ông tìm đủ mọi cách, nhưng rồi không làm gì được. Điên cuồng vì ghen tột cùng, thà rằng giết nàng còn hơn để nàng về trong vòng tay anh chàng Lorimer. Có thể ông đã tính toán từ trước mọi chuyện, bởi lúc gieo hạt trong vườn, cây đan sâm mọc xen lẫn với cây hoa lồng đèn. Lúc nào ra vườn ông muốn hái chả được, đưa cho nàng mang vào bếp. Nghĩ tới chuyện đó thấy khiếp quá, lại ta nên tha thứ bỏ qua chuyện đó. Mấy ông lớn tuổi lắm lúc nó khác đời, nhất là nghe nói tới mấy em trẻ đẹp. Thay vì cho dạo một bản nhạc lãng mạn... nhưng thôi đừng nhắc lại chuyện tai tiếng này”.
“Ô kìa, bà Bantry”, ngài Henry nói “Thật vậy sao?”
Bà Bantry gật.
“Vâng, tôi biết nói gì hơn... không ngờ sự việc xảy ra lại là chuyện rủi ro. Thế rồi sau cái chết của ngài Ambrose tôi nhận được một cái thư, dặn dò đủ điều, ông kể lại đầu đuôi mọi việc; y như giữa tôi với ông chưa từng biết đến vụ này”.
Một thoáng im lặng trôi qua, bà cảm thấy chột dạ. Nghĩ sao bà vội vàng nói ngay:
“Chắc ngài sẽ cho tôi có tội vì tiết lộ chuyện riêng tư, nhưng không phải vậy. Tôi đã thay tên đổi họ các nhân vật trong câu chuyện. Tên ông ta không phải ngài Ambrose Bercy. Ngài không thấy sao, Arthur trố mắt nhìn tôi lạ lùng khi nghe tôi nói tên ông ta. Ban đầu ông ta chưa hiểu. Tôi cho thay đổi hết mọi thứ. Có khác nào lời mở đầu tờ tạp chí và các tác phẩm: ‘Tất cả tên tuổi nhân vật trong truyện này là hoàn toàn hư cấu’, ngài sẽ không bao giờ nhận ra họ là ai”.