13 vụ án - Chương 07

13 vụ án - Chương 07

Hoa phong lữ thảo màu xanh

Ngày đăng
Tổng cộng 13 hồi
Đánh giá 9.2/10 với 25171 lượt xem

Nhớ lại năm rồi tôi đã đến đây...” Ngài Henry Clithering nói tới đó rồi ngưng.
Bà Bantry - chủ quán trọ - nhìn ông với vẻ lạ lùng.
Ngài cựu cảnh sát trưởng Scotland Yard đang ở thăm mấy người bạn cũ, ông đại tá và bà Bantry, tại quê nhà ở ST. Mary Mead.
Bà Bantry tay cầm bút muốn hỏi ông cho biết ý kiến nên mời ai cho đủ sáu người cho bữa ăn tối nay.
“Ông nói sao?” Bà Bantry có vẻ hớn hở. “Năm trước ông tới đây vào lúc nào?”
“Bà có thể cho tôi biết”, ngài Henry nói, “bà có nghe ai nói tên bà Marple chưa?”
Bà Bantry ngạc nhiên.
“Bà Marple! Ai mà không biết! Một văn sĩ viết chuyện trinh thám. Có phải ông muốn tôi mời bà ta tới đây dùng bữa tối?”
“Bà ngạc nhiên lắm sao?”
“Hình như vậy, thật tình. Tôi cứ nghĩ là ông... nhưng phải nói làm sao đây?”
“Dễ thôi. Nhớ lại năm trước mỗi lần tới đây bọn tôi thường bàn những câu chuyện chưa rõ hồi cuối... bọn tôi sáu thành viên... người trước tiên phải nhắc đến là anh chàng Raymond nhà văn. Bọn tôi mỗi người đưa ra một câu chuyện đã biết trước hồi cuối, còn mấy người kia thì chịu. Có thể nói đây là dịp để thử tài suy luận. Coi ai đoán gần đúng nhất”.
“Rồi sao nữa?”
“Y như chuyện cổ tích. Bọn tôi khó đoán ra bà Marple sắm vai nào, nhưng câu chuyện phải biết giữ phép lịch sự... tránh xúc phạm tình cảm riêng tư. Để thử coi tài ai hơn. Lần nào bà ta cũng vượt lên trước bọn tôi”.
“Sao?”
“Tôi cam đoan... là mình thành thật như chim bồ câu hiền lành”.
“Sao hay quá vậy! Vì bà Marple có bao giờ đi xa khỏi vùng St. Mary Mead đâu”.
“Chà! Vậy mà với bà ta đó là cơ hội ngàn vàng để được chiêm nghiệm nhân tình thế thái... qua lăng kính hiển vi”.
“Tôi cho là còn vấn đề gì đó”, bà Banrey thú thật. “Ta phải nhìn cho rõ bản chất của từng con người. Tôi thì cho là trong nội bộ chúng ta đây không có ai là kẻ phạm tội. Để chờ sau bữa ăn chúng ta sẽ thử tài năng của bà ấy qua chuyện ma quái của ông Arthur. Tôi phải cúi đầu khâm phục nếu bà ta tìm ra được lời giải đáp”.
“Tôi không hiểu sao ông Arthur tin là có ma?”
“Chà! ông thì không tin. Thế nên ông mới lo chuyện xảy ra với một người bạn, ông George Pritchard... một người rất là phàm tục. Thật đáng thương cho ông George. Hoặc giả là câu chuyện là có thật - nếu không phải thì...”
“Thì sao?”
Bà Bantry không nói ra. Ngẫm nghĩ một hồi bà đáp lại một cách vu vơ:
“Ông biết không, tôi thích anh chàng George... mọi người đều thích. Khó có thể tin anh chàng... nhưng mà người ta cứ cho là vậy mới lạ chứ”.
Ngài Henry gật. Ông còn biết rõ hơn cả bà Bantry chuyện kỳ lạ đó.
Tối hôm đó bà Bantry ngồi nhìn quanh bàn ăn, bà khẽ rùng mình vì không khí lạnh lẽo, rồi dừng lại ngay chỗ một bà lão ngồi bên phải chồng bà. Bà Marple đeo găng tay đen, trên vai khoác khăn choàng thêu đăng ten trông cũ kỹ, đầu trùm thêm một cái khăn che bớt mái tóc bạc trắng. Bà vui vẻ trò chuyện với ông bác sĩ Lloyd chuyện thiếu hụt y tá giúp việc.
Bà Bantry lại càng ngạc nhiên hơn. Hay là ngài Henry muốn nói đùa, nhưng làm gì có chuyện đó. Bà thấy ngạc nhiên là phải.
Bà nhìn qua người chồng mặt mũi hồng hào, vai rộng, rắn chắc đang bàn chuyện đua ngựa với người đẹp - nữ nghệ sĩ Jane Helier. Ngoài đời trông Jane còn đẹp hơn lúc trên sân khấu, đôi mắt xanh tròn xoe khẽ chớp từng hồi: “Vậy à?” “Chà lạ thật!” “Chuyện lạ”. Bà chả thích gì môn đua ngựa, nên chẳng quan tâm làm gì.
“Arthur”, bà Bantry lên tiếng, “ông lại làm phiền cô Jane. Gác chuyện đua ngựa qua một bên, ông kể cho cô ấy nghe chuyện ma đi. Ông biết đấy... George Pritchard”.
“Ô kìa, Dolly! Chà, nhưng mà tôi có biết gì đâu...”
“Ngài Henry đây cũng thích được nghe. Sáng nay tôi có kể sơ qua. Cũng nên biết, bởi mọi người đang bàn tán”.
“Chà, kể đi!” Jane nói, “tôi thích nghe chuyện ma”.
“Thôi thì...” Đại tá Bantry gầm gừ, “nói thật tôi không tin mấy cái chuyện thần linh. Nhưng đây...”
“Chắc quý vị đây chưa ai biết George Pritchard. Ông là một người đàn ông gương mẫu. Vợ ông ta... ờ, bà ấy chết rồi, tội nghiệp. Như thế này, lúc còn sống không lúc nào bà để cho George được yên. Có thể xếp bà vô hàng những đối tượng gàn dở... có thể do người bà không được lành mạnh. Những việc bà làm đều tệ hại. Bà có tính hay giở chứng, bắt bẻ phi lý. Suốt ngày luôn mồm than vãn, càu nhàu từ A đến Z, làm không xong bị chửi. Nếu gặp người khác, nói cam đoan bà bị ăn đòn nhừ tử. Ô kìa, Dolly, nói vậy đúng không?”
“Bà ấy thật là quá tay, bà Bantry nói không sai. Nếu lỡ George Pritchard đập cho một búa vỡ đầu, ra tòa nếu gặp quan xử án là một phụ nữ chắc là ông ta cũng được xử trắng án”.
“Tôi không rõ câu chuyện xảy ra làm sao. George không còn nhớ đầu đuôi. Theo tôi nghĩ bà Pritchard thích xem tướng số, chỉ tay, bói toán... đại loại mấy món đó. Nhưng George không để ý. Nếu hôm nào bói trúng bà vui ra mặt. Còn ông chẳng thấy vui chút nào, khổ thế đấy”.
“Nhà lúc nào cũng có y tá đến chăm sóc, được vài tuần bà Pritchard thấy không hài lòng. Trong số đó có một cô y tá trẻ tuổi rành chuyện bói toán, bà Pritchard thích nói chuyện với cô ta. Bỗng đâu một thời gian bà không thích, yêu cầu cô ta ra về. Bà nhớ lại trước có một bà y tá biết chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Bà y tá Copling được ông George khen làm việc khá và là một người biết nói chuyện. Bà biết chịu đựng những lúc bà Pritchard nổi cơn điên, với một thái độ dửng dưng”.
“Bà Pritchard ăn cơm trên lầu, George và mấy y tá ăn cơm trễ lúc xế trưa. Hết phiên y tá ra về từ hai đến bốn giờ, nếu ‘cần giữ lại’ bà sẽ gặp sau buổi uống trà nếu George muốn được thong thả giấc buổi chiều. Nhằm bữa đó, bà đi thăm người em gái ở Golders Green về trễ. George nhăn nhó hỏi vì ông chuẩn bị đi chơi golf. Cô y tá Copling phải nói cho ông yên tâm”.
“Tôi với ông chẳng ai muốn nhắc tới đâu, ông Pritchard”, bà nháy mắt nói, “bà Pritchard sắp có bạn tâm sự, vui hơn là nói chuyện với chúng ta nữa đó”.
“Ai vậy?”
“Ông sẽ biết ngay”, cô y tá Copling mắt nháy nháy. “Để tôi kể cho nghe, Zarida, nhà tâm lý đoán được tương lai”.
“Lạy Chúa!” George lầm bầm. “Nhân vật này mới, phải không?”
“Mới tinh! Tôi biết mà, người này do người tiền nhiệm của tôi, bà Carstairs, giới thiệu tới đây. Bà Pritchard chưa biết mặt, nhờ tôi viết thư hẹn gặp nhau chiều nay”.
“Thây kệ, tôi còn đi chơi golf”. George nói, nghĩ bụng thấy hài lòng chuyện Zarida, nhà tâm lý đoán được tương lai.
Về tới nhà ông nhìn bà Pritchard, thấy gương mặt hốc hác dễ sợ. Bà nằm một chỗ trên giường tay cầm ống thuốc muối lâu lâu đưa lên mũi hít.
“George”, bà kêu, “tôi đã nói với ông về cái nhà này, nhớ không? Vừa mới về ở tôi đã thấy không ổn! Ông còn nhớ lúc đó tôi nói gì chứ?”
Cố dằn xuống ông mới nói: “Bà nói lúc nào cũng đúng”. George đáp, “không, hình như tôi không nhớ nữa”.
“Chuyện của tôi có bao giờ ông còn nhớ. Mấy ông lúc nào cũng dửng dưng... Tôi biết ông còn vô cảm hơn gấp mấy lần người ta”.
“Coi kìa, Mary, bà nói gì lạ vậy”.
“Ôi, tôi đã kể cho ông nghe, bà ta biết hết. Bà ta... bà giật mình thụt lùi... ông hiểu ý tôi mà... ngay khi vừa mới bước tới cửa bà ta cất tiếng. ‘Nhà này có ma ám... ma quỷ phá phách. Tôi biết mà’.”
George nghĩ sao bỗng phá ra cười.
“Chà, chiều nay bà bỏ tiền ra cũng xứng đáng đấy chứ”.
“Bà vợ nhắm mắt lại đưa ống muối lên mũi hít một hơi thật lâu”.
“Ông ghét tôi lắm mà! Tôi có chết ông còn cười nhạo thêm”.
Bà còn nói nữa làm George giận dữ hơn.
“Ông cứ cười đi, tôi đã kể hết cho ông nghe mọi chuyện. Nhà này tôi ở không hợp... bà thầy bói đã chỉ cho tôi thấy”.
George đã đổi ý không còn khâm phục Zarida. Bởi vợ ông nằng nặc đòi chuyển nhà qua mới, bà trở chứng.
“Bà nọ còn nói gì nữa không?” Ông hỏi.
“Bà ta không nói dài dòng, bà ta cảm thấy lo lắng chỉ nói một câu. Tôi có mấy cành hoa violet cắm trong bình”. Bà chỉ chúng và hét lên:
“Vứt mấy cái này đi. Đừng chọn hoa màu xanh, không nên mua hoa màu xanh. Hoa màu xanh là màu tang tóc, bà nhớ cho”.
“Ông biết không”, bà Pritchard nhắc lại, “trước kia tôi đã nói với ông tôi kỵ màu xanh, tôi dị ứng với màu này”.
“George thừa hiểu bà có nói ra chuyện đó bao giờ, ông xoay qua hỏi Zarida người ra sao. Bà Pritchard nhanh miệng tả lại diện mạo người đàn bà nọ”.
“Tóc đen uốn từng lọn hai bên mang tai... mắt lúc nào cũng khép hờ... thâm quầng... hai bên khóe miệng, dưới cằm thâm đen, giọng nói nghe như chim hót thấy lạ tai... nghe như nói tiếng Tây Ban Nha...”
“Chẳng qua đó là ngón nghề của bà ta”. George vui miệng nói.
“Bà vợ nghe được tức thì nhắm mắt lại?”
“Tôi thấy ê ẩm trong người”, bà nói “Gọi y tá. Bất nhẫn làm tôi khó ở, ông dư biết”.
“Hai bữa sau cô y tá Copling tới gặp George, mặt mũi cô sa sầm”.
“Xin ông lên gặp bà Pritchard. Mới nhận được thư không hiểu sao bà lại bối rối...”
“Bà Prichard đang cầm cái thư trên tay, thấy ông bước vô bà chìa ra!”
“Ông coi đi”. Bà nói.
George cầm lấy đọc. Mùi giấy thơm nồng nàn nét chữ to viết bằng mực đen.
“Ta đã đoán được tương lai. Hãy cảnh giác, kẻo không thì ân hận. Đề phòng đêm trăng tròn. Màu xanh hoa anh thảo phải lo đề phòng, hoa thục quỳ xanh là điềm xấu, hoa phong lữ thảo màu xanh là điềm chết chóc...”
Geoge vừa tính há miệng ra cười nhưng bà y tá Copling trừng mắt nhìn, có ý trách móc. Ông nói xẵng một câu: “Mary, người đàn bà nọ muốn hù dọa. Bởi làm gì có hoa thục quỳ màu xanh hay phong lữ thảo màu xanh”.
“Chợt bà Pritchard khóc to. Mạng sống của bà được tính từng ngày, gần xuống lỗ. Cô y tá Copling chạy theo George ra tới đầu cầu thang”.
“Đồ vớ vẩn”, ông buột miệng nói ra.
“Đúng quá còn gì nữa”.
Vừa nghe cô y tá nói ông giật mình nhìn lại chăm chằm.
“Tôi nói thật, cô không tin hay sao...”
“Không đâu, ông Pritchard, làm gì có chuyện đoán được tương lai - phi lý. Tôi lấy làm lạ ở chỗ ẩn ý sao. Bói ra ma quét nhà ra rác. Người đàn bà nọ muốn hù dọa nhưng thấy chẳng được gì. Nhưng tôi thấy có một điều lạ...”
“Thế nào?”
“Bà Pritchard kể lại Zarida có một nét gì đó thấy rất quen mắt?”
“Rồi sao?”
“Thế này, tôi không thích kể ra đây, thưa ông Pritchard, chỉ có vậy”.
“Cô mà cũng tin dị đoan sao?”
“Tôi không tin dị đoan, chỉ trừ khi thấy chuyện có vẻ ngờ ngợ”.
“Khoảng bốn ngày sau y như rằng có chuyện xảy ra. Để cho ông hiểu rõ hơn tôi xin kể ra lúc đó đang ở bên trong phòng bà Pritchard...”
“Hãy để cho tôi nói”, bà Bantry cắt ngang, “trong phòng lúc đó trang trí giấy dán tường, bà muốn để thêm vô mấy chùm hoa làm cảnh. Nhìn qua tưởng như ở ngoài vườn nhưng nhìn kỹ lại bông hoa giả. Mùa này làm gì có chuyện hoa nở rộ”.
“Dolly, đừng bày thêm chuyện làm vườn vô đó”, ông chồng nói “Bà giỏi làm vườn ai cũng biết”.
“Chuyện thật phi lý”, bà Bantry bắt bẻ “Ai lại đem nào là dạ lan hương, thủy tiên, hoa đậu trắng, hoa thục quỳ, các sao xếp chung vô một chỗ”.
“Phản khoa học”, ngài Henry nói “Thôi kể tiếp đi cho câu chuyện liền mạch”.
“Chà, nhìn vô cả vườn hoa anh thảo xen lẫn hoa vàng và đỏ. Nào kể di, Arthur, ông rành mấy chuyện này”.
Đại tá Bantry tiếp tục câu chuyện.
“Sáng bữa đó nghe trong phòng bà Pritchard nhấn chuông inh ỏi. Người nhà chạy lại... tưởng đâu bà muốn trăng trối, nhưng mà chưa. Bà giãy nảy giơ tay chỉ lên giấy dán tường, nhìn kỹ lại là một bông hoa anh thảo màu xanh ghép xen kẽ vô giữa...”
“Chao ôi!” Bà Marple thảng thốt, “Khiếp quá!”
“Một nghi vấn đặt ra: chùm hoa anh thảo xanh luôn ở chỗ đó hay sao? Đó chính là nhận xét của George và bà y tá. Bà Pritchard không thích loài hoa đó, hẳn nhiên rồi. Bà chẳng để ý dòm ngó tới mãi đến buổi sáng hôm đó và cái đêm hôm trước lúc trăng tròn. Bà vô cùng lo lắng chuyện đó”.
“Ngày hôm đó tôi gặp George Pritchard, ông kể cho tôi nghe”, bà Bantry kể. “Tôi muốn gặp bà Pritchard để trêu bà chơi, nhưng mà chẳng ăn thua. Tôi bỏ đi trong đầu nghĩ ngợi, sực nhớ có gặp Jean Instow kể lại cho nàng nghe. Jean là một cô nàng khác người, mới hỏi, “Bà ta cảm thấy lo sợ vì chuyện đó hay sao?” Tôi nói bà ta có thể hoảng sợ quá mà chết... bà có tật hay mê tín”.
Về sau tôi còn nhớ lời Jean nói, nghe qua tôi kinh ngạc. Nàng nhận xét, “Ôi, tất cả chỉ có vậy sao?” Nghe nàng thốt ra một cách lạnh lùng, thản nhiên nghe sao mà, muốn buồn nôn. Hẳn nhiên so với ngày nay chuyện đó bình thường. Nhưng đó là một câu nói thật phũ phàng, nghiệt ngã, tôi không quen với thứ tình cảm đó. Jean nhìn tôi cười một cách lạ lùng, “Bà không muốn nghe nhưng đó là sự thật. Bà Pritchard đâu còn thiết đến mạng sống nữa? Hoàn toàn không. George Pritchard thấy đó là một gánh nặng. Làm cho bà vợ khiếp sợ chết khiếp, như vậy mới thỏa mãn tâm địa xấu xa”. Tôi nói, “George đối xử rất tốt với bà ấy”. Nghe xong nàng mới nói: “Vâng, ông ta đáng được tưởng thưởng, ông ấy là một người đàn ông có sức quyến rũ, George Pritchard. Người y tá mới vô nhận việc gần đây nói thế, cô ta rất xinh đẹp... tên là gì nhỉ? Castairs. Là nguyên nhân của một cuộc cãi vã giữa cô ta với bà Prichard”.
“Tôi không thích nghe Jean nói ra điều đó. Hẳn nhiên nghe ai cũng ngạc nhiên...”
Bà Bantry có ý muốn bỏ ngang giữa chừng.
“Ờ, phải đấy”, bà Marple thản nhiên nói “Ai cũng vậy. Trông cô Instow có đẹp không? Tôi đoán cô nàng biết chơi golf”.
“Có, nàng chơi thể thao khá, người trông dễ thương, xinh xắn, da dẻ hồng hào, đôi mắt xanh quyến rũ. Bọn tôi ai cũng thấy cô nàng thường đi với George Pritchard nếu có gì khác hơn... thật xứng đôi vừa lứa”.
“Vậy họ là bạn với nhau?” Bà Marple hỏi.
“Phải mà. Bạn thân nữa kìa”.
“Dolly, bà có nên...” đại tá Bantry buồn rầu nói, “để cho tôi tiếp tục câu chuyện”.
“Arthur”, bà Bantry giờ mới chịu ngưng, “ông muốn kể cho hết chuyện mà”.
“Tôi phải kể ra cho hết đoạn cuối câu chuyện của George”, ông Đại tá nói “Đến cuối tháng sau lúc đó bà Pritchard mới thấy hoảng sợ. Trên tờ lịch bà đánh dấu đúng ngày trăng tròn, tối bữa đó bà mời cô y tá và George vô phòng để nhìn xem cho kỹ trên chỗ giấy dán tường. Chỉ có màu hoa thục quỳ hồng và đỏ, không có chỗ nào là hoa thục quỳ xanh. Chờ lúc George bước ra ngoài bà khóa cửa lại”.
“Sáng bữa sau nhìn lên thấy một bông hoa thục quỳ màu xanh to tướng”. Cô Helier vui miệng xen vào.
“Đúng quá”. Đại tá Bantry nói “Hay cũng là đúng. Trên đầu giường một bông hoa thục quỳ chuyển qua màu xanh. George chới với, hẳn nhiên không vì một chút kinh ngạc trước sự việc khiến ông phải lo sợ. Trước sau như một, ông cho là có kẻ thích đùa. Ông phớt lờ chuyện cửa đã khóa và chính mắt bà Pritchard phát hiện có sự thay đổi trước khi mọi người... cả bà y tá Copling... mới nhận ra”.
“George sững sờ, ông cảm thấy sự việc thật phi lý. Vợ ông muốn bỏ nhà đi, ông không chịu, ông muốn tin chuyện thần thánh thử một lần, nhưng mà làm sao ông tin được. Ông đã quen nhường nhịn vợ, nay thì đừng hòng. Không thể chấp nhận một chuyện phi lý vậy được”.
Thế rồi một tháng trôi qua rất nhanh. Bà Pritchard không hiểu sao nay không càu nhàu như trước. Cũng vì mê tín cho nên bà tin là sống không còn bao lâu nữa. Bà nhắc đi nhắc lại: “Hoa anh thảo xanh... nên đề phòng. Hoa thục quỳ xanh... điềm xấu... Hoa phong lữ thảo xanh... điềm chết chóc. Cứ thế bà thích nằm một chỗ ngắm nhìn chùm hoa phong lữ thảo màu hồng thắm trên đầu giường”.
“Nghe qua câu chuyện đã muốn nhức đầu. Ngay cô y tá còn thấy mệt mỏi. Hai bữa trước, đêm trăng tròn, cô gặp George khuyên ông nên bỏ bà Pritchard. George giận dữ”.
“Cho dù cả chùm hoa trên giấy dán tường chuyển qua một màu xanh cũng chẳng có chết ai”. Ông quát.
“Có chứ. Có người đã từng chết do bị sốc”.
“Phi lý”. George nói.
George có tật hay bướng bỉnh, khó lay chuyển, ông có ý tưởng trong đầu là vợ ông muốn làm cho khác người, và đã tính trước cái chuyện chết chóc này.
“Thế rồi cái đêm định mệnh đã tới. Như mọi bữa bà Pritchard khóa cửa phòng. Bà tỏ ra bình thản... tinh thần vô cùng phấn chấn là đằng khác. Cô y tá thấy lạ hỏi bà cần tiêm Strychnine cho khỏe không, bà Pritchard từ chối. Có thể hiểu bà muốn được tận hưởng những giây phút cuối. George kể cho tôi biết điều đó”.
“Có thể lắm chứ”, bà Bantry nói “Câu chuyện kể ra nghe mới thấy ly kỳ”.
“Sáng hôm sau không ai nghe thấy tiếng chuông reo inh ỏi như mọi bữa. Bà Pritchard thường ngủ dậy lúc tám giờ. Chờ mãi đến tám rưỡi không nghe thấy động tĩnh, cô y tá đập cửa rầm rầm. Không nghe thấy gì, cô chạy đi tìm George nói ông phá cửa vô. Hai người tìm cây đục, phá cửa”.
“Cô y tá Copling chỉ cần liếc qua thân hình nằm im lìm trên giường biết ngay chuyện. Cô nói George gọi bác sĩ nhưng muộn mất rồi. Bà Pritchard đã chết đó cách tám tiếng đồng hồ. Ống thuốc muối còn để lại trên giường trong tầm tay. Nhìn trên vách tường sát đầu giường một bông hoa phong lữ thảo đỏ thắm chuyển qua một màu xanh thẫm, sáng lóng lánh”.
“Khiếp quá!” Cô Helier vừa kêu lên một tiếng, nàng rùng mình.
Ngài Henry cau mày.
“Còn thấy gì nữa không?”
Đại tá Bantry lắc đầu, chợt bà Bantry buột miệng nói.
“Hơi ngạt”.
“Còn chuyện hơi ngạt thì sao?” Ngài Henry hỏi.
“Lúc bác sĩ tới nơi trong phòng ngửi có mùi ga, ông nhìn thấy khóa ga lò sưởi mở hờ qua chỉ có một bên, một số lượng ít ỏi thôi, nhưng nó cũng không thể gây chết người được”.
“Vậy lúc ông Pritchard theo cô y tá bước vô, họ không cảm nhận được hay sao?”
“Cô y tá ngửi thấy mùi ga thoáng qua. George không để ý, nhưng ông cảm thấy có một vẻ khác lạ hơn mọi bữa, ông nghĩ là do một cơn sốc... có thể vậy. Có một điều chắc chắn không thể gán cho ngộ độc ga. Mùi ga chỉ nghe thoang thoảng”.
“Vậy là hết chuyện”.
“Chưa, chưa hết. Còn nhiều điều bàn tán. Mấy bà giúp việc xì xầm với nhau... nghe đâu bà Pritchard kể tội chồng là ông căm ghét bà, nếu bà chết ông còn cười thêm. Còn nhiều linh tinh nữa, một bữa bà nói nhân lúc ông không chịu bỏ nhà đi: “Thôi được, vậy nếu tôi có chết, thể nào thiên hạ cũng đổ cho ông tội giết vợ”. Bà nói sao mà linh thiêng, trước đó một ngày ông ra sau vườn pha thuốc diệt cỏ. Một người giúp việc tình cờ nhìn thấy, chừng một lát sau thấy ông trên tay bưng ly sữa vô cho bà”.
“Tiếng dữ đồn xa. Bác sĩ cấp giấy chứng nhận - tôi không biết nói sao cho phải - nào lên cơn sốc, yếu tim, ngất xỉu, tôi không hiểu mấy chuyện này. Tội nghiệp bà mới chết chưa được tháng đã được lệnh cho khai quật tử thi để khám nghiệm”.
“Cuộc giải phẫu tử thi không tìm thấy dấu tích trúng độc, tôi còn nhớ!” Ngài Henry nghiêm chỉnh nói “Một bằng chứng hiếm thấy, có khói mà không có lửa”.
“Chuyện kể cũng lạ”, bà Bantry nói “Cụ thể... là bà thầy bói... Zarida. Theo địa chỉ ghi trên giấy tờ hỏi người ở địa phương không ai biết”.
“Bà ta chỉ xuất hiện một lần, trong lúc bất ngờ”, chồng bà nói, “rồi biến mất luôn. Trong lúc bất ngờ... nghe cũng hay đấy!”
“Và đây nữa”, bà Bantry kể tiếp, “cô y tá trẻ Carstairs đã giới thiệu bà ấy, cũng không thấy mặt mũi đâu kể từ dạo đó”.
Mọi người ngồi nhìn nhau.
“Có phải là ông Pritchard sau đó lấy cô Instow?” Bà Marple nhỏ nhẹ hỏi.
“Sao bà lại đi hỏi mấy chuyện đó?” Ngài Henry hỏi lại.
Bà Marple mắt tròn xoe nhìn qua.
“Coi vậy mà hệ trọng”, bà nói “Họ đã lấy nhau chưa?”
Đại tá Bantry lắc đầu.
“Chà... chà, chúng ta cũng mong là có chuyện đó... nhưng đã mười tám tháng nay. Từ dạo đó chắc là họ cũng ít khi gặp nhau”.
“Đấy mới thành chuyện...” bà Marple nói, “mà là chuyện lớn”.
“Bà cũng nghĩ như tôi”, bà Bantry nói “Bà cho là...”
“Dolly, nghe này”, chồng bà lên tiếng. “Bà nói nghe vô lý. Làm sao buộc tội một người khi không có bằng chứng”.
“Ông đừng có nói vậy, Arthur, ông là đàn ông. Mấy ông ngại không dám nói ra. Đấy là chuyện chung. Tôi chợt nảy ra một ý tưởng ngộ nghĩnh biết đâu... nghi là vậy thôi. Joan Instow cải trang làm bà thầy bói. Ông nhớ, cô ta làm vậy là muốn đùa thôi. Dù sao tôi không tin cô ta có ý đồ nọ kia, nếu có thật chăng nữa, thì bà Pritchard vì quá sợ hãi mà chết. Có phải là bà Marple muốn nói như thế, đúng không?”
“Không, không phải thế”, bà Marple nói “Cô nghĩ xem nếu tôi muốn giết ai... tất nhiên tôi chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đó bởi nó ghê tởm làm sao ấy. Hơn nữa tôi không thích chuyện giết chóc cho dù đó là một con ong mà tôi có thể làm, nhưng tôi nghĩ người làm vườn đã làm việc đó vì mục đích nhân đạo. Để coi, tôi đang kể tới đâu?”
“Nếu bà muốn giết ai”, Ngài Henry nói xen vô. “Ối chà, nếu tôi muốn, tôi chẳng quan tâm đến sự sợ hãi. Tôi biết mọi người đã nghe qua chuyện đó, nhưng mà nói ra nghe khó tin, hơn nữa người có vấn đề tâm thần dám hành động quyết liệt hơn người ta tưởng. Khi đã ra tay là phải chắc cú, làm tới nơi tới chốn”.
“Bà Marple”, ngài Henry nói, “bà làm tôi lo sợ. Tôi hy vọng bà sẽ không làm thế với tôi. Nhưng toan tính của bà quá cao siêu”.
Bà Marple nhìn ông như oán trách.
“Tôi chỉ muốn làm sáng tỏ vấn đề, không bao giờ tôi muốn nghĩ tới mấy chuyện quái đản”, bà nói “Không, tôi muốn đặt mình vô vai trò một nhân vật khác”.
“Có phải là George Pritchard”, Đại tá Bantry hỏi.
“Tôi không cho là Grorge đâu, bà nên nhớ, chỉ mỗi cô y tá thì cho là vậy. Một tháng sau tôi trở lại gặp người y tá cùng thời điểm diễn ra cuộc khai quật. Cô ta không hiểu chuyện gì đã xảy ra... mà thật ra chẳng nói được một lời nào... một điều không thể chối cãi là, cô ta cho là chính George phải chịu trách nhiệm cái chết của vợ ông. Cô ta xác nhận điều đó”.
“Ôi”, bác sĩ Lloyd lên tiếng, “có thể cô ấy nói không sai đâu. Ông nhớ là, y tá thì phải biết. Cô ta không nói ra được, bởi không tìm đâu ra bằng chứng, nhưng mà cô ta biết”.
Ngài Henry nghiêng người ra trước.
“Nào kể tiếp nữa đi, bà Marple”, ông năn nỉ. “Bà lại mơ màng. Bà sẽ kể hết cho chúng tôi cùng nghe chứ”.
Bà Marple mặt đỏ bừng.
“Xin lỗi ông”, bà nói, “Tôi sực nhớ một bà y tá ở quê. Mọi việc thật khó xử”.
“Có khó hơn chuyện một chùm hoa phong lữ thảo màu xanh không?”
“Còn tùy ở màu hoa anh thảo nữa”, bà Marple nói “Tôi xin nhắc lại ý bà Bantry muốn nói là hoa có sắc vàng và hồng. Một chùm hoa anh thảo màu hồng chuyển màu xanh thì có vẻ thích hợp, nhưng đây lại là một chùm hoa vàng...”
“Một chùm hoa màu hồng”, bà Bantry nhắc. Bà tròn xoe mắt. Mọi người cũng trố mắt nhìn bà Marple.
“Câu chuyện tới đó coi như tạm ổn”, bà Marple nói. Bà hối tiếc lắc đầu. “Qua đến mùa ong vò vẽ rồi đủ các thứ. Có cả chuyện hơi ngạt”.
“Tôi xin nhắc lại, giả sử còn biết bao nhiêu chuyện thương tâm hơn ở làng quê thì sao”. Ngài Henry nói.
“Chẳng có chuyện nào thương tâm”, bà Marple nói “Lại càng không có chuyện gì xấu xa. Tôi muốn nhắc lại đây một việc nhỏ liên quan tới bà y tá làng. Nói gì thì nói y tá cũng là người nhân đạo, khi nếu giả sử bà ta tỏ ra xứng đáng trong cách ứng xử dưới lớp áo nhà nghề và cùng chia sẻ nỗi đau với người nhà. Vậy mà ông ngờ một hành vi trái với đạo đức có thể xảy ra sao?”
Một ý tưởng vừa lóe lên trong đầu ngài Henry.
“Bà muốn ám chỉ y tá Carstairs?”
“Ồ không. Không phải y tá Carstairs. Tôi muốn nhắc cô y tá Copling. Ông biết không, trước cô đã tới đó, khi nhìn thấy ông Pritchard, cô ta lo lắng cho ông ấy, như ông vừa kể, ông ta điển trai. Tôi dám nói cô tưởng tượng trong đầu, thật đáng thương... mà thôi, ta miễn bàn chuyện đó. Tôi nghĩ là cô ta không biết về cô Instow, tất nhiên là về sau cô ta mới hay, cô ta thay đổi thái độ với ông ấy, nên lúc đó cô ấy dám làm mọi chuyện. Và rồi chính lá thư đã làm cô ta lộ tung tích, phải vậy không?”
“Cái thư nào?”
“À, cái thư bà Pritchard nhờ viết gởi cho bà thầy bói, vì bà về tới nhà là muốn trả lời thư. Về sau mới vỡ lẽ không có ai ở chỗ địa chỉ đó. Ta hiểu ngay cô y tá Copling chớ không ai khác hơn. Cô ta giả vờ viết thư - vậy thì còn ai khác hơn là chính cô ta là người tự xưng là thầy bói chứ ai?”
“Tôi không đoán ra chuyện cái thư”, ngài Henry nói “Đó là một điểm then chốt, tất nhiên rồi”.
“Cũng gay go chứ không phải vừa”, bà Marple nói, “biết đâu bà Pritchard có thể nhận ra dù cô ta có khéo léo giả dạng... mà thật là vậy, cô y tá giả vờ đùa cho vui”.
“Bà cho tôi biết”, ngài Henry nói, “vì sao bà muốn nói nếu đặt vô địa vị người khác bà không để cho mình phải sợ hãi”.
“Không ai dám nói chắc về điều này”, bà Marple nói “Không, tôi hiểu là lời cảnh báo và sắc xanh của chùm hoa, tôi xin mạn phép nói theo cách nói của nhà binh - là để ngụy trang”.
“Còn thực tế thì sao?”
“Tôi biết”, bà Marple nói xởi lởi, “đầu óc tôi ám ảnh mấy bầy ong vò vẽ. Khổ thế, cả ngàn con phá hoại... lại nhằm giữa kỳ hè tươi đẹp. Tôi còn nhớ mãi trong đầu hình ảnh người làm vườn trên tay cầm chai nước lắc trộn hóa chất potassium cyanide sao mà giống như chai thuốc muối. Và nếu được trộn lẫn vô ống thuốc muối rồi đem thế vô chai thuốc... chà, bà chủ nhà có tật thường đưa lên mũi hít thuốc muối. Và theo lời ông kể lúc phát hiện ông thuốc muối còn để trên giường, trong tầm tay bà. Và, hẳn nhiên, khi ông Pritchard chạy tới bàn điện thoại gọi bác sĩ, cô y tá đã nhanh tay thay vô đó ống thuốc thiệt, rồi quay ra mở hờ bình ga để lấp bớt mùi hôi, nhỡ có ai thấy lạ. Tôi nghe nói cyanide không để lại dấu vết dù đã lưu lại một chỗ khá lâu. Nhưng biết đâu tôi có thể nhầm, nếu chẳng may trong ống thuốc đựng một thứ hóa chất khác, nhưng mà chuyện đó cũng không khác gì, phải không?”
Bà Marple dừng lại, lấy hơi lên.
Jane Helier nghiêng người ra trước nói “Còn chùm hoa phong lữ thảo xanh với mấy loài hoa kia thì sao?”
“Mấy cô y tá luôn có sẵn giấy quỳ phải không?” Bà Marple nói, “dùng để... à để thử. Nói mấy chuyện đó chán lắm, ta bỏ qua. Tôi cũng biết chút ít nghề y tá”, chợt bà ngượng đỏ mặt. “Màu xanh tiếp xúc với axit chuyển qua màu đỏ, màu đỏ tiếp xúc với kiềm cho ra màu xanh. Dễ thôi nếu muốn phết vô một chút giấy quỳ đỏ lên trên chùm hoa đỏ... để gần đầu giường. Đến lúc bà chủ đáng thương đưa ống muối lên mũi hít, hơi amoniac bay lên chuyển hoa qua màu xanh. Tài tình thật. Hẳn nhiên lúc mới đưa vô trong phòng, màu hoa phong lữ thảo không phải màu xanh... chẳng có ai để ý, về sau mới vỡ lẽ. Đến phiên y tá vô thay ống thuốc, cô ta giơ cao ống thuốc muối lên gần chỗ giấy dán tường chừng một phút, phỏng chừng khoảng đó”.
“Chắc lúc đó bà có mặt ở đó, bà Marple”, ngài Henry nói.
“Tôi thắc mắc một điều”, bà Marple nói, “là chuyện giữa ông Pritchard đáng thương kia với cô Instow. Tôi đoán không chừng hai bên nghi kỵ lẫn nhau rồi xa cách... cuộc sống ngắn ngủi làm sao”. Bà lắc đầu.
“Bà khỏi cần thắc mắc”, ngài Henry nói “Nói thật tôi còn giữ kín một việc, nay mới kể ra. Một y tá đã bị bắt vì can tội giết một bệnh nhân già cả mà bà này làm di chúc để lại cho cô ta một món gia tài. Thủ phạm đã thay potassium cyanide vô ống thuốc muối. Cô y tá Copling lại bày trò cũ rích ra để hại người. Cô Instow và ông Pritchard đã nhận ra chân tướng của cô ta”.
“Mọi việc đều tốt đẹp, phải không?” Bà Marple kêu lên. “Tất nhiên tôi không muốn nhắc lại một vụ án mới đây. Khiếp thật, trên đời này còn lắm chuyện ghê gớm và nếu ông chịu khó nhường lời... tức là muốn nhắc nhở tôi nên chấm dứt ngay cuộc trao đổi giữa tôi với bác sĩ Lloyd về chuyện cô y tá ở làng”.

Chương trước Chương sau