13 vụ án - Chương 04
Vết máu trước hiên nhà
Ngày đăng 21-12-2015
Tổng cộng 13 hồi
Đánh giá 8.3/10 với 25169 lượt xem
Có một chuyện lạ”, Joyce Lemprière vừa lên tiếng, “tôi chưa muốn nói ra ngay. Chuyện này đã lâu... tính ra đã năm năm... cho mãi tới bây giờ tôi còn bị ám ảnh. Nhìn cảnh bên ngoài thấy tươi đẹp sáng sủa, còn bên trong thì u ám ghê sợ. Sự việc là bức tranh tôi vẽ ra ngày đó nhuốm một màu sắc buồn tẻ. Mới nhìn qua chỉ là bức phác họa con phố nhỏ leo dốc ở Cornwall ánh nắng ngập tràn. Nhìn lâu một hồi thì thấy nó toát ra một màu sắc ghê rợn. Tôi không bán cho ai và cũng chẳng dám ngắm. Tôi treo nó trong góc xưởng vẽ, mặt úp vô tường”.
“Có một nơi gọi là Kathole, một làng đánh cá thưa thớt ở Cornwall, phong cảnh rất đẹp, phải nói là tuyệt đẹp. Mới nhìn qua có thể thấy nổi bật nhất là ‘Quán trà thất Cornwall’. Nó có nhiều gian hàng, người phục vụ là mấy em tóc ngắn mặc áo choàng, tay đặt bút ghi các món khách chọn lên loại giấy da sáng rực. Trông đẹp mắt lạ lùng làm sao, các cô nàng luôn có vẻ e thẹn”.
“Tôi không biết”, Raymond West miệng càu nhàu nói “Chuyến xe đò thấy ghét, tôi nghĩ. Đường làng thì hẹp không có gì đáng nói, không có nơi nào yên ổn”.
Joyce gật đầu.
“Đường vô làng Rathole hẹp lại leo dốc như hai bên hiên từng nhà. Tôi sẽ kể ra đây. Tôi ở lại Cornwall mười lăm ngày. Làng Rathole có một quán trọ cũ kỹ, Polharwith Arms. Ngôi nhà duy nhất còn đứng vững sau trận mưa pháo của quân Tây Ban Nha khoảng thế kỷ 15”.
“Không phải do pháo kích”, Raymond nhíu mày nói, “muốn kể phải nhớ lại lịch sử cho rõ, Joyce”.
“Như thế này, giặc chuyển súng ống tới bắn phá vùng duyên hải, phá sập nhà cửa. Câu chuyện không dừng lại đó. Quán trọ là một nơi khung cảnh hữu tình, cổng trước xây lên bốn cột trụ vững vàng. Tôi tìm được nơi ưng ý, vừa lo chuẩn bị đem đồ nghề xuống thì nghe tiếng xe ô tô đang đổ dốc. Thế nào rồi xe phải đỗ lại trước quán... tôi nghĩ bụng rồi lúng túng. Từ bên trong bước ra một ông đi cùng với một bà. Tôi không nhìn rõ mặt họ. Người phụ nữ mặc áo màu hoa cà, đầu đội mũ màu hoa cà”.
“Ngay tức thì người đàn ông lại trở ra, tôi mừng hết sức khi gã lái xe chạy ra bến tàu đậu ngoài đó. Gã đi bộ trở lại quán ngang qua chỗ tôi dứng. Cũng vừa lúc một chiếc ô tô quái dị từ đâu đó xịch lại, từ trên xe một người đàn bà bước xuống, khoác chiếc áo choàng vải bông màu đỏ thắm, trông lạ mắt. Thoáng nhìn trên đầu đội chiếc mũ rơm... tôi đoán họ là dân Cuba không chừng... cũng một màu đỏ thắm?”
Người đàn bà lái xe không dừng lại trước quán cho xe chạy thẳng rồi ghé qua quán khác. Nàng bước xuống cũng vừa lúc người đàn ông nhác thấy gọi tên nàng “Carol”, gã vừa kêu, “em là hiện thân của những gì đẹp nhất. Không ngờ anh gặp lại em nơi vắng vẻ thế này bao nhiêu năm rồi nhỉ. Này, Margery - vợ anh, em biết mà. Em nhớ ghé chơi với vợ chồng anh”.
“Hai người cùng đi tới quán trọ, người đàn bà lúc nãy trong quán bước ra đi về phía hai người. Người đàn bà tên Carol đi ngang qua chỗ tôi. Tôi kịp liếc mắt nhìn theo, thoáng thấy dưới cằm thoa một lớp phấn trắng mịn, môi đỏ chói, tôi mong nàng vui vẻ gặp cô ta. Tôi chưa nhìn rõ lắm Margery, nhưng nhìn xa xa cô ta ăn mặc luộm thuộm, dáng người đoan trang”.
“Ôi, họ nói gì thì nói, đâu phải chuyện của tôi. Họ nói chuyện xì xào từ đàng xa, đứng đây tôi thoáng nghe thấy được vài câu. Họ vừa bàn chuyện đi tắm biển. Nghe tên người chồng dường như là Denis, muốn thuê một chiếc thuyền chèo dọc theo bờ biển, để ngắm hang động đẹp mắt, xa hơn đấy mấy cây số. Carol cũng thích nhưng nàng muốn đi men theo trên bãi đá đứng từ ngoài nhìn vô. Nàng không thích ngồi trên thuyền. Rồi họ thỏa thuận với nhau, Carol đi bộ dọc theo bãi đá hẹn gặp nhau tại cửa hang động, Denis và Margery ngồi trên thuyền, chèo một vòng tới đó”.
“Nghe nhắc chuyện tắm biển tôi cũng muốn nhào xuống nước. Sáng hôm đó trời nóng, tôi không thể làm gì được. Hơn nữa chờ tới xế trưa khi nắng lên mới đẹp. Nghĩ là làm, tôi xếp đồ nghề, ra tới chỗ bãi hẹp nơi tôi đã tới một lần... hướng ngược chiều lại hang động, hãnh diện đã khám phá một nơi độc đáo. Sau khi tắm thoải mái tôi ăn uống qua loa với một lon thịt hộp và mấy quả cà, kịp về đến nơi trời xế trưa, trong người thấy khoan khoái và tự tin, tiếp tục cầm cọ vẽ”.
“Mọi người trong nhà Rathole đi ngủ. Tôi ngồi ngắm nhìn ánh nắng buổi trưa, trong bóng râm khung cảnh thật kỳ ảo. Ngôi nhà Polharwith Arms là nguồn cảm hứng cho tôi sáng tạo. Tia nắng chiếu hắt nghiêng về một phía lan tỏa trên nền đất tạo hình một đường nét cực kỳ sinh động. Mấy người rủ nhau đi tắm biển về lại đông đủ, tôi nhìn thấy hai chiếc áo tắm màu đỏ và màu xanh đậm treo phơi trước ban công”.
“Tôi khom người chỉnh lại một góc của bức tranh thấy chưa vừa ý. Lúc ngước đầu nhìn lên tôi thấy một khuôn măt lạ đứng tựa vô nhà Polharwith Arms nhìn có vẻ ma quái. Nhìn bề ngoài, một chàng thủy thủ nhưng tôi biết hắn là một ngư dân. Hắn để bộ râu xồm xoàm, nếu tôi tìm một hình mẫu về hình ảnh một thuyền trưởng ác ôn người Tây Ban Nha thì đây là một gương mặt ăn ý hơn hết. Chớp được thời cơ hiếm hoi tôi phác họa cho kịp, kẻo không gã dời bước đi thì hỏng, nhưng nếu nhìn cho kỹ tư thế gã đứng tựa lưng vô cột như muốn chôn chân lại đó”.
“Hắn di chuyển định bước đi nhưng may mà tôi kịp ghi lại đầy đủ các chi tiết. Gã bước lại chỗ tôi đứng bắt chuyện”.
“Làng Rathole”, gã khơi mào, “một địa danh có nhiều cái hay”.
“Chuyện đó tôi đã biết từ lâu nhưng tôi không nói ra để tránh mang tiếng tò mò, nhiều chuyện. Tôi biết hết, chuyện làng bị pháo kích... phải nói bị phá hủy hoàn toàn... và chuyện ông chủ nhà Polharwith Arms bị giết chết cuối cùng. Ông ta bị ngã xuống và bị đâm bởi chính thanh kiếm của viên đại úy người Tây Ban Nha, máu phun loang lổ ra vỉa hè, hàng trăm năm sau chưa rửa sạch”.
“Dư âm của câu chuyện cũng u ám nặng nề như không khí buổi chiều hôm đó. Lời gã kể thao thao êm tai như muốn báo hiệu câu chuyện có hơi hám rùng rợn. Bộ điệu bên ngoài xun xoe nhưng tôi nghĩ trong bụng gã độc địa. Nhờ đó mà tôi hiểu được tường tận chuyện tòa án pháp đình thời Trung cổ và những trò đàn áp dã man của người Tây Ban Nha so với những gì tôi được nghe kể trước kia”.
“Tai nghe kể chuyện mắt tôi vẫn chăm chú phác họa nhưng vì mải để tai nghe lúc nhìn lại nét vẽ không phải từ trong trí tôi. Một mảng đất trống trên vỉa hè nơi nắng chiều chiếu hắt xuống trước thềm nhà Polharwith Arms được vẽ với những tông màu máu, không hiểu vì sao tâm trí tôi muốn đánh lừa bàn tay và khi nhìn lại toàn cảnh quán trọ, người tôi choáng váng. Bàn tay tôi đã tái hiện những gì chính mắt tôi nhìn thấy... những vệt máu loang lổ trước thềm nhà lát đá trắng?”
“Tôi đứng lặng nhìn một hồi, hai mắt nhắm nghiền miệng lẩm bẩm, ‘Đừng có nghĩ vớ vẩn, nhìn cho rõ có thấy gì đâu’, mở mắt ra nhìn lại, những vệt máu còn nguyên”.
“Hai chân đứng muốn khuỵu xuống, tôi ngắt ngang câu chuyện giữa chừng”.
“Nhờ anh nhìn cho”, tôi nói, “mắt tôi đang hoa lên. Có phải chỗ đằng kia còn nguyên những vệt máu”.
“Gã nhìn tôi với ánh mắt chia sẻ”.
“Làm gì có chuyện máu me thời này, thưa bà, Câu chuyện tôi vừa kể cách nay chừng năm trăm năm”.
“Ờ”, tôi nói, “nhưng nay tôi thấy còn in dấu trước thềm nhà...” Cổ họng tôi nuốt nghẹn lại. Tôi biết... tôi biết gã không thấy cái tôi đã nhìn. Tôi ngồi dậy lo thu xếp đồ nghề, hai tay run lẩy bẩy. Bất chợt tôi trông thấy anh chàng ngồi trên xe sáng hôm nọ từ trong quán bước ra. Anh ta đang lóng ngóng nhìn khắp tứ phía. Trên ban công vợ anh ta cũng lo gom mấy chiếc áo treo trên dây. Anh ta bước lại chỗ xe đậu nhưng nghĩ sao quay ngoắt lại, băng qua đường tới trước mặt anh chàng ngư dân.
“Tôi muốn hỏi anh một việc”, anh ta nói “Anh có để ý người đàn bà từ trên chiếc xe đàng sau kia đã thấy trở ra chưa?”
“Người đàn bà mặc áo bông chứ gì? Dạ chưa, tôi chưa thấy cô ấy. Sáng nay tôi còn nhìn thấy cô ấy đang đi dạo ngoài bãi đá, chỗ hang động”.
“Tôi biết, tôi biết. Tôi cũng ra đó tắm chung, cô ấy trở về nhà một mình rồi tìm không thấy đâu. Chẳng lẽ cô ta bỏ đi suốt. Quanh bãi đá không có chỗ nào gập gềnh hiểm trở, phải thế không?”
“Tùy chỗ, thưa ông, ông muốn tới chỗ nào. Nên nhờ một người địa phương ở đây hay hơn”.
“Gã biết sao nói vậy, tôi thấy gã muốn nói chuyện nhưng anh chàng kia không thèm nói một lời, bỏ chạy đi về phía quán trọ, gọi vợ đứng trên ban công”.
“Này, Margery, chưa thấy Carol về nhà, quái lạ thế nhỉ?”
“Không nghe thấy Margery nói gì, người chồng nhắc lại. ‘Thôi, không chờ được nữa, ta còn phải đi qua Penrithar. Em đã xong hết chưa? Đợi anh quay xe lại’.”
Nghĩ lại mấy chuyện vừa qua tôi buồn cười làm sao. Nhìn chiếc ô tô mất hút tôi trở lại quán trọ nhìn xuống trước thềm nhà một lần nữa, căng mắt nhìn cho rõ. Mà thật có nhìn thấy máu me gì đâu, không, chẳng qua do trí tưởng tượng của tôi nó méo mó lệch lạc, do câu chuyện thêm thắt thêm phần rùng rợn... Vừa lúc đó tai tôi nghe tiếng anh chàng ngư dân nói:
“Bà tưởng là dấu máu chỗ này, hả, thưa bà?” Gã soi mói nhìn tôi.
Tôi gật đầu.
“Lạ, chuyện lạ. Ở làng này người ta còn mê tín lắm. Nếu ai nhìn thấy máu...” Gã lặng thinh.
“Thì sao?” Tôi hỏi.
Gã dịu giọng lại, nói tiếng dân quê Cornwall nghe xuôi tai như một người được học hành đàng hoàng, không chút ngượng nghịu.
“Người dân cho là, thưa bà, nếu ai nhìn thấy máu hai mươi bốn giờ sau sẽ tìm thấy người chết”.
Sởn óc! Tôi cảm thấy lạnh toát cả người.
Gã lại kể thao thao: “Bên trong nhà thờ còn bày bài vị của người chết...”
“Thôi không dám”. Tôi nói nhất quyết, lặng lẽ bỏ đi, trở về nơi nhà trọ. Về tới nơi tôi nhìn từ đằng xa thấy bóng dáng Carol đang bước đi, ngoài bãi đá. Nàng bước đi vội vã. Bóng nàng in trên nền đá xám xịt như một loài hoa dại màu tím thẫm. Chiếc mũ nàng đội trên đầu đỏ như một màu máu...
“Tôi rùng mình. Đầu tôi đang chứa đầy những hình ảnh về máu”.
“Một chặp sau nghe thấy tiếng xe ô tô tiến lại gần, không hiểu nàng có muốn đi qua Penrithar như tôi; nhìn chiếc xe quay ngược đầu trở lại về phía trái. Xe leo lên dốc đồi chạy mất hút, tôi mới thở ra một hơi nhẹ cả người. Làng Rathole trở lại với cái vẻ thanh tịnh như thuở nào”.
“Nếu chỉ có vậy”, Raymond West nói lúc cô Joyce vừa dứt câu chuyện. “Tôi phán đoán ngay. Người cô bị chứng khó tiêu, sau bữa ăn nhìn mọi thứ thấy hoa cả mắt”.
“Chưa hết đâu”, Joyce nói “Phải nghe cho tới phần cuối. Hai bữa sau báo đăng tin ‘Án mạng ngoài bãi tắm’. Nội dung tin nói về bà Dacre vợ ngài Đại úy Denis Dacre bị chết đuối gần vũng Landeer Cove cách bờ không bao xa. Trước đó hai vợ chồng thuê khách sạn ở lại, muốn đi tắm biển bỗng trời nổi gió. Đại úy Dacre thấy trời trở lạnh rủ thêm mấy người bạn đi chơi sân golf gần bên. Tuy nhiên do bà Dacre không thấy lạnh, nên bà đi một mình ra biển. Mãi không thấy vợ về ông hoảng hốt cùng mấy người bạn chạy ra biển. Đến nơi thấy quần áo bà còn để lại bên một tảng đá, nhưng tìm mãi không thấy người đâu. Gần một tuần trôi qua bỗng một hôm theo cơn sóng xô, xác bà giạt vô bờ, được tìm thấy cách một đoạn khá xa bờ biển. Một vết thương lớn do va đập trên phần đầu có lẽ là bị chấn thương trước khi bà chết. Có thể suy đoán lúc đó bà nhảy xuống nước đập đầu vô đá ngầm. Theo tôi thì bà chết khoảng hai mươi bốn giờ sau khi tôi nhìn thấy vệt máu trước thềm nhà”.
“Tòi thấy phi lý”. Ngài Henry phản đối. “Cách đặt vấn đề không đúng, có thể nói đây là một câu chuyện ma quái. Cô Lemprière là một người đồng bóng ảo tưởng”.
Ông luật sư lại húng hắng ho.
“Tôi thấy một điểm lạ...” Ông nói “Chỗ vết thương trên phần đầu. Theo tôi thì ta không thể không tính tới chuyện có kẻ muốn ám hại bà. Nói gì thì nói ta phải nắm vững bằng chứng. Ta phải tính đến chuyện cô Lemprière mắc chứng ảo giác”.
“Chứng ăn khó tiêu kết hợp với sự ngẫu nhiên”, Raymond nói “Liệu ngài dám chắc họ là cùng một nhóm người. Hơn nữa, chuyện nguyền rủa hay gì đó chỉ riêng những người dân làng Rathole mới biết mà thôi”.
“Theo tôi thì...” Ngài Henry lên tiếng. “Chính anh chàng ngư dân kỳ dị kia có dính dáng vô vụ này. Theo như lý lẽ ông luật sư Petherick đưa ra tôi đồng ý cô Lemprière đã hé mở cho ta thấy một vài manh mối”.
Joyce quay qua nhìn thấy ngài mục sư Pender nhếch mép cười, lắc đầu.
“Nghe thì hay thật”, ông nói, “tôi thì không đồng ý với ngài Henry cũng như ông luật sư Petherick, là ta đã thấy được một vài manh mối”.
Tức thì Joyce lén nhìn qua, bà Marple đưa mắt nhìn theo cười.
“Tôi thì cho là Joyce nghĩ chưa đúng”, bà nói, “tất nhiên là tôi có ý kiến khác hơn. Tôi muốn nhắc lại, ở chỗ phụ nữ với nhau nên tôi đồng ý một chi tiết bộ quần áo nạn nhân còn để lại. Còn đàn ông chuyện này khỏi phải bàn. Thay quần áo thì nhanh thôi. Thật là người đàn bà xấu xa! Còn ông chồng thì thật ác độc”.
Joyce quắc mắt nhìn.
“Kìa dì Jane”, nàng nói, “Xin lỗi bà Marple, tôi nghĩ là... là bà đã biết đâu là sự thật”.
“Thế này, cô em”, bà Marple nói, “tôi có thể ngồi yên không nói còn dễ hơn cô em đây - là một nghệ sĩ cô em rất nhạy cảm trước tình thế, phải không? Tôi ngồi một chỗ đan áo mà biết được hết manh mối. Những vệt máu trước thềm nhà nhỏ từng giọt xuống là từ chiếc áo tắm phơi trên ban công của chiếc áo tắm màu đỏ, bọn tội phạm không nghĩ ra đó là dấu máu. Tội nghiệp, đáng thương thay!”
“Xin lỗi bà Marple”, ngài Henry nói, “như các bạn thấy, tôi hoàn toàn mù tịt việc này. Hai người biết chuyện nói với nhau, cánh đàn ông chúng tôi hoàn toàn không hay biết”.
“Tôi sẽ kể hết đoạn cuối cho ông nghe”, Joyce nói “Sau đó một năm, lúc đó tôi cũng đang có mặt tại khu nghỉ mát ở biển đông vẽ tranh, bất chợt một cảm giác kỳ lạ như từ đâu hiện về. Trước mắt tôi là hình ảnh một người đàn ông và một người đàn bà đứng chào một người thứ ba là một bà mặc chiếc áo bông màu đỏ thẫm. ‘Carol, thật là kỳ diệu! Sau bao nhiêu năm bỗng lại được gặp em. Em biết vợ anh chứ? Joan, đây là cô Harding bạn cũ của anh’.”
“Tôi nhìn ra người đàn ông, chính là Denis ngày nào tôi đã gặp ở làng Rathole. Người vợ nay đã khác xưa - tức là, Joan chứ không phải Margery, cũng dáng người trẻ trung lịch thiệp, ăn mặc có phần luộm thuộm, rụt rè. Thoáng chốc tôi cảm thấy như mình đang hóa rồ. Nghe họ kể chuyện tắm biển. Tôi sẽ kể lại lúc đó tôi định làm gì. Tôi đi tới ngay bót cảnh sát... đến nơi chắc mọi người cho là tôi điên, cũng chẳng sao. Nhưng rồi mọi việc đâu vào đó. Một thám tử Scotland Yard có mặt tại chỗ đã nghe báo cáo sự việc như vừa kể. Được biết là - chà khiếp thật, tôi phải nhắc lại đây - cảnh sát nghi cho Denis Dacre. Tên thật ông ta không phải vậy... đi tới đâu ông thay tên đổi họ tới đó. Ông quen biết nhiều em đẹp, mấy em kín đáo rụt rè không bạn bè thân thích, ông lấy làm vợ, chu cấp tiền bạc, ổn định cuộc sống và một bữa nọ... chao ôi, khiếp thật! Người đàn bà tên Carol là vợ chính thức của ông ta cùng nhau lập mưu như những lần trước. Do đó hắn mới bị tóm. Hãng bảo hiểm lúc bấy giờ mới té ngửa. Gã thường lui tới chỗ bãi tắm vắng vẻ với cô vợ mới cưới, chờ thêm một người mới tới cùng rủ nhau đi tắm. Cô vợ mới cưới sẽ bị giết chết, Carol chỉ việc lấy quần áo nạn nhân mặc vô người leo lên thuyền cùng đi theo với gã. Xong rồi họ bỏ đi, tấp vô nơi nào chẳng được sau khi giả vờ hỏi thăm Carol, đến khi đi xa làng, lúc đó Carol thật vội vã cởi bỏ bộ áo của nạn nhân khoác lên người chiếc áo bông màu sặc sỡ, trang điểm phấn son lòe loẹt như xưa quay trở lại bãi xe leo lên xe lái đi. Cứ thế hai vợ chồng đoán biết từng con nước ai sẽ là nạn nhân kế tiếp ngoài bãi tắm quanh đó. Carol vẫn đóng vai người vợ mon men ra chỗ bãi tắm vắng vẻ quăng bộ áo tắm của nạn nhân trên bờ đá, thay lại bộ áo bông lặng lẽ ngồi chờ người chồng đến rủ nhau đi”.
“Có thể sau khi giết Margery máu cô ta phun bắn vô người Carol đọng lại trên chiếc áo tắm cùng một màu đỏ thắm, không phân biệt đâu là máu như lời bà Marple nhận xét. Chiếc áo tắm giặt đem phơi trên ban công trước nhểu giọt xuống. Gớm!” Nàng rùng mình. “Tôi có cảm giác vệt máu còn nguyên đó”.
“Chớ còn gì nữa”, ngài Henry nói, “tôi nhớ rõ mà. Anh chàng tên thật Davis. Tôi quên bẵng đi hắn còn nhiều bí danh khác như là Dacre chẳng hạn. Hai vợ chồng đóng cặp thật là xứng đôi, gian manh, tráo trở. Tôi lấy làm lạ không ai có thể nhận ra chuyện thay tên đổi họ của chúng. Giả sử theo như lời nhận xét của bà Marple, quần áo dễ nhận ra hơn là nhìn mặt mũi, nhưng bọn này thật lắm mưu chước, nếu ta nghi cho Davis thì khó mà buộc tội được, bởi hắn thường sắm vai một nghi can có tài biến hóa xuất quỷ nhập thần”.
“Dì Janes”, Raymond nói, mắt nhìn soi mói. “sao dì lại cho là vậy? Dì ngồi một chỗ ở nhà chẳng có việc gì làm cho dì ngạc nhiên cả”.
“Dì cho là mọi thứ trên đời này chẳng có khác gì nhau”, bà Marple nói “Cậu biết đấy, chuyện bà Green chôn sống năm đứa trẻ... đứa nào cũng được bảo hiểm nhân mạng. Đấy, đến lúc đó người ta mới sinh nghi”. Bà lắc đầu.
“Ở làng quê còn lắm chuyện gian ác. Tôi nghĩ là các cô cậu còn non trẻ chớ nên nghĩ là thế gian này nhìn đâu cũng thấy kẻ ác”.